DK 1: Hai mươi năm giữ chủ quyền

DK 1: Hai mươi năm giữ chủ quyền
TP - Nhà giàn đổ, đồng đội hy sinh, bản thân bị trôi dạt trên biển, khắc khoải giữa lằn ranh của sự sống - cái chết, thế mà vừa hồi phục, không ít nhân viên DK1 tiếp tục xung phong nhận nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
DK 1: Hai mươi năm giữ chủ quyền ảnh 1
Trạm trưởng DK1/16 Dương Văn Hoan (ngoài cùng bên phải) giới thiệu cán bộ chiến sĩ nhà giàn với Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa. Ảnh: PV

Chiều 27/6, vừa đặt chân đến bãi cạn Phúc Tần, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa - Phó chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam, lập tức yêu cầu thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu HQ 621 khẩn trương bố trí phương tiện để đưa ông và một số thành viên đoàn công tác lên thăm cán bộ nhân viên và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên trạm DK1/16.

Ông cho biết: “Đại úy Dương Văn Hoan - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 là một trong những niềm tự hào của Quân chủng Hải quân”.

Dương Văn Hoan là một trong sáu cán bộ nhân viên chiến sĩ trạm Phúc Nguyên A may mắn được tàu HQ 606 cứu sống sau nhiều giờ trôi dạt trên biển.

Anh Hoan nhớ lại: Khoảng 4 giờ sáng 13/12/1998, bão trở nên dữ dội hơn. Sóng khổng lồ cao gần 20m liên tiếp ập vào làm trạm nghiêng dần rồi đổ.

"Khi ấy, tôi là chỉ huy phó cùng anh Vũ Quang Chương - chỉ huy trưởng trạm Phúc Nguyên A, yêu cầu anh em thả phao cứu sinh rồi lần lượt rời trạm".

"Tôi và các anh Tôn, Thủy, Dụng, Thuật và Thơ may mắn bám được vào phao rồi phó mặc cho số phận. Sau hơn 15 tiếng trôi dạt trên biển trong đói khát, kiệt sức, đến 18 giờ 55 cùng ngày, chúng tôi được tàu HQ 606 tìm thấy và cứu sống. Ba đồng đội thân thiết là Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn An và Lê Đức Hồng mãi mãi nằm lại nơi đáy biển sâu”.

Hoan bảo, đến bây giờ cơn bão khủng khiếp ấy thỉnh thoảng vẫn còn ám ảnh anh trong giấc ngủ. Ai cũng đinh ninh sau lần thoát chết hy hữu ấy, Hoan sẽ xin chuyển công tác. Nhưng, sau khi bình phục, anh lại tiếp tục xin đi DK.

“Đồng đội, đồng chí thân thiết của tôi vẫn đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, trong đó, nhiều người từng trải qua những giờ phút thập tử, nhất sinh. Nếu sợ hy sinh thì ai sẽ bảo vệ những vị trí tiền tiêu của Tổ quốc trên biển” - Hoan bộc bạch.

Và anh lại khoác ba lô lên đường, bỏ lại đằng sau ánh mắt âu lo của mẹ già và vợ trẻ. Từ đó đến nay, Hoan qua hàng loạt nhà giàn, từ DK1/7, DK1/9, DK1/20 đến DK1/16.

Tháng Sáu vừa qua, anh vinh dự được đề bạt làm trạm trưởng DK1/16. Hoan cũng là người duy nhất thuộc khung quản lý DK1 vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ Thế Công - nhân viên báo vụ nhà giàn DK 1/20 (Trạm Ba Kè C), có gương mặt khắc khổ, phong sương, trông già hơn nhiều so với tuổi 39. Nhờ trung tá Nguyễn Thế Dĩnh - Chính trị viên Khung quản lý DK1 báo trước, chúng tôi mới biết anh Hồ Thế Công chính là một trong những người may mắn thoát chết trong vụ đổ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần rạng sáng 5/12/1990.

Bà Hoàng Thị Lan - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xúc động: “Hai mươi mùa giông bão đã qua, hôm nay tôi mới có dịp đặt chân đến khu vực DK1 và thấm thía sự hy sinh lớn lao của cán bộ nhân viên và chiến sĩ nhà giàn.

Họ phải làm nhiệm vụ giữa biển khơi, cách xa hàng trăm hải lý, thiếu thốn mọi bề, thường trực nỗi nhớ đất liền và luôn đối mặt với nguy cơ phải hy sinh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và nhân dân cả nước nói chung cần phải có trách nhiệm hơn, cần phải có các chương trình hành động thật cụ thể để cán bộ nhân viên và chiến sĩ yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió”.

Cán bộ nhân viên và chiến sĩ công tác lâu năm tại DK1 nói, kể từ ngày ấy, chứng kiến ba đồng đội thân thiết là Trần Hữu Quảng - chỉ huy phó, Hồ Văn Hiền - nhân viên cơ điện và Trần Văn Là - y sĩ trạm DK1/3 hy sinh, Công trở nên ít nói.

