Phòng y tá trưởng hay quầy sữa ngoại?

Phòng y tá trưởng hay quầy sữa ngoại?
TP - Lâu nay, dư luận nói nhiều đến chuyện bác sỹ, y tá một số bệnh viện tiếp thị sữa ngoại thông qua việc kê đơn. Nhưng việc bán sữa ngoại ngay trong phòng y tá trưởng như tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì quả là chuyện hiếm.

>> Xem Video clip tại đây

Phòng y tá trưởng hay quầy sữa ngoại? ảnh 1
Phòng y tá trưởng (Bệnh viện Nhi Trung ương, ảnh phải) và cửa hàng sữa ngoại trên đường Đê La Thành. Ảnh: Phạm Yên

Muốn tiếp cận được các bác sỹ, y tá Bệnh viện (BV) Nhi để mua sữa thì phải có bệnh nhân. Sáng 4/8, tôi đưa con ba tuổi vào khám tại phòng chuyên khoa tiêu hóa, khu vực khám bệnh tự nguyện, BV Nhi Trung ương, với số thứ tự khám 46. Bệnh nhân quá đông, đến gần trưa, bố con tôi vẫn không tới lượt.

Chiều cùng ngày, tôi cầm sổ khám và biên lai thu tiền đến phòng khám gặp Thạc sỹ - bác sỹ N.N.V. Tôi trình bày là sáng đưa cháu đến nhưng chờ mãi không tới lượt.

Khi được hỏi về chế độ ăn uống, bác sỹ V chỉ dẫn: “Phải cho cháu uống loại sữa có nguồn gốc đạm thực vật, bởi loại sữa thông thường có đạm nguồn gốc động vật, cháu không hấp thụ được”.

Nhiều người bạn có con nhỏ tiết lộ, muốn mua sữa tại BV Nhi thì phải có giấy ghi của bác sỹ. Khi vào phòng bán sữa trong bệnh viện, nhân viên sẽ thu giấy này. Do vậy, tôi gợi ý về nơi mua, nhưng bác sỹ V nói: “Anh cứ ra cửa hàng ngoài cổng viện hỏi mua sữa cho trẻ bị tiêu hóa, họ bán ngay”.

Cầm sổ khám có đóng dấu Th.sỹ - Bác sỹ N.N.V, tôi hỏi một nhân viên bệnh viện tại quầy thu tiền về nơi mua sữa cho trẻ bị tiêu chảy. Thật bất ngờ, nhân viên này tư vấn rất cặn kẽ: “Em vào phòng đối diện phòng 15, gặp cô Thục Anh, cô Huề nhé.

“Không có giấy kê của bác sỹ như mọi khi có mua được không?” - Tôi hỏi. “Có khi là được đấy, cứ vào đi. Trong phòng y tá trưởng ấy…”.

Y tá bán sữa, thu tiền

Năm 2008, các hãng sữa ngoại chi tới 60 – 70 triệu USD cho các hoạt động PR, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị… (số liệu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam).

Tới phòng ghi biển Y tá trưởng - hành chính tôi hỏi một nhân viên bệnh viện vừa bước từ trong phòng ra: “Cho gặp cô Thục Anh, cô Huề với. Em muốn mua sữa cho trẻ”. Chưa nói hết câu nhân viên này đã nhanh nhảu: “À, vào đây”.

Rồi, chị ta sang phòng bên cạnh gọi một y tá tên Nhị: “Nhị ơi, sang bán sữa đi”. Y tá Nhị dẫn tôi vào phòng y tá trưởng và hỏi: “Cháu lấy sữa gì đấy? Cháu mấy tuổi rồi?”. Tôi trả lời: “Sữa cho trẻ tiêu chảy. Cháu gần ba tuổi”.

Lúc này, trong phòng y tá trưởng có bốn nhân viên đều mặc áo nhân viên bệnh viện. Thấy tôi vào mua sữa, người trông lớn tuổi nhất nhắc nhở các nhân viên còn lại: “Đừng chỉ lấy toàn Dumex, Dumex thường hay Dumex tiêu chảy phải ghi rõ. Không được thiên vị một hãng nào hết. Bây giờ cứ để Thục Anh bán...”.

