Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật VN

Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật VN
TP - Sau khi Tiền phong liên tiếp đăng tải loạt bài điều tra “Bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, Tiền Phong nhận được các công văn hồi âm của Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (MTVN).

Tiếp nhận các Công văn số 30 đề ngày 9/6, Công văn số 31 đề ngày 11/6 do ông Trương Quốc Bình (nguyên Giám đốc Bảo tàng MTVN, hiện đã nhận công việc mới) ký, lãnh đạo và phóng viên Tiền phong đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Bình và một số cán bộ Bảo tàng MTVN. Sau đó, Tiền Phong nhận được tiếp Công văn số 32 đề ngày 22/6, vẫn do ông Trương Quốc Bình ký.

Theo đúng các quy định của Luật Báo chí, trong bài viết này, Tiền Phong đăng tải các ý kiến của Giám đốc BTMTVN, và một lần nữa nêu rõ các quan điểm, chứng cứ của báo Tiền Phong về những bất thường ở Bảo tàng MTVN.

Hồi âm của Giám đốc Bảo tàng MTVN

Tại Công văn số 30, Giám đốc Bảo tàng MTVN chủ yếu khiếu nại bài viết trên Tiền Phong số 160 - bài viết nói về những bất thường trong việc xây lắp trạm biến thế điện tại cơ sở hai của Bảo tàng MTVN.

Công văn số 30 khá dài, xin tóm tắt các ý chính: Giám đốc Bảo tàng MTVN cho rằng việc chỉ định thầu xây lắp trạm biến thế thực hiện đúng các quy định pháp luật; đơn vị thẩm định - phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán công trình là rõ ràng, không có gì khuất tất; việc bên B lắp máy biến thế cũ tân trang lại không thuộc trách nhiệm của Bảo tàng MTVN (bên A); việc mua máy (cả hai lần) và xây lắp trạm biến thế thực hiện đúng các quy định pháp luật, không có chuyện giá bị đội lên nhiều lần.

Giám đốc Bảo tàng MTVN cho rằng nhóm PV Tiền Phong “vội vã đưa ra những nhận định hàm hồ, chủ quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín” của Bảo tàng MTVN.

Dưới đây là ý kiến trả lời của báo Tiền Phong.

Về việc thẩm định - phê duyệt thiết kế kỹ thuật

Trong việc xây lắp trạm biến thế, bài viết trên Tiền Phong số 160 có nêu “Đơn vị nào chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và lập tổng dự toán công trình, hiện vẫn chưa rõ”.

Để nhận định như vậy, các PV căn cứ vào biên bản nghiệm thu trạm biến thế. Theo quy định, các bên liên quan gồm thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát... đều phải ký vào biên bản. Tuy nhiên, tại biên bản nghiệm thu đề ngày 24/8/2007, phần thông tin về đơn vị thẩm định - phê duyệt thiết kế kỹ thuật, cũng như đơn vị duyệt tổng dự toán công trình bị bỏ trống.

Cần nói thêm, ngay Công văn số 30 của Bảo tàng MTVN cũng không nêu được đơn vị nào thẩm định - phê duyệt thiết kế kỹ thuật, chỉ nói mập mờ trạm biến thế được xây lắp “Với sự phối hợp tư vấn giám sát thi công và tổ chức nghiệm thu của Điện lực Đống Đa”; “Do không có chuyên môn về điện nên chúng tôi đã ủy nhiệm cho đơn vị giám sát kiểm tra theo dõi và nghiệm thu”; “Từ sau khi hoàn tất việc lắp đặt đến nay, việc quản lý trạm do Điện lực Đống Đa thực hiện”; “Rạng sáng 2/9/2008, trạm biến áp xảy ra sự cố gây mất điện toàn bộ khu vực cơ quan, với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi đã thông báo để Điện lực Đống Đa đến kiểm tra và có hướng khắc phục”.

Cách nói trên không phản ánh đúng thực tế, dễ gây hiểu nhầm rằng Điện lực Đống Đa phải chịu trách nhiệm nếu việc xây lắp trạm biến thế có sai sót.

Thực tế, Điện lực Đống Đa không phải đơn vị “tư vấn”, “được ủy nhiệm nghiệm thu”, “quản lý trạm biến thế”. Họ chỉ được thuê giám sát thi công. Đơn vị nghiệm thu và quản lý trạm chính là Bảo tàng MTVN. Khi xảy ra sự cố, Bảo tàng MTVN mời Điện lực Đống Đa đến kiểm tra không phải “với tư cách chủ đầu tư”, mà với tư cách hộ tiêu dùng điện.

