Kỷ niệm 45 năm Quân chủng Phòng không, Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu - Kỳ II

Có một con đường mang tên Nguyễn Bá Phát

Có một con đường mang tên Nguyễn Bá Phát
TP- Nhà thơ Nguyễn Hà (đã mất) có nhiều năm công tác ở ngành hải sản. Thời gian dài, anh là cây viết ruột của tờ Thủy Sản.

>> Kỳ 1: Tả hữu bên Người

Lần đó, không nhớ năm nào, anh Nguyễn Hà hình như là người chủ trì một cuộc gặp giữa cánh báo chí với lãnh đạo ngành thủy sản nhân ngày báo chí Việt Nam. Buổi gặp giản dị ấy diễn ra cũng nhanh. Nhưng mấy anh em làm báo chúng tôi còn nán lại hơi muộn bên cốc bia hơi đã đi hết bọt hôm đó do một duyên do...

Duyên do ấy là, khi anh Nguyễn Hà bật mí cho chúng tôi biết vị thứ trưởng Bộ Thủy sản đã đứng tuổi đang ngồi với chúng tôi đây chính là người đứng bên trái Bác Hồ trong lễ tuyên dương công trạng Quân chủng Hải quân và Phòng không Không quân trong trận đầu đánh thắng 5/8/1964, tướng Nguyễn Bá Phát, thời điểm đó là đại tá, Tư lệnh phó Hải quân.

Có một con đường mang tên Nguyễn Bá Phát ảnh 1
Bác Hồ và Tướng Nguyễn Bá Phát (Ảnh tư liệu)

Bữa đó, tôi ngồi khá gần vị tướng dáng người cao, nước da bánh mật tóc cắt ngắn, nói giọng xứ Quảng và nhất là ông uống bia rất ít. Bia khi ấy là thứ hiếm. Ấn tượng nữa là câu chuyện cai rượu và thuốc lá qua chất giọng rủ rỉ nhưng hóm hỉnh của ông khi chúng tôi nài ông uống bia.

Qua câu chuyện vui,  tôi biết ông đã cai rượu và thuốc lá được 10 năm. Trước đây, ông xài hai thứ này dữ lắm. Lần đó, theo lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông về nhà tổ chức bữa nhậu, gọi mấy anh bạn thân đến. Bữa cơm kết thúc, trước mặt vợ con anh em, ông đập vỡ chai rượu, đập luôn cả ly và động viên hối thúc mọi người cùng đập và tuyên bố từ nay cai rượu lẫn thuốc lá.

Nhoáng cái đã ngót 30 năm, kể từ buổi chiều muộn ấy ở trụ sở Bộ Thủy sản. Khi ấy và sau này, do nhiều nguyên do, tôi đã để xổng lời khuyên của anh Nguyễn Hà là nên quan tâm khai thác vị tướng hải quân tài ba có nhiều chiến công đẹp như huyền thoại này.

Bây giờ, trước cái thềm kỷ niệm 45 năm trận đầu ra quân đánh đuổi KTH (khu trục hạm) Maddox, khi tư duy về chủ quyền biển đảo bỗng sống động trong mỗi lương dân Việt, chợt bừng ra trong tâm trí về vị tướng tài ba sông biển ấy, thì ông đã thành người thiên cổ.

Càng lần giở những trang đời bi hùng về tướng Nguyễn Bá Phát qua ký ức của chính ông, qua những người thân và đồng nghiệp của ông, càng thấy mình như có lỗi với đồng nghiệp đàn anh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hà.

Nhỏ hơn Phùng tướng quân hai tuổi và cũng mất sớm (năm 1993),  tướng Nguyễn Bá Phát cuộc đời trận mạc không kém phần ly kỳ liệt oanh. Từng trúng tuyển vào lính thợ (ONS) chuẩn bị sang châu Âu nhưng Pháp thua trận không điều lính từ Đông Dương sang nữa, chàng thanh niên Nguyễn Bá Phát được một bà con giới thiệu và trở thành lính thủy trên chiến hạm La Mote Picker đóng ở Sài Gòn nhưng thường có những chuyến hải hành khắp các vùng biển thế giới.

Hơn năm năm làm lính thủy, thời điểm Nhật hất cẳng Pháp, Nguyễn Bá Phát về quê ở làng Trung Sơn, Hòa Vang, thì được giác ngộ cách mạng và tham gia dân quân tự vệ.

