Phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có

Phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có
TP - Phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, và người già trên 65 tuổi, ba nhóm có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao nhất ấy cảnh giác và được cảnh báo thế nào ở Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Lão khoa ở Hà Nội?

>> Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong từng từ chối nhập viện
>> Việt Nam hiện có 1.043 người dương tính với cúm A/H1N1

Phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có ảnh 1
10h sáng 4/8, ở Bệnh viện nhi Trung ương hầu như không có người nào mang khẩu trang. Ảnh: Phạm Yên

Cúm gà hết từ lâu rồi còn gì

10 giờ sáng 4/8, Bệnh viện Nhi Trung ương. Có vẻ như, nỗi lo lây nhiễm cúm A/H1N1 đang lan nhanh ở Hà Nội không tồn tại ở phòng khám này. Người đông như kiến mà hầu như bói không ra chiếc khẩu trang nào trên mặt một ai đó.

Y tá Tào Thị Tuyết, ngồi ở bàn chỉ dẫn cho bệnh nhân là người đầu tiên trong biển người tôi thấy đeo khẩu trang y tế. Y tá Tuyết lắc đầu: “Tôi chẳng thấy ai đeo khẩu trang cả. Họ chỉ chăm chăm vào cái phiếu khám của mình, làm sao chen lên để con em khám được nhanh thôi”.

Chị Lương Thị Hiệp, dân tộc Mường, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đang bế đứa con nhỏ bị ốm, “Không biết, không nghe, không thấy về dịch cúm A/H1N1”. Thậm chí, chị Hiệp còn nhầm cúm A/H1N1 với cúm gà H5N1.

“Tôi ở miền núi, không nghe đài, xem TV, đọc báo, con ốm nặng thì đưa xuống đây. Có biết khẩu trang y tế nó hình thù gì đâu. Mà dịch cúm gà đã hết từ lâu rồi còn gì”.

Anh Nguyễn Văn Thi, ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, đưa con xuống Bệnh viện Nhi chữa bệnh, đang ngồi chờ ở hành lang. “Ngày nào mà TV chẳng nói về H1N1, và khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng tôi cứ nghĩ là H1N1 đó trừ bố con tôi ra nên không phải đeo khẩu trang làm gì cho vướng víu”.

Bà Trịnh Thị Xuân - Y tá trưởng Bệnh viện Nhi Trung ương: “Tất cả các y bác sỹ đều được phát khẩu trang y tế  và đều mang trong giờ làm việc. Người nhà bệnh nhân mang khẩu trang chỉ tính trên đầu ngón tay. Nếu phát hiện có bệnh nhân nào sốt cao và có các triệu chứng nghi nhiễm cúm A/H1N1, chúng tôi sẽ đưa  ngay đến khoa lây và cách ly. Hiện nay, ở khoa lây đang có hai bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1”.

Nhắc lắm cũng mỏi miệng

Phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có ảnh 2Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai dễ mắc cúm A/H1N1 hơn các đối tượng khác. Nhưng phòng bệnh là không thừa bởi đây là đối tượng có sức đề kháng yếu trong thời kỳ mang thaiPhòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có ảnh 3 - Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Sáng 4/8, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng rất đông bệnh nhân và hầu như tất cả đều không đeo khẩu trang. Theo Trung tâm Kiểm soát & Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, thai phụ nhiễm H1N1 có nguy cơ biến chứng cao gấp bốn lần người bình thường. 

Chị Đào Thị Cúc đến từ phường Phương Mai nói: “Tôi có đeo khẩu trang khi đi ngoài đường. Vào viện thì bỏ ra”.

Chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Nguyễn Du, đang đăng ký ngày sinh cho con: “Tôi có đeo khẩu trang y tế. Vào đây thấy không ai đeo cả nên lại tháo ra”.

Y tá Hồng Thêu, ngồi ở bàn hướng dẫn cho bệnh nhân, có đeo khẩu trang y tế, nhưng để hở mũi, có lẽ vì khó thở quá. Y tá Thêu cho biết: “Các y bác sĩ ở đây đều được phát khẩu trang y tế đầy đủ nhưng có người đeo, người không. Còn dân vào đây thì đa số chưa đeo khẩu trang. Em có nhắc nhưng nhắc lắm cũng mỏi miệng”.

Có lẽ vì thế mà mặt hàng khẩu trang y tế ở xung quanh Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không sẵn có. Tôi tìm được một chỗ gần đó bán với giá 5.000 đồng/chiếc, nhưng cũng không chạy lắm.

Nóng quá, tháo cho dễ thở

Phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm nguy cơ cao: Như chưa hề có ảnh 4

10 giờ sáng 4/8, ở Bệnh viện Nhi Trung ương hầu như không có người đeo khẩu trang. Ảnh: Phạm Yên

Bệnh viện Lão khoa không đến mức đông như ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thế mà số người đeo khẩu trang y tế nhiều hơn. Chị Hồng Vân, trực hộ lý cho hay: “Bình thường một ngày, có khoảng 150 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến đây. Trong số đó, có khoảng một nửa đeo khẩu trang”.

11 giờ trưa, lúc tôi đến, số người đeo khẩu trang y tế ở phòng khám của Bệnh viên Lão khoa lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Vân giải thích: “Trưa nóng quá, họ tháo khẩu trang ra cho dễ thở thôi. Ở đây, nếu có trường hợp nào nghi nhiễm cúm A/H1N1 sẽ chuyển vào Bệnh viện Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới luôn. Cách đây có 50m”.

Tôi đến Bệnh viện Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới và thấy ở phòng chờ tất cả những người có mặt đều đeo khẩu trang. Trên cửa kính của phòng tiếp đón bệnh nhân có dòng chữ “Đeo khẩu trang để giữ cho bạn và người thân”.

Chẳng hiểu sao, các bệnh viện điều trị cho nhóm người có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, và Bệnh viện Lão khoa lại không đưa ra một khuyến cáo như vậy?

Với những gì tai nghe mắt thấy, tôi có cảm giác, các đối tượng nguy cơ cao cứ như chưa hề biết, nghe, thấy đại dịch cúm A/ H1N1 đang lây lan rất nhanh ở Hà Nội. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.