GS - TS Nguyễn Xuân Kính:

Dóng hay Gióng, chưa ngã ngũ

Dóng hay Gióng, chưa ngã ngũ
TP - Dóng hay Gióng là vấn đề khi Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Dóng (Gióng) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

>> Thánh 'Gióng' hay Thánh 'Dóng'?

Tiền Phong trao đổi với GS-TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, về vấn đề này.

Dóng hay Gióng, chưa ngã ngũ ảnh 1
Minh họa Thánh Gióng bay về trời


Theo giáo sư thì Dóng hay Gióng?

Dóng hay Gióng không phải là vấn đề chính tả, mà là chuyện quan niệm. Hiện có hai quan niệm tồn tại song song.

Trước kia mọi người vẫn viết Gióng vì cho rằng cậu bé này nằm trên gióng- như cái nôi, sau lớn lên lại nhổ tre đánh giặc. Nhiều người trong đó có nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên viết như thế.

Dóng hay Gióng, chưa ngã ngũ ảnh 2
GS - TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hóa

GS Cao Huy Đỉnh (nổi tiếng với các công trình về người anh hùng làng Phù Đổng, đến nỗi có giai thoại khi ông xuất hiện ở đâu đó, có người gọi: “Thánh Dóng đến!”- PV) cho rằng Dóng là con ông Đổng (ông Đùng bà Đà), nên GS viết là Dóng. GS Đỉnh cho rằng đó là một phát hiện (với công trình Người anh hùng làng Dóng - 1969).

Trong giới khoa học, những người cẩn thận khi viết đều chú thích rõ: Có quan điểm viết Dóng, có quan điểm Gióng - theo Cao Huy Đỉnh hay Bùi Văn Nguyên...

Các nhà nghiên cứu như GS Trần Ngọc Ninh,  GS Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng dùng Dóng. Vấn đề Dóng hay Gióng có từng được đặt ra một cách thấu đáo thưa giáo sư?

Nhiều rồi chứ. Nhưng nhiều vấn đề đặt ra không giải quyết được, vì nó khó.

Có những vấn đề nhà khoa học đã nghiên cứu và thống nhất nhưng người ta vẫn không sửa. Ví dụ bài thơ Nam quốc sơn hà trước vẫn đinh ninh của Lý Thường Kiệt nhưng gần đây qua các công trình nghiên cứu, người ta cho rằng không phải.

Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông cách đây hai năm đã đề bài thơ Thần này khuyết danh. Nhưng rất  nhiều cuốn sách lịch sử văn hóa mới đây vẫn không cập nhật, vẫn ghi của Lý Thường Kiệt.

Chẳng hạn có người viết người dân tộc M’nông, có người viết Mơ nông. Riêng tôi mỗi khi viết, đều chú giải là có 4 - 5 cách viết: M’nông, M’Nông, Mnông, Mơ nông. Báo Nhân Dân, Từ điển tiếng Việt hay Tổng cục Thống kê cứ mỗi ông một phách.

Vậy ông chọn cách viết nào khi đề cập người anh hùng làng Phù Đổng?

Tôi luôn chú thích là có hai cách viết.

Nhưng ông vẫn phải chọn một để dùng, nếu phải dùng nhiều lần trong bài?

Khi phải trích dẫn nguyên văn thì tôi để nguyên cách viết của người đó, và chú thích là có cách viết khác.

Ví dụ khi trích dẫn công trình nghiên cứu Người anh hùng làng Dóng của Cao Huy Đỉnh thì tôi nói là có quan điểm viết Gióng. Trích dẫn Bùi Văn Nguyên thì tôi để nguyên cách ông Nguyên gọi Thánh Gióng, và chú thích là có cách viết Dóng.

Khi không trích dẫn thì tôi quen viết Dóng. Vì quan điểm của Cao Huy Đỉnh theo chúng tôi có sức thuyết phục. Dù vẫn có những người không đồng ý.

Về giải thích của từ điển rằng Dóng là tên nước nhỏ thời xưa ở Trung Quốc; Dóng na ná Dũng, Dóng còn là từ chỉ cây đa (14 nét), một biểu tượng của sức mạnh- khiến có bạn đọc cho rằng giả thiết Thánh Dóng có phần hợp lý, ông nghĩ sao?

Từ dũng chỉ có từ khi ta tiếp xúc với văn hóa Hán, ngày xưa làm gì có. Dóng theo tôi cũng không phải là cây đa.

Lại có ý kiến nghi ngờ, những người xây dựng hồ sơ trình UNESCO viết Dóng cho đơn giản hóa, dễ cho người nước ngoài đọc và cảm thụ hơn?

Tôi nghĩ không phải như vậy. Tên Trung Quốc hay Mông Cổ còn khó hơn nhiều.

Theo ông nếu chưa đạt được sự nhất trí ngay trong cách viết tên của người anh hùng huyền thoại  thì có nên vội vàng đệ trình hồ sơ lễ hội?

