Tiếp bài “Mương được cấp sổ đỏ”:

Thi công trước, quyết định cấp đất sau

Thi công trước, quyết định cấp đất sau
TP - Như Tiền Phong có bài phản ánh việc Cty Cổ phần (CP) Đa Quốc gia sau khi trúng thầu dự án cống hóa mương Phan Kế Bính tiến hành xây dựng nhiều công trình sai phạm trên đoạn vừa cống hóa. Lạ lùng hơn, một đoạn mương để thoát nước cho thành phố được cấp sổ đỏ để sử dụng riêng.

>> Công trường vẫn rộn ràng

Tiền trảm, hậu tấu

Thi công trước, quyết định cấp đất sau ảnh 1

Ngày 24/10/2007, UBND TP Hà Nội có văn bản số 4227 phê duyệt kết quả trúng thầu cho Cty CP Đa Quốc gia. Song, thay vì phải có những văn bản chấp thuận của các đơn vị chuyên ngành trước khi thực hiện dự án, cuối năm 2007 Cty này đã ngang nhiên thi công phần cống hóa mương Phan Kế Bính.

Sự việc vỡ lở khi Sở GTCC Hà Nội thực hiện thoát nước mùa mưa năm 2008 trên mương Phan Kế Bính. Ngày 7/5/2008 trên mương Phan Kế Bính, Cty CP Đa Quốc gia thi công được 100m/367m cống (loại hai làn cống 3,6mx3m).

Chủ đầu tư không hề có biên bản bàn giao mặt bằng thi công, cũng không có văn bản thỏa thuận của Sở Quy hoạch Kiến trúc về tổng mặt bằng, hồ sơ thiết kế cơ sở chưa được thẩm định và chưa có giấy phép xây dựng (?). Điều đáng nói là, chủ đầu tư hồn nhiên thi công khi chưa hề được UBND TP Hà Nội cấp đất.

Tại thời điểm đó, ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, thừa nhận, các cơ quan quản lý trên địa bàn thiếu sự kiểm tra khi công trình được triển khai thi công và phê bình chủ đầu tư. Ngày 8/5/2008, Sở GTCC có bản báo cáo sự việc lên UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau một thời gian đình chỉ, dự án này tiếp tục được triển khai trong tình trạng thiếu nhiều thủ tục cần thiết. Cho đến ngày 24/6/2008, dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư; Ngày 31/7/2008, Dự án mới được xác nhận phương án thiết kế sơ bộ; Ngày 26/8/2008, được thẩm định thiết kế cơ sở.

Đặc biệt, sau khi dự án được thi công gần một năm, ngày 26/9/2008, UBND TP Hà Nội mới có quyết định thu hồi đất để giao cho Cty CP Đa Quốc gia thuê để thực hiện cống hóa mương Phan Kế Bính và phải đến tháng 11/2008, dự án mới được bàn giao mặt bằng.

Quận Ba Đình bối rối

Chuyện cống hóa mương Phan Kế Bính còn ngổn ngang nhiều câu hỏi, việc xây nhà trên cống lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo giấy phép xây dựng tạm số 03 ngày 7/1/2009 (do ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội ký) trên phần mặt cống Phan Kế Bính có hai công trình nhà được cấp phép.

Cụ thể, hạng  mục nhà showroom, văn phòng và các dịch vụ có diện tích xây dựng 1.058m2, diện tích sàn 2.117m2 (làm tròn) gồm tầng 1 cao 5m, tầng 2 cao 3m và tum thang cao 2,7m.

Tổng chiều cao công trình là 10,7m. Cấp phép là vậy nhưng đến thời điểm này, tòa nhà nói trên đã lừng lững ba tầng cửa kính bao quanh làm tối sầm con phố nhỏ. Công trình chỉ cách trụ sở UBND quận Ba Đình đúng bằng chiều rộng đường Liễu Giai, và vì thế, ông Bùi Văn Thông phải thừa nhận đó là nhà ba tầng.

Ông Thông cũng cho biết, sau khi có thông báo của UBND TP ngày 29/6/2009 về việc tạm dừng thi công công trình này, chủ đầu tư vẫn không chấp hành và vẫn đang cho thi công...

Tòa nhà thứ hai được cấp phép là công trình có cái tên nhà dịch vụ phụ trợ, diện tích xây dựng 120m2x2 tầng, độ cao 8,6m (công trình này sau đó được cấp phép bổ sung điều chỉnh độ cao các tầng và tăng thêm diện tích sàn trên 100m2) hiện cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Không chỉ nâng tầng cho các công trình được cấp phép, mới đây chủ đầu tư  tiếp tục cho xây dựng hai dãy nhà được đặt tên là tạm với công năng là chỗ ở tạm cho công nhân và làm kho chứa vật tư, thiết bị.

Ngày 11/6/2009, UBND phường Cống Vị có báo cáo gửi UBND quận Ba Đình nêu rõ: Đây là hai dãy nhà tạm khung thép tiền chế bằng sắt chữ I250 mái lợp tôn cao 4m đến 4,4m diện tích 680m2 và 320m2. Chủ đầu tư đang lắp dựng xương sắt để ốp trần trong đó có diện tích 160m2 nhà đã được ốp kính bao quanh... Phường Cống Vị cũng chỉ dừng lại ở việc báo cáo để quận Ba Đình biết...

Ngày 30/6, phường Cống Vị lại một lần nữa báo cáo quận về hai công trình “tạm” này và xin ý kiến chỉ đạo. Như vậy là ngoài hai công trình nhà được cấp phép, chủ đầu tư đã tự ý cho xây dựng thêm ba dãy nhà tạm (680m2, 360m2 và 320m2) trong đó có một dãy được xây dựng trước để cho công nhân ở và làm kho.

Đến nay quận Ba Đình lúng túng về các công trình tạm này. Không biết có phải vì  ngày 19/5/2009, chính ông Bùi Văn Thông đã có văn bản gửi Cty CP Đa Quốc gia cho rằng “Việc lắp đặt ba dãy nhà tạm tại vị trí được quy hoạch để phục vụ thi công, làm nơi ở tạm cho công nhân và kho tập kết vật tư, thiết bị vật tư  của Cty...nên không phải xin phép” nên dẫn đến quận Ba Đình phải bối rối?

Công nhân thi công công trình và thiết bị vật tư của Cty CP Đa Quốc gia có nhiều đến mức phải xây dựng ba dãy nhà rộng 1.300m2 được xây dựng tựa như các showroom bán hàng sang trọng có ốp trần, lắp dựng kính bao quanh để ở và làm kho? Liệu những công trình đắt tiền được gắn cái tên tạm đã qua mắt được phường Cống Vị , quận Ba Đình cũng như Sở Xây dựng?

Bãi đỗ xe đâu chưa thấy nhưng đập vào mắt mọi người là năm tòa nhà (cao từ một đến ba tầng) với diện tích  mặt bằng khoảng 2.500m2. Nhiều người lầm tưởng đây là dự án siêu thị, trung tâm thương mại, văn phòng thay vì dự án bãi đỗ xe!

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.