Kỷ niệm 45 năm Quân chủng Phòng không, Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu:

Kỳ 1: Tả hữu bên Người

Kỳ 1: Tả hữu bên Người
TP - Tấm ảnh lịch sử quen thuộc, đẹp và hùng:  Bác Hồ chụp cùng Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát (trái) và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài (phải) trong buổi lễ tuyên dương sau chiến thắng ngày 5/8/1964.

Đó là ngày mồng 7/8/1964. “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi tám máy bay Mỹ và bắn hỏng ba chiếc. Vừa rồi lại nghe bốn máy bay về đến  Biên Hòa bị hỏng. Các chú đánh đuổi tàu chiến Mỹ, bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Như vậy là rất tốt”.

Kỳ 1: Tả hữu bên Người ảnh 1
Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh PKKQ (phải) trong lễ tuyên dương công trạng ngày 7/8/1964.  (ảnh TL)

Bác Hồ áo khoác ngoài không cài cúc, tả hữu bên Người là hai vị đại tá tư lệnh hai quân chủng (cấp hàm thời điểm đó) dường như đã cấu tứ nên nét đẹp và hùng ấy? Nhưng lý do áo khoác ngoài của Bác không cài cúc? Việc này có lẽ phải tìm gặp tướng Phùng Thế Tài... Chợt nghĩ thêm đã 45 năm rồi chắc gì lão tướng còn nhớ.

Trên đường đến nhà thượng tướng Phùng Thế Tài, tôi nghĩ cũng có chút chi là lạ bởi vị  lão tướng từng là tư lệnh quân chủng PKKQ một thời máu lửa lâu nay vẫn cư ngụ tại một căn hộ ven trục đường huyết mạch phía Nam thành phố ngày trước có tên là đường Tàu Bay, rồi đường Chiến thắng B.52, nay có tên mới là đường Trường Chinh.

Dễ gần 20 năm tôi mới gặp lại lão tướng. Đó là những năm đầu 90, lần gặp thượng tướng Phùng Thế Tài để thực hiện loạt bài về người lính cận vệ theo Bác Hồ từ những ngày còn hoạt động bên Trung Quốc.

Tên thực là Phùng Văn Thụ.  Từng được Bác Hồ đặt tên là Hữu Tài. Đến năm 1952 xin Bác cải lại là Thế Tài. Tại hang Pác Bó, có lần hai Bác cháu trồng khoai nước (khoai môn), Bác ra vế đối (một hoạt động trí não mà theo Bác rất cần đối với người làm tướng) trồng môn trước cửa, Phùng cận vệ đối lại bắt ốc sau nhà được Bác khen.

Hơi hoảng khi người nhà tướng quân cho hay, cụ đi viện. Nhưng chợt thở phào biết đó là việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mặc dầu gần đây sức khỏe tướng quân sút kém nhiều, phần tuổi tác lẫn bệnh tật.

Ngồi chuyện với người con trai cả vốn là sĩ quan quân đội nay đã nghỉ hưu được biết thêm nhà này gần đây thêm một vị tướng nữa! Đó là con trai thứ, hàm thiếu tướng công tác bên lĩnh vực khoa học quân sự.

Ngồi một lát thì cánh cổng mở. Ngó ra thấy những bước chân của vị lão tướng chẵn 90 sải trên nền sân  gạch rộng. Tháp tùng lão tướng là cụ bà mà vóc dáng không khác mấy so với hồi tôi tới lần trước, dẫu năm nay cụ chẵn 82.

Hai cụ niềm nở mời ngồi. Không muốn quấy quả các bậc tuổi trọng, với lại đã biết tính tướng quân qua lần tiếp chuyện dài dài lần trước nên tôi ngước lên tường (phòng khách nhà cụ tại vị trí trang trọng cũng có treo tấm ảnh này) nêu ngay cái băn khoăn về chi tiết trong tấm ảnh...