Tôi không dám bình luận. Viện (Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam- đơn vị xây dựng hồ sơ- PV) có thể tổ chức hội thảo về đề tài này để đi đến sự nhất trí tạm thời. Đã là vấn đề khoa học thì phải biểu quyết. Nhưng chờ nhất trí hoàn toàn thì sợ làm nhỡ việc.

Nhân tiện xin hỏi, ông nghĩ lễ hội Dóng (Gióng) đưa vào đề cử Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì có đáng?

Nó đáng nếu được dựng với qui mô như ngày xưa- những năm 1937, 1938 như ông Nguyễn Văn Huyên ghi lại. Như học giả Đuymuchie (Dumoutier) đã phải viết: “Ở châu Âu cổ kính của chúng ta, thử hỏi dân tộc nào lại hãnh diện là còn được tiến hành kỷ niệm một sự kiện anh hùng trong lịch sử xảy ra từ 2.300 năm trước. Những người An Nam bình thường có vẻ rụt rè thế  mà khi vào lễ hội, họ trở thành những con người khác hẳn”.

Ngày xưa người ta làm lễ hội lớn và có niềm tin, còn ngày nay nhiều yếu tố thực dụng len vào, nào dự án; địa phương thì có hòm công đức, bãi gửi xe... Mất cả sự linh thiêng.

Việc đề cử cũng được, và nếu được thì cũng tốt. Riêng đề cử hầu bóng thì chưa nên. Hát xoan thì không bằng hội Dóng.

Cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Một độc giả, Email: ...nv@cb.sgu.edu.vn

Không ngờ đây lại là chuyện của các nhà làm khoa học

Mệt thật! Tôi sống ở TP.HCM, may mắn có quê ngoại là làng Gióng. Xin cứ về làng Gióng, xem cách gọi tên vị Thánh thân thuộc này của người làng mà theo là đúng nhất.

Người làng ít học, nhưng sống với lễ hội, làm đồng về ngồi dưới bóng cây đa trước cổng đền, xem rối nước ở Thủy đình từ thời chưa có... các Hội Thảo Khoa học.

Phải tôn trọng tên gọi dân gian! Hồ sơ nộp cho UNESCO, tên gì đối với qúy vị ngoại quốc cũng vậy thôi, quan trọng là giá trị văn hoá dân tộc Việt của hồ sơ đó.

Bạch Liên, Email: ...2008@rocketmail.com

Ngày xưa làm gì có chữ quốc ngữ mà biết D hay Gi ?

Tôi thấy các bạn cứ bàn là Gióng hay Dóng mà không hiểu rằng các cụ ngày xưa có phân biệt D hay Gi đâu vì ngày xưa làm gì có chữ Quốc ngữ. Thật nực cười cho các vị PGS.TS cứ bàn về D hay Gi, chữ nào "cổ" hơn!!!! Thật kỳ quặc. Ngày xưa ông cha ta dùng chữ của người Hán, sau đó là chữ Nôm. Trong chữ có nghĩa. Giờ không phân tích chữ ấy, lại đi hỏi "D" hay là "Gi"???

Theo tôi, Gi, hay D thì đều như nhau cả thôi! không quan trọng!!! Quan trọng là trong bộ hồ sơ tự thống nhất cách gọi nào để không bị rơi vào trường hợp (mở bài là "Dóng", thân bài là "Gióng", kết luận là "Dóng") thôi.

Phạm Mạnh Hùng, Email: ...thuc@yahoo.com.vn

"Dóng" thật nực cười

Không ngờ các nhà khoa học lại đưa chuyện chẻ chữ ra đây để bàn. Nếu là Dóng thì từ truớc đến nay mọi sách giáo khoa và các tài liệu đã công bố phải hiểu thế nào đây hỡi các nhà khoa học.

Theo tôi chữ Gióng bắt nguồn từ chữ Hán xưa, vậy cứ phiên âm chính xác ra chữ quốc ngữ sẽ đúng. Khi có loạt bài báo này tôi mới được biết tới nuớc ta còn có một ông "Thánh Dóng" còn từ truớc tới nay tôi chỉ đuợc học, đuợc nghe về một ông thánh Gióng mà thôi.

Đừng nghĩ là ta đưa thế nào UNESCO chấp nhận như thế mà được. Khoa học thì phải chính xác cứ không thể lập lờ được.

Lê Văn Thảnh, Email: ...1810@yahoo.com

Thánh Gióng mới là đúng

Về 2 từ Thánh Gióng và Thánh Dóng. Theo tôi cách viết thứ nhất mới là đúng. Vì chữ "gióng" này nghĩa là 1 gióng tre. Còn trong từ điển không có chữ "dóng". Các nhà khoa học nói là chữ "dóng" cổ hơn chữ "gióng" nhưng thực ra không phải, mà đó phải là chữ "dọng", vì chữ "dọng" có nghĩa là phần ruột bên trong của một "gióng" tre.

