Sửa Luật cạnh tranh để kiểm soát giá sữa

Sửa Luật cạnh tranh để kiểm soát giá sữa
Ta có sẵn lòng mua hộp sữa với giá cao ngất trời, trong khi có thể mua hộp sữa khác chất lượng tốt không kém với giá rẻ hơn không? Tất nhiên là không.

>> Vì sao sữa bột ngoại ở Việt Nam đắt nhất thế giới?

Sửa Luật cạnh tranh để kiểm soát giá sữa ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Khi người tiêu dùng được hoàn toàn tự do lựa chọn, họ sẽ chọn mua loại sữa tốt nhất, giá rẻ nhất. Bảo vệ quyền được tự do quyết định tiêu dùng (mua hay không mua hàng hóa chỉ căn cứ vào chất lượng và giá cả) là một mục tiêu chính của Luật cạnh tranh.

Cuộc cạnh tranh hiệu quả - cạnh tranh không ngừng nâng cao chất lượng, đồng thời hạ giá thành sản phẩm - là cuộc cạnh tranh bảo vệ tốt nhất quyền đó và là cuộc cạnh tranh duy nhất được WTO ủng hộ.

Nhưng cuộc cạnh tranh hiệu quả và quyền tự do quyết định tiêu dùng hầu như không được Luật cạnh tranh của ta để ý đến. Đó mới là nguyên nhân thật sự của giá sữa cao hiện nay.

Điểm đặc biệt - một nghịch lý mang đặc trưng Việt Nam - trong hiện tượng giá sữa cao là người tiêu dùng vẫn chấp nhận giá cao, không chỉ cao hơn nhiều so với các nước mà còn vượt xa thu nhập thực tế của họ. Điều gì khiến họ chấp nhận giá cả bất hợp lý như vậy? Điều gì khiến các công ty sữa quốc tế đổ xô vào Việt Nam?

Đã là kinh tế thị trường thì Nhà nước không thể kiểm soát giá cả, trừ một số ngoại lệ. Các tác nhân hoạt động trên thị trường - trong đó có người tiêu dùng - tự xác định giá cả trong cơ chế hoạt động cạnh tranh hiệu quả.

Cạnh tranh hiệu quả cũng là cạnh tranh lành mạnh nhằm bảo vệ quyền tự do quyết định tiêu dùng. Bất kỳ hoạt động cạnh tranh nào khiến người tiêu dùng quyết định mua không theo chất lượng và giá cả mặt hàng đều là cạnh tranh không lành mạnh.

Luật cạnh tranh của ta chỉ cấm một vài hình thức hoạt động cạnh tranh gây nhầm lẫn, hoàn toàn không cấm cạnh tranh gây ngộ nhận (xác tín không đúng với sự thật). Trong khi gây ngộ nhận là một trong số các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh phổ biến nhất, thể hiện dưới rất nhiều hình thức.

Các công ty kinh doanh sữa thường xuyên quảng cáo sản phẩm của họ có các vi chất tăng trí thông minh, sản xuất theo công thức đặc biệt làm tăng sức đề kháng của trẻ; sử dụng bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng nhận xét về sản phẩm... khiến người tiêu dùng tin (một cách ngộ nhận) rằng, đó là sản phẩm tốt nhất, thích hợp nhất - thậm chí là duy nhất - cho bé yêu của họ.

Vì tương lai con trẻ, họ sẵn sàng hạn chế những chi tiêu khác để có tiền mua bằng được sản phẩm tốt nhất ấy. Đó không phải tâm lý sính ngoại mà là văn hóa tiêu dùng ngộ nhận.

Chi phí thu hút người tiêu dùng bằng cách làm họ ngộ nhận thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng, lại có hiệu quả tức thì nên doanh nghiệp kinh doanh sữa tập trung khai thác tối đa hình thức quảng cáo gây ngộ nhận.

Họ thi nhau dùng những mỹ từ thêu dệt, thổi phồng, tuyệt đối hóa sản phẩm, quảng cáo ở mọi nơi, tranh nhau sử dụng bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng cho quảng cáo.

Nằm trong nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh tác động tiêu cực đến quyền tự do quyết định tiêu dùng, cạnh tranh gây ngộ nhận và lợi dụng điểm yếu của con người đi ngược lại cuộc cạnh tranh hiệu quả và bị cấm triệt để tại rất nhiều nước. Luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Đức phạt nặng doanh nghiệp gây ngộ nhận, giám đốc doanh nghiệp có thể bị tù đến ba năm.

Nhân vụ giá sữa cao ta mới phát hiện thêm nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa được quy định trong Luật cạnh tranh. Có hàng trăm hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thực tiễn, nhưng Luật cạnh tranh chỉ quy định vỏn vẹn chín hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 45 Luật cạnh tranh viết: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong luật này bao gồm:...“ sau đó liệt kê chín hành vi. Lẽ ra chỉ cần viết: Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà đặc biệt là:… (liệt kê chín hành vi) thì đã khác lắm rồi.

Khoản 10, điều 45 còn làm mọi chuyện trở nên đặc biệt khó xử khi quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới (ngoài chín hành vi) chỉ bị cấm khi nó được Chính phủ quy định (công nhận) là không lành mạnh.

Khoản 10 này gián tiếp khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động cạnh tranh dù đi ngược lại đạo lý kinh doanh. Bởi họ không sợ bị trừng phạt cho đến khi công luận liên tục lên tiếng, đủ để Chính phủ xét xem liệu hành vi ấy có bị coi là không lành mạnh hay không.

Chính chúng ta đã tạo ra văn hóa tiêu dùng ngộ nhận cho người tiêu dùng, phong trào cạnh tranh bằng ngộ nhận, bằng lợi dụng điểm yếu của con người cho doanh nghiệp, đã làm Luật cạnh tranh không thể đi vào thực tiễn kinh doanh. Vì vậy, muốn kiểm soát giá sữa, nên sửa ngay lập tức Luật cạnh tranh của chúng ta.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam
Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG