Giáo dục tình dục cho lớp trẻ - Trách nhiệm thuộc về ai? (Kỳ 5)

Thầy và trò - Đóng kịch và thù địch

Thầy và trò - Đóng kịch và thù địch
TP - Chương trình giáo dục về tình dục đặt nhiều nhà giáo vào tình thế mâu thuẫn giữa vai trò và khuôn mẫu ứng xử. Kết cục là cả hai bên, thầy và trò, đều phải đóng kịch một cách vụng về và gượng gạo.

>> Kỳ 4: Nhà trường né tránh và phiến diện

Chỉ có ở trường trung học, chứ lên đại học chẳng ai nói gì cả. Mà ở trường trung học  cũng ít lắm. Em nhớ có mỗi một bài trong sách Giáo dục Công dân lớp 11 đề cập đến vấn đề tình yêu. Thỉnh thoảng cô dạy sinh vật cũng đề cập. Nhưng cô ấy cũng nói ít lắm. Mỗi lần nói, cô ấy cũng ngượng. Học sinh nghe, tai chăm chú nhưng mắt cứ giả vờ không” (Trần, nam, 24 tuổi, nhân viên tiếp thị, Hà Nội).

Hồi cấp II học sinh vật, có học chị ạ. Thầy cô giáo dạy đến bài đấy, chúng nó ngượng, chả đứa nào dám chép. Thậm chí còn vẽ cả hình cái ấy của con trai lên cơ. Chả đứa nào dám vẽ. Cô giáo ngượng, học trò cũng ngượng. Thế là bỏ qua cái bài đấy. Các em về xem sách” (Hạ, nữ, 28 tuổi, thất nghiệp, Hà Nội)

Sự phủ nhận tình yêu tình dục ở lớp trẻ từ phía người lớn có thể dẫn đến thái độ thù địch của một số thầy cô giáo đối với vấn đề tình yêu của học sinh và coi đó là những sai lầm đạo đức nghiêm trọng. Học sinh vi phạm có thể bị mạt sát và xúc phạm nặng nề.

Ngày đó, em thấy những cặp yêu nhau như vậy bị thầy cô la rất nhiều. Em nhớ có bạn gái bị cô giám thị gọi lên, mắng không biết bao nhiêu lần, rồi về chỉ biết khóc” (Thái, nam, 25 tuổi, Cần Thơ).

Lớp em có hai bạn thích nhau, gần như là yêu nhau rồi. Thầy cấm loạn lên. Thầy gọi điện cho bố mẹ bảo cô N với cậu H. suốt ngày thế này thế nọ.

Cái N. đến muộn là thầy bảo: “Lại tí tởn với thằng ôn H. chứ gì?”. Nó rất ức: “Tớ chả biết thầy bị làm sao mà lại ấn tượng thế cơ chứ”. Nhiều lúc thấy con trai con gái ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, thầy lại “Này, đó là cháu gái tôi nhá. Không được tán tỉnh vớ vẩn đâu” (Việt, nam, 16 tuổi, học sinh, Hà Nội).

Tình yêu ở lứa tuổi học sinh không thể được dung thứ, dù ở nhà hay trường. Những rung động đầu đời thường phải vụng trộm lén lút, gây tâm lý hổ thẹn nhục nhã.

Hồi cấp ba, quan hệ nam nữ nói chung phải giấu giếm. Giấu cả bố mẹ, cả thầy cô. Cứ như thể quan hệ bất chính ấy, chẳng ai ưa cả” (Bích, nữ, 32 tuổi, cán bộ, Hà Nội).

Trường học cũng có ý nghĩa như thánh đường, không thể là nơi cho phép tình dục được xảy ra. Vì thế quan hệ tình dục của học sinh bị coi là tội lỗi, không thể tha thứ. Khải, từ nông thôn ra Hà Nội, kể lại câu chuyện mà cậu chứng kiến ở trường của mình:

Tối 26/3 là ngày thành lập Đoàn. Trường tổ chức cắm trại thì hai bạn ấy quan hệ với nhau. Các bạn phát hiện, mách thầy cô giáo. Hai đứa bị gọi lên hỏi thì thực tế nó là như vậy. Thầy cô giáo thành lập hội đồng kỷ luật, quyết định đuổi học” (Khải, nam, 21 tuổi, lao động di cư, Hà Nội).

Ngay tại một số trường ở Hà Nội, việc học sinh quan hệ tình dục cũng bị trừng phạt nặng, chẳng khác gì hành vi phạm pháp.

Quan hệ đâu phải là chuyện quá xấu. Có phải giết người cướp của đâu mà phải đuổi học. Nếu quan hệ mà họ không bị làm sao, họ vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn học hành bình thường, cần gì phải đuổi học như thế” (Việt, nam, 16 tuổi, học sinh, Hà Nội).

Ngoài lý do đạo đức, tình yêu còn không được coi là một phần của cuộc sống của vị thành niên. Nhiệm vụ chính của học sinh là học tập, lao động và rèn luyện tư cách đạo đức để trở thành một công dân tốt trong tương lai. Tình yêu phải bị loại trừ để không làm xấu đi hình ảnh của các công dân tương lai.

Thấy hai đứa có tình cảm, có cái ánh mắt nhìn nhau một cách đắm đuối, là đì. (Hỏi “Đì cụ thể là như thế nào?”). Đì là ghét bỏ. Suốt ngày kêu đòi trả bài, rồi cho điểm gắt gao này nọ, rồi gán cho lý do tại vì em yêu nên không học được” (Bảo, nam, 18 tuổi, học sinh, Hà Nội).

-----------------------

Còn nữa

Tiến Sĩ Khuất Thu Hồng
Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

MỚI - NÓNG