Từ 1/7, cảnh sát giao thông xử phạt thế nào?

Từ 1/7, cảnh sát giao thông xử phạt thế nào?
TP- Từ hôm nay, Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) mới có hiệu lực. Tuy nhiên, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 146) vẫn chưa hoàn thành.

>> Lái ô tô, cấm tiệt rượu bia

Từ 1/7, cảnh sát giao thông xử phạt thế nào? ảnh 1
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm một trường hợp

Tiền Phong trao đổi với đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục phó Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt xung quanh việc này.

Ông Dũng nói: “Luật mới quy định những hành vi mới nhưng trong Nghị định 146 chưa quy định việc xử lý những hành vi này như thế nào. Do đó, những hành vi chưa được Chính phủ quy định mức xử phạt thì Cảnh sát giao thông chỉ kiểm tra, tuyên truyền và nhắc nhở. Còn những hành vi có chế tài trong Nghị định 146, Cảnh sát giao thông xử lý bình thường”.

Theo luật mới, người lái ô tô sẽ bị cấm uống rượu, bia; liệu Cảnh sát giao thông có lập chốt gần quán nhậu không, thưa ông?

Từ hôm nay, người lái ô tô chỉ cần có nồng độ cồn hơn 0 phần trăm, cảnh sát giao thông có quyền xử phạt. Những người đi mô tô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở cũng sẽ bị xử lý.

Bộ trưởng Công an quy định, trong trường hợp cần thiết mở các điểm tổng kiểm soát. Tất nhiên, phương pháp, chiến thuật phải làm sao để hài hòa phù hợp với điều kiện, văn hóa, cách nghĩ của người Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt trên quốc lộ những chốt để tổng kiểm soát.

Cảnh sát giao thông chuẩn bị như thế nào để xử lý trường hợp uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện?

Từ 1/7, cảnh sát giao thông xử phạt thế nào? ảnh 2
Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng. Ảnh: PV

Hiện, mỗi Phòng Cảnh sát giao thông được trang bị ít nhất năm máy đo nồng độ cồn. Thậm chí, trang bị cho cả công an huyện.

Mỗi máy đo sẽ có nhiều ống thổi cho mỗi người hoặc sát khuẩn ống đã dùng để tránh lây bệnh qua đường hô hấp.

Các đội tuần tra cũng được cấp giấy chỉ thị màu (như quỳ tím) để kiểm tra người lái ô tô có cồn hay không. Nếu có cồn trong hơi thở, giấy sẽ đổi màu. Chúng tôi sẽ xây dựng văn bản pháp luật để lấy mẫu máu kiểm tra nồng độ cồn trong trường hợp cần thiết.

Cảnh sát giao thông căn cứ vào đâu để xác định người trên 14 tuổi không được chở ba trên xe máy mà xử phạt?

Tuổi của trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới bảy tuổi (Luật năm 2001 không quy định tuổi cụ thể). Trẻ em thì không có giấy tờ tuỳ thân. Cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào chiều cao, cân nặng và cách nói của các cháu để xác định độ tuổi để lập biên bản xử phạt.

Tuy nhiên, nếu người chở ba chứng minh được độ tuổi qua giấy khai sinh với cảnh sát giao thông thì biên bản xử phạt sẽ được hủy bỏ. Nói chung, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để xử lý những trường hợp này.

Cảm ơn ông!

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ 6/8, người hành nghề xe ôm bắt buộc phải có đồng phục và trang bị mũ bảo hiểm cho khách đi xe.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Thông tư bắt buộc người điều khiển các phương tiện nêu trên khi kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá phải có biển hiệu hoặc trang phục riêng do UBND cấp tỉnh quy định.

Đình Thắng thực hiện

MỚI - NÓNG