Về nơi nóng nhất Đông Dương

Về nơi nóng nhất Đông Dương
TP - Trong lúc miền Trung, chảo lửa của cả nước, đang hứng chịu đợt nắng nóng thứ năm, phóng viên Tiền Phong về rừng miền tây xứ Nghệ chứng kiến cuộc sống ở nơi lâu nay được mệnh danh là chảo lửa Đông Dương theo đúng nghĩa đen.

>> Cửa Búng - Búng ra... lửa

Về nơi nóng nhất Đông Dương ảnh 1
Đò ngang trên sông Lam trở thành nơi trú nắng Ảnh:  Phan Sáng

Lò sấy khổng lồ

Tương Dương là huyện miền núi rẻo cao xứ Nghệ - nơi đây được coi là tâm điểm nóng nhất Đông Dương. Đồng bào Tương Dương rất sợ tiếng ve gọi hè, vì đấy là tín hiệu để mọi sinh vật trên địa bàn chuẩn bị đương đầu với  gió Lào khắc nghiệt.

Chúng tôi từ thành phố Vinh đi đến thị trấn Con Cuông thì xe nổ lốp trước. May đi chậm và đường vắng nên con Magic chỉ lạng  vào vệ đường rồi nằm đứ đừ dưới cái nắng nóng đến ngột ngạt.

Dắt xe vào hiệu sửa xe gần đó, anh  thợ nhìn chúng tôi lắc đầu: “Các bác đi trời nắng như ri khoảng 30 km dừng lại cho xe nghỉ một chút rồi đi tiếp. Các bác vèo từ Vinh đến đây 200 cây mà không nghỉ, chỉ mới nổ và chảy nhựa lốp chứ chưa cháy xe là may lắm rồi”.

Thay săm lốp xong chúng tôi tiếp tục lên đàng. Càng đi cái nóng càng ập vào người  như rang trên chảo lửa, mồ hôi vã ra như tắm, thoáng chốc quần áo cong queo loang lổ trắng vì muối, nhiệt từ đường nhựa ập vào mặt bỏng rát. Tôi cảm thấy hoa mắt hoa mũi cảm giác như lửa đang chuẩn bị cháy trước mắt.

Trung Bộ nắng nóng

Từ hôm qua đến hôm kia, khu vực các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, một số nơi cao hơn như Tương Dương (Nghệ An) 39,0 độ, Vinh (Nghệ An) 37,2 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) 37,7 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 37,5 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,7 độ. Dự báo trong 1 - 2 ngày tới, khu vực bắc và trung Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng; nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35 - 37 độ, có nơi 38 - 39 độ.

Đến rừng săng lẻ xã Thạch Giám cửa ngõ của Tương Dương, nơi được coi là chiếc máy điều hòa khí hậu tuyệt vời, nhiệt cũng chỉ hạ hơn bên ngoài chút ít.

Nhìn rừng cây rất đẹp mà màu lá hoe vàng đang cong mình chống nắng, một bác đi đường ngồi nghỉ cùng chúng tôi lắc đầu: “ Khiếp thật, nắng nóng hắn đốt cho rừng cây nhìn như sắp cháy đến nơi. Nếu như dính tí lửa thì cả khu rừng ni thành Hoả Diệm Sơn”.

 Từ rừng săng lẻ đến thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), người đi lại lèo tèo. Ông Vi Đình Triêm ở bản Ang, xã Xá Lượng, nói: “Tầm 10 sáng đến 4 giờ chiều  đi ra đường như đội cái chảo lửa trên đầu thì ai mà dám ra”.

Ông Triêm tâm sự: “Trước đây cũng nắng nóng nhưng không nóng bằng 10 năm trở lại đây. Năm trước (2007) có ba buổi trưa liền nhiệt độ lên đến hơn 42,2 độ C.

Mọi vật nhìn như sắp bốc cháy đến nơi, nhà cửa đều bị biến dạng vì bị co rút cong vênh, hở hoác, cá sông Lam chết trắng sông. Ruộng nương đều bị cháy hết. Trâu bò lợn gà chết nhiều lắm.

Tui có con trâu buổi chiều cho xuống sông uống nước, chưa đến nơi thì nó quỵ luôn. Người cũng chết vì nóng. Có anh Vi Văn Hà ở Nhôn Mai đi trên đường nắng quá xuống nghỉ dưới gốc cây rứa là nghỉ luôn, không bao giờ dậy.

Em Lương Thị Mai, bản Lõm, chết vì nóng. Có nhiều người chết cũng được xác định có liên quan đến nắng nóng. Bà con ở đây cứ nghe tiếng ve gọi hè là sợ hơn sợ cọp”.

Về nơi nóng nhất Đông Dương ảnh 2
Chiều tối, trẻ em người Đan Lai mới ra khe bắt cua ốc  Ảnh: Phan Sáng

Lấy hang làm nhà

1.368 hộ dân thuộc các dân tộc Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày, Hoa, Tạy Hạy của xã Xá Lượng trải rộng trên diện tích 1.697,8 ha nằm gọn trong địa phận Cửa Rào như nằm giữa một cái chảo rang khổng lồ.

Chủ tịch xã Xá Lượng, Lương Xuân Thắng, ngồi trong căn phòng UBND xã mồ hôi, mồ kê nhễ nhại thở dài: “Xã ni vừa chết hai con trâu ở Cửa Rào 2; Lúa trên nương cháy xác xơ như cỏ may”.

Chúng tôi đến bản Cửa Rào 1 và Cửa Rào 2, hai bản này nằm hai bên bờ của thượng nguồn sông Cả. Hầu như vườn không nhà trống, rất ít người ở nhà. Thì ra họ đi ra khe, suối  hoặc vào hang trú nóng.