Mà trước kia không nhẽ Thánh Gióng lại vác ruột tre đi đánh giặc? Như vậy Thánh Gióng mới là đúng. Chữ "Gióng" được sử dụng phổ biến nhất trên các văn bản giấy tờ.

Nguyễn Văn, Email: ...vn@yahoo.com

Kính gửi Tòa soạn báo Tiền Phong online Từ trước tới giờ khi nói đến Phù Đổng Thiên Vương chúng ta sử dụng cụm từ "Thánh Gióng". Vậy mà tôi thầy trên mặt báo của quý tòa soạn ghi là Thánh Dóng 'bay' sang Unesco nên gửi mail phản hồi này. Quý tòa soạn hãy giải thích giúp tôi ta nên sử dụng cụm từ nào Thánh Gióng hay Thánh Dóng.

Thu- Hanoi, Email: ...09@yahoo.com

 "Gióng" hHay "Dóng" ?

Theo ông Nguyễn Chí Bền phải gọi là Thánh "Dóng" chứ không phải Thánh Gióng, theo bài viết này chúng tôi không thấy lý giải tại sao thế là đúng, trong khi hàng triệu triệu người thế hệ chúng tôi và cả hiện nay được học từ sách giáo khoa là Thánh Gióng.

Đọc cả bài viết thấy chữ "Dóng" đập vào mắt rất khó chịu vì không hiểu vì sao lại dùng chữ đó, thiết nghĩ toà soạn khi đã chú giải theo ông Nguyễn Chí Bền nói như vậy thì cũng cần lý giải đến cùng cho sáng tỏ để bạn đọc chúng tôi không cảm thấy khó chịu. Xin cảm ơn.

DO HONG MINH, Email: dohongminh...@yahoo.com

Tôi nhớ từ khi học lớp vở lòng là tôi đã biết về Thánh Gióng, và sách vở cũng ghi rõ ràng là Thánh Gióng mà hôm nay đọc bài báo này tôi bất ngờ khi Thánh Gióng đã trở thành Thánh Dóng.  

Nguyễn Tuấn Sơn

Trước tiên, người viết xin tự giới thiệu là đã học phổ thông trung học (còn gọi là cấp III) từ những năm 70 của thế kỷ 20. Người viết hoàn toàn không có ý định phân biệt đúng sai giữa "Dóng" và "Gióng" mà chỉ đưa ra một số nhận sét như sau:

- Câu chuyện về cậu Gióng (như có người gọi là Dóng) là chuyện truyền thuyết, được xuất hiện từ rất xa xưa và được tồn tại cho tới hôm nay là qua đường truyền khẩu. - Trong khi đó Tiếng Việt của ta hôm nay (Nhất là chữ viết) được hình thành rất muộn trên cơ sở ký tự Lating ghi lại âm tiết của chữ Nôm.

- Khi chúng tôi còn đi học, tất cả các sách, báo, tài liệu đều ghi là "Gióng" chứ không như bây giờ

 - Khi còn nhỏ, chúng tôi đều được học theo ngôn ngữ tiếng việt mới đúng như tinh thần của Bác Hồ là làm trong sáng tiếng Việt. Khi đó không tồn tại từ "Kạn" trong "Bắc kạn" như bây giờ, lúc đó chúng tôi được học là Bắc Cạn - Hiện tại không ai phân biệt được chữ i (chữ i ngắn) và chữ y (chữ y dài) nằm ở vị trí nào, trong ngữ cảnh nào thì hợp hoặc là không hợp. tóm lại là không có nguyên tắc nào cả.

- Tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác đang ngày càng phát triển theo thời gian nhưng theo tôi chúng ta cần phải làm trong sáng tiếng Việt bằng cách thống nhất các quy tắc chính tả trước rồi hãy bàn tới chữ nào là đúng chữ nào là sai. Trong một số trường hợp đặc biệt chúng ta phải chấp nhận ngoài quy tắc nếu như thuộc về lịch sử hoặc có nguồn gốc nước ngoài. Đừng làm phức tạp thêm tiếng Việt nữa

- Đa số các ngôn ngữ khác cũng đều tồn tại những quy tắc và bất quy tắc song song(còn có thể gọi là quy tắc bất thành văn và mặc định), đồng thời họ cũng tồn tại những từ có nguồn gốc nước ngoài như là một bộ phận không thể thiếu của ngôn ngữ hiện đại nhưng không thấy ở đâu lại chấp nhận muốn viết thế nào cũng đúng như trong tiếng Việt hôm nay.

Vài ý kiến tản mạn chia sẻ cùng mọi người, mong đón góp để tôi hoàn thiện tiếng Việt của tôi.

nguoi gop y

Đọc loạt bài đăng trên báo Tiền Phong, tôi liên tưởng đến một câu chuyện tương tự của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nesin nói về các nhà khoa học tranh luận về năm sinh của một ông nào đó và cuối cùng chẳng đi đến đâu.

MỚI - NÓNG