Cụ thư thả dựng cái can sang bên, cười nhẹ... thì cũng tại cái ông phó nhòm nhà các ông... Bữa ấy Lễ tại CLB Quân đội, trời quá nóng... Tôi với anh Phát áo trong ướt đẫm mồ hôi. Chắc Bác cũng thế. Lễ tất, có tiết mục chụp ảnh kỷ niệm. Mà cái ông phóng viên ảnh cứ loay hoay mãi. Mà khi ấy đang chuyện trò nên Bác nới cúc ra cho mát. Trong tư thế ấy  trông ông cụ đẹp lạ... Rồi cứ thế chụp. Thoáng nghe Bác cười, thế này để thể hiện quyết tâm đánh giặc của Bác cháu mình...

Lão tướng nói hơi chậm, nhưng rành rẽ, chứng tỏ còn khá mẫn tiệp. Nhiều chi tiết của sự kiện đã lui về nửa thế kỷ mà tướng quân vẫn rành rẽ như thế. Đến câu hỏi có phần rụt rè liệu ta có bị bất ngờ vào thời điểm mồng 5/8 ấy không thì lão tướng lắc đầu xua tay nghiêm sắc mặt mà rằng, không! Không hề bất ngờ! Nhưng khởi đầu là một chuyện chưa ưng ý.

Trong câu chuyện với phong cách cởi mở thẳng thắn như mười mấy năm trước của lão tướng, tôi thử chắp nối đại để thế này. Ngày 11/8 /1963, lần đầu tiên Mỹ cho hai máy bay trinh sát phản lực RF.101 bay sâu vào vùng trời miền Bắc, trung đoàn pháo cao xạ 100 ly bảo vệ Hà Nội nổ súng (lúc đó là 9 giờ 12 phút). Nhưng đã  bỏ lỡ thời cơ.

Kỳ 1: Tả hữu bên Người ảnh 2
Lão tướng Phùng Thế Tài với cháu nội.  Ảnh: Xuân Ba

Lần thứ hai, chúng lại xuất hiện, Đại đội 109, Trung đoàn 220, bắn được 11 viên, đại đội 130, Trung đoàn 260 bắn được bốn loạt (34 viên). Máy bay địch tránh hỏa lực và bay thoát.

Đây là lần đầu tiên sau 10 năm hòa bình, bầu trời Hà Nội rền vang tiếng súng.

Ngay hôm sau Bác gọi tôi lên - Phùng tướng quân giọng rành rẽ- vừa thấy tôi, Bác đã hỏi ngay:

- Bác nghe báo cáo hôm qua chú dùng mấy chục viên đạn đại cao để bắn chim. Có được con nào không mà không thấy đưa lên biếu Bác.

Tôi lặng người đi vì xấu hổ.

Ngừng một lúc Bác lại hỏi:

- Tất cả bao nhiêu viên chú có nắm được không?

- Dạ. 45 viên ạ.

- Bác nghe nói mỗi viên đạn 100 ly mà hôm qua chú cho bắn vung vãi lên trời có thể nuôi sống một gia đình trung nông trong một năm. Vậy với 45 viên thì giá trị là bao nhiêu? Nước ta còn nghèo. Chú cứ lệnh cho bắn lên trời phung phí như vậy mà không rơi chiếc máy bay nào thì có lỗi với nhân dân lắm.

Năm Giáp Thìn khởi đầu một thời trận mạc máu lửa của dân tộc. Sáng ngày 13/2/1964, đúng ngày mồng Một Tết, Bác Hồ đến thăm chúc tết Đại đội 130, Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đại đội sung sướng đón Bác ngay tại trận địa. Sau khi đi một vòng quanh doanh trại kiểm tra nhà bếp, nhà ăn, Bác thân tình hỏi thăm tình hình sức khỏe và tình hình vui tết của đơn vị, rồi nói:

- Hôm nay, Bác và các đồng chí trung ương đến thăm các chú. Bác thấy chú nào cũng khỏe mạnh, vui vẻ, Bác mừng.

Bác căn dặn đại ý, phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Đế quốc Mỹ còn nhiều âm mưu thâm độc, các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Muốn làm được như vậy, năm nay các chú phải ra sức rèn luyện kỹ thuật cho giỏi. CBCS cần đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau...

