Xứ Hàn yên bình trong nóng bỏng

Xứ Hàn yên bình trong nóng bỏng
TP - Năm ngày tôi ở trên đất Hàn, tổng cộng Triều Tiên thử năm tên lửa! Nghe tin tức có vẻ như sống trong ngày trước cuộc chiến, nhưng thực tế, cuộc sống, sinh hoạt của dân xứ Sâm Cao Ly vẫn yên bình.
Xứ Hàn yên bình trong nóng bỏng ảnh 1

Lính trẻ Hàn Quốc tò mò nhìn về phía Triều Tiên  Ảnh: Hà Phan

Suốt một tuần tại Seoul, hình ảnh dễ thấy nhất là  dân Hàn xếp hàng viếng cựu Tổng thống Roh Moo-hyun. Trong chùa, trên quảng trường trung tâm, bên bến tàu điện ngầm hay ở công viên…, hàng trăm, ngàn người kiên nhẫn xếp hàng vài giờ để đặt hoa bên ảnh vị cựu Tổng thống rất được lòng dân chúng này.

Cảnh sát có mặt khắp nơi và tràn ngập khu trước Tòa thị chính Seoul. Nhưng khác với tưởng tượng của chúng tôi, không thấy biểu tình hay xung đột giữa cảnh sát với những người ủng hộ cựu Tổng thống Roh.

Tivi và báo chí Hàn Quốc ngày nào cũng dành phần lớn thời lượng, diện tích cho tang lễ và những gì liên quan đến vị cựu Tổng thổng xuất thân nghèo khó.

Trong khi đó, tin tức về căng thẳng hai miền đang leo thang không được người dân và báo chí trong nước coi trọng bằng. Lee Kyun Hee, người hướng dẫn chúng tôi tham quan Seoul giải thích: "Đây là lần thứ n, Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công Hàn Quốc và chúng tôi đã quá quen với điều đó. Còn sự kiện như tang lễ của ông Roh Moo-hyun thì cả đời nhiều người mới trải qua một lần".

Tại chùa và bên những điểm viếng cựu Tổng thống Roo, hàng hàng lớp lớp những thông điệp ngắn màu vàng, đỏ, trắng được dán lên theo truyền thống của người Hàn Quốc. Chưa thấy thông điệp nào đề cập đến chiến tranh đang rình rập.

Xếp sau sự kiện trên thì việc Park Ji- Sung trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên chơi trong trận chung kết Champions League rạng sáng 28/5 cũng là tâm điểm chú ý của người Hàn trong tuần qua. Đi đến đâu cũng có thể nghe già, trẻ, trai, gái…bàn tán với vẻ đầy tự hào về thần tượng của họ.

Bất cứ ở đâu, kể cả với người Hàn không biết tiếng Anh, chúng tôi chỉ cần nhắc đến Park là dù mua sâm, trả giá hay xếp hàng dưới ga điện ngầm, đều được đáp lại bằng những cử chỉ hữu hảo.

Không người Hàn nào mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian lưu lại Hàn Quốc lại chưa biết ít nhiều về Park Ji Sung. Thậm chí, nhiều cô gái còn lồng ảnh chàng cầu thủ không điển trai này vào dây đeo điện thoại.

Những ngày này, chàng Park còn được nhắc đến nhiều hơn cả đám cưới của nữ diễn viên Song Yoon Ah (vai nữ chính trong phim Chị gái tôi) và tài tử Seol Kyeong Gu cũng diễn ra tối 28/5.

Suốt ngày 28/5, nỗi thất vọng lớn nhất trong những câu chuyện, hiện rõ trên nét mặt nhiều người Hàn là chuyện MU thua Bacerlona và Park chơi không được như mong muốn trong trận chung kết Champions League.

Xứ Hàn yên bình trong nóng bỏng ảnh 2
Bức tượng thể hiện ước muốn hàn gắn của người dân Hàn Quốc đặt ngay biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Hà Phan

Còn việc tình hình chiến sự đang nóng lên, Triều Tiên sắp thử tiếp tên lửa hay Mỹ, Hàn, Nhật… bàn cách đáp trả cũng chỉ gợi lên chút lo âu.

Hỏi bất cứ người Hàn nào về nguy cơ chiến tranh cận kề, câu trả lời phần lớn là "chắc Triều Tiên lại dọa thôi". Có lẽ, với tâm lý đó nên mọi hoạt động buôn bán, giải trí vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày, dù tên lửa Triều Tiên liên tục phóng thử. 

Ngay cả tour tham quan DMZ, khu vực biên giới giáp Triều Tiên vẫn đón nhận khách bình thường với chương trình không có gì thay đổi.

Ngày 27/5, lúc mức báo động được nâng lên cấp hai, tương đương với tình trạng sẵn sàng chiến tranh, chúng tôi vẫn được chui vào đường ngầm giáp biên - Đường ngầm này bị Hàn Quốc phát hiện năm 1978 - do quân đội Triều Tiên đào xuyên qua biên giới.