Xung vào Vệ Quốc Đoàn, đời binh nghiệp của Nguyễn Bá Phát không phải làm lính (vì đã là thủy binh Pháp) mà chỉ một thời gian ngắn, anh được giao trọng trách chỉ huy phó mặt trận Buôn Mê Thuột.

Sau thời điểm toàn quốc kháng chiến, trung đoàn trưởng trung đoàn 96 Nguyễn Bá Phát đã chỉ huy trung đoàn lập nhiều chiến công tại các trận như Đèo Hải Vân, Đà Nẵng, được phái viên chính phủ Phạm Văn Đồng tặng cờ Giữ Vững.

Nguyễn Bá Phát tiếp tục nổi danh trong nhiều trận đánh sau này tại địa bàn ác liệt khu V trong cương vị trung đoàn trưởng 108, tham mưu trưởng Mặt trận Bắc Tây Nguyên, chỉ huy sư 305, tham mưu phó, tham mưu trưởng Liên Khu V.

Tập kết ra Bắc, danh ấy, công ấy, ông xứng đáng là sư đoàn phó sư 308 một thời gian dài. Nhưng ông được điều vào một việc khác, giữ chức Cục phó Cục Phòng thủ Bờ biển, tiền thân của Quân chủng Hải quân sau này. 

Chú là gốc lính thủy Pháp chú có nhiều kinh nghiệm đi biển đánh thắng thằng Mỹ này phải khác với đánh thắng thằng Pháp. Chú đã có công quật ngã Pháp dưới mặt biển thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ chú Phát.

Khi được tin đơn vị ông lập công đầu khai thông đoàn tàu không số tiếp tế chi viện cho miền Nam, ngay trong đêm, Bác Hồ đã bí mật xuống Hải Phòng gặp gỡ anh em và động viên ông như vậy.

Trong chuyến thăm bí mật ấy, Bác tặng Nguyễn Bá Phát chiếc đồng hồ đeo tay. (Đến thời điểm đó, Bác chỉ tặng đồng hồ đeo tay có khắc ba chữ Hán Hồ Chí Minh cho Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1946 và Nguyễn Bá Phát. Sau này là Nguyễn Chánh, Chu Huy Mân. Hiện, phần thưởng quý giá ấy được lưu tại Bảo tàng Quân đội).

Có một con đường mang tên Nguyễn Bá Phát ảnh 2
Ngư lôi dùng tấn công KTH Maddox ngày 2/8/1964. Ảnh: XB

Năm 1964, Quân chủng Hải quân được thành lập. Cũng năm đó, lòng quả cảm lẫn tài trí của Hải quân Việt Nam cùng vị thủ lĩnh đã được thử thách như thế nào? Có lẽ, không ví dụ nào sinh động hơn trận đánh đuổi KTH Maddox ngày 2/8/1964.

Đây là trận tiến công của ba tàu phóng lôi (333, 336, 339) Phân đội 3, Đoàn 135, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đánh đuổi tàu khu trục Maddox (số hiệu 731) thuộc biên đội xung kích 77, Hạm đội 7 Mỹ khiêu khích vũ trang, xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trưa 2/8, ba tàu 333, 336, 339 tiếp cận tàu Maddox tại vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường (Thanh Hóa). Tàu Maddox được không quân Mỹ chi viện phản kích.

Bị thương vong, một số chiến sĩ, tàu của ta vẫn bám sát mục tiêu, phóng ngư lôi, dùng vũ khí bắn thẳng vào boong tàu Maddox, bắn rơi tại chỗ một máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, buộc tàu Mỹ phải rút chạy. Đây là trận chiến đầu tiên của hải quân nhân dân Việt Nam.

Cần nói thêm, riêng về hỏa lực chiến hạm, KTH Maddox có sáu đại bác 127 ly với tầm xa khoảng 20 cây số, do radar điều khiển. Đó là chưa kể một số hải pháo cỡ nhỏ hơn như 76 ly, 40 ly và 20 ly đa số được dùng trong việc phòng không nhưng cũng rất hữu hiệu đối với những mục tiêu ngắn tầm trên mặt biển.

Trong khi đó, các tàu phóng lôi bé nhỏ của ta chỉ được trang bị đại liên 14.5 ly tầm xa không quá hai cây số và mỗi tàu chỉ có hai quả ngư lôi. Sau khi các ngư lôi đã được phóng đi, hỏa lực còn lại của tàu không thấm thía gì so với các khẩu hải pháo trên chiến hạm Maddox.

