Xăng dầu, gas đồng loạt tăng giá

Xăng dầu, gas đồng loạt tăng giá
Lúc 19h ngày 30/6, liên bộ Tài chính - Công thương đã đồng ý cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng giá bán lẻ áp dụng từ 0g ngày 1/7.

Theo đó, giá mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 700đ, dầu DO 600đ, dầu hỏa 650đ.

Như vậy, giá mới đối với xăng A95 là 14.700 đ/lít, xăng A92 là 14.200 đ/lít, dầu DO là 12.100đ/lít, dầu hỏa 13.650 đ/lít.

Mặc dù cuối buổi chiều 30/6, ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết đã có một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu kiến nghị tăng giá, tuy nhiên tất cả phương án đang phải xem xét, trong đó có phương án giảm thuế nhập khẩu.

Nhưng cuối cùng việc tăng giá đã được quyết định.

Theo hãng tin quốc tế, giá xăng A92 tại Singapore bình quân trong 20 ngày qua ở mức 74,98 USD/thùng. So với thời điểm giá xăng trong nước tăng thêm 1.000đ/lít vào ngày 10/6, giá xăng nhập khẩu hiện chỉ cao hơn chưa tới 1 cent (giá xăng A92 nhập khẩu ngày 10/6 là 74,90 USD/thùng).

Một số doanh nghiệp đầu mối thừa nhận giá xăng nhập khẩu hiện không cao hơn thời điểm tăng 1.000đ trong nước hồi đầu tháng nhưng cho rằng đợt tăng giá trước đây vẫn chưa tương ứng và hiện vẫn chịu lỗ.

Cũng từ hôm nay (1/7), người tiêu dùng khi mua mỗi bình gas 12kg phải trả thêm khoảng 24.000đ. Giá gas bán lẻ sẽ dao động từ 212.000-214.000đ/bình 12kg.

Nguyên nhân vẫn là do giá gas thế giới tăng mạnh, đến 95 USD/tấn so với tháng trước. Mức tăng giá bán lẻ trong nước cao hơn mức tương ứng trên thị trường thế giới khoảng 1.000đ.

Giải thích điều này, lãnh đạo một số công ty cho biết do giá xăng dầu tăng hồi đầu tháng làm cước phí vận chuyển tăng. Hơn nữa, tỉ giá USD/VND cũng thay đổi nên phải tăng giá bán lẻ nhỉnh hơn để bù vào. Một yếu tố khác cũng được các công ty kinh doanh gas đón đầu, tính vào giá bán lẻ mới là đợt tăng giá xăng, dầu của một số đầu mối nhập khẩu.

Trong khi đó, nguồn gas mới từ Nhà máy Dung Quất sắp ra lò đầu tháng 7 khiến nhiều người hi vọng giúp bình ổn giá cả và nguồn cung cho thị trường trong nước. Theo công suất thiết kế, nguồn gas từ Nhà máy Dung Quất sẽ đạt khoảng 300.000 tấn/năm, cộng với trên 250.000 tấn/năm của Nhà máy Dinh Cố, nguồn gas trong nước có thể cung cấp cho thị trường đạt mức 60%.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Sĩ Thắng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (một trong hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN được giao bao tiêu sản phẩm cho nhà máy sản xuất trong giai đoạn đầu tiên), giá cả sẽ không có ưu tiên mà dựa vào giá thế giới.

Trong khi đó, một số công ty gas cho rằng dù giá bán theo giá thế giới thì công ty nào mua được nguồn gas trong nước vẫn có lợi thế hơn vì chi phí vận chuyển, bảo hiểm sẽ giảm.

Theo Lê Nguyên Minh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG