Bản quyền giữa Google và các nhà văn Việt Nam

Bản quyền giữa Google và các nhà văn Việt Nam
TP - Gần đây, dư luận xôn xao trước chuyện “bán bản quyền tác phẩm văn chương cho Google”, đồng thời trên một số tờ báo xuất hiện các ý kiến nhưng vấn đề vẫn chưa sáng tỏ được.

Thực chất công việc này là thế nào, các nhà văn Việt Nam có quyền gì? Có thể được lợi gì? Cần phải làm gì?... Sau đây là phân tích của một luật sư am hiểu về vấn đề này, Tiền phong Cuối tuần trân trọng giới thiệu.

Việc “dàn xếp” của Google không gây cản trở cho sự phát triển của các công ty trong nước khi muốn tham gia vào dịch vụ này vì thỏa thuận với Google qua việc “dàn xếp” này là “không độc quyền” (non-exclusive). Các tác giả, nhà xuất bản có thể kí những thỏa thuận tương tự với những đối thủ cạnh tranh khác của Google trong lĩnh vực này.

Tôi đã tới đại bản doanh của Google ở Silicon Valley mùa hè năm 2006 trong một chương trình tham quan học tập do Trường ĐH Stanford tổ chức về “những thách thức pháp lý toàn cầu” của một tập đoàn đa quốc gia.

Tại đây, ngoài những vấn đề nằm trong khuôn khổ nghiên cứu, chúng tôi đã được những đại diện của Google giới thiệu một số dự án của họ trong đó có Google Book Search. Một dự án hợp tác giữa Tập đoàn và nhiều thư viện trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin, lưu trữ thông tin để phục vụ tốt nhất cho truyền bá kiến thức.

Chúng tôi được nghe nhiều lợi ích của dự án này, chẳng hạn như công bố các tác phẩm nguyên bản của Shakespeare hiện phải lưu giữ trong phòng tối, “quét” (số hóa) toàn bộ các tác phẩm từ cổ chí kim được lưu trong các thư viện hợp tác để lưu trữ lâu dài cho nhân loại.... 

Lúc đó, tôi đã hỏi liệu Google có “quét” các tác phẩm của Việt Nam để đưa lên Googe Book không?

Vị đại diện của Google trả lời “điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự hợp tác của các tác giả, cơ quan có thẩm quyền, hệ thống pháp luật và thể chế của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với luật sư, một số cơ quan nhà nước có liên quan ở Việt Nam nhưng trước mắt có nhiều thách thức…”.

Các bạn cùng đoàn của tôi ở những quốc gia khác cũng có những câu hỏi tương tự…

Trong tuần trước, tôi được một tác giả nhờ tư vấn về bức thư của Google liên quan đến “vụ dàn xếp pháp lý về bản quyền” (booksettlement). Thấy đây là một vấn đề mới ở Việt Nam, tôi chia sẻ những hiểu biết hữu hạn của mình như đã tư vấn cho tác giả quen biết kia, như sau:

Google Book Search (tạm dịch Công cụ Tìm kiếm Sách Google) là một cơ sở dữ liệu điện tử về sách với một tham vọng trở thành một thư viện sách của nhân loại.

Google số hóa sách bằng việc quét nguyên bản các bản in sách thành dữ liệu điện tử để người sử dụng internet có thể tra cứu được.

Việc tra cứu cho tới hiện tại mới chỉ dừng ở mức độ người tra cứu chỉ đọc miễn phí được vài trang trên quyển sách. Google ngắt quãng các trang sách với thông báo “những trang sách không được hiển thị để xem trước” (Pages XYZ are not part of this book preview).

Google chưa có cơ chế, thu phí hay không thu phí, cho phép người tra cứu được đọc toàn bộ bất kỳ quyển sách hay bài viết nào. Nếu người tra cứu mong muốn có quyển sách đó, họ sẽ liên lạc trực tiếp tới nhà xuất bản, cửa hàng sách, thư viện.

