Hoài Thanh - một “chân dung” đa chiều

Hoài Thanh - một “chân dung” đa chiều
TP - Chúng ta từng biết cố đô “Huế Đẹp và Thơ” một thời là nơi hội tụ các văn nhân, trong đó có những tên tuổi kiệt xuất của làng “Thơ Mới” Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…;
Hoài Thanh - một “chân dung” đa chiều ảnh 1
Hoài Thanh và vợ - bà Phan Thị Nga thời làm báo ở Huế

Nhưng, nhà phê bình Hoài Thanh lại đến với Huế trong một hoàn cảnh đặc biệt và có thể nói là rất tình cờ.

Vào lúc Hoài Thanh đang học Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An - Hà Nội), ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 6 tháng tù treo.

 Trở lại trường, ông lại bị đuổi học vì chúng khám thấy trong tủ của ông có sách chính trị chống Pháp. Sau đó, nhờ Ngô Tất Tố giới thiệu, ông được vào làm việc ở tòa soạn báo “Phổ thông” và tờ “Le Peuple” (Nhân dân), nhưng chỉ được mấy số thì ông lại bị mật thám Pháp bắt và giải về quê (xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) quản thúc. Đó là vào cuối năm 1930.

Một sự tình cờ, ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế, có việc ghé qua khách sạn Cộng hòa ở Vinh – nơi Hoài Thanh làm gia sư. Biết Hoài Thanh có bằng tú tài Tây bèn thương lượng xin cho Hoài Thanh vào Huế làm thợ chữa mo-rát cho nhà in…

Ông Tín nhận tú tài Nguyễn Đức Nguyên làm “mo-rát” (chữa bản in), không ngờ đã tạo điều kiện cho một nhà báo trẻ xuất hiện, về sau trở nên nhà phê bình Hoài Thanh nổi tiếng.

Chỉ trong hơn một năm - từ báo Tràng An số 4 (ngày 12/3/1935) đến số 131 (ngày 12/6/1936) là số báo đăng “thông báo” chia tay cùng bạn đọc của ông và vợ là bà Phan Thị Nga vì hai người bị thực dân Pháp cấm viết báo Tràng An - ông đã viết trên một trăm bài báo đăng trên tờ Tràng An xuất bản tại Huế và nay được tập hợp lại trong cuốn “Hoài Thanh trên báo Tràng An”. 

Trong “Lời giới thiệu” tập tư liệu này, Từ Sơn đã viết: “…Cha tôi thường nói ông rất thích kiểu viết theo lối notes có nghĩa giống như là tùy bút. Lối viết ấy cho phép người viết muốn ghi gì thì ghi, phóng bút mà ghi, không cần phải tính toán gì hết.

Trên báo “Tràng An” và “La Gazette de Hué” ông viết theo kiểu ấy và đã để cho ngòi bút của mình động đến mọi thứ chuyện trên đời, trong xã hội mà người viết từng quan sát, nhận xét, suy nghĩ...mong sao được chia sẻ với người đọc để cùng sống đẹp hơn, hay hơn,đúng hơn…”

Quả là Hoài Thanh đã “động đến mọi thứ chuyện trên đời” qua hơn trăm bài đăng trên “Tràng An”; từ quan hệ Pháp-Đức trước thềm thế chiến 2 đến chuyện “Nước Tàu cải cách tệ chế”; từ nỗi khổ của nông dân dưới ách bọn cường hào hương thôn tự trị đến “Tình cảnh dân làm muối rất đáng thương”; từ chuyện giáo dục con trẻ đến thân phận vua quan Triều Nguyễn…

Hơn bảy chục năm trước, Hoài Thanh còn là một nhà báo rất trẻ (chưa đầy ba mươi tuổi), nhưng nhờ thông hiểu văn hóa Đông-Tây, biết nhìn xa trông rộng, nên những bài viết của ông không chỉ giúp chúng ta hình dung lại cuộc sống nhiều mặt thời đó mà không ít bài đến nay vẫn có ý nghĩa. Trong bài “Sông Hương” (Tràng An số 12 ngày 9/4/1935) sau khi miêu tả vẻ đẹp như huyền thoại của dòng sông, tác giả đã viết:

“…Niên ngắm cảnh, Niên tiếc, Niên sợ: một hơi gió, một làn sóng là có thể phá tan cảnh đẹp trước mắt Niên… Mười một giờ. Một tiếng còi tàu dài rồi những tiếng hậm hực, những tia lửa tung trong bóng tối. Cảnh ấy Niên còn lạ gì, nhưng sao hôm nay trông có chiều ghê sợ vậy?...Niên thấy rõ ràng cái vẻ khủng khiếp, hãi hùng của dòng sông…”. 

