Hiệp hội Lương thực Việt Nam thiên vị

 Hiệp hội Lương thực Việt Nam thiên vị
TP - Trong khi đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA phủ nhận việc can thiệp vào công tác hậu cần xuất khẩu gạo, doanh nghiệp vẫn chỉ ra một số trường hợp cụ thể cho thấy, VFA thiên vị trong điều hành.

>> Hiệp hội điều hành xuất gạo là vô lý

 Hiệp hội Lương thực Việt Nam thiên vị ảnh 1
Ngay cả khi gạo Việt Nam xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới, dân vẫn bị coi là bị thiệt. Ảnh nông dân thu hoạch lúa ở ĐBSCL: Hồng Lĩnh

Năm 2008, Vinafood 2 xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn gạo, chủ yếu được phân chia từ hợp đồng của Chính phủ, đặc biệt tại thị trường gạo Philippines giá cao, lợi nhuận nhiều.

Do được hưởng lợi lớn từ xuất khẩu gạo, nên có vị giám đốc của doanh nghiệp thành viên Vinafood 2, năm 2008 hưởng lương mỗi tháng trên 100 triệu đồng. Nhiều đơn vị không có chức năng, điều kiện xuất khẩu gạo vẫn được cấp quota.

Cty Cổ phần T.C ở Đồng Tháp chuyên nuôi trồng thủy sản, năm 2008 thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Cty không có các cơ sở kinh doanh lương thực nhưng cũng được VFA cho quota xuất mấy nghìn tấn gạo.

Năm 2008, Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang xuất khẩu gạo đứng thứ ba toàn quốc, chủ yếu là hợp đồng thương mại do đơn vị này tự tìm kiếm. Theo quy định của VFA, Cty này phải được phân bổ số lượng gạo xuất khẩu cao tương ứng từ các hợp đồng của Chính phủ, nhưng thực tế luôn nhận được chỉ tiêu thấp.

Trung gian ăn khắp nơi

Hầu hết bao bì xuất khẩu gạo tập trung đều do Vinafood 2 cung cấp. Các doanh nghiệp phải lấy theo giá quy định.

Đơn vị M. chuyên sản xuất bao bì ở TPHCM cho biết: “Một số cơ sở sản xuất bao bì là thành viên của Vinafood 2, sau khi nhận được chỉ tiêu cung ứng bao bì cho xuất khẩu, do năng lực có hạn, họ ký hợp đồng khống rồi mua lại bao bì của chúng tôi. Giá của chúng tôi bán chỉ 3.050 đồng/bao, họ mua về thanh toán 3.750 đồng/bao, chênh lệch 700 đồng/bao”.

Sau nhiều bài báo phản biện về một số điểm mờ trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA về xuất khẩu gạo, những quan điểm trái chiều về người lo đầu ra cho hạt gạo của nông dân vẫn chưa có hồi kết.

Tiền Phong trích đăng tiếp ý kiến của doanh nghiệp và bạn đọc về vấn đề này.

Số tiền chênh lệch bao bì rất lớn. Mỗi năm cả nước cần hơn 40 triệu bao. Số tiền chênh lệch mỗi bao 700 đồng là gần 30 tỷ đồng. 

Phát biểu tại một cuộc họp tại TP Cần Thơ vào hồi cuối tháng 4/2009, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA phủ nhận việc VFA can thiệp vào công tác hậu cần xuất khẩu gạo. Nhưng, việc thuê tàu vận chuyển gạo đi nước ngoài đã có sự can thiệp từ VFA trong nhiều năm qua.

Vào đầu tháng 1/2007, sau khi Việt Nam trúng thầu 474.000 tấn gạo xuất khẩu qua Philippines, ngày 7/2/2007, VFA có văn bản gửi Vinafood 2, giao đơn vị này làm đại diện để vận chuyển toàn bộ số lượng gạo trúng thầu nói trên.

Giá cước từ TPHCM đến các cảng của Philippines bình quân 22,95 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu phản ứng trước việc áp đặt này. Họ cho rằng, giá thuê tàu cao hơn so với bên ngoài  20 - 25 phần trăm.