Nhiều hôm, anh lặng lẽ ra ngoài nhìn về phía khơi xa. Cùng trôi dạt với anh Công, thiếu tá Bùi Xuân Bổng - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/17, nhớ lại: “Công đuối sức, mấy lần buông tay. Tôi và anh em phải lấy dây buộc vào phao cứu sinh cho đến khi được tàu HQ 711 đến vớt lên”...

“Sau lần được anh em cứu sống, tôi đã hứa trước vong linh của những đồng đội đã khuất, sẽ sống cho xứng đáng với tấm gương hy sinh cao cả của các anh” - Hồ Thế Công tâm sự.

Sau lần ấy, anh Công quyết gắn bó máu thịt với DK1, triền miên chinh chiến qua nhiều nhà giàn, có đợt công tác kéo dài đến gần hai năm. Cán bộ nhân viên và chiến sĩ trạm DK1/20 nói, Công thường hăng hái nhận về mình những phần việc nguy hiểm trên nhà giàn như cạo gỡ những lớp gỉ sét bám vào khung nhà giàn, giúp đỡ anh em trên nhà trạm mỗi khi có người đau ốm.

“Dương Văn Hoan, Bùi Xuân Bổng, Hồ Thế Công là tấm gương tiêu biểu của cán bộ nhân viên và chiến sĩ DK1, về đức tính hy sinh, chịu thương chịu khó, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giữa muôn trùng khơi, các đồng chí sẵn sàng nhường cho đồng đội áo phao của mình, sẵn sàng hy sinh để đồng đội được sống. Chỉ có tình yêu quê hương đất nước, tình thương yêu vô hạn đối với đồng đội mới có thể làm được những việc phi thường như thế” - Thiếu tá Nguyễn Thế Dĩnh cho biết.

DK 1: Hai mươi năm giữ chủ quyền ảnh 2
Nhà giàn DK bị sập do bão biển. Ảnh: PV

Thèm hơi ấm đất liền

Đối với cán bộ nhân viên chiến sĩ Trạm DK1/17, chú sáo sậu có bộ lông đen óng, được đưa từ đất liền ra là một trong những báu vật.

Bảy năm qua, trong điều kiện thiếu thốn giữa biển khơi, anh em trên trạm vẫn hết lòng chăm sóc, nhường từng hạt gạo, chén nước với niềm hy vọng nhỏ nhoi rằng một ngày nào đó, chú sáo sẽ cất tiếng.

Nhiều người nói sống giữa mênh mông trời nước, tàu thuyền ít qua lại, anh em thèm lắm một âm thanh quen thuộc để vơi đi nỗi nhớ đất liền. Còn nhà giàn DK1/10 thì nuôi toàn chó.

Thiếu tá Bùi Văn Tài - Chính trị viên trạm nói, anh em nuôi chó để hàng ngày được nghe tiếng chó sủa như ở quê. Cách đây không lâu, giữa lúc biển cả đang mịt mù sóng, xung quanh tàu thuyền đều đi tránh bão, cán bộ nhân viên trạm phát hiện có một chú chó lông vàng rực, co ro, đói lả dưới chân nhà giàn.

Anh em đưa chú lên băng bó vết thương, cho ăn và nuôi dưỡng từ đó đến nay. Dường như hiểu được nỗi nhớ đất liền của ân nhân, chú quyến luyến không muốn rời. Mỗi khi xuống thăm, chú lại sủa cật lực rồi rúc mõm vào người cán bộ chiến sĩ nhà giàn một cách nũng nịu.

Những ngày đặt chân đến thềm lục địa DK1, chúng tôi nghe kể rất nhiều về cách làm vơi đi nỗi nhớ của cán bộ chiến sĩ. Có nơi thì nuôi gà trống đơn giản vì thèm được nghe tiếng gáy báo hiệu bình minh, nơi thì nuôi bồ câu.

Chợt nhớ đến bài thơ nhói lòng của một số cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1: “Nơi anh ở không cây không hoa/Không có đường ghế đá công viên/Không có buổi đạp xe trên phố/Không có quán nước bên đường nghỉ lại ăn kem/Không có đêm trăng ngồi bên hồ nước/Anh thì thầm khẽ nói yêu em/Ở nơi anh khoảng trời cách biệt/Nhà –một chấm nhỏ nhoi trên biển biếc/Rát thịt da, gió nói tháng năm trường/Cho anh thả nỗi niềm mơ mộng/ Theo ngày về hò hẹn với người thương”.

Kỳ cuối: Nối liền cách trở

Biết chắc nhân viên báo vụ tiếp nhận thông tin công tác hàng ngày ở đất liền là vợ của mình nhưng anh - một nhân viên báo vụ của nhà giàn không thể nói một lời yêu thương hay hỏi thăm về sức khỏe đứa con trai phải đưa vào bệnh viện cấp cứu vào đúng ngày anh ra biển nhận nhiệm vụ.

Không có sóng viễn thông, cán bộ nhân viên chiến sĩ hoàn toàn mất liên lạc với gia đình khi nhận nhiệm vụ trên nhà giàn DK1.

MỚI - NÓNG