Như thế, từ hơn nửa thế kỷ trước, nhà báo trẻ Hoài Thanh đã sớm có tiếng nói cảnh báo về những mối đe dọa của làn sóng công nghiệp đối với sông Hương; đó cũng là lời cảnh báo sự can thiệp thô bạo của con người đối với môi trường, thiên nhiên - một hiểm họa của cả trái đất hiện nay.

Riêng về lĩnh vực văn chương, ngoài những bài viết xung quanh cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” đã được công bố trong một số sách nghiên cứu những năm qua, Hoài Thanh ngay từ khi viết báo Tràng An, đã tỏ ra là một cây bút phê bình có cảm thụ văn chương tinh tế và trung thực.

Trong bài “Nước Nam có hai trăm thi sĩ!”, nhận xét về cuộc thi thơ của báo Thanh - Nghệ -Tĩnh, ông viết với ý mỉa mai không che giấu: “…Tôi muốn nói là cái vinh dự vô song của nước ta sẽ sản xuất ra một lần hai trăm thi sĩ!”.

Và ông dẫn bài thơ được cho là xuất sắc nhất rồi chê thẳng thừng: “Tôi bực mình nhất là câu sau cùng, câu kết. Một bài thơ tám câu, còn thêm cho được một câu đạo đức mới nghe. Sao mà người ta tầm thường như thế? Cứ nói đến buổi sáng là tất nhiên phải lên giọng thức tỉnh người đời: “Bình minh không nhẽ cứ mơ màng”…”

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình HOÀI THANH (1909-2009), NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành 2 cuốn sách giúp người đọc hiểu thêm tác giả “Thi nhân Việt Nam” thời còn trẻ ở Huế (“Hoài Thanh trên báo Tràng An”) và một chân dung Hoài Thanh khá chân thực (“Tìm hiểu Hoài Thanh”) vì tác giả không chỉ là một nhà phê bình có kinh nghiệm mà là “người trong cuộc” - Từ Sơn (tức Nguyễn Đức Dũng) là con trai của Hoài Thanh.

Chỉ qua lời phê bình một câu thơ, từ hơn bảy mươi năm trước, chúng ta thấy Hoài Thanh đã sớm có ý thức đặc biệt coi trọng tính thẩm mỹ của thi ca và chỉ trích lối phê bình xã hội học dung tục - một vấn đề của giới phê bình mà ở nước ta, sau Đổi Mới, mới dần được khẳng định.

Đọc những bài phê bình trên báo Tràng An của Hoài Thanh, chúng ta còn hình dung được diện mạo hoạt động văn học vậy thời đó: “Nhân xem quyển “Kép Tư Bền”:

Nguyễn Công Hoan, nhà văn có nhiều hy vọng”, “Ông Phan Khôi với quyển “Chương dân thi thoại”, “Dứt tình của Vũ Trọng Phụng”, “Thế Lữ, thi sĩ của những người chưa yêu”, “Những câu thơ dễ thương - Nhân xem tập thơ của ông Phan Văn Dật”, “Cô lâu mộng, tiểu thuyết của ông Võ Liêm Sơn”…

Hoài Thanh còn viết liền trên hai kỳ báo giới thiệu Henri Barbusse - nhà văn cánh tả nổi tiếng của Pháp, tác giả tiểu thuyết Le Feu (“Khói lửa”, đã dịch ra tiếng Việt) được giải Goncourt, giới thiệu “một quyển sách bạo - quyển “Indochina S.O.S.” của bà Andrée Viollis, một tác phẩm về sau đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam trích dẫn.

