Những nỗi đau lặng lẽ - Bài 3

Đến phố Chia Ly

Đến phố Chia Ly
TP - Nằm ngay bên bờ sông Thương, phố Chi Ly ở TP Bắc Giang, nơi có nhiều câu chuyện điển hình về ma túy, từ rất lâu rồi còn được gọi là bến Chia Ly.

>> Kỳ trước

Mỗi người một vẻ, một hoàn cảnh khác nhau, vậy mà những cuộc chia ly do ma túy, do mắc bệnh AIDS đều có những điểm tương đồng: Họ đều còn rất trẻ. Mỗi khi thấy người huyên náo, người  ta vẫn thường kháo nhau:

- Xóm mình có chuyện gì mà người ra kẻ vào nhiều thế nhỉ?

- Lại có cụ nào ra đi rồi!

- Cụ Thanh, con trai chị Vân, năm nay 89 rồi (sinh năm 1989 – PV).

Có những tiếng chép miệng, có tiếng thở dài. Khổ thân quá! Đau đớn quá. Thằng này nó vốn là đứa ngoan ngoãn học giỏi lắm cơ mà... Trong vòng mấy năm qua, nhiều thanh niên khu phố này lần lượt ra đi.

Thời gian cao điểm, mỗi ngày có hàng trăm con nghiện ra vào khu phố này. Các cửa hàng bán thuốc quanh đây luôn đắt khách hỏi mua xi (bơm kim tiêm). Cũng có người bán hàng tạp hóa còn chủ động lấy bơm kim tiêm về bán cho con nghiện, vì tính ra còn lãi cao hơn bán mì chính, nước mắm, xà phòng nhiều!

Chưa đầy 10 năm qua, trong cụm dân cư hơn 500 hộ dân có hơn trăm người nghiện ma túy. Cái chết trắng và căn bệnh AIDS cướp đi sinh mệnh của gần 50 người.

Trong số ấy, có gia đình bảy người chết vì ma túy, những người còn lại vẫn tiếp tục lao vào buôn bán, sử dụng hàng trắng; có gia đình bốn, năm người con trai đều được bố mẹ tiễn ra đồng.

Người dân sống ở địa bàn này chẳng lạ khi có người đang đi xe máy từ từ ngã xuống đường, nằm im một lát rồi lại phủi quần giũ áo đứng dậy đi tiếp như chưa có chuyện gì. Ai cũng biết đó là con nghiện phê thuốc.

Tự dưng có người chết bên đường cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì nhiều người hiểu đó là con nghiện sốc thuốc. Nhiều con nghiện chết chính quyền địa phương cũng chẳng biết tên tuổi, quê quán ở đâu, đành chôn tạm vào một góc của nghĩa trang, bờ ruộng nào đó.

Nếu như trường hợp đầu tiên, cả khu phố bàng hoàng chết lặng khi nghe tin con nhà ông X. chết vì sốc thuốc thì nay chuyện đó đã thành quen. Những cái chết được dự báo trước. Nên khi ai đó thông báo chuyện con ông này cháu bà kia chết vì ma túy người ta chỉ thở dài. Có người còn tặc lưỡi: “Thôi thì cũng nhẹ gánh cho bố mẹ nó, cho hàng xóm láng giềng”.

Trong một buổi tọa đàm về ma túy, ông Quang, 70 tuổi và cũng là cựu chiến binh được mời đến dự. Khi người tổ chức giới thiệu ông tham gia phát biểu về ma túy, ông đứng lên ôm mặt khóc, không nói được câu gì. Cả hội trường với hơn trăm con người lặng đi.

Hôm đó, nhiều người mới biết ma túy đã cướp đi người con trai duy nhất của ông. Con trai ông chết khi mới ngoài hai mươi tuổi, để lại vợ mọn và con thơ cho ông bà nội nuôi. Suốt những năm tháng qua, ông bà Quang sống trong tuyệt vọng, tưởng chừng như không gượng dậy được.

Ai đó ví nỗi đau như bát nước nóng nguội dần. Vậy mà với ông Quang, nỗi buồn đau mất đi người con trai duy nhất lại như có cái dằm trong tim, cứ đụng vào lại buốt nhói, quặn thắt...

Đến phố Chia Ly ảnh 1
Ông Quang - người có con trai duy nhất chết vì ma túy, đang đọc bài viết trên báo Tiền Phong

Cách nhà ông Quang không xa là gia đình ông Biên, bà Tình. Ông Biên là thương binh, bà Tình cũng là cựu chiến binh. Hòa bình lập lại, họ xây dựng gia đình và cũng chỉ có một người con trai duy nhất.

Những ngày gian khó, đói khổ tưởng chừng đã qua nhưng vợ chồng ông bà lại phải đối mặt với nỗi đau mất con. Năm 2008, ma túy cướp đi sinh mạng người con trai của ông bà, để lại cô con dâu trẻ và đứa cháu nội còn chưa biết bập bẹ...

Sau khi con mất, ông Biên tham gia tổ an ninh của tổ dân phố. Ở cương vị tổ trưởng, ông Biên nhiều lần phối hợp với lực lượng công an truy bắt tội phạm ma túy. Có lần, khi phát hiện hành vi mua bán ma túy trên thuyền, trong đêm tối ông cùng với anh em trong tổ lao ra giữa sông truy bắt tội phạm.

Trong xóm có Long và Tuấn ở cạnh nhà nhau, chơi với nhau từ nhỏ và cả hai cùng mắc nghiện. Khi bị phát hiện, bố Long quyết định nhốt nó trên tầng hai, cửa phòng chỉ mở khi đưa cơm mỗi khi đến bữa.

Long ở trên tầng hai, không ra ngoài nửa bước nhưng vẫn có thuốc để chích hút. Cậu vẫn thường ném đồ của nhà sang nhà Tuấn, Tuấn bán được mua thuốc rồi lại quăng sang cho Long.

Đến khi bố Long phát hiện thì đồ đạc ở tầng hai đã đội nón ra đi gần hết. Từ quạt điện, bàn là, phích điện đến cả ti-vi cũng bị Long buộc dây vào thả xuống để đổi lấy ma tuý. Bố Long phải sang nhà hàng xóm đề nghị đưa Tuấn đi cai nghiện tập trung để tách đôi chúng ra. Và Tuấn được đưa đi cai nghiện thật. Đến khi bị xích chân lại, mấy ngày liền Long vật vã vì không có thuốc.

Thế nhưng đến buổi chiều ngày thứ tư, khi bố mẹ Long đi làm về thì đã thấy Long giãy giụa, miệng sùi bọt trắng. Người ta bảo, Long chết vì sử dụng quá liều, còn thuốc lấy từ đâu ra thì... không ai rõ!

Sau khi Long chết được gần bốn tháng, Tuấn được gia đình xin đón về nhà, người gầy yếu, mụn nổi khắp người và bị tiêu chảy không thuốc nào cầm được. Chưa đầy tháng sau, Tuấn chết vì bệnh AIDS đã ở giai đoạn cuối.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Từ bài báo “Những nỗi đau lặng lẽ”: Tỉnh Đoàn Bắc Giang mua báo Tiền Phong tặng ĐVTN

Ngay sau khi đọc loạt bài phóng sự “Những nỗi đau lặng lẽ” đăng trên báo Tiền Phong,  anh Mai Sơn- Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã liên hệ với PV đăng ký mua báo Tiền Phong để tặng cho ĐVTN ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Anh Mai Sơn cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tất cả Đoàn xã, phường, thị trấn đều có báo Tiền Phong nhưng Tỉnh Đoàn vẫn mua thêm để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về phòng chống ma túy.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.