Hành trình giải oan cho bảy người vượt biên

Hành trình giải oan cho bảy người vượt biên
TP - Ngày 2/11/2007, Tiền Phong đã khởi đăng "25 năm, nỗi đau của bảy  gia đình bị treo án vượt biên". Câu chuyện cách thời điểm báo ra đã 25 năm. Ngày đó có 7 thành viên trên con tàu BTT-07 nhận nhiệm vụ ra khơi rồi sau đó bặt tin...

Gia đình và người thân của họ đôn đáo gõ cửa khắp nơi để hỏi xem thân nhân của mình sống chết ra sao.

Rồi họ nhận được một công văn trả lời, thêm một lần nữa giết chết sinh mệnh chính trị những người đang sống. Công văn khẳng định, bảy  thuyền viên trên đã lợi dụng tàu của nhà nước để vượt biên.

Ròng rã 25 năm, họ sống trong sự nghi ngờ, ghẻ lạnh và những nỗi đau, thiệt thòi, mất mát. Nhưng, sâu thẳm trong họ là niềm tin không gì lay chuyển, thân quyến của họ trên con tàu BTT - 07 mãi mãi không thể là những kẻ phản bội tổ quốc. Với niềm tin đó, họ ròng rã vượt thời gian, vượt khổ đau để hy vọng có một ngày nỗi oan kia được giải.

Cũng khởi phát từ niềm tin mong manh nhưng mãnh liệt kia, Tiền Phong đã đồng hành cùng họ để đi gom nhặt, xâu chuỗi những tình tiết, sự kiện đơn lẻ. Và cái ngày khắc khoải đợi chờ kia cũng đến. Người thân của họ được minh oan. Thấm thoắt đã hơn 27 năm. Sự thật nhọc nhằn trở về đúng nghĩa.

Kỳ 1: Sợi chỉ mỏng manh

Đó là vào buổi chiều của một ngày chớm đông năm 2007. Ông Lê Minh Tâm ở Văn phòng luật sư Hướng Dương, Quảng Bình, gọi điện cho chúng tôi đề nghị được gặp để chia sẻ một thông tin mà theo ông là khá nhạy cảm. Nói là chúng tôi bởi, lúc đó, ngoài Báo Tiền Phong còn có thêm đại diện ba tờ báo trung ương khác nữa.

Ông Tâm đến và đi thẳng vào câu chuyện, có một đơn thư kêu cứu các cấp ngành giải nỗi oan cho họ. Văn phòng luật sư của ông cũng đang lúng túng chưa biết xử lý như thế nào. Ông Tâm bày tỏ, giá như được báo chí chia sẻ và dọn đường công luận thì ông sẽ đi đến cùng vụ việc này.

Chúng tôi nhìn nhau và gần như đồng thanh cùng hỏi: "Thế tư liệu liên quan đến vụ việc này có những gì?". Ông Tâm đưa ra một tờ giấy A4 lá đơn kêu cứu và một tờ giấy pơ-luya đã ố nhàu, chữ đánh máy trên đó phai mờ theo thời gian.

Ông Tâm bảo đó là công văn số 342/PA 17, ngày 25/8/1986, của Công an Bình Trị Thiên (BTT) do ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc CA tỉnh BTT thời đó, ký trả lời cho bảy gia đình có người thân trên tàu BTT - 07. Điều 2 của công văn kết luận, thuyền trưởng và các thành viên trên tàu BTT - 07 đã lợi dụng tàu của nhà nước trốn ra nước ngoài, đúng ra phải truy tố theo Điều 88 và Điều 135 Bộ luật Hình sự Nước CHXHCNVN.

Tất cả chúng tôi bần thần không nói được câu nào. Chẳng có tư liệu nào cho đến thời điểm đó để có thể lần theo minh oan cho họ cả. Chỉ một lá đơn kêu oan thôi. Và cái công văn đanh thép buộc tội kia vẫn nguyên giá trị pháp lý.

Dẫu còn rất mong manh, nhưng tôi đã hình dung vụ việc này đang hé lộ những chi tiết của một vụ án oan.     

Những đồng nghiệp của tôi lúc đó nhìn nhau rồi lắc đầu, bởi tài liệu của vụ việc gần như con số không, và thật khó để tìm điểm bắt đầu. Hơn nữa, đã 25 năm rồi. Bao sự đổi thay mà trong đó, sự đổi thay lớn nhất là chia lại địa giới hành chính tỉnh. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã trở về địa giới cũ. Một cuộc ra riêng đau đớn, liệu hồ sơ của vụ việc trên có còn lưu giữ?

Ông Tâm dội gáo nước lạnh, khi khẳng định rằng ông đã cố công tìm lại hồ sơ vụ việc nhưng bất thành vì đơn vị cũ của bảy người kia đã chia ba và sau đó giải thể. Phía công an cũng thế. Ngày đó, mỗi tháng, có đến hàng chục vụ vượt biên trái phép. Vì thế tìm lại hồ sơ vụ này, chẳng khác chi mò kim đáy bể.

Các đồng nghiệp của tôi lúc đó không ai nói gì. Tôi biết, họ thừa bản lĩnh để dấn thân vào vụ việc này, nhưng họ đang phân vân và sợ rằng tòa soạn của họ khó có thể đăng bài về một vụ việc mà các tài liệu quá đỗi mong manh.  Hơn nữa, ai đúng, ai sai vẫn còn vời vợi ở phía trước.

Riêng tôi, cầm hai tờ giấy A4, một còn thơm mùi mực, một đã oải mùi mốc, tôi cứ đọc đi đọc lại những thông tin ít ỏi ở trên đó. Tôi không khỏi băn khoăn, sự thật đang nằm ở đâu trong mớ thông tin nghèo nàn này. Khi xử lý vụ việc, làm sao tránh được sự chủ quan và cảm tính.

