'Đừng đốt' vào hội thảo

'Đừng đốt' vào hội thảo
TP - Hai bà mẹ cùng các chị em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh và đông đảo giới điện ảnh, có trọn buổi sáng thứ Bảy 25/7 ở Bộ VH - TT & DL để nhìn nhận sâu hơn về "Đừng đốt".

Hội thảo do Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tổ chức.

TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng được đưa lên sân khấu nhưng không được như mong đợi.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định: “Khi làm phim tôi không bao giờ nghĩ mình làm chỗ này khán giả trẻ thích, chỗ kia khán giả già thích mà làm hết sức, đạt hiệu quả tốt nhất”.

Áp lực đến với ông từ chỗ khác: “Phim được duyệt nhưng phải chờ nửa năm để hoàn thành các thủ tục. Trong lúc ấy nhiều nơi có ý dựng phim về liệt sĩ Trâm, cả các hãng của Mỹ, Anh. Tôi phải nói với bà Doãn Ngọc Trâm, có đoàn nào muốn dựng thì gia đình cứ tạo điều kiện. Nhưng bà Trâm nói, ai muốn làm gì cũng được nhưng phải chờ phim của anh Minh xong đã. Đó là áp lực lớn nhất với tôi”.

GS. Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học, phát biểu: “Tôi đến hội thảo mục đích đầu tiên là cảm ơn hai người, bà mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vì đã sinh ra người con gái như Trâm, và đạo diễn Đặng Nhật Minh”.

Ông Phong Lê cho biết, trước khi xem phim ông rất băn khoăn:

“Nhật ký thì mọi người đều biết, câu chuyện xúc động lắm rồi. Nhưng giờ người ta đi xem cái gì? Giá trị của bộ phim cần phải được nhìn nhận một cách chính xác đó là tính dân tộc và tính nhân loại.

Trong phim, tình thương cao hơn lòng căm thù. Nhân loại gặp nhau qua tình cảm mẹ con, sự đồng cảm về khát vọng hòa bình, hạnh phúc giữa lúc khốc liệt. Xem phim nhiều lúc tôi không cầm nổi nước mắt”.

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng kể ông xem phim mà “nước mắt như mưa”. Rồi nói như chữa ngượng, cái tuổi của mình mau nước mắt. Ông chia sẻ: “Câu chuyện được thể hiện rất thật, rất cụ thể, hướng về khát vọng nhân văn của con người. Hồi ức là thủ pháp chính của phim.

Tuy không phải thủ pháp mới nhưng ở đây sử dụng rất đậm đặc, buộc khán giả sống cùng những hồi ức ấy. Vì thế tạo được sự cộng hưởng giữa người làm phim và người xem phim. Tôi khóc nhiều có lẽ vì cũng từng là lính”.

TS Nguyễn Văn Thành - Viện trưởng Viện Sân khấu, thẳng thắn: “Tôi xem phim không thấy xúc động dù rất thích. Tôi thấy bộ phim để người ta nghĩ nhiều hơn là để khóc. Đặng Thùy Trâm dường như không phải tâm điểm của phim mà chỉ là sự phản ánh về một cuốn nhật ký đã ám ảnh hai phía. Cách xây dựng hai gia đình có gì đó hơi ngược nhau.

Kết lại hội thảo, nhà văn Chu Lai nói “Ai không xem bộ phim là thiệt thòi lớn”- khiến hội thảo xoay sang một đề tài khác, làm sao để phim đến được khán giả. Đặng Nhật Minh cho rằng vấn đề phim phải đến được với khán giả trẻ vượt khỏi tầm tay của đạo diễn.

MỚI - NÓNG