Vì sao một hợp đồng thuê tàu cả chục triệu USD như thế không đưa ra đấu thầu công khai? Chưa kể, theo luật chơi, nếu thuê tàu mới đóng vận chuyển, phía hợp đồng sẽ được chủ tàu trả hoa hồng hai phần trăm, tàu hoạt động 10 - 15 năm, hoa hồng bốn phần trăm, tàu hoạt động trên 20 năm hoa hồng 6 - 7 phần trăm.

Doanh nghiệp nào lớn tiếng phản ứng, ngay sau đó, họ gặp thiệt thòi trong việc cấp phần trăm, bởi phần trăm trong tay lãnh đạo VFA, cũng là lãnh đạo Vinafood 2.

Không suôn sẻ như VFA báo cáo

Hôm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và lãnh đạo 13 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh việc điều hành xuất khẩu gạo của VFA không suôn sẻ..

Ông Nguyễn Hà Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bức xúc:  “Lượng gạo tồn kho tại bốn doanh nghiệp chính trong tỉnh là 126.000 tấn. Vì thế, các doanh nghiệp này không còn nhu cầu mua lúa thêm nữa, khiến người dân rất hoang mang”.

Ông Phong cho rằng, cách điều hành xuất khẩu của VFA như hiện nay còn nhiều bất hợp lý, ở chỗ, VFA thường chỉ căn cứ vào chỉ tiêu chung của cả nước (như năm nay là 5,2 triệu tấn) mà không giao chỉ tiêu theo địa bàn nên địa phương không được chủ động.

“Với cách điều hành này, nhiều khả năng chúng ta sẽ rơi vào kịch bản như năm 2008, là lúc giá cao thì không bán được, khi giá thấp thì ồ ạt xuất. Thực tế xuất khẩu gạo vừa qua không suôn sẻ như báo cáo của VFA” - Ông Nguyễn Hà Phong thẳng thắn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng tình với một số bức xúc của các địa phương và nhấn mạnh: “Cần tăng cường hơn nữa công tác điều hành xuất khẩu gạo bổ sung thành phần vào tổ điều hành xuất khẩu gạo.

Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao hai bộ đảm bảo ổn định giá và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Tại Đồng Tháp, khoảng 200.000 tấn lúa hàng hóa đang tồn trong dân.

Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp nói: “Việc chúng ta liên tục xảy ra tình trạng bùng nhùng trong công tác điều hành xuất khẩu gạo là VFA chưa cân đối sản lượng đầu ra trên địa bàn cả nước, dẫn đến việc lúc giá lên thì VFA tham mưu cho Chính phủ ngưng xuất khẩu, đến lúc bán được thì giá lại xuống thấp. Vì thế, việc nắm và dự báo không thể giao hết cho VFA”.

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, cho rằng, VFA đang được Thủ tướng Chính phủ giao điều phối xuất khẩu gạo, chứ không tự ý thêm bớt cho tỉnh này, tỉnh nọ hay giao quota cho từng tỉnh.  

Gây khó

Ông Phan Văn Đông - Giám đốc Cty Cổ phần Nông Lâm sản Kiên Giang: “Điều hành xuất khẩu gạo của VFA vừa qua gây khó cho doanh nghiệp. Bởi, ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài phải trao đổi qua lại mất khoảng 10 ngày mới xong. Không thể nói ký hay ngừng là làm ngay được. Nhưng VFA ra thông báo ngưng xuất khẩu gạo là có hiệu lực ngay hoặc ngày hôm sau có hiệu lực. Điều hành như thế làm mất hết khách hàng”.

Ông Lê Gia Hằng - Phó Giám đốc Cty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang: “Tháng 3/2009, chúng tôi được một khách hàng đặt mua 5.000 tấn tấm, vừa khi VFA không cho xuất khẩu gạo. Chúng tôi chỉ xin xuất khẩu tấm, không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực như VFA bảo, cũng không được. Qua ba tháng nằm kho, 5.000 tấn tấm lỗ mấy tỷ đồng. Bạn hàng bỏ đi rồi, VFA lại cho xuất khẩu”.

Ông Phan Văn Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân Tỉnh Đồng Tháp: “Xuất khẩu gạo phải là cơ hội làm giàu cho cả nông dân. Điều hành xuất khẩu gạo của VFA chưa làm được điều đó,  khiến nông dân bị thiệt hại rất lớn”.

