Những người "chống lệnh" hà bá

Những người "chống lệnh" hà bá
TP - Cầu Bãi Cháy được bảo vệ ở mức an ninh Quốc gia, với 40 bảo vệ liên tục tuần tra 24/24 giờ. Nhiệm vụ là bảo vệ, đảm bảo giao thông thông suốt..., nhưng, từ khi nạn nhảy cầu tự tử bùng phát, đội bảo vệ lại có thêm một việc mới...

>> Kỳ 1: Oan hồn thành tinh bắt người

Việc bất đắc dĩ

Với phạm vi phải bảo vệ lên tới gần 10 km, gồm cầu chính và tám cầu phụ, công việc của đội bảo vệ không đơn giản tí nào. Chỉ một vụ tai nạn, xô xát là tắc cầu. Phải liên tục nhắc nhở các phương tiện dừng đỗ trên cầu chụp ảnh gây mất an toàn, giải tỏa điểm có quá nhiều người tụ tập, theo dõi lượng phương tiện lưu thông qua cầu...

Từ khi có hiện tượng lên cầu tự tử, đội bảo vệ lại phải kiêm thêm việc nữa là cố gắng ngăn chặn người tự tìm tới cái chết do nhảy cầu Bãi Cháy.

Chỉ vào bản danh sách thống kê những vụ việc xảy ra trên cầu từ ngày cầu Bãi Cháy khánh thành, ông Nguyễn Văn Kiểm, đội trưởng bảo vệ cầu Bãi Cháy cho biết, ngoài số người chết vì lên cầu nhảy xuống biển, số người có ý định tự tử nhưng được ngăn lại vào khoảng 50 trường hợp. Hầu hết các nạn nhân, nhảy cầu hoặc có ý định nhảy cầu đều được đội bảo vệ cầu ghi lại cẩn thận như ngày, giờ, lý do nhảy cầu, tên tuổi, địa chỉ...

Ông Kiểm tâm sự, cứu người phúc đẳng hà sa, lương tâm không cho phép chúng tôi thấy chết mà không cứu. Nhiều khi cũng rờn rợn vì Diêm Vương, hà bá đã gọi ai đó mà mình ngăn cản thì cũng sợ... Tuy thế, còn cơ hội dù nhỏ để ngăn người tự tìm tới cái chết, chúng tôi vẫn cố gắng.

Làm thế nào biết người có ý định nhảy cầu?

Ông Kiểm bảo, khó để biết chính xác nhưng thường thì chúng tôi nhận định qua quan sát, linh cảm. Hầu hết những vụ định nhảy cầu thường được anh em linh cảm đúng, lâu dần thành phản xạ.

Cứ thấy ai có biểu hiện bất thường, vừa đi vừa khóc, đầu tóc rũ rượi, thờ thẫn như người mất hồn hoặc, đứng quá lâu trên cầu một mình là lập tức bảo vệ thu vào tầm ngắm.

Lúc đó, không ai bảo ai, sẽ có người đi theo. Phải giữ khoảng cách nhất định để họ đỡ nghi. Tiếp cận từ từ nếu họ không để ý vì đi theo sát quá thì không tiện - Ông Kiểm tổng kết.

Những người "chống lệnh" hà bá ảnh 1
Độ cao nhìn từ dưới chân cầu Bãi Cháy

Một bảo vệ tâm sự, nhiều trường hợp biết họ sẽ nhảy cầu mà không ngăn được. Ví như trường hợp N.M.M, SN 1986, trú tại TP Hạ Long, đi xe máy lên cầu khóc rồi lao xuống. Cô gái này bị người yêu bỏ vì gia đình người yêu cấm đoán.

Lại có cô gái định nhảy xuống biển thì được bảo vệ kịp giữ lại, đưa vào phòng bảo vệ khuyên can, nói những điều hơn thiệt. Cô gái lúc đó đã hứa không dại dột nữa, đội mới cho về. Thế rồi, không biết lúc nào, cô lại lên cầu nhảy.

Ông Kiểm nói, phần lớn nạn nhân nhảy cầu là vì tình và đều rất trẻ. Tự tìm tới cái chết là chuyện thường nhưng có vụ đặc biệt bị người yêu ép phải chết.

Vì ghen tuông, một thanh niên ép cô người yêu nhảy cầu Bãi Cháy. Anh ta ghì người yêu ở thành cầu, ép cô phải nhảy xuống biển. Vì bản năng sống, cô gái đó kiên quyết chống trả. Tiếng kêu cứu của cô gái và hành động lạ của đôi nam nữ được đội bảo vệ phát hiện kịp thời phối hợp với Công an TP Hạ Long giải thoát cho cô gái và bắt giữ tay người yêu máu lạnh.

