Người tiêu dùng Việt:

'Sính' sữa ngoại nhưng ‘mù’ thông tin

'Sính' sữa ngoại nhưng ‘mù’ thông tin
TPO - Giá sữa cao ngất ngưởng nhưng người tiêu dùng vẫn móc túi đều đặn để mua vì tin rằng sữa ngoại chất lượng tốt hơn, trẻ uống sẽ thông minh hơn mà không nhận ra mình đang bị lạc hướng trước quảng cáo một chiều của các nhà sản xuất.

>> Vì sao sữa bột ngoại ở VN đắt nhất thế giới?

Người tiêu dùng bị móc túi đều đặn

'Sính' sữa ngoại nhưng ‘mù’ thông tin ảnh 1
Giá sữa đắt do người tiêu dùng “sính ngoại”, thiếu thông tin. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên thị trường đã có nhiều đợt tăng giá trong các tháng từ 1 đến 7/2008.

Cụ thể, Công ty TNHH 3A phân phối sữa bột của hãng Abott tăng 3 đợt mỗi đợt bình quân khoảng 4 -7,8%. Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Việt Nam phân phối sữa bột của hãng Dumex có 31 sản phẩm tăng từ 3 – 21% trong khi Dutch Lady Việt Nam tăng 6 – 10% cho nhóm hàng sữa bột Cô gái Hà Lan, sữa Anpha tăng 9 – 10%.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, công ty TNHH Dược phẩm 3A đã điều chỉnh giá sản phẩm tăng từ 3.500 – 24.500 đồng/ hộp và hãng sữa NamYang với thương hiệu XO tăng 10% đối với một số sản phẩm.  

Thống kê của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp – nông thôn, Bộ NN&PTNT cũng cho thấy mặt bằng giá sữa quý I/2009 có xu hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2008. Đặc biệt giá tại thời điểm cuối tháng 3 còn cao hơn giá của tháng 2/2009. Nếu so với cùng kỳ năm 2008, giá sữa tươi quý I tăng khoảng 2,76%.

TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết kết quả nghiên cứu thời gian qua cho thấy người tiêu dùng trong nước đang bị móc túi một cách đều đặn. Hiện giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung cao hơn từ 20 -60%, có trường hợp cao hơn từ 100 – 150%.

Mổ xẻ vấn đề giá sữa và vấn đề kiểm soát của các cơ quan chức năng trong việc giá sữa trên thị trường liên tục tăng trong khi giá thị trường thế giới đã có sự giản sút mạnh trong thời gian vừa qua, bà Nga cho rằng trên thị trường đang tồn tại một nghịch lý là dù có tới 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhưng người tiêu dùng không hề được hưởng lợi từ việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngành sữa trong khi giá cả cứ đều đặn tăng kể cả khi giá thế giới giảm.

Việc giá sữa trong nước không đi theo xu hướng chung của giá thế giới do đặc tính của sản phẩm sữa, nhất là sữa cho trẻ em, rất khó thay thế sản phẩm đã dùng quen trước đó. Hương vị và chất liệu sữa tạo nên đặc điểm riêng cho từng sản phẩm và tạo nên thói quen sử dụng cho người tiêu dùng.

Cùng với đó đa số các sản phẩm sữa thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đều thiết lập và duy trì nền giá cao. Do đó rất khó để người tiêu dùng tìm được sản phẩm thay thế có mức giá cạnh tranh.

Bà khẳng định việc rằng vin vào lý do giá sữa nhập khẩu tăng cao do tỉ giá tăng là hoàn toàn không hợp lý vì với mức tăng 6-8% của tỉ giá thì không thể đẩy giá bán lẻ mặt hàng sữa nhập khẩu tăng cao như vậy.

Sữa ngoại mới là yêu con, mới là đẳng cấp (?!)

Giá sữa quý 3 sẽ tăng thêm khoảng 8%

Về diễn biến của thị trường sữa trong nước trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp – nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng giá sữa tại thị trường nội địa thời điểm cuối quý 3, đầu quý IV/2009 có nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 6-8% so với quý I. Riêng giá sữa tươi nguyên liệu có thể sẽ tăng khoảng 3 – 4%.

KS Vương Trí Dũng, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột nhập khẩu cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội, có 3 vụ nhập sữa Ensure không gắn nhãn phụ, không do được ủy quyền thương mại, 4 vụ tiêu chí ghi trên nhãn thấp hơn công bố, 5 vụ không niêm yết giá theo quy định.

Đáng chú ý, phần chênh lệch giá nhập và giá niêm yết của một số loại sữa bột lệch giá khá cao như: Loại Enfa Grow A+ của công ty Mead Johnson loại 900 g chênh lệch 242%. Loại Dugro Gold loại 800 g của công ty Dumex chênh lệch 285%. Loại Gain, Pedia Sure của công ty Abbott loại 400 g chênh lệch 220 – 246%. Thấp nhất là loại sữa Milex loại 400 g của công ty Arla Foods chênh lệch 30%  nhưng giá bán cũng cao như các loại sữa bột nhập khẩu nêu trên.

