Iran: Hơn 100 nhà cải cách bị bắt sau bạo loạn

Iran: Hơn 100 nhà cải cách bị bắt sau bạo loạn
TP - Hơn 100 nhà cải cách bị bắt giữ trong vụ phản đối ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử tổng thống Iran xung đột với cảnh sát, đốt phá trên đường phố ở thủ đô Tehran chiều tối 13/6.

Đây được xem là cuộc biểu tình phản đối lớn nhất ở Tehran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Bất chấp kết quả kiểm phiếu cho biết ông Ahmadinejad giành tới gần 63 phần trăm phiếu bầu để tái đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ bốn năm tới, ứng cử viên đối lập, người theo đường lối cải cách Hossein Mousavi khẳng định mình mới là người chiến thắng thực sự.

Ngay lập tức, hàng ngàn người, hầu hết là giới trẻ, xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử, cáo buộc ông Ahmadinejad gian lận, tuyên bố ông Mousavi mới là tổng thống. Trong khi đó, ông Ahmadinejad khẳng định mình tái đắc cử trong cuộc bầu cử diễn ra hoàn toàn tự do.

Người biểu tình quá khích truy đuổi cả lực lượng an ninh, đốt cháy bốn xe máy của cảnh sát quanh trụ sở Bộ Nội vụ, dựng chướng ngại vật trên đường phố. Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay, đạn nhựa để giải tán đám đông.

Ứng cử viên Tổng thống Mousavi kêu gọi những người ủng hộ mình tránh gây ra bạo lực. Đường phố Iran sáng 14/6 trở lại yên bình nhưng giới phân tích chính trị cho rằng, căng thẳng đang gia tăng và bạo lực có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Hãng tin BBC, Reuters ngày 14/6 đưa tin hơn 100 thành viên của các nhóm cải cách ở Iran bị bắt giữ và bị cáo buộc kích động các cuộc bạo loạn trên đường phố Tehran. Trong số người bị bắt còn có cả em của cựu Tổng thống Iran Mohammed Khatami.

Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống Mousavi, người tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử, vẫn được tự do. Một số nhà lãnh đạo đối lập khác cho biết họ không bị bắt giữ, nhưng bị triệu hồi và được cảnh báo không được gia tăng căng thẳng. 

Trước tình hình bất ổn, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, đại giáo sĩ Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi nhân dân bình tĩnh và ủng hộ Tổng thống tái đắc cử, tránh bị kẻ thù bên ngoài lợi dụng. Một số chính trị gia cấp cao khác, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, ngày 14/6, cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad.

Phát biểu trước công chúng ở Tehran, ông Ahmadinejad khẳng định một thời kỳ mới đã bắt đầu trong lịch sử của đất nước. Trong khi đó, Tổng thống tái đắc cử chưa hé mở chính sách mới nào trong vấn đề hạt nhân đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của Mỹ và phương Tây. Chính quyền Mỹ cũng chưa công nhận chiến thắng của ông Ahmadinejad và bày tỏ mối quan tâm tới cáo buộc có gian lận trong bầu cử.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.