VN chỉ quan sát được một phần nhật thực dài nhất thế kỷ

VN chỉ quan sát được một phần nhật thực dài nhất thế kỷ
TP - Ngày 22/7, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có thể quan sát được một phần nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ. Theo đó, độ che khuất của mặt trời (độ lớn của nhật thực) sẽ giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Thạc sĩ Trần Tiến Bình, Ban lịch Việt Nam, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, cho biết.

VN chỉ quan sát được một phần nhật thực dài nhất thế kỷ ảnh 1

Nhật thực toàn phần ngày 22/7 bắt đầu từ Ấn Độ, qua Nepal, Trung Quốc, đến trung tâm của Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần vì không nằm trong dải đen trung tâm mà nhật thực đi qua.

Nhật thực sẽ xảy ra vào lúc 7 giờ 6 phút và kết thúc vào 9 giờ 25 phút 50 giây (giờ Hà Nội). Thời gian quan sát cực đại là 8 giờ 11 phút, độ cao cực đại là 36 độ, độ lớn cực đại là 0,73.

Địa điểm quan sát rõ nhất là tỉnh cực bắc Hà Giang với độ lớn cực đại gần 0,80. Càng về phía Nam, độ lớn nhật thực giảm dần.

Ở Huế, độ lớn cực đại là 0,57, độ cao mặt trời là 37 độ. Thời gian bắt đầu lúc 7 giờ 10 phút sáng, cực đại lúc 8 giờ 13 phút sáng, kết thúc lúc 9 giờ 25 phút.

Còn ở TP Hồ Chí Minh, nhật thực bắt đầu lúc 7 giờ 17 phút, cực đại lúc 8 giờ 12 phút. Độ lớn mặt trời 0,39 và độ cao mặt trời lúc cực đại là 35 độ.

Tính từ năm 2007, ở Việt Nam có thể quan sát hiện tượng nhật thực được 38 lần, hầu hết đều là nhật thực một phần.

Chỉ có ba lần nhìn thấy nhật thực toàn phần, là ngày 11/4/2070 với địa điểm quan sát được là Kon Tum, Quảng Ngãi, ngày 27/1/2074 ở Nghệ An, Thanh Hoá, và ngày 27/7/2074 ở Đồng Xoài, Đà Lạt, Nha trang.

Từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, nhật thực kéo dài khoảng hai tiếng (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, thời gian có thể quan sát được chỉ khoảng hơn một tiếng.

Thạc sĩ Bình cảnh báo thêm, tuyệt đối không được quan sát nhật thực bằng mắt thường. Để có thể an toàn khi quan sát nhật thực, cần có các kính quan sát chuyên dụng.

Ngoài ra, có thể quan sát bằng các phương pháp khác nhau như nhìn qua tấm phim chụp X - quang; dùng một tấm bìa khoét một lỗ tròn hướng tấm bìa về phía mặt trời sao cho ánh sáng đi xuyên qua lỗ tròn. Đặt một tờ giấy trắng phía dưới sao cho hình ảnh mặt trời hiện thành một vòng tròn trên tờ giấy trắng.

Một phương pháp khác cũng có thể sử dụng là đặt một chiếc gương nhỏ dưới chậu nước sau khi hoà mực và nhìn hình mặt trời dịu mát đi qua chậu nước này.

MỚI - NÓNG