Ông còn dịch và bình luận về bài diễn văn của nhà văn nổi tiếng của André Gide tại Hội nghị quốc tế các nhà văn tại Paris ngày 22/6/1935…Những điều vừa dẫn chứng tỏ trong mấy năm ở Huế (1931-1936), Hoài Thanh đã không ngừng cập nhật “thông tin”, mở rộng kiến văn, chuẩn bị những điều kiện để làm nên tác phẩm  để đời “Thi nhân Việt Nam”.

“Hoài Thanh trên báo Tràng An” giúp chúng ta hình dung được bộ mặt tinh thần và cuộc sống nhiều vẻ của xã hội Việt Nam hơn 70 năm trước; đồng thời, “chân dung” nhà báo trẻ Hoài Thanh đã góp phần làm cho chân dung tác giả “Thi nhân Việt Nam” có chiều sâu hơn, hoàn chỉnh hơn.

Từ đó, những nhìn nhận sai lạc về ông trước đây (do hiểu lầm hoặc cố ý bênh vực một “chủ thuyết” nào đó) mặc nhiên đã được “cải chính”. Như có thời một số người cho rằng Hoài Thanh là “chủ soái” phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” bênh vực tư bản và giai cấp giàu sang (!) trong khi chính Hoài Thanh lúc đó đang là một kẻ làm thuê và hơn 100 bài trên báo Tràng An chứng tỏ ông luôn đứng về phía những người nghèo khổ (ông đã lấy bút danh là “Nhà Quê”) không ngại lên án nhà cầm quyền Pháp và Nam triều. 

Nếu như chân dung Hoài Thanh còn những “góc khuất” hoặc chỗ nào đó bị người đời làm cho “biến dạng”, thì cuốn sách “Tìm hiểu Hoài Thanh” của Từ Sơn, ngoài các bài nghiên cứu phân tích những đóng góp của tác giả “Thi nhân Việt Nam” cho nền phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam, còn có một loạt bài báo “đính chính” những thông tin, bình luận tiêu cực về Hoài Thanh - kể cả với câu thơ “chân dung” Hoài Thanh của Xuân Sách (… “Nửa đời sau lại vị người ngồi trên”).

Những “đính chính” của tác giả có dễ thuyết phục được người đọc nhờ có “điểm tựa” là những tài liệu gốc; ví như đính chính lời G.S. Phan Cự Đệ thuật lại không đầy đủ ý kiến của Trường Chinh đánh giá về Huy Cận thì bên cạnh là trích thủ bút nguyên văn của Hoài Thanh về vấn đề này;

Hay về câu thơ của Xuân Sách, tác giả nêu những con số: Từ sau Cách mạng đến lúc mất (1982) Hoài Thanh có 139 công trình và bài nghiên cứu văn chương, trong đó chỉ có 8 công trình và bài viết về Tố Hữu; ông cũng chưa bao giờ dùng các từ “vĩ đại”, “đỉnh cao”… để ca ngợi Tố Hữu.

Tuy vậy, không phải lúc nào Hoài Thanh cũng đúng và cuộc đời ông không gặp trắc trở. Trong bài “Di bút của Hoài Thanh”, chính ông đã tâm sự với các con: “Sự suy nghĩ của cha đã có lúc hơi cứng nhắc trên vấn đề này cũng như trên nhiều vấn đề khác nữa… Có những điều không viết ra thì thấy bứt rứt không chịu được…”

Và ông đã viết những điều đó ra, trong đó có những câu không phải ai cũng dám viết ra: Ví như sau khi kể một vụ sai lầm trong “Cải cách ruộng đất”, ông viết:  “Tin ở Đảng là đúng. Nhưng lòng tin mà biến thành mê tín thì có thể rất nguy…”.

Như vậy, hai cuốn sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hoài Thanh là một bộ đôi bổ sung cho nhau, làm sáng tỏ và hoàn chỉnh “chân dung” tác giả “Thi nhân Việt Nam” đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ thêm đời sống xã hội và sinh hoạt báo chí, văn chương của đất nước ở những thời đoạn mà những ai quan tâm đến sự chuyển động của lịch sử Việt Nam đều muốn tìm hiểu.

MỚI - NÓNG