Theo ông Dũng, có thể nói trong lĩnh vực quảng cáo và cạnh tranh bán sữa, các hãng sữa không từ thủ đoạn quảng cáo nào, từ tài trợ các trò chơi trên truyền hình, tổ chức mua sữa từ thiện cho trẻ em gặp khó khăn, mua hàng có thưởng, quảng cáo dùng sữa nên trẻ mới thông minh, thần đồng... tạo văn hóa dùng sữa ngoại cho con mới là yêu con, mới là đẳng cấp.

“Chúng tôi đã hỏi một số bà mẹ mua sữa cho con, hầu hết đều nói chỉ vì nghe người khác hướng dẫn, cho con dùng thử thấy con chịu uống, dễ uống thì mua. Hầu hết không đọc kỹ thành phần trên nhãn, không quan tâm đến chất lượng các loại sữa khác nhau ra sao.”- Ông Dũng cho biết.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tâm lý và văn hóa mua hàng ngoại gắn với chất lượng cao đang là rào cản lớn đối với nhà sản xuất và kinh doanh sữa bột trẻ em do trong nước sản xuất. Tâm lý này mạnh đến mức người tiêu dùng không cần nhớ tên sữa là gì mà chỉ nhớ tên nước như sữa Đan Mạch, sữa Thái, sữa Pháp, sữa Hà Lan... là được hiểu gắn liền với chất lượng sữa cao.

Việc quảng cáo với chi phí lớn trên các kênh truyền hình, báo nói, báo viết, tổ chức tiếp thị và chia sẻ hoa hồng trực tiếp đến người mua, đến các bác sĩ, y tá tại các bệnh viện là  vũ khí sắc bén của các nhà nhập khẩu, phân phối sữa. Chi phí này đẩy vào chênh lệch giá cũng là nguyên nhân gây chênh lệch  giá cao như hiện nay. Đây cũng là hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng chia sẻ cảm giác khi bị ‘móc túi’ số tiền lên tới con số triệu đồng mỗi tháng để mua sữa, một nữ thành viên Hội Người tiêu dùng cho biết, người tiêu dùng hiện gần như mê muội trước quảng cáo của các hãng sữa. Có người tin một cách mù quáng về việc cho con cái uống sữa ngoại sẽ giúp trẻ thông minh, cao lớn vượt bậc mà không hề nghĩ đến việc trước đây người Việt Nam không được uống sữa nhiều nhưng vẫn phát triển tốt cả về hình thể lẫn trí thông minh.

“Dù được tiếp cận nhiều với thông tin hơn nhưng nhiều người tiêu dùng trẻ hiện nay đang phải “đón” thông tin một chiều và họ không “định hướng” được ý thức trong việc chọn sữa nội thay thế cho sữa ngoại dù chất lượng của các loại sữa này không hề khác nhau”- Bà nói

Về việc sữa ngoại “lộng hành” trên thị trường, ông Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có việc doanh nghiệp trong nước luôn kêu ca đòi hỏi sự bảo hộ nhưng khi có lợi thế thì ít doanh nghiệp nào đầu tư cơ bản công nghệ và chất lượng mà chỉ tranh thủ vấn đề chênh lệch giá tìm lợi nhuận.

“Cần điều tra việc quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh đồng thời phải điều tra xem có việc độc quyền liên kết làm giá hay không của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường. Cũng cần kiến nghị Tổng cục Hải quan cho điều tra xem có việc “đáo giá” trong nhập khẩu sữa bột cho trẻ em?”- Ông Dũng kiến nghị.

Sữa nào tốt hơn?

Theo các chuyên gia sữa tốt là sữa có trạng thái ở dạng bột đồng nhất, tơi mịn, không có tạp chất lạ, màu kem nhạt đồng nhất, mùi vị thơm ngon đặc trưng. Việc quan niệm sữa ngoại tốt hơn sữa nội tại thời điểm hiện nay là quan niệm cần phải xem lại.

Thực tế về thành phần dinh dưỡng cơ bản, các loại sữa nội và ngoại đều giống nhau tuy nhiên chiến lược xây dựng thương hiệu đã ảnh hưởng tới giá thành của từng sản phẩm. Đồng thời sữa nội do được đóng gói trong nước nên chi phí sản xuất rẻ hơn. Vì vậy khi chọn mua sữa nếu thành phần đa lượng như đạm, béo, đường cũng như các thành phần vi lượng chủ yếu như Vitamin A, D, kẽm, sắt.. giữa sữa ngoại và sữa nội tương tự nhau thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm chọn sữa nội với giá cả hợp lý hơn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG