“Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi"

“Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi"
TP - "Mong các đồng chí bắt giam đám con cháu của tôi lại. May ra đứa nghiện được đưa đi cai, đứa phạm pháp được giáo dục mà trở về làm ăn lương thiện..." - Cụ Thịnh, 92 tuổi, ở Hà Nội nói với công an sở tại. 

>> Kỳ 3: Đến phố Chia Ly 
>> Kỳ 2: Người ta ân ái thì vui
>> Kỳ 1: Cướp tiền cứu đói của bố

“Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi" ảnh 1
Các bị cáo trong một phiên tòa về ma túy

Cụ Thịnh, tên gọi theo người con trai cả, năm nay 92 tuổi, tai đã nặng, mắt mờ, đi lại rất chậm chạp, khó khăn. Cụ có một quán nước nhỏ đặt trước cửa căn lều chưa đầy chục mét vuông dựng trên đất phần nhảy dù ở khu vực giáp ranh giữa Thanh Trì và Thanh Xuân Nam - Hà Nội. Bà lão có gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng như thế, lại có tới 14 đứa con, cháu bị bắt vì ma túy.

Cạn dòng nước mắt

Hồi còn trẻ, cụ lấy chồng, được bố mẹ hồi môn cho một ngôi nhà giữa phố Khâm Thiên. Con trai lớn của cụ (sinh năm 1952) từng là sinh viên Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp, sau vướng vào vòng lao lý, phải đi tù 15 năm.

Con ngồi tù, uy tín làm ăn suy giảm nên kinh tế ngày một khó khăn. Cụ ông sinh chán đời lao vào rượu chè, cờ bạc và thuốc phiện. Gia đình sa sút đến độ phải gán nợ căn nhà rồi đưa nhau về vùng giáp ranh giữa mênh mông ao tù và ruộng rau muống tìm đất sống.

Một mình cụ ngược xuôi chợ búa nuôi năm đứa con, một ông chồng nghiện ngập và một đứa ngồi tù. Mấy năm sau, cụ ông mất do dùng ma túy quá liều.

Đàn con cụ lớn dần nhưng không ai chịu học lấy một cái nghề làm kế sinh nhai, cứ mạnh ai nấy sống bằng đủ thứ nghề: bốc vác, buôn bán, phụ xe... Họ rủ nhau đóng cọc dựng lều trên khu đất nhảy dù, dần dần xây nhà nhỏ, nhà to rồi tìm cách hợp lý hóa bằng máu liều lĩnh.

Năm 1984, con trai cả của cụ mãn hạn tù, trở về lấy vợ sinh con. Nhưng vốn lười lao động, lại bị lôi kéo vào những vụ làm ăn phi pháp (buôn lậu hàng quốc cấm) và đánh người thi hành công vụ trọng thương nên lại lĩnh án 20 năm tù giam. Vợ không chịu nổi, làm đơn ly dị để tìm hướng rẽ khác cho cuộc đời, hai đứa con gửi lại cho bà nội (tức cụ Thịnh).

Những tháng ngày đằng đẵng thăm nuôi, trông chờ, động viên con cải tạo tốt chưa kịp trôi qua, cụ lại liên tiếp nhận được những tin buồn. Con rể thứ hai của cụ bị ung thư chết. Hai thằng cháu ngoại không có người kèm cặp, bảo ban đã vướng vào vòng nghiện ngập và kéo theo các anh chị em họ cùng nghiện.

Để có thuốc, chúng lần lượt theo nhau tham gia vào đường dây mua bán, vận chuyển ma túy và những chiếu bạc. Lúc có tiền, chúng rủ nhau ăn hút. Hết tiền thì về nằm vạ trong gian nhà ọp ẹp của cụ.

Dành dụm được mấy đồng tiết kiệm phòng thân chúng cũng tìm cách lấy trộm bằng hết. Có bữa, cụ không còn tiền đong gạo đành nhịn đói, không dám đi vay hàng xóm, ai cũng tìm cách quay mặt đi, không muốn dây với cái ổ nghiện ấy.

Năm 2003, ông Thịnh - người con trai cả, ra tù, sống nhờ quán nước chè đầu ngõ của cụ Thịnh. Từ khi ông ta về, quán đông khách hẳn lên, hàng nước của cụ cũng kiếm được dăm bảy chục nghìn mỗi ngày.

Thì ra, đám thanh niên tụ tập ở quán nước là để tìm mối tiêu thụ ma túy. Họ có những ám hiệu riêng để trao đổi mà người ngoài không hiểu được. Sau này, chính ông Thịnh vênh vang tiết lộ: "Những năm công an chưa làm gắt, mỗi tuần kiếm được trăm triệu là chuyện nhỏ".