Theo phong tục của dân tộc, đi xông đất vào sáng mồng Một Tết là việc làm thiêng liêng. Bác dành thời khắc thiêng liêng này để đến với Bộ đội Phòng không - Không quân,

“Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch” - Chỉ thị của Bác là mệnh lệnh của vị Tổng Tư lệnh Tối cao đối với toàn quân ta, đối với Quân chủng Phòng không - Không quân. 

Sau Tết Giáp Thìn, đế quốc Mỹ bí mật thực hiện chương trình mang bí danh: “Kế hoạch tác chiến 34-A” tổ chức những chuyến bay do thám miền Bắc Việt Nam bằng máy bay U2, bắt cóc người miền Bắc để lấy tin tức tình báo, thả dù tung biệt kích vào hậu phương miền Bắc, phá hoại các cơ sở kinh tế, quân sự và tiến hành chiến tranh tâm lý.

Từ tháng 2/1964, đế quốc Mỹ lại cho các khu trục hạm thường xuyên hoạt động tuần tiễu do thám ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ trong một kế hoạch gọi là Desoto do Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương (CINPAC) điều hành, nhằm khống chế miền Bắc Việt Nam từ đường biển.

Trước tình hình đó, ngày 26/3/1964, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng phòng không toàn miền Bắc. Sự kiện Hội nghị chính trị đặc biệt do Bác Hồ triệu tập tại Hội trường Ba Đình. Rồi đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, đến thăm Quân chủng.

Đại tướng chọn đúng thời điểm mà đúng 10 năm trước quân đội ta đã cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nóc hầm Đờcát ở Điện Biên Phủ, để kiểm tra sẵn sàng chiến đấu Đại đội 7, Trung đoàn 220, bảo vệ Hà Nội. Những sự kiện ấy dường như mang lại cho quân đội ta một hào khí một quyết tâm mới! 

Từ sở chỉ huy quân chủng đến các trận địa pháo cao xạ, các chế độ trực ban chiến đấu được CBCS chấp hành nghiêm chỉnh. Các đài radar đã thay nhau mở máy 24/24 giờ cảnh giới theo dõi mọi hoạt động của không quân địch. Chính vì vậy chúng ta hoàn toàn không bất ngờ khi địch gia tăng những hoạt động khiêu khích phá hoại:

Ngày 30/7/1964, Mỹ cho khu trục hạm Maddox vào tuần tiễu sâu trong Vịnh Bắc Bộ. Nửa đêm 30/7, biệt kích của hải quân quân đội Sài Gòn đột nhập đảo Hòn Mê, Thanh Hoá.

Trưa 2/8/1964, chúng lại cho máy bay cánh quạt AD6 và máy bay T28 từ Lào sang bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn lần thứ hai.

Từ tối 31/7/1964 cho đến chiều 2/8/1964, tàu khu trục Maddox thuộc Hạm đội 7 của Mỹ liên tục hoạt động sâu trong vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường, khiêu khích, bắn phá các thuyền đánh cá của ta trên biển.

Trước tình hình đó, để bảo vệ chủ quyền trên biển, ba tàu phóng lôi của hải quân ta được lệnh xuất kích trừng trị hành động cướp biển của Hải quân Mỹ.

Ngày 4/8/1964, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ họp tại Nhà Trắng dưới sự chủ tọa của Johnson chính thức thông qua kế hoạch ném bom miền Bắc.

Sáng 5/8, chúng dựng lên câu chuyện tàu chiến Mỹ đang ở hải phận quốc tế bị Hải quân Việt Nam tấn công lần thứ hai để đánh lừa và kích động nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới.

Ngay từ trưa 5/8/1964, sở chỉ huy quân chủng PKKQ nhận được thông báo từ Cục Tác chiến: “Tổng thống Mỹ Johnson đã ra lệnh cho không quân của hải quân vào đánh phá miền Bắc nước ta”.

Tham mưu trưởng Quân chủng lệnh cho toàn quân chủng vào cấp 1. Và cuộc chiến đấu đánh trả bọn cướp trời ở Vinh, Thanh Hóa, Hòn Gai diễn ra như mọi người đã biết.

(Còn nữa)

 Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG