Bí thư Thành uỷ đối thoại với các ông chồng "cá biệt"

Bí thư Thành uỷ đối thoại với các ông chồng "cá biệt"
TP - Buổi đối thoại trực tiếp giữa ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng với hơn một trăm ông chồng được mệnh danh là vũ phu hôm qua, 5/8, chứa đủ cung bậc cảm xúc lạ lùng chưa từng có...
Bí thư Thành uỷ đối thoại với các ông chồng "cá biệt" ảnh 1
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh (phải) tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Huy

Mới tháng trước, có ông chồng trói vợ mình vào gốc cây để đánh đập. Hàng xóm đi qua thấy chồng đánh vợ cũng cầm roi nhảy vào quất luôn bà vợ. Thấy lạ, ông chồng sững người hỏi: “Vợ tôi, tôi đánh, mắc mớ gì ông cũng đánh theo”. Vị hàng xóm thản nhiên: “Vợ ông mà ông chẳng thương thì tôi xót làm gì”.

Ông Thanh mở đầu buổi đối thoại bằng câu chuyện dí dỏm, làm cả hội trường cười ồ. Phía dưới vài khuôn mặt thầm thẹn, nhận ra hình ảnh của mình.

Đưa chồng đi dự

Sáng sớm, chị N.T.P.D (43 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng chồng có mặt tại hội trường UBND thành phố (42 Bạch Đằng).

Tất tả trong bộ quần áo sờn màu, cầm trên tay tờ giấy mời đề chữ hoả tốc ngoài bì thư, do đích danh Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh ký, chị D. khấp khởi: “Ổng xã tui nằng nặc không đi vì bảo chuyện nhà mình mắc mớ chi đưa ra bàn luận. Tui phải đốc thúc và trực tiếp tháp tùng ổng mới chịu đi.

Nghe nói được ông Bá Thanh nói chuyện tìm cách chữa căn bệnh vũ phu, gia đình tui mừng lắm. Còn như phận tui thì chỉ còn nước im lặng chấp nhận trước mỗi lần bạo hành thôi”.

Gần chục năm nay, căn nhà nhỏ ở phường Mân Thái của gia đình chị D. xảy ra những trận đánh đập, chửi rủa của chồng sau mỗi cơn say. “Bình thường, ổng tội lắm, nhưng cứ rượu vào là chẳng biết vợ con gì hết. Hết đánh vợ con, lại lầm rầm chửi bới. Không chỉ nhà chị chịu khổ mà bà con lối xóm cũng khó chịu vì tình trạng mất trật tự” - chị D. tâm sự.

Không có nghề nghiệp ổn định, anh N.V.Th (42 tuổi) - chồng chị, xoay xở qua ngày với công việc phụ hồ ngày được, ngày mất. Cơ cực, bế tắc, anh Th. lao vào rượu chè.

Chung cảnh ngộ, chị T.T.N đứng tựa cửa sổ, chăm chú theo dõi buổi nói chuyện và để ý từng cử chỉ, thái độ tiếp thu của chồng, thầm mong một sự thay đổi. “Bình thường ở nhà thì nhất trời nhì chồng. Vậy mà, có giấy mời đi ổng lại kêu ngại...” - chị N nói.

“Trụ cột phải ra trụ cột”

Hơn 130 ông chồng cá biệt được mời dự là từng ấy câu chuyện dài về bạo lực trong gia đình. Thống kê được ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng đưa ra làm cả hội trường giật mình. Bạo hành gia đình trên địa bàn thành phố đang gia tăng, trung bình mỗi năm có đến 600 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình. 90 phần trăm nạn nhân là nữ giới.

Trong đó, 45 phần trăm bị chồng đánh đập, gần 80 phần trăm bị sỉ nhục, đe dọa, hơn 70 phần trăm bị bỏ mặc không quan tâm, gần 10 phần trăm bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội và gần 20 phần trăm bị chồng ép mang, phá thai theo ý muốn...

Chưa bao giờ, khung cảnh vốn nghiêm trang tại hội trường UBND TP Đà Nẵng lại rộn rã, ồn ào vì nhiều người dự như sáng qua. Có người trong số họ có học hàm học vị hẳn hoi.