Quán nước ngay đầu ngõ dẫn vào trường cấp I, cấp II  rất thuận lợi cho việc "mở rộng mạng lưới khách hàng" của loại hàng hóa chết người này. Học sinh con nhà giàu là mục tiêu tấn công chính. Nhận thấy mối hiểm nguy rình rập, nhiều phụ huynh phải cạy cục xin chuyển con đi học trường khác.

Biết việc làm mờ ám của đám con cháu, cụ Thịnh nhiều lần khuyên nhủ, thậm chí dọa dẫm nặng lời nhưng không ăn thua gì. Cuối cùng, cụ đành đuổi thẳng cổ ông con trai: "Nếu chúng mày còn dính vào những việc bất nhân ấy thì đừng gọi tao là mẹ nữa".

"Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi"

Do nghĩ ngợi, lo lắng quá mà cụ Thịnh bị suy kiệt sức khỏe phải vào nằm viện mấy tháng. Nhân dịp đó, đám con cháu cụ kéo đến đóng bản doanh ở căn lều của cụ, làm đủ trò để kiếm chác từ ma túy, mua bán, chích hút tại chỗ, bao bọc bạn nghiện.

Suốt ngày rầm rập ra vào, chích xong chúng ném luôn những chiếc xi-lanh còn đọng máu ra giữa đường. Không kiếm được tiền, mấy thằng rủ nhau đi ăn trộm quanh xóm. Cái chậu nhựa, cây phơi quần áo, sểnh ra là mất. Hết tiền, hết thuốc, cơn nghiện nổi lên, chúng xông thẳng vào nhà người ta xin đểu. Không cho thì chúng rút xi-lanh ra dọa.

Ra viện, nghe người ta nói lại, cụ chỉ còn biết ngửa mặt than với trời: "Sao số tôi vô phúc, đẻ ra một lũ mất hết tính người thế này".

“Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi" ảnh 2 Thôi thì lỗi cũng tại mình, đẻ con mà không nuôi dạy được đến nơi đến chốn đành phải nhờ vào pháp luật giáo dục. Thương con, thương cháu bây giờ cũng chẳng biết làm gì hơn là mong chúng tập trung mà cải tạo, cai nghiện cho tốt để kịp trở về, may ra mẹ con, bà cháu còn nhìn thấy nhau lần cuối“Mong các chú bắt hết lũ con cháu tôi" ảnh 3

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ quyết định lên gặp các cán bộ ở phường, ở quận, đến đâu cũng chỉ bày tỏ nguyện vọng duy nhất: "Mong các đồng chí bắt giam đám con cháu của tôi lại. May ra đứa nghiện được đưa đi cai, đứa phạm pháp được giáo dục mà trở về làm ăn lương thiện".

Cụ cung cấp đầy đủ tên tuổi, địa điểm, quy luật hoạt động của chúng và sẵn sàng phối hợp cùng các anh.

Đội phòng chống ma túy công an quận đã lập kế hoạch theo dõi, bắt giữ những đối tượng này rất bài bản. Không lâu sau, hai đứa cháu ngoại cụ bị bắt ngay tại nhà khi đang giao nhận hàng trắng.

Mỗi lần thoáng bóng chiếc xe đặc chủng của cảnh sát tiến vào ngõ, cụ lại gạt nước mắt chống gậy lánh sang nhà hàng xóm. Nhưng cầm lòng không được, lúc sau cụ lại lập cập quay về, níu theo thùng xe để dặn được một câu: "Thôi, con cố gắng thành thật nhận tội để được pháp luật khoan hồng".

Có đứa cào cấu thân thể, đập đầu thình thịch vào thành xe, gào thét: "Giời ơi! Có mẹ nào đi báo công an bắt con thế này không? Bà muốn tống hết con cháu vào tù để ngồi mà ăn một mình cho béo ú cái thân già lên”.

Những lời hỗn hào của đứa con dứt ruột đẻ ra cứa vào lòng cụ. Nhưng có lẽ còn đỡ đau xót hơn khi phải chứng kiến cảnh từng ngày chúng dìm cuộc đời của chính mình và người khác vào ma túy.

Tính đến nay, mười bốn người cả con lẫn cháu cụ Thịnh đứa nhiều thì chung thân, đứa ít cũng vài năm bị giam giữ cải tạo. Chỉ có đứa chắt gái bốn tuổi, hàng ngày vẫn được cụ cho ăn sáng trước khi dắt đi nhà trẻ là chưa hình dung được tại sao bố mẹ chúng đi "làm ăn" lâu thế, Tết cũng không thèm về thăm nó.

Còn nữa

MỚI - NÓNG