Lễ hội <EM>lên đồng</EM>:

Khi đương đại tiếp thị cho truyền thống

Khi đương đại tiếp thị cho truyền thống
TP - Xem bộ ảnh trên Facebook, có người bình luận: "Dự hầu bóng nhiều nhưng chưa thấy hội nào thế này. Mai sẽ đi xem". Mai là ngày thứ ba của lễ hội đền Lảnh Giang 2009: Sáng body-arts, tối lên đồng (Duy Tiên, Hà Nam).
Khi đương đại tiếp thị cho truyền thống ảnh 1
Các người vẽ trong màn trình diễn hầu đồng đêm khai mạc 23/7

Những người vẽ (nửa thân trên) sau khi qua tay các họa sĩ chuyên nghiệp sẽ làm tứ trụ (hầu dâng), còn lại độ hai chục người rước bát bảo, đứng như hàng vệ sĩ trong buổi lên đồng trước sân đền.

Trong buổi vẽ chiều 23/7, anh Nguyên ở thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), soi gương xe máy ngắm tác phẩm của họa sĩ Lê Quảng Hà trên người mình, nói: "Vì phong trào của đoàn thể thôn xã mà tôi tham gia. Lúc đầu cũng ngại".

Bà đồng Nga (Hà Nội) sau một hồi ngắm nghía tác phẩm của các họa sĩ, quyết định chỉ dùng người vẽ trong giá quan tam phủ (là vị thánh ngự ở đền Lảnh Giang): "Việc của quan tại di tích lịch sử của quan, mà hầu dâng như thế này quan về làm việc có vẻ lại càng oai linh". Nhưng từ giá ông hoàng, giá cô, bà Nga lại chọn bốn hầu dâng áo trắng thắt ca vát.

Bà Nga cho rằng, việc kết hợp nghệ thuật mới vào lễ hội cũng ý nghĩa: "Làm sao âm được rồi trần cũng phải được một tí, hai bên kết hợp càng đẹp. Nhưng nó cũng phải đúng theo luật của thánh, làm thế nào cho tế nhị, không nên phóng bừa quá".

Tổng đạo diễn Lễ hội đền Lảnh Giang 2009, TS Bùi Quang Thắng- Viện VHNT, cho rằng, sự tích hợp những nghệ thuật mới lạ sẽ làm nên bản sắc của lễ hội, phân biệt với các lễ hội khác.

"Tôi không thể để nó thành lễ hội tivi (ý nói những lễ hội na ná nhau được quay lên truyền hình- PV) làm cho người ta không muốn đến.

Huyền tích riêng biệt của từng lễ hội không được nổi bật. Tất cả đều là cúng- tế- rước. Hết".

Theo kịch bản, ba thanh niên vẽ khắp người trong vai ba vị thánh sẽ xuất hiện trong lễ khai mạc truyền hình trực tiếp. Cuối cùng để tránh phạm húy,  người ta chỉ có thể chiêm ngưỡng ba vị qua màn hình video cùng với các hình ảnh nghệ thuật của họa sĩ Phương Vũ Mạnh.

Phương Vũ Mạnh - phụ trách nhóm họa sĩ tham gia lễ hội khẳng định: "Đây không phải là nghệ thuật đương đại độc lập. Nó là một bộ phận nằm trong lễ hội. Các họa sĩ thoải mái trong sáng tạo nhưng nên có sự kết nối câu chuyện của ngày hôm nay với tích xưa". Anh gọi những gì các anh đang làm là nghệ thuật cộng đồng.

Trước khai mạc, họa sĩ Phạm Văn Trường sau khi hoàn thành phần việc của mình (màn trình diễn ba ông rắn nở ra từ bọc trứng) đã ngã bệnh tâm thần.

Phương Vũ Mạnh cho biết, anh Trường có tiền sử bệnh này, tái phát sau khi nghe tin một tác phẩm của anh được Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch tài trợ gặp trục trặc trong việc xin giấy phép.

Phạm Văn Trường (còn được gọi là Trường Art) từng đoạt giải Nhất Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008 do khán giả bình chọn tại cuộc thi do ĐSQ Đan Mạch tổ chức. Trường từng trả lời tạp chí Đẹp: "Có thời gian tôi sống trong bệnh viện tâm thần, lý do tôi tự giác vào đó là câu chuyện dài…".

Sự vắng mặt của họa sĩ Phạm Văn Trường không ảnh hưởng gì đến buổi lễ khai mạc.

Chị Hường ở thôn Đô Quan, một trong 60 chị em tham gia màn múa nến tối 23/7, hồ hởi: "Việc làng, chị em nhiệt tình đi. Nắng nôi không quản gì cả". Chị Hường chạy chợ, 50 tuổi, lần đầu tiên biết về huyền tích đền Lảnh Giang quê mình nhờ lễ hội năm nay.

Được biết hơn một tỉ đồng đã được chi phí cho lễ hội đền Lảnh Giang 2009. Ông Hậu, thủ nhang đền Lảnh Giang, người vay ngân hàng 500 triệu đồng để làm lễ hội năm nay- nói: "Giờ phải kết hợp giữa cổ và kim. Đưa cái mới vào mà không làm mất cái cũ. Hòa hợp giữa đương đại và cổ kính thì mới thành đất nước phát triển. Bỏ hết cái cổ đi thì người ta lại cho rằng đất nước mình không nhớ đến cội nguồn".

TS Bùi Quang Thắng cho biết, chỉ một tuần sau hội tịch điền (cũng do ông làm chủ trò), năm tới, ông sẽ làm tiếp lễ hội đền Trần Thương- thờ đức Thánh Trần. Cả ba lễ hội đều của tỉnh Hà Nam. 

Để chuẩn bị cho lễ hội này, TS Thắng cất công tìm được 10 người có khả năng xiên lình và một người đi được trên lưỡi cày nung đỏ. "Đền Trần Thương phải đồng ý đưa những màn trình diễn hầu thánh này vào tôi mới đồng ý làm. Có như thế mới có khách du lịch, mới có hương khói cho các ông".

Trăn trở của Bùi Quang Thắng là không lặp lại chính mình trong dàn dựng các lễ hội. Ông dự định sẽ viết sách và sau này đi dạy về làm lễ hội như một kiểu tổ chức sự kiện.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".