Chứng khoán tăng: Nhà đầu tư tự bơm nhau?

Chứng khoán tăng: Nhà đầu tư tự bơm nhau?
TP - Những ngày đầu tháng 6/2009, VN- Index tăng vọt và dòng tiền lại chảy ào ạt về với thị trường chứng khoán. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chứng khoán lên quá nhanh như 10 ngày trở lại đây vẫn khiến nhiều người băn khoăn đà tăng này thật hay ảo?
Chứng khoán tăng: Nhà đầu tư tự bơm nhau? ảnh 1
Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tin vào sự hồi phục bền vững của TTCK

Phiên giao dịch ngày 3/6, VN-Index tăng chậm lại nhưng cũng lên đến 455 điểm, tăng 135 điểm so với hai tháng trước và là mức cao nhất từ đầu tháng 10/2008.

Đáng chú ý nhất là đã một tháng nay, phiên giao dịch nào cũng đều trên 1.000 tỷ đồng, ngang ngửa với thời hoàng kim đầu năm 2007.

Ông Phạm Linh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VIS thừa nhận, nhiều CTCK cũng không dự đoán được chứng khoán lại sôi động như thế.

Chỉ trong tháng 5/2009, khối lượng giao dịch lớn hơn giao dịch cả năm 2006 gộp lại. Nếu nhà đầu tư nào mua các cổ phiếu hot từ ngày 3/4  như SSI nay đã lời gấp đôi bởi cổ phiếu này từ 31.7000 đồng nay lên đến 66.000 đồng, REE từ 28.000 đồng lên 49.700 đồng/cổ phiếu, GMD từ 32.200 đồng lên 51.500 đồng/cổ phiếu, SAM 16.500 đồng lên 28.800 đồng/cổ phiếu…

So với nhiều TTCK khác tại ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU và Mỹ thì TTCK Việt Nam có mức tăng ấn tượng nhất trong vòng hai tháng qua. Tuy nhiên, đà tăng này lại chưa cho thấy cơ sở bền vững khi lực đẩy chủ yếu là tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành e ngại chỉ số của TTCK đang tăng nhưng ít có cơ sở kinh tế vĩ mô nào hỗ trợ. TS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Ngân hàng TPHCM) nhận định TTCK tăng mạnh phần lớn do các nhà đầu tư tự bơm nhau chứ những tín hiệu tốt của kinh tế thế giới và trong nước chưa đủ mạnh để kéo VN- Index lên quá nhanh như vậy.

CTCK SSI nhận định chứng khoán lên do luồng tiền và tâm lý chứ không phải do tác động của sự phục hồi kinh tế. Nhiều nhà phân tích cho rằng, hiện các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, tiết kiệm… không hấp dẫn nên dòng tiền bị đẩy sang chứng khoán khiến VN- Index càng nhảy, và tiền lại càng đổ vào nhiều.

Tuy nhiên, hiện tượng nhà đầu tư cứ mua được cổ phiếu là thắng như những ngày qua rất dễ đẩy TTCK trở lại thời kỳ ngủ đông do nhà đầu tư sau một thời gian quá hào hứng sẽ tỉnh ra và ào ạt xả hàng.

Đáng lo hơn, trong 10 phiên gần đây, xuất hiện lại tình trạng nhà đầu tư mua không được cổ phiếu này thì mua cổ phiếu khác với hy vọng lên cùng lên. Không ít cổ phiếu cũng tăng giá trần hàng ngày dù nhiều tin tốt của cổ phiếu này mới chỉ ở dạng tin đồn như tin SSI chia cổ phiếu thưởng sau đó bị chính SSI bác bỏ. CTCK HSC còn nhận định, thời điểm hiện nay là đoạn cuối của một sự hồi phục dài!

Nhiều chuyên gia tài chính khá thận trọng khi đưa ra lời khuyến nghị đầu tư dài hạn trong lúc này, vì không ít yếu tố ảo đã đẩy chứng khoán tăng. GĐ một quỹ đầu tư nước ngoài đặt vấn đề:

“Kinh tế phục hồi không nhanh nhưng chứng khoán lại tăng quá nhanh, dòng tiền đổ vào nhiều bất thường, nhà đầu tư tranh mua bằng mọi giá, TTCK tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.

Động thái chốt lời tăng mạnh trong phiên 3/6 cho thấy, chính nhà đầu tư cũng không tin tưởng lắm vào đà tăng dài ngày tiếp theo của VN - Index.

Bên cạnh đó, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh mã chưa tăng nóng, sau đó nhà đầu tư nội chạy theo, nhà đầu ngoại lại xả ra (bán cổ phiếu ra) và đổ tiền vào mã mới, đang hứa hẹn nhiều bi hài trong thời gian tới.

Tâm lý lạc quan

Những thông tin vĩ mô về nền kinh tế có thể có tác dụng tốt, tuy nhiên vẫn cần lưu ý, nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục và ở mức khiêm tốn. TS Nguyễn Đình Cung -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư khi được hỏi về vấn đề này đã  nói với Tiền Phong:

“Các gói kích thích kinh tế  đã có tác dụng trong việc giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận được tín dụng và là liều thuốc cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nếu xét về các chỉ số nền kinh tế năm tháng như giá trị sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, mức độ cải thiện vẫn chưa đáng kể, rõ ràng, chắc chắn”. 

Khánh Huyền

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.