“Đây chỉ là cuộc gặp gỡ tự nguyện nên không có gì phải giấu giếm cả. Tôi, với tư cách là Chủ tịch HĐND Thành phố và cũng là một người đàn ông, nên muốn cuộc nói chuyện trao đổi này thẳng thắn, sòng phẳng - ông Thanh giãi bày - Với tâm niệm là sau buổi gặp hôm nay các anh hiểu ra từ trước nay mình đã gây nên những hành vi đau khổ cho vợ con và từ nay sẽ không tái phạm nữa.

Nếu trước đây, anh có đánh vợ con thì từ cuộc gặp gỡ hôm nay, các anh hãy suy nghĩ lại hành vi của mình và đừng tái phạm nữa”.

“Mỗi lần ra tay đánh đập vợ con, các anh có biết hậu quả xấu thế nào về sức khỏe và tinh thần của vợ con và nền tảng gia đình không?” - câu hỏi của ông Thanh khiến không khí hội trường lắng lại.

Rồi ông tự lý giải: Con cái trong gia đình thường xuyên có bạo lực sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn.

Đặc biệt, ở nhiều gia đình, thế hệ con đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em, có đến 80 phần trăm em bỏ nhà hoặc phạm pháp do cha mẹ.

“Xây dựng một xã hội tốt đẹp phải bắt đầu từ mỗi gia đình, trong đó, người chồng phải ý thức được trách nhiệm, bổn phận, vai trò của anh ta trong việc phát triển kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình. Muốn thế, người chồng phải thể hiện được mình là trụ cột gia đình. Đã là trụ cột thì phải ra trụ cột” - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ đối thoại với các ông chồng "cá biệt" ảnh 2
Các ông chồng tại buổi đối thoại. Ảnh: Đức Minh

Kêu oan  vẫn buộc ký cam kết

Trong số hơn 130 ông chồng vũ phu có mặt có đến 40 người thuộc diện hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Đại (phường Hoà Hải) mạnh dạn đứng lên trao đổi: “Tôi ý thức được việc làm của mình là không đúng nhưng một phần do đời sống còn nhiều khó khăn, dẫn đến áp lực, gây nên bạo lực gia đình”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, những trường hợp cụ thể có thể làm đơn để thành phố xem xét, hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố đã và đang triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn như khu chung cư cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ vay vốn. Qua đó, những hộ thuộc diện này có thể tiếp cận để cải thiện đời sống.

Ông Thanh nhắc nhở các bà vợ: “Chồng giận thì vợ bớt lời”. “Thay vì lựa chọn thời điểm thích hợp để nói lẽ thiệt hơn thì có những bà vợ gặp lúc chồng mất bình tĩnh mà vẫn đốp chát hơn thua, nói dai, càm ràm làm sao chồng chịu cho nổi. Đó chẳng khác gì là đổ dầu vào lửa”.

Ông Bí thư rút trong túi ra tờ giấy: “Thôi, tôi đọc Bài Thơ Đôi Dép để các anh nghĩ về tình vợ chồng: “...Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau... Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi/Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng/Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết/Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”. Ông Thanh vừa dứt lời, cả hội trường vang dậy tràng pháo tay.

Buổi đối thoại có tên Vai trò của nam giới trong việc phát triển kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình, khiến không ít khách mời nhầm tưởng là buổi tập huấn. Nhiều vị tỏ ra không đồng tình, kêu oan vì cho rằng mình không thuộc diện vũ phu.

Ông P.H.S (Hòa Thọ) đứng lên phân trần: “Trước đây, tôi là phó công an xã nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, tôi đã nghỉ việc. Chuyện tôi uống rượu là có nhưng đánh vợ thì tôi chỉ đánh có một lần cách đây hai năm. Tôi nghĩ, chuyện đó cũ rồi. Bây giờ buộc tôi ký vào cam kết không tái diễn bạo lực là oan”. “Anh có nhận mình đánh vợ?” - ông Thanh hỏi. “Vâng”. “Vậy ký cam kết không tái phạm là đúng rồi” - ông Thanh khẳng định.

Cuộc trò chuyện ý nghĩa, thiết thực kết thúc với việc những ông chồng cùng ký cam kết không gây bạo lực với vợ con.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.