Vì sao anh đi?

Vì sao anh đi?
TP - Tôi chưa từng hâm mộ anh, kể cả ở thời kỳ hoàng kim. Dù tôi nghe tất cả những gì của anh có thể tìm được ở Việt Nam cái thời mới mở cửa ấy.
Vì sao anh đi? ảnh 1
Michael Jackson

Hồi còn sinh viên năm I, nhiều khi đi ngủ, cứ để nguyên nhạc Michael chạy trên cassette oang oang đầu giường. Mà còn có 11 bạn nữa ngủ cùng trong cái phòng ký túc xá chưa được 30 m2 ấy. Đó là album Bad.

Không hoàn toàn thích nhưng không thể không nghe, mà rõ ràng là nghe không chán.

Michael Jackson không được tôi thích vì nhiều lý do. Giọng quá mảnh, nghe cứ yểu yểu (đây chỉ là gu của riêng tôi về giọng, còn kỹ thuật của anh thì miễn bàn).

Nhảy nhót với tôi là một cái gì đó màu mè câu khách. Mà nhảy trông cũng đỏng đảnh thế nào (lại cũng chỉ là vấn đề gu, chứ vũ đạo thì quá chuẩn).

Rồi những chiêu PR (hồi đấy còn chưa có khái niệm này ở Việt Nam) quá lố như cho trôi sông một đống tượng hồi phát hành Dangerous, hoặc cho các diễn viên tung hô và cầm biển đề King of pop trong một video-clip của chính mình…

Ngoại hình không phải vấn đề nhưng rõ ràng là rồ dại khi càng mổ càng xấu đi. Lại còn tin đồn tẩy trắng da cực phản cảm. Rồi xì-căng-đan quan hệ với trẻ con. Nói chung là không thể mê được, mà chỉ là một thứ không thể không nghe vào thời đó.

Rồi xuống dốc, không làm ăn gì nữa. Cũng thấy bình thường. Chả nhớ nhung gì. Rồi diễn lại. Ờ thì cũng tốt. Hết tiền thì phải kiếm. Chắc cũng chẳng còn gì hay hơn đâu mà.

Thế rồi đùng một cái chết. Hơ hơ! Phản ứng đầu tiên của tôi khi biết tin này vào sớm 26/6 là lên mạng kiếm một bài hát của Michael đưa lên blog chỉ để thông báo rằng, người hát bài này không còn nữa. Thế rồi, xem lại hình ảnh Michael nhỏ bé giữa rừng cây cao vút, với khuôn mặt bự phấn nhưng vẫn là của một con người đang cầu cứu, hát: Before you jugde me, try hard to love me… Suýt khóc. Nếu xem cả bài thì chắc là đã rơi nước mắt rồi.

Sau khi anh chết, tất cả những gì kỳ quặc mà anh làm trong đời sống chỉ thể hiện anh là một con người yếu đuối và đáng thương. Còn những gì anh làm trong âm nhạc (kể cả chuyện tự quảng cáo), sau khi anh chết, hóa ra độc nhất vô nhị, hoàn hảo trong khả năng mà anh có thể làm được.

Và tất nhiên để có được sự hoàn hảo trong nghệ thuật, cuộc đời của anh là một chuỗi bi kịch cũng hoàn hảo không kém.

Tất cả những gì phi thường trong đời đều được trả giá bằng những gì bất thường. Mọi người lên án ông Joe cướp đi tuổi thơ của con trai nhưng, nếu không có tham vọng đến bệnh hoạn của ông ta, Michael Jackson chắc không thể thành công từ tuổi 14 và lên tới đỉnh cao vào tuổi 40. Đỉnh cao đó biết bao giờ mới có người vượt qua.

Sự trả giá cho một đỉnh cao nghệ thuật là một vực sâu tương đương trong cuộc đời. Nghe tin Michael chết, có người nói ngay: “Thế là hắn bất tử rồi”. Một nhạc sĩ thì đại ý, thời hoàng kim đã qua, chết là phải, có gì đáng tiếc! Tóm lại, để hình ảnh siêu sao thật sự hoàn hảo, người đó phải trả bằng chính thời gian sống của mình.

Gần như có một đề nghị ngầm từ công chúng dành cho anh nếu anh đã lên tới đỉnh cao nghệ thuật. Một cách tự nhiên, công chúng cần một hình ảnh để hâm mộ, để bàn tán, để than khóc. Mọi trạng thái đều phải lên tới đỉnh điểm.

Và lời đề nghị nhiều khi trở thành bản án trong trường hợp John Lennon - bị fan cuồng bắn chết ở tuổi 40. Có lẽ không lĩnh vực nào, người ta đòi hỏi nạn nhân phải cống hiến bằng cả con người, cả cuộc sống của anh ta như trong nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn mà, trong đó, ca nhạc là thứ đang được quan tâm nhất.

Khi anh đã đạt tới đỉnh cao. Nếu không leo tiếp thì xuống vực. Nếu Michael Jackson giải nghệ và cố gắng sống bình thường, hẳn đã thêm được ít năm nữa. Còn khi anh lại đặt mình vào guồng quay mà không quay theo đúng như tốc độ đã được mặc định cho mình, thì văng ra là đương nhiên.

Trong số các ngôi sao phải ra đi vì không kham nổi sức ép (dù nguyên nhân trực tiếp có thể là nghiện ma túy hay thuốc an thần, bệnh biếng ăn, hay tự sát), Michael thậm chí còn vào hàng thọ.

“Tôi là một ca sĩ nổi tiếng ở một nước nhỏ mà sức ép đã thế thì nổi tiếng cỡ Michael Jackson sức ép khủng khiếp thế nào”, Thanh Lam nói với Tiền Phong.

Xem ra phần bất tử vẫn dành cho các ngôi sao bên Mỹ. Mà nếu muốn bất tử nữa, phải làm những điều phi thường hơn nữa. Bất tử chả biết mấy nả (nghe nói bà Vanga bảo đến 2012 là tận thế(?)), chỉ thấy đột tử nhanh hơn thôi.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.