Ngôi nhà nghèo và giấc mơ quá lớn

Ngôi nhà nghèo và giấc mơ quá lớn
TP - Sáu năm liền, Nguyễn Đức Sang đạp xe đi về quãng đường từ nhà tới trường 12 km vì không có tiền trọ học. Lắm lúc, bố lên Hà Nội chữa bệnh ung thư, mẹ đi làm đồng, một mình Sang trong căn nhà ba gian tự nấu ăn, học bài.
Ngôi nhà nghèo và giấc mơ quá lớn ảnh 1
Thủ khoa Nguyễn Đức Sang bên bàn học

Từ đầu năm học lớp 12, Sang đặt mục tiêu phải đỗ thủ khoa trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và nay đã đạt được mục tiêu ấy với 29,5 điểm.

Ngày Sang biết tin mình đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội với 29,5 điểm, đồng thời đạt 26 điểm ở ĐH Y thì bố đang truyền hóa chất đợt bốn trong Bệnh viện K Hà Nội. Vừa ra viện, ông một mình loạng choạng ra bến đón xe về nhà ngay vì quá vui mừng. Mẹ đi làm đồng về, vứt cuốc ở sân chạy vào nhà ôm con khóc, rồi lại thở dài không biết lấy tiền đâu cho con học ở Hà Nội.

Căn nhà ba gian của ông Nguyễn Văn Sức nằm khiêm tốn trong xóm 5, thôn An Qúy, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ông Sức đang nằm trên giường nước da nhợt nhạt, tái xám do bị ung thư hai năm nay. Thấy có khách lạ đến, bà Chuyên (mẹ Sang) đang lúi húi dưới bếp chạy lên rót nước. Căn nhà ba gian có chiếc tivi là có giá trị nhất.

Bà Chuyên chia sẻ, bố Sang là thương binh, tỷ lệ thương tật 61 phần trăm. Cả nhà trông chờ vào tám sào ruộng (sáu sào rưỡi ruộng gia đình có, mướn thêm họ hàng sào rưỡi) và chút tiền trợ cấp hàng tháng của ông Sức.

Năm 2005, ông Sức đổ bệnh. Bác sĩ kết luận, ông bị viêm gan B phải điều trị lâu dài. Năm 2007, ông Sức lại bị thêm bệnh ung thư hạch, Bệnh viện TP Hải Phòng trả về. Ông Sức đã dặn dò con cái chờ chết.

“Nhà có thứ gì giá trị, tôi bán hết, lên Hà Nội chữa trị cho ông ấy. Vừa chăm chồng, vừa lo việc đồng áng, nên nhiều khi dù trọng bệnh, ông ấy vẫn phải ở bệnh viện một mình. Người nhà bệnh nhân khác thương hoàn cảnh ông khó khăn lúc mua giúp bát phở, lúc cho cái bánh, chút quà nên ông đỡ tủi thân” -  Bà Chuyên nói.

Ông Sức nãy giờ nằm trên giường bệnh, góp chuyện: “Tôi động viên vợ đi làm để con có cái ăn, cái học, động viên con học tốt. Nhiệm vụ của ai người đó làm cho tốt, tôi bị bệnh cũng phải vững vàng để không kéo cả gia đình đi xuống” .

Giấc mơ du học

Ngôi nhà nghèo và giấc mơ quá lớn ảnh 2
Nguyễn Đức Sang bên người cha bị ung thư. Ảnh: Nguyễn Hà

Nhà Sang có hai anh em trai. Anh lớn đang là sinh viên năm thứ tư trường ĐH Hàng hải. Con gia đình chính sách, đi học được miễn giảm học phí nhưng chi phí sinh hoạt, ăn ở trông chờ cả vào tám sào ruộng một mình bà Chuyên gánh vác.

Sang nói: “Một tháng mẹ chỉ cho anh 500.000 đồng và 15kg gạo, họ hàng chú bác cho vay mượn thêm mới đủ để anh ấy ăn học...”.

Ngày làm thủ tục đăng ký dự thi, mẹ bàn với Sang nên thi vào ĐH Hàng hải. Học ở đó, hai anh em ở với nhau đỡ chi phí nhưng Sang thích ngành Hóa dầu, ĐH Bách khoa.

Đỗ thủ khoa rồi nhưng những ngày này, Sang vẫn ngồi vào góc học tập để ôn thi thực hiện mục tiêu đỗ vào Lớp Kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa. “Mình mơ được sang Nhật du học vì bên đó công nghệ phát triển. Mình mong học tập thành đạt, có điều kiện đưa bố đi chữa bệnh” - Sang tâm sự.

Bí quyết học của Sang là ngoài học trên lớp, tối về, Sang học từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chia làm hai ca. Mỗi ca chỉ học 100 phút sau đó nghỉ ngơi, thư giãn. Sáng dậy sớm xem qua bài trước giờ đến lớp.

Hành trình học của Sang khiến nhiều người nể phục. Suốt sáu năm học cấp hai và cấp ba trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Sang đạp xe 24 km đi về bất kể nắng mưa vì nhà không có điều kiện thuê trọ. “Ở trọ, ngoài tiền nhà, còn mất tiền ăn, về ăn cơm mẹ nấu rẻ hơn nhiều” - Sang nói.

Tiễn tôi ra về, người mẹ quanh năm tất bật ấy đã khóc vì ước mơ của con trai quá lớn mà bà không biết sẽ giúp con thực hiện giấc mơ đó thế nào.

“Nó ước mơ du học nhưng ngay cả tiền mua cho con cái máy tính tôi cũng không có, hàng tháng tiền đi viện cho bố, tiền học cho đứa đầu, giờ nó đỗ thì mừng lắm nhưng học ở Hà Nội đắt đỏ. Nó tính xin ở ký túc, mỗi tháng xin mẹ ít tiền ăn rồi kiếm việc làm thêm nhưng nó còn nhỏ tuổi lắm, không biết có xoay xở được không?” - Bà Chuyên ngậm ngùi.

Mẹ Sang kể, trời nắng như đổ lửa, mẹ đưa cho cái nón bảo đội Sang cũng nghe theo đội nón, đạp xe đi học. Nhìn bóng con khuất dần sau nẻo đường lắm hôm bà nhói lòng vì nhỡ đâu bạn bè nó trêu chọc.

Có lẽ, biết thương bố mẹ nên Sang không một lời so bì, phàn nàn. Trên góc học tập của Sang, dán những dòng chữ Quyết tâm đạt thủ khoa, Không có việc gì khó…

MỚI - NÓNG