Đi kinh tế mới: 23 năm đòi đất

Đi kinh tế mới: 23 năm đòi đất
TP - Bị xí nghiệp thu đất lập nông trường, họ thành những kẻ làm thuê ngay bên cạnh hàng nghìn hécta đất doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.
Đi kinh tế mới: 23 năm đòi đất ảnh 1
Đại diện 76 hộ dân xem công điện của thanh tra Chính phủ tại xã Đắk Sắk. Ảnh: PV

Năm 1981, hưởng ứng lời nhà nước kêu gọi giãn dân vào Tây Nguyên, chính quyền huyện Thạch Hà, tỉnh Nghệ Tĩnh, đưa 71 hộ dân xã Hộ Độ vào xã Đức Minh, huyện Đắk Mil xây dựng vùng kinh tế mới. Sau có thêm năm hộ nữa từ quê vào nhập chung.

Tháng 8/1985, Xí nghiệp Liên hiệp Cà phê Đắk Mil thành lập nông trường Đắk Sắk, cụm 76 gia đình Hộ Độ dứt khoát không chịu vào nông trường,  buộc phải dỡ nhà cuốn gói ra đi.

Do kinh doanh kém hiệu quả, nông trường Đắk Sắk giải thể, diện tích đất còn lại nhập vào Cty Cà phê Đức Lập. Thua lỗ bắt đầu từ năm 1994, hiện nay, Cty Đức Lập quản lý 750 ha đất nhưng gánh nợ hơn 60 tỷ đồng, đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lớn nhất tỉnh Đắk Nông.

Tháng 9/2008, Cty Cà phê Đức Lập gửi văn bản số 143 trả lời khiếu nại của ông Nguyễn Viết Am, một trong 76 hộ dân đòi đất, cho rằng, ông Am khiếu nại sai vì Nông trường Đắk Sắk đã quy hoạch hai khu dân cư mới và đền bù đầy đủ cho các hộ dân.

Tìm đến Cty Cà phê Đức Lập, Giám đốc Phạm Tuấn Anh (nhậm chức từ tháng 10/2006) cung cấp cho chúng tôi tập hồ sơ phô tô, gồm 101 văn bản còn lưu giữ về quy trình đền bù, giải tỏa khu kinh tế mới Hộ Độ 23 năm trước.

Hồ sơ cho thấy, việc thu hồi hàng trăm hécta đất của cụm 76 hộ dân quá đơn giản. Giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Xí nghiệp Cà phê Đắk Mil lúc bấy giờ lập tờ trình xin kinh phí đền bù vùng khai hoang 300 hécta ở Đắk Sắk và cứ thế khai hoang không hề có quy hoạch chi tiết trên hàng trăm hécta đất đã sản xuất ổn định suốt năm năm.

Khi di dời 76 hộ, Nông trường Đắk Sắk không ra quyết định thu hồi đất, không quy hoạch cho họ nơi định cư nào khác, việc bồi thường cũng không đầy đủ minh bạch.

Từ tháng 10/1985 đến tháng 1/1986, 76 hộ phải dỡ nhà ra rừng dựng lều lán tạm, sau đó nông trường mới gọi họ lên để nhận tiền đền bù ít ỏi hoặc ký khống. 

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sắk Nguyễn Đình Tâm xác nhận ông có biết 76 hộ dân nhiều lần kiến nghị đòi đất trong các cuộc họp HĐND và gửi đơn tới xã, huyện. Sau đó đơn về đâu thì ông chịu!

23 năm qua từ ngày bị cưỡng chế di dời, những nếp nhà của nhóm dân Hộ Độ giờ sống tản mác ở nhiều thôn xóm khác nhau vẫn tuềnh toàng, rắn bò vào tận thềm.

Bảo đảm lợi ích hợp pháp của dân

Chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lãnh đạo công tác định canh định cư - kinh tế mới hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Tất cả đều khẳng định từ năm 1992 trở về trước, tỉnh Đắk Lắk chẳng có khu dân cư nào hình thành từ dự án có quy hoạch chặt chẽ.

Thế nên, dù từ ngày 1/7/1980 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 201/CP về việc tăng cường quản lý ruộng đất trong cả nước, nói rõ: “Việc giao đất nông nghiệp, đất thổ cư nông thôn và đô thị trên 2 hécta hoặc phải di dân trên 20 hộ để lấy đất làm việc khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”, nhưng năm 1985 cấp xí nghiệp vẫn tự quyết việc di dân như trên, để lại hậu quả xấu cho nhiều người.

Ngày 28/5/2009 Vụ Khiếu nại Tố cáo thuộc Văn phòng Chính phủ có Công văn số 166 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

“Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại trên của công dân có lý, có tình, bảo đảm lợi ích hợp pháp của 76 hộ dân đúng theo quy định của pháp luật”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.