Ngoài ra, với ưu thế tuyệt đối về radar, KTH Maddox có thể nhìn thấy các tàu của hải quân Việt Nam từ lâu trước khi vào tầm hải pháo. Hơn nữa, các radar hải pháo của KTH Maddox với khả năng tự động khóa vào mục tiêu nên có thể tác xạ rất chính xác.

Thế nhưng, thật trớ trêu, trong trận hải chiến, chiến hạm khổng lồ Maddox không bắn chìm được mục tiêu vì không có một viên đạn 127 ly nào bắn trúng đích! Cả ba tàu của  Hải quân Việt Nam chỉ bị hư hại vì mảnh của những viên đạn nổ gần dưới nước. Trận đánh lại xảy ra giữa ban ngày, có lúc trong tầm ngắn, đôi bên chỉ cách nhau chừng một vài cây số.

Về trận đánh ấy, quân sử của các bên sau này đã tốn không ít giấy mực cùng những lời lẽ luận bàn. Nhưng, chiến công đánh đuổi KTH Maddox cùng thành tích phối hợp với lực lượng phòng không bắn rơi tám máy bay phản lực siêu âm của Mỹ bắt sống giặc lái E.Alvarez mãi mãi đi vào quân sử hải quân Việt Nam.

Những năm tiếp theo, có thể nói là thời điểm bi tráng của hải quân Việt Nam. Mỹ khóa chặt tất cả các cửa sông mạn Bắc, nhất là từ vĩ tuyến 20 vào đến vĩ tuyến 17 bằng hệ thống thủy lôi bom mìn ác hiểm. Không quân Mỹ tăng cường săn đuổi các hạm tàu 24/24. Đã có ý kiến cho rằng, lực lượng hải quân nên lui ngược sâu vào sông Hồng để tham gia bảo vệ Thủ đô và bảo toàn lực lượng.

Rời hạm tàu rời biển có nghĩa là xóa quân hiệu hải quân. Tướng Nguyễn Bá Phát cùng các trợ thủ của mình bảo toàn được hầu hết các phương tiện chiến đấu, vận tải tại những địa bàn hiểm yếu của Vịnh Hạ Long. Họ âm thầm giành tâm sức chắp cánh cho Đoàn Vận tải 125, bằng việc cải tiến những con tàu không số lớn hơn với sức chở hàng trăm tấn, có thể đi xa hơn để chi viện cho chiến trường miền Nam với hàng trăm hải trình khác nhau trên Biển Đông.

Rồi việc ra đời và chiến công của đoàn đặc công nước 126 huyền thoại trong những trận đánh tại cảng Cửa Việt. Cơn bĩ qua, Hải quân Việt Nam lại tung hoành phát triển cùng với cục diện chiến trường. Việc đưa bom chìm của tàu săn ngầm lên bờ thành bom phóng trên bộ, cũng như việc đưa tên lửa đất đối không trên bờ thành tên lửa đối hải để đánh tàu chiến địch, việc dùng tàu chiến đấu và tàu gỗ để thả thủy lôi đánh tàu Mỹ.

Đặc biệt, thành tích sản xuất thiết kế các loại thiết bị rà quét phá  thủy lôi bom từ trường của địch như khung dây từ trường dưới nước trên bờ, ca nô phóng từ không người lái... Tất cả đều có sự đóng góp đắc lực của thủ lĩnh Nguyễn Bá Phát. Riêng công trình rà phá thủy lôi bom mìn của Nguyễn Bá Phát đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.

... Gấp lại cuốn hồi ức của nhiều người về Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát vị tướng tài trí, tôi nhớ hai đoạn.

Một của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi nhớ mãi Thiếu tướng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát một vị tướng tài trí của quân đội ta, người đồng chí thân thiết mà tôi luôn tin tưởng mỗi lần giao nhiệm vụ (viết ngày 10/8/2007).

Hai là của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để tưởng nhớ công lao của ông, sau khi thiết kế khu đô thị phía Tây Bắc Đà Nẵng, thành phố đã thống nhất đặt tên cho con đường từ đường Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ IA cũ) vào khu dân cư đến giáp xã Hòa Liên (quê hương Nguyễn Bá Phát) là đường Nguyễn Bá Phát.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.