Việc này giống như bạn vào một tiệm sách, trước khi bạn mua một quyển sách, bạn thường đọc thử vài trang xem nội dung và chất lượng có đúng nhu cầu của mình hay không. Không có mấy tiệm sách nào trên thế giới lại từ chối người mua đọc thử vài trang. Các hình dưới đây minh họa cách thức trích đoạn của Google:

Cách thứ nhất: Google nhặt từng đoạn có liên quan đến từ khóa để tra cứu (hình 1):

Cách thứ hai: Google cắt hẳn một trang sách có chủ định để người đọc không thể đọc được tác phẩm một cách trọn vẹn. (hình 2)

Với cách làm nêu trên, khó có thể quy kết Google gây thiệt hại vật chất và phi vật chất cho các nhà xuất bản và tác giả. Tuy nhiên, Google có kế hoạch số hóa một số đầu sách để kinh doanh trực tuyến, nên một số nhà xuất bản và hiệp hội tác giả của Hoa Kỳ đã kiện Google vài năm trước đây về việc “số hóa này”.

Vụ kiện đã được giải quyết trên cơ sở “dàn xếp”, tương tự như vụ kiện hiện nay có liên quan đến các tác giả Việt Nam. Những vụ kiện này đã được Google dự liệu từ trước và là cách thức để có thể thỏa thuận được tác quyền với hàng triệu tác giả trên toàn thế giới với hàng trăm ngôn ngữ là bằng thông qua phán quyết công bằng của tòa án.

Vì là cách thức lựa chọn, Google thỏa thuận trả phí tác quyền cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thông qua “dàn xếp pháp lý về bản quyền” tại tòa án. Đổi lại các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm chấp thuận cho Google được phép kinh doanh trực tuyến các tác phẩm đã được Google số hóa.

Ở vụ kiện có liên quan đến các tác giả Việt Nam, Google đã chấp thuận trả “63% tất cả doanh thu từ những lần sử dụng” và “60USD cho một Tác phẩm gốc (Principal Works) (ví dụ như một tiểu thuyết, một công trình nghiên cứu chính nhưng không bao gồm các phần Lời nói đầu, Lời bạt, Bình luận, Chú thích…); 15USD cho một tác phẩm cấu phần hoàn chỉnh (Entire Inserts) (ví dụ như một truyện ngắn trong một tuyển tập truyện ngắn, một bài thơ trong một hợp tuyển thơ…) và 5USD cho một tác phẩm cấu phần phụ (Partial Inserts) (ví dụ như hình minh họa, biểu đồ minh họa…).

Trong vụ kiện này, việc “dàn xếp” chỉ bao gồm những tác phẩm hoặc sách đã xuất bản trước ngày 5/1/2009 mà Google có sử dụng.

Lời khuyên của tôi dành cho tác giả quen biết là: số tiền bản quyền mà Google chấp thuận trả cho mỗi tác phẩm là không lớn. Số tiền đó còn phải trả cho những chi phí kiện tụng, chi phí quản lý… nên số thực tế nhận được không đáng để tác giả phải thực hiện yêu cầu độc lập với Google cho nên tác giả có thể giữ im lặng hoặc thông qua tổ chức bảo vệ quyền tác giả tập thể nào đó mà mình tin cậy.

Đổi lại, tác phẩm có cơ hội được truyền bá rộng rãi và lưu giữ lâu dài. Trong tương lai, khi các ứng dụng khác của Google được hoàn thiện, như “Google Dịch” thì tác phẩm còn có cơ hội được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thực tế, các tác giả Việt Nam có thị phần nhỏ bé trong thị trường đọc sách toàn cầu. Các tác phẩm hư cấu chủ yếu được viết bằng tiếng Việt. Một số tác phẩm không hư cấu (như các công trình nghiên cứu khoa học…) được viết bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác thì thị trường của những tác phẩm này là nhỏ bé.

Thay vì tìm cách nâng số tiền bản quyền thêm một chút giá trị hoặc từ chối tham gia hợp tác với Google, các tác giả, nhà xuất bản và thư viện ở Việt Nam nên nghĩ cách khai thác lợi ích từ Công cụ Tìm kiếm Sách Google. Việc khai thác có thể tìm hiểu thông tin về số lượng tra cứu đối với loại tiểu thuyết, nội dung, tác giả, khu vực tra cứu… để có được kế hoạch xuất bản, xây dựng phong cách viết, chủ đề thịnh hành, quảng cáo sách mới…

MỚI - NÓNG