Việt Tín JSC lừa đảo qua mạng: Thêm nhiều nạn nhân tố cáo

Việt Tín JSC lừa đảo qua mạng: Thêm nhiều nạn nhân tố cáo
TP - Hôm qua, sau khi Phạm Ngọc Vân bị bắt khẩn cấp, nhiều nạn nhân đã gọi điện đến trụ sở C15 tại TPHCM (số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM, ĐT: 069 36619) xác nhận họ cũng là nạn nhân của Phạm Ngọc Vân và các đồng phạm.

>> Bắt khẩn cấp Tổng Giám đốc Việt Tín JSC

Việt Tín JSC lừa đảo qua mạng: Thêm nhiều nạn nhân tố cáo ảnh 1

Nội dung bài báo về Tú được một website đăng tải - Ảnh: T.H.V

Trong đó, một nhà đầu tư ở Hà Nội thông báo họ mất trắng 100.000 USD khi tham gia sàn ảo đầu tư vàng và ngoại tệ trên hệ thống mạng của VFX Holdings. Như vậy, số tiền mà Phạm Ngọc Vân chiếm đoạt được không chỉ dừng ở con số 360.000 USD như kết quả ban đầu mà cơ quan điều tra xác định được.

Xác minh từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (A18), cho thấy, những năm gần đây, Vân không hề xuất cảnh đến quốc gia xa như  vùng Trung Mỹ (nơi Việt Tín JSC quảng cáo là phối hợp với tổ chức đầu tư tài chính VFX Holdings ở  Belize), chỉ quanh quẩn trong các nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong đó nổi lên là  Campuchia.

Dụ nhà đầu tư bằng một bài báo sai sự thật

Nội dung bài báo thiếu kiểm chứng về Nguyễn Phan Anh Tú đã bị các thành viên của hội du học sinh Oxford (viết  tắt VOX) phản ứng  trên các diễn đàn phản biện một cách giận dữ kèm theo những phân tích được cho là có cơ sở của những người từng đặt chân đến Oxford.

Nguyễn Ngọc Nam Phương - Chủ tịch VOX, nhiệm kỳ 2007 - 2008 bày tỏ bức xúc trên diễn đàn Sinh viên Anh (SVUK - http://www.svuk.org.uk/forums/index.php?showtopic=25849)

Liên quan đến hoạt động của nghi can Phạm Ngọc Vân, còn có Nguyễn Phan Anh Tú (SN 1985), người có quan hệ thân thiết với Phạm Ngọc Vân.

Tú từng được các nhà đầu tư biết đến trong vai trò cấp phó của Vân và nhân vật này từng gặp trực tiếp các nhà đầu tư để tư vấn giới thiệu họ tham gia sàn giao dịch ảo của hệ thống VFX Holdings, có một lần Tú đến tận nhà của một nhà đầu tư để nhận trực tiếp 100.000 USD. 

Đầu năm 2008, nhân vật Nguyễn Phan Anh Tú được đăng trên ấn phẩm số Tết đặc biệt của một tờ báo lớn ở TPHCM, có tiêu đề  Ăn xin, ngủ bụi, học Oxford!

Sau đó, nhiều trang web và báo điện tử trích đăng lại bài báo như gương điển hình về câu chuyện của một cô gái sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đầy mất mát và dò dẫm từng bước chân để đến được đại học danh tiếng Oxford.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, nội dung bài báo bịa đặt 100 phần trăm, Tú chưa từng đặt chân đến ĐH Oxford. Từ chiêu quảng cáo bịp này, nhóm Phạm Ngọc Vân dễ dàng dụ các nạn nhân sập bẫy.

Sau bài báo này, nhóm Phạm Ngọc Vân tăng cường các hoạt động quảng bá, tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn  mời gọi các nhà đầu tư tham gia sàn ảo. Trong các buổi gặp gỡ này, nhân viên Việt Tín JSC tích cực phát những tờ rơi trong đó đính kèm các hình ảnh của Anh Tú cũng như hệ thống link dẫn đến các website có đăng bài viết nói về gương của Tú. 

Khi bị cơ quan điều tra triệu tập, Tú tỏ vẻ là người yếu kém về sức khỏe và thiếu hợp tác với cơ quan điều tra. Nhưng với những hồ sơ thu giữ được, cơ quan điều tra cho biết, cô gái này có dấu hiệu giúp sức tích cực cho các hành vi của Phạm Ngọc Vân.

MỚI - NÓNG