Đó là một điều khó vì nếu như không xuất phát từ một trục nhận thức sự kiện mà mình cho là đúng hướng thì khó có được một bài viết thuyết phục. Nhưng, nếu như nhận thức của mình sai thì vô cùng tai hại và nguy hiểm, không chỉ riêng cá nhân mình mà còn vạ lây cả tòa soạn.

Mấy ngày đắn đo và cuối cùng tôi chấp nhận theo đuổi vụ việc dù vẫn biết là rất mạo hiểm. Ẩn số ở phía trước, nói theo kiểu dân cá độ, chỉ cho tôi cơ hội năm mươi trên năm mươi thành công và thất bại.

Cũng vào một ngày mưa gió bão bùng tôi hỏi đường tìm về gia đình của bảy thành viên trên tàu BTT-07. Vật đổi sao dời đã  hơn một phần tư thế kỷ. Gia đình và người thân của bảy thành viên trên con tàu định mệnh đó đã lang bạt và tứ tán khắp nơi.

Có gia đình, sau khi nhận được kết luận chồng mình đã vượt biên, không thể sống trong sự ghẻ lạnh của hàng xóm đã bồng bế con thơ lang bạt vào Nam kiếm sống. Nhiều gia đình khác chuyển nhà đến nơi ở mới. Việc tìm lại thân nhân của bảy thuyền viên trên quả là gian khó.

Họ nằm rải rác ở bốn huyện thị từ Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, cho đến Lệ Thủy. Và rồi, như cơ duyên, tôi cũng tìm gặp được họ. Mỗi người có một kí ức riêng của mình về người thân trên con tàu BTT-07. Những kí ức đậm sâu về những ngày cuối cùng họ rời gia đình để bước lên con tàu định mệnh ấy và biệt tích cho đến hôm nay. Chắp nối các mẩu thông tin ấy lại và hành trình của con tàu BTT-07 hiện ra.

Điều 2 của công văn số 342/PA17, ngày 25/8/1986, của công an Bình Trị Thiên (BTT) do ông Nguyễn Đình Bảng, Giám đốc Công an tỉnh BTT thời đó ký kết luận, thuyền trưởng và các thành viên trên tàu BTT- 07 đã lợi dụng tàu của nhà nước trốn ra nước ngoài, đúng ra phải truy tố theo Điều 88 và Điều 135 Bộ luật Hình sự Nước CHXHCNVN...

Vào một ngày rét căm căm giữa tháng 2/1982 thuyền trưởng Lê Thanh Bùi, thuyền phó Trần Mạnh Hà, máy trưởng Trần Văn Thanh cùng các thuyền viên nhận được lệnh của Cty vận tải thủy, theo đường bộ ra Hải Phòng để lái con tàu BTT-07 đang được sửa chữa tại đó để chở đường ống vào nhập tại cảng Quy Nhơn.

Khi đó đang là những ngày áp tết, nhưng họ đều tuân lệnh lên đường và hẹn với gia đình sẽ về kịp đón tết. Theo những thông tin mà họ nhắn về cho người thân thì, tầm 16/2/1982, họ lên tàu và ra khơi chạy về hướng Nam. Người thân của họ nhớ lại, lúc biết họ đã lên tàu thì đồng thời đài cũng báo có một đợt áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần lên vần vũ ở Biển Đông.

Ruột gan họ nóng như lửa. Năm ngày, rồi mười ngày họ không hề nhận được thông tin nào về con tàu. Nếu theo đúng hành trình thì chỉ khoảng năm ngày thôi là tàu đã đến được cảng Quy Nhơn. Thế mà cứ chờ đợi, cứ hy vọng tàu BTT-07 đang bị trôi dạt vào một nơi nào đó. Một cái tết đắng nghẹn sự lo lắng và khắc khoải chờ đợi...

Và trước chuyến đi ấy người thân của họ đều nhận một lời hẹn, sẽ cố sắp xếp công việc để sớm về đón tết cùng vợ, con và người thân. Như bà Phạm Thị Thanh, vợ của thuyền trưởng Lê Thanh Bùi còn nhớ như in rằng, ông Bùi lên đường còn cầm theo chiếc can nhựa 20 lít, nói là để mua rượu chuẩn bị cho đám cưới của đứa con đầu.

Những mẩu, những mảnh ký ức đó đã củng cố thêm niềm tin ở trong tôi. Dẫu còn rất mong manh, nhưng tôi đã hình dung vụ việc này đang hé lộ những chi tiết của một vụ án oan. Và tôi nghĩ, sẽ đi theo vụ việc đến cùng. Tôi nhấc máy trao đổi với Ban Biên tập và Ban Thư ký Tòa soạn (TKTS), TKTS phụ trách nội dung chính lúc đó, rất ủng hộ để tôi triển khai tuyến bài viết này. Và tôi bắt đầu đi mò kim đáy bể.

Lần lượt gặp hết các gia đình của các thuyền viên trên tàu BTT- 07, tôi nhận ra một điều, trong sự khắc khoải ngóng chờ thông tin về người thân của họ là niềm tin, một niềm tin không thể lay chuyển rằng, chồng, anh, em, con họ không thể là kẻ vượt biên, kẻ phản bội tổ quốc. Hầu hết những người trên con tàu định mệnh đó đều là đảng viên, đều được thử thách qua cuộc chiến tranh và trong quân ngũ. Lý lịch gia đình họ chưa hề gợn một vết nhơ.

____

Kỳ 2: Mò kim đáy bể

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.