Dân bản thiếu nước trầm trọng, phải vào trong rừng sâu cõng nước về. “Mấy đứa cháu tui đêm không ngủ được cứ khóc ngằn ngặt, phải bồng ra khe cho nó ngủ”, ông Lượng nói tiếp.

“Theo thống kê, thời gian làm việc của nông dân ở nông thôn Bắc Trung Bộ ít hơn so với đồng bằng Bắc Bộ do môi trường làm việc nắng nóng hơn.

Ước tính tổng số chênh lệch sản phẩm năm 2008 ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị giảm so với môi trường làm việc đồng bằng Bắc Bộ là 211 tỷ đồng.

Nếu tính chi phí chống nóng cho mỗi người trong một ngày có gió Lào khoảng 1.000 đồng, cả mùa hè, nắng nóng làm thiệt hại của Nghệ An, Hà Tĩnh 325 tỷ đồng”.

“Nóng đến nỗi chỉ cần để một cái thau ngoài trời thoáng chốc đụng tay vào là bỏng liền. Tháng tư năm ngoái có nhà ông Lương Văn Cần tự nhiên bốc cháy giữa trưa. Có lẽ nóng quá hóa lửa”.

Sống trong lò sấy Đông Dương, dân nơi đây chỉ còn cách rủ nhau vào khe trú nóng. Dọc Cánh rừng Pà On Cửa Rào, dân của 12 bản của xã Xá Lượng thường đến đây để trú nóng.

Năm hang đá của dãy Pù Huông  là địa điểm tốt để bà con vào tru . Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy trẻ em, trâu bò dầm mình dưới khe suối. Có nhiều người không chịu được nắng nóng đã lấy hang đá làm nhà.

Một đặc điểm chung là màu da và tóc của người Xá Lượng rất dễ nhận ra. Đó là da đen và tóc hoe và cứng. Cây cối vàng khè, mặt đường nhựa lóng lánh như bốc lửa; gió Lào táp vào mặt bỏng rát.

Mấy ngày qua nắng nóng làm cho các bệnh viện huyện và trạm xá các xã  quá tải.  Bác sĩ Nguyễn Hùng, Bệnh viện Tương Dương, nói: “Tại Bệnh viện Huyện Tương Dương trẻ em đến điều trị tăng đột biến. Các bệnh trẻ em thường gặp vì nắng nóng chủ yếu là lên sởi, sốt, rối loạn tiêu hóa, cảm nắng”.

Anh Lữ Văn Chôm, hạt phó hạt kiểm lâm Tương Dương, cho hay: “Nắng nóng như vậy nên rất dễ xảy ra cháy. Tháng 4/2005, cháy rừng phòng hộ ở xã Lưu Kiền.

Hơn 200 ha rừng bị biến thành tro sau bốn ngày. Gần đây nhất là chiều 11/6, tại bản Liên Hương, xã Tam Quang. Do thời tiết khô nóng, cháy lớn thiêu hủy toàn bộ 11 nhà, trong đó một nhà công vụ của giáo viên, làm bảy người bị thương…”.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, giải thích: “Cửa Rào - Tương Dương là trung tâm của gió phơn (foehn) hay còn gọi là  điểm gió Lào xâm nhập .

Gió hình thành từ vịnh Thái Lan di chuyển theo hướng tây nam - đông bắc  qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn thì gây mưa ở Lào. Khối khí với độ ẩm giảm thổi vào Việt Nam gây ra hiện tượng foehn.

Khối khí cứ hạ xuống 100m  thì tăng 0,6 độ C gây nóng vùng Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ; Trung Trung Bộ nói chung. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối.

Thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Gió khô và nóng, nên làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt. Độ ẩm có khi xuống 30 phần trăm trong khi nhiệt độ có khi lên tới 43độ C”.

Anh Tiến nhận định thêm, ngoài gió Lào, địa hình Tương Dương núi đá vôi nhiều, nạn tàn phá rừng đầu nguồn còn làm cho khí hậu nóng hơn mọi năm. Không những Tương Dương mà cả Nghệ An – Hà Tĩnh đều nóng, nhất là ở  Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong...

Phá đá chống gió foehn

 Có người không chịu được nóng đã phát rồ cởi cả quần áo vừa chạy vừa hét. Người già, trẻ em nhập viện nhiều lắm.

PGS-TS Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Vật liệu & Môi trường Khắc nghiệt (Viện Cơ học), chủ nhiệm đề tài gió Lào, cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu ra giải pháp thu hẹp diện tích núi đá bằng cách khai thác đá, sau đó sử dụng diện tích này làm hồ chứa nước.

Phương pháp này có tác dụng làm giảm độ nóng do bức xạ nhiệt và tăng nguồn hấp nhiệt, tăng độ ẩm, góp phần làm giảm gió Lào. Nếu giảm chiều cao  núi đá được 100m thì giảm được một độ C và tăng độ ẩm lên 1,7 phần trăm.

Ngoài ra,  trồng lúa hè thu với diện tích lớn cũng làm giảm gió Lào. Dùng pin mặt trời ống hấp nhiệt để thu nhiệt mặt trời, phát triển bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cũng làm giảm độ nóng và mang lại lợi ích kinh tế.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là hợp tác với các tỉnh biên giới Lào để làm hồ chứa nước. Các hồ chứa này sẽ bổ sung độ ẩm, giảm khô nóng của gió Lào. Đó là chiến lược mà chúng tôi đã đệ đơn lên chính phủ hai nước”.

Được biết, Viện Cơ học đã thí điểm một số hồ chứa nước ở Mường Lống, Kỳ Sơn, Thanh Chương và Cửa Lò. Nếu những giải pháp trên được thực hiện thì đây thực sự là tín hiệu vui cho đồng bào Tương Dương - Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.