Về việc chỉ định thầu

Theo Điểm đ, Điều 20, Luật Đấu thầu, “gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển” có thể được chỉ định thầu. Tuy nhiên, Điểm đ điều luật này quy định thêm “trường hợp thấy cần thiết thì tổ chức đấu thầu”. Như vậy, việc chỉ định thầu không bắt buộc, phụ thuộc nhiều yếu tố như công trình có cần thi công gấp rút không, năng lực chuyên môn của chủ đầu tư có đáp ứng được việc chỉ định thầu không.

Điều 35 Nghị định 111/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu quy định: “Chủ đầu tư chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ yêu cầu, để bên mời thầu gửi cho nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất”; “Trên cơ sở báo cáo kết quả chỉ định thầu, báo cáo thẩm định, chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu có giá dưới một tỷ đồng”.

Theo các quy định trên, Bảo tàng MTVN là chủ đầu tư nên cũng là đơn vị phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu xây lắp trạm biến thế (giá xấp xỉ 900 triệu đồng), với các điều kiện: Phải có hồ sơ yêu cầu (của bên mời thầu); phải có hồ sơ đề xuất (của nhà thầu); phải có báo cáo thẩm định (của bên mời thầu).

Tại công văn số 30, Giám đốc Bảo tàng MTVN thừa nhận “không có chuyên môn về điện”. Trong điều kiện đó, với tư cách chủ đầu tư, để có thể phê duyệt hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất, cũng như các báo cáo thẩm định, Bảo tàng MTVN phải thuê các đơn vị có chuyên môn về điện để tư vấn - thẩm định kỹ thuật.

Như đã trình bày ở phần trước, trong việc xây lắp trạm biến thế, vẫn chưa rõ Bảo tàng MTVN đã thuê đơn vị nào tư vấn, đơn vị nào thẩm định - phê duyệt thiết kế kỹ thuật, cũng như đơn vị nào đóng vai trò bên mời thầu. Vì vậy, việc Bảo tàng MTVN phê duyệt kết quả chỉ định thầu là chưa đảm bảo đúng, đủ các điều kiện luật định.

Về trách nhiệm trong việc lắp máy cũ

Việc máy biến thế được lắp không phải máy mới như hợp đồng đã ký kết, mà là máy cũ mông lại, trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị được chỉ định thầu bán máy, bán vật tư thiết bị, đồng thời xây lắp trạm biến thế. Đó là Cty TNHH Thương mại & Xây lắp Công trình (gọi tắt là Cty Xây lắp), trụ sở tại 34 Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong hồ sơ hoàn công trạm biến thế, theo quy định, chiếc máy biến thế phải có lý lịch đầy đủ, rõ ràng. Như Tiền Phong đã thông tin, chiếc máy này được Cty Chế tạo Biến thế & Vật liệu Điện Hà Nội sửa chữa và tân trang, do đó nó không thể có lý lịch đầy đủ, rõ ràng như những chiếc máy được sản xuất mới. Với tư cách chủ đầu tư, Bảo tàng MTVN phải chịu một phần trách nhiệm khi thẩm định không kỹ hồ sơ máy, nghiệm thu công trình chưa chặt chẽ, dẫn đến chiếc máy cũ vẫn được chấp nhận.

Cần nói thêm, khi máy biến thế hỏng (từ trước lúc cơ quan công an vào cuộc), Bảo tàng MTVN cần mời Cty Xây lắp đến để phối hợp làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm hướng khắc phục. Song chưa rõ vì lý do gì, Giám đốc Bảo tàng MTVN chưa thực hiện việc này. Ngay cả khi Tiền Phong chỉ ra Cty Xây lắp đã có dấu hiệu cố ý làm trái, Giám đốc Bảo tàng MTVN gửi công văn đến báo Tiền Phong không một lời phê bình Cty Xây lắp, mà vẫn viết mập mờ, làm như người phải chịu trách nhiệm là Điện lực Đống Đa.

Về giá thành xây lắp

Các PV Tiền Phong tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia điện lực, được biết giá chiếc máy biến thế 250KVA khoảng 150 triệu đồng, còn tổng giá thành xây lắp trạm thường không quá hai lần giá máy. Qua đó, có thể thấy giá xây lắp trạm biến thế tại Bảo tàng MTVN (gần 900 triệu đồng) là quá cao. Quyền kết luận là của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Điều đáng nói là Cty Xây lắp đã bán cho Bảo tàng MTVN chiếc máy cũ, với giá của chiếc máy mới. Hành vi này rõ ràng đã gây thất thoát tiền của Bảo tàng MTVN, đúng hơn là, tiền từ ngân sách nhà nước giao cho Bảo tàng MTVN quản lý.

Trong công văn gửi báo Tiền Phong, với tư cách chủ đầu tư, Bảo tàng MTVN cũng chưa nêu rõ hướng xử lý để thu hồi tiền thất thoát về cho Nhà nước. 

-------------------

(còn nữa)

MỚI - NÓNG