Tôi hỏi y tá Nhị, ở đây có mấy loại. Đây có ba loại, vừa nói y tá Nhị vừa mở tủ lấy cho tôi một loại sữa của hãng Abbott giá 195 nghìn đồng. Tôi thắc mắc: “Sao ngoài kia bảo Dumex mới tốt”. Y tá Nhị lại mở tủ và lấy ra một hộp sữa Dumex và một hộp sữa Enfalac và giới thiệu: “Dumex cũng tốt, giá chỉ 170 nghìn, Enfalac thì 140 nghìn”.

Tôi liếc nhìn khi các cánh tủ sữa được mở, bên trong ba chiếc tủ trong phòng, hàng chục hộp sữa được xếp thành hàng ngăn nắp.

Thấy tôi có vẻ hỏi nhiều, nhân viên lớn tuổi nhất trong phòng tỏ vẻ khó chịu hỏi: “Giấy đâu, giấy của em đâu?”. Tôi hơi chột dạ nghĩ hay nhân viên này nghi ngờ mình và yêu cầu giấy kê của bác sỹ.

“Em không có phiếu, chỉ có bác sỹ V ghi là cháu bị tiêu chảy”- Tôi trả lời. Y tá Nhị nhìn vào sổ khám tôi cầm trên tay thấy đóng dấu Th.sỹ Bác sỹ N.N.V, liền nói: “Của bác V chị ạ”. Lúc này nhân viên lớn tuổi mới thôi, không truy nữa.

Tuy nhiên, nhân viên này lại tỏ vẻ không bằng lòng với các y tá khác và dặn: “Nhị bán, Nhị phải ghi tên Nhị vào. Ghi số tiền và ghi tên vào. Tháng này bán thiếu nên bắt buộc phải ghi. Chị sẽ kiểm hàng ngày đấy nhé”.

Không dám hỏi thêm bởi sợ họ nghi ngờ, tôi quyết định mua một hộp sữa Dumex 400 gam, giá 170 nghìn đồng.

“Cô ơi dùng hết thì cứ qua đây mua tiếp à? Cô tên là gì ạ?” - Tôi hỏi trước khi ra về. Y tá Nhị trả lời: “Tôi là Nhị, hoặc gặp chị Thục Anh, chị Huề đều được cả”.

Trở về nhà với hộp sữa Dumex trong tay, nhưng khi mở ra thì đây lại là loại sữa dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi. Hôm sau, tôi quyết định trở lại phòng y tá trưởng để đổi sữa.

Vừa tới cửa, gặp ngay y tá Nhị, tôi nói: “Hôm trước cô đưa cho cháu loại sữa dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi, nhưng con cháu đã gần ba tuổi, cô đổi cho cháu với”. “Đưa sổ bác xem nào, có phải của bác V (tên bác sỹ khám) không?”- Y tá Nhị hỏi vẻ khó chịu.

Sau khi xem sổ xong, y tá Nhị mở tủ lấy sữa. Lần này có vẻ cảnh giác hơn, nhân viên này chỉ hé mở những cửa tủ để tìm sữa. Lấy được một hộp cô nói: “Hộp trước của Dumex là 170 nghìn, hộp này phải trả thêm 25 nghìn, loại này dùng được cho trẻ từ sáu tháng trở lên”.

“Loại này không phải Dumex ạ?”- Tôi hỏi. “Không, loại này của Abbott, còn tốt hơn cả Dumex, em nên nhớ ngoài chức năng sữa cho trẻ tiêu chảy nó còn thay thế được hết các loại sữa dinh dưỡng bình thường. Nên đắt hơn mấy chục nghìn cũng đáng gì”- Y tá Nhị nói. Tôi móc túi lấy tiền trả cho cô Nhị và mang hộp sữa về. 

Đây là những gì tôi ghi lại được sau vài tuần tìm hiểu tại BV Nhi Trung ương. Việc bán sữa tại phòng y tá trưởng trong BV này là chủ trương chung của BV hay là của một số cá nhân?  

Video clip cảnh bán sữa tại phòng Y tá trưởng bệnh viên Nhi TƯ (nhóm PV Tiền Phong thực hiện) :

MỚI - NÓNG