Thông tin hai chiều: VFA không thể lấy lợi nhuận bù giá lúa

Giám đốc một doanh nghiệp phản đối việc các báo phản biện VFA cho rằng, họ không thể lấy lợi nhuận do xuất khẩu gạo san sẻ, bù vào giá lúa thấp hay bù vào nỗi khổ của dân.

Tôi là Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty TNHH Trung An, ở ấp Thạnh Phước, xã Trung  An, Thốt Nốt, Cần Thơ. Thời gian gần đây, một số báo, đài đăng tải ý kiến một số người, khá nhiều lần nói về VFA, xoay quanh vấn đề điều tiết xuất khẩu gạo, trong đó có báo Tiền Phong (ra ngày 12/5/2009). Tôi có ý kiến như sau.

 Hiệp hội Lương thực Việt Nam thiên vị ảnh 2
Bội thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Lĩnh

Cơn sốt gạo năm 2008 là có thật do nhiều năm, các nước không chú trọng đến việc trồng lúa. Giá gạo tăng cao từng ngày... Còn sốt gạo lúc đó là sốt ảo! Lỗi này do một số báo, đài đưa tin lấp lửng, gián tiếp để một số cửa hàng bán gạo lợi dụng, tung tin trục lợi.

Công giải tỏa và dập tắt cơn sốt gạo ảo ở Việt Nam lúc đó chính là bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình của ông Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong tại TPHCM và ông Phó Chủ tịch VFA Trần Bá Hoàn tại Hà Nội.

Hai ông công bố rõ ràng, dứt khoát trên đài truyền hình là: “Việt Nam không thiếu gạo. Tổng Cty Lương thực đảm bảo có đầy đủ gạo để đáp ứng cho bà con”. 

Tôi thấy nếu không có sự điều tiết xuất khẩu gạo của tổ điều hành do Chính phủ lập ra, trong đó VFA làm nòng cốt, một số doanh nghiệp ở rải rác các tỉnh đã dìm chết hạt gạo Việt Nam từ lâu rồi. Có rất nhiều ví dụ chứng minh rõ việc này. 

Nông dân bị đẩy ra rìa, có đúng không? Nông dân bán một kilôgam lúa 4.000 đồng mà lời 1.000 -  2.000 đồng là tốt rồi, còn việc lời như thế mà nông dân chân lấm tay bùn vẫn khổ thì đó lại là chuyện khác.

Thái Lan là nước có thể nói không hơn gì ta mấy, ấy vậy hạt lúa làm ra cũng được chính phủ họ bao tiêu với giá riêng dân không phải suy nghĩ. Còn ở Việt Nam thì sao?

Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lệnh cho hai TCty Lương thực phải tranh thủ, khẩn trương xây dựng một loạt kho chứa để mua hết lúa gạo cho nông dân theo giá chỉ đạo của Chính phủ. Tới đây, Chính phủ còn phải làm nhiều việc nữa cho nông nghiệp và nông dân.

Như vậy, đây mới là cốt lõi của vấn đề giải quyết giá lúa và mức sống cho nông dân và cũng là giải quyết việc xuất khẩu gạo có căn cơ . Chứ đâu phải doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay VFA lấy lợi nhuận do xuất khẩu gạo san sẻ cho nông dân để bù vào giá lúa thấp, bù vào nỗi khổ.

Xin chân thành cảm ơn báo Tiền Phong đã đăng bài, xin cảm ơn độc giả của quý báo, đặc biệt là các vị nông dân! 

VFA xin trả quyền quản lý xuất khẩu gạo

VFA vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề nghị sửa đổi chính sách, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và xin chuyển giao việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang Bộ Công Thương quản lý.

Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị được sửa đổi một số quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp vốn cho hai tổng công ty lương thực mua dự trữ thường xuyên 200.000 - 300.000 tấn gạo.

Văn bản này được VFA gửi Bộ Công Thương sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, Hiệp hội hành xử không công bằng trong điều hành xuất khẩu gạo.

Điển hình nhất là vụ hơn 53.000 tấn gạo của một doanh nghiệp Kiên Giang không thể xuất khẩu  theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Hiệp hội buộc Công ty không dỡ hàng ở Malaysia và phải chia 30 phần trăm khối lượng cho các doanh nghiệp khác.

MỚI - NÓNG