Giải cứu một kẻ rồ tình

Chỉ tay về phía một cô gái đi trên cầu anh Hạnh bảo, người đó không lo tự tử vì dáng vẻ vội vã, đi thẳng, không nhìn ngang, dọc lấm lét như người đi tìm cái chết. Sợ nhất là ai đó vừa đi vừa nghe điện thoại. Đã có cô gái vừa nghe điện thoại vừa khóc, bảo vệ chạy tới nơi thì cô ta đã nhảy khỏi cầu.

Nhiều người trước khi nhảy cầu gọi điện thông báo cho người thân. Có cô trước khi buông tay còn gọi điện báo em trai tới cầu Bãi Cháy đón chị về…

Cuối năm 2006, một vụ dọa tự tử vì tình hy hữu xảy ra trên cầu Bãi Cháy khiến Công an TP Hạ Long và đội bảo vệ cầu phải vất vả suốt nhiều giờ trong điều kiện gió rét mới vận động được kẻ điên tình từ bỏ ý định.

Trước đó, không biết từ lúc nào, anh này đã treo người lủng lẳng dưới thân cầu bằng dây thừng, bên dưới là biển nước mênh mông. Khi mọi người đến để tìm cách lôi lên thì anh ta dọa cắt dây. Lý do vì gia đình không cho cưới cô N (ở Bắc Giang) nên quyết định treo mình để hoặc là chết hoặc cưới được nàng.

Anh ta ngoan cố tới mức cả khi Công an TP Hạ Long, bảo vệ cầu xuống hiện trường động viên, vận động vẫn không rời vị trí. Anh ta vẫn treo mình dưới cầu và dọa cắt dây. Nhiều phương án được triển khai, cả trên bờ, dưới biển để phòng bất trắc.

Anh ta đưa ra tối hậu thư, yêu cầu cả gia đình tới chứng kiến, khi nào đồng ý cho anh ta cưới vợ thì sẽ từ bỏ ý định nhảy cầu. Bà mẹ thấy con treo lơ lửng, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nên phải đồng ý ngay.

Thế nhưng, anh ta vẫn chưa chịu lên. Đòi phải đưa người yêu từ Bắc Giang đến. Thế là cô người yêu dù không muốn lại phải thuê taxi đi từ Bắc Giang đến tận nơi gặp kẻ rồ dại vì tình.

Những người "chống lệnh" hà bá ảnh 2
Ông Trần Văn Kiểm: Mọi diễn biến trên cầu đều được ghi lại

Anh Kiểm bảo, đội bảo vệ luôn phải để mắt và tiếp cận ngay tới những ai có dấu hiệu bất thường. Nhưng, khi bảo vệ tiến lại gần đối tượng lân la hỏi chuyện, thường bị mắng vì tò mò, mất lịch sự hoặc nghĩ anh em có mục đích xấu. Nhiều lần, bảo vệ cầu phải dùng biện pháp mạnh như mời công an đến lập biên bản, đối tượng mới đi khỏi hoặc cung cấp thông tin.

Từ lúc nào không hay, nhân viên bảo vệ cầu tự biến thành chị Thanh Tâm để tâm sự, giải thích khuyên can những kẻ chán đời. Thậm chí, nhiều lần phải làm xe ôm miễn phí đưa họ về tận nhà mới yên tâm.

Trong buổi lang thang trên cầu Bãi Cháy mới đây, anh Phan Văn Hạnh, bảo vệ cầu đã đưa người viết chiếc điện thoại để xem dòng tin nhắn. Cảm ơn anh, nhờ có anh mà em không chết. Thật uổng phí cuộc đời cho một phút nông cạn. Em sẽ làm lại và cảm ơn anh đã cho em cơ hội làm lại.

Anh Hạnh bảo, cô gái này giữa đêm một mình lên cầu Bãi Cháy khóc và định tự tử. Nguyên nhân vì yêu một gã Sở khanh tại TP Hạ Long. Lần ấy, tới gặp người yêu để tính chuyện cái thai đang lớn dần nhưng bị gã lạnh lùng bảo đi giải quyết. Đã thế, hắn lại mượn luôn chiếc xe và giấy tờ của cô gái đi cắm. Quá uất ức và đau xót, cô đã nghĩ quẩn... 

Anh Hạnh bảo, mỗi khi giúp một ai thoát được những suy nghĩ nông cạn, tiêu cực, thì vui. Nhiều vụ chứng kiến người ta buông tay rơi khỏi cầu anh em trong đội cứ thấy ám ảnh như mình có lỗi, bởi nếu nhanh hơn một bước chân thì biết đâu cứu được một mạng người.

Có nhiều vụ khi thấy bảo vệ đến ngăn thì buông tay. Anh Hạnh cười buồn, không hiểu vì sao nhiều thanh niên còn trẻ lại tìm tới cái chết dễ dàng như vậy. Cuộc sống còn nhiều điều đáng yêu, đáng trân trọng lắm...

Còn nữa

Đón xem kỳ sau: Tấm lưới gần và tấm lưới xa. Liệu có cách gì ngăn được cái chết dưới chân cầu?

MỚI - NÓNG