Chúng tôi còn được leo lên tháp để dùng ống nhòm nhìn sang bên kia bên giới, đứng sát cầu Tự Do, thoải mái tham quan và vào nhà ga cuối cùng trên đất Hàn Quốc để đóng dấu lưu niệm…

Dân chúng tại những ngôi làng trong vùng biên giới vẫn bình thản làm nông, chăm sóc sâm và sinh hoạt hàng ngày bình thường. Lão nông Ahn Chyun Koo nói với du khách: "Vài ba tháng một lần, chúng tôi lại nghe sắp sửa đánh nhau. Lúc đầu hơi sợ nhưng năm nào cũng thế, không căng thẳng nhiều thì ít nên giờ chẳng còn mấy ai lo ngại nữa".

Không chỉ dân thường mà những người lính chúng tôi gặp ở vùng biên cũng không tỏ ra căng thẳng, và cũng chẳng nghiêm ngặt hơn. Thậm chí, có du khách Việt quên hộ chiếu vẫn được thông cảm, cho vào tham quam khu phi quân sự. Người viết bài này còn bá vai quàng cổ, chụp ảnh chung với lính gác tại ga Dorasan trên biên giới giáp Triều Tiên.

Nơi đây chỉ cách Seoul 52 km và cuối những năm 80 thế kỷ 20 trở về trước, không ít lần người Hàn tìm mọi cách để phòng ngừa tình huống xấu với khoảng cách không xa này.

Nhưng bây giờ, nhiều người Hàn thú thật "chẳng còn ai mua lương thực, tích trữ mọi thứ hay lo sơ tán vì đã quá quen với những chiêu giương Đông kích Tây".

Xứ Hàn yên bình trong nóng bỏng ảnh 3
Dòng chữ ghi trên cầu Tự do: “Việc nối lại cây cầu vào ngày 1/1/2000 đã phá tan bức rào ngăn cách 50 năm”. Ảnh: Hà Phan

Những ngày này, giống như dân Mỹ, EU, Nhật…, người Hàn Quốc lo khủng hoảng kinh tế đang hiện hữu hơn là chiến tranh mới chỉ ồn ào trên báo chí. Xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp lớn của nước này lo rằng, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này khó hồi phục trong tương lai gần.

Kéo theo đó là việc làm khó khăn, thu nhập giảm, đời sống ảnh hưởng tiêu cực và đấy mới là nỗi lo thường nhật, đánh thẳng vào cuộc sống, sinh hoạt của dân chúng. Tuy nhiên, trong bóng tối vẫn còn ánh sáng, khi bất chấp tình huống căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thị trường chứng khoán Seoul không rơi như lo ngại.

Trở về Seoul, gặp những cô dâu Việt hay người Việt sang xuất khẩu lao động, làm việc lâu năm tại đây, chẳng mấy ai quan tâm nhiều đến tình hình căng thẳng leo thang.

Vũ Mỹ Hạnh, từ Tiền Giang sang lấy chồng xứ Hàn đã bốn năm bảo, "má em gọi điện sang dặn cẩn thận nhưng dân Hàn không lo, cớ gì mình sợ".

Chồng Hạnh bán trái cây tại một chợ ngoại ô. Điều cô lo nhất nếu có sự cố là khách mua sẽ giảm, thu nhập kém và kế hoạch sinh đứa con thứ hai phải hoãn lại.

Còn Lê Đức Bình, quê Bắc Giang, công nhân một nhà máy thì nói, "lo cày gửi tiền về nhà đã, cả nhà máy, cả Hàn lẫn Việt, em chẳng thấy mấy ai nhắc đến tên lửa hay chiến tranh. Chỉ ngại tình hình bất ổn, đơn đặt hàng ít, tụi em thiếu việc".

Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc trong những ngày qua quan tâm đến chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều hơn những tin tức khác.

Tiến sĩ Vũ Minh Anh, người đang giảng dạy tiếng Việt tại một trường đại học tại Seoul cho biết, "quan hệ Hàn - Việt càng được nâng tầm, dân Việt ở Hàn làm ăn sinh sống càng dễ dàng hơn nên họ theo dõi những tin tức về Thủ tướng sát hơn các vụ thử tên lửa".

Trên chuyến bay từ Incheon về TP HCM có khá nhiều cặp chồng Hàn - vợ Việt cùng con cái, mà theo một tiếp viên của Vietnam Airline thì đông hơn ngày thường. Tuy nhiên, cô nào cũng bảo rằng, mình về thăm quê vì xa nhà lâu quá và vé máy bay đang khuyến mãi, chứ chưa ai lo chiến sự đến gần để chạy nạn.

Nhiều cô hỏi tôi, khách Việt sang du lịch Hàn Quốc nhiều không? Họ mong bởi khách quê nhà sang càng nhiều thì cơ hội kiếm thêm từ bán hàng, làm hướng dẫn viên hay buôn bán càng tăng.

Về đến Tân Sơn Nhất, lại nghe Triều Tiên tuyên bố sẽ thử tên lửa, nhưng có lẽ vụ thử này nếu có xảy ra cũng chỉ làm những chính trị gia, Mỹ cùng các đồng minh đau đầu hoặc quan hệ giữa Triều Tiên và nhiều nước căng thẳng hơn. Còn dân Hàn hay người Việt tại đây, có lẽ vẫn xem là chuyện thường ở Hàn Quốc.

Hỏi bất cứ người Hàn nào về nguy cơ chiến tranh cận kề, câu trả lời phần lớn là "chắc Triều Tiên lại dọa thôi". Có lẽ với tâm lý đó nên mọi hoạt động buôn bán, giải trí vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày dù tên lửa Triều Tiên liên tục được phóng thử. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.