Con đường gốm sứ - Một dự án nghiệp dư

Con đường gốm sứ - Một dự án nghiệp dư
TP - Để nói rõ hơn về những bất cập của tác phẩm nghệ thuật công cộng trên quy mô lớn và khá tốn kém này, chúng tôi tiếp tục trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Luận, giám đốc Trung tâm truyền thông của Hội kiến trúc sư Việt Nam và nhà điêu khắc Đào Châu Hải.
Con đường gốm sứ - Một dự án nghiệp dư ảnh 1

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Mang biểu tượng của quá khứ ra gắn đầy đường là phi thẩm mỹ

Là một nhà điêu khắc, đứng trên góc độ chuyên môn, anh có thể nói gì về dự án con đường gốm sứ đang thực hiện hiện nay?

Trước tiên tôi phải nói là dự án này có một ý tưởng tốt, góp phần làm đẹp thành phố, tuy nhiên cái sai lớn nhất là việc họ chọn vị trí thực hiện.

Chưa bàn đến hình thức của từng trường đoạn ghép gốm nhưng tinh thần chung kiểu trang trí của con đường này không khác gì vườn trẻ cả. Họ hiểu sai về ngôn ngữ nghệ thuật và hiểu sai luôn về ngôn ngữ tranh tường.

Có hai mâu thuẫn lớn trong việc thể hiện của con đường gốm sứ này. Thứ nhất dùng một hình thức nghệ thuật không thích hợp là gốm sứ để thể hiện những bức tranh tường ở con đường vành đai này.

Hai nữa là bức tường làm nền của dự án vừa hẹp về chiều cao mà lại thừa về chiều dài, nên rất khó cho việc thực hiện những bức tranh hoành tráng.

Có lẽ sau khi họ bắt tay vào làm rồi, họ mới thấy được sự hạn chế đó nên đã xin thành phố cho nâng lên. Nâng lên có cao hơn thì cũng chỉ thêm được vài chục phân, đã không giải quyết được triệt để vấn đề cho tranh tường mà lại còn làm phát sinh ra những vấn đề mới về cảnh quan, về tầm nhìn.

Anh nói rằng chất liệu gắn gốm không thích hợp với con đường vành đai này là như thế nào?

Chất liệu gốm sứ là một chất liệu đẹp, có khả năng bền màu với thời gian, có thể chống chọi với mưa nắng, và có thể sạch hơn những mảng bê tông hiện đại. Tuy nhiên khi gắn gốm lên mảng kè đường cao tốc, thì cái tường này đã không thích hợp rồi.

Bởi với tốc độ, mật độ giao thông liên tục hàng ngày, đều đặn như hiện nay của con đường huyết mạch này thì độ liên kết giữa gốm và mảng tường bê tông phía sau sẽ không thể bền vững. Gốm sẽ rụng rất nhanh. Và hệ quả nhãn tiền, con đường mới thực hiện được gần 2 năm nhưng đã không ít chỗ gốm đã bị rụng, phải gắn lại.

Vậy thì liệu nó có bền được mãi với thời gian, hay chỉ làm có tính thời vụ cho dịp kỷ niệm về 1000 năm Thăng Long?. Điều này đã chứng tỏ người xây dựng dự án này không có một kiến thức cơ bản về vật liệu cũng như kỹ thuật tranh tường, tranh gắn gốm.

Thế còn về nội dung của các tác phẩm thì sao?

Con đường gốm sứ không cho người ta không gian để cảm nhận. Nếu bạn đi đường mà cứ chăm chăm vào nội dung những bức tranh được vẽ kể rất tỷ mỷ trên đó, thì nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao.

Còn nếu đứng bên kia nhìn sang thì giao thông loang loáng không thể ngắm được cái hay cái đẹp của các bức tranh gốm sứ. Tức phải có điểm nhìn trước rồi ta mới có thể nói được tác phẩm đó là hay hoặc dở.

Con đường gốm sứ dùng ngôn ngữ biểu tượng để kể lại một câu chuyện lịch sử từ Đông Sơn rồi  Lý Trần, tôi không nói là không được, nhưng hoàn toàn không thích hợp.

Cái ngôn ngữ nghệ thuật được đưa ra ở đây cần có một ngôn ngữ khác thích hợp với điểm nhìn và tốc độ của người tham gia giao thông. Nếu họ giải quyết những mảng lớn thì may ra còn có thể chấp nhận, trong khi ở đây lại có quá nhiều chi tiết.

Hiện nay con đường gốm sứ đang kêu gọi những nhà sưu tập cổ vật đóng góp những mảnh gốm cổ để gắn lên đó với ý nghĩa “để vẻ đẹp của những cổ vật gốm sứ cùng được tỏa sáng trong ánh hào quang của Thăng Long - Hà Nội 1000 năm”?

Tôi nghĩ rằng một khi lựa chọn vị trí không thích hợp thì có muốn làm gì cũng đều khó cả. Gốm cổ hay gốm mới thì cũng như nhau, vì khi nó đã không có điểm nhìn, thì có gắn những cái gì “thật giá trị” lên đó thì cũng bằng vô giá trị thôi.

Nếu một mảnh gốm thời Lý rất có giá trị nhưng nếu có ghi lên từng mảnh gốm niên đại của nó thì chả ai nhìn thấy cả trong tốc độ giao thông liên tục của con đường.

Ngoài ra tôi thấy mang những biểu tượng của quá khứ ra gắn đầy đường chẳng hay ho gì, mà còn phi thẩm mỹ. Bởi đây chỉ là những mảnh vụn của biểu tượng. Người ta đã không góp phần làm đẹp thêm cho những biểu tượng đó mà còn khiến chúng trở nên sáo rỗng tầm thường đi. Điển hình là đôi rồng ở nút cầu Chương Dương.

Nó bệ nguyên xi đồ án rồng thời Lý, chẳng sáng tạo được gì, thêm mấy cái vòng hào quang xanh đỏ như thể bài vẽ dở của con nít chứ không phải là nghệ thuật. Bệnh biểu tượng trong mỹ thuật cũng chẳng khác gì bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay, nó trầm kha và nan giải.

Có lẽ do sự thiếu chuyên nghiệp này mà Hà Nội không thiếu những họa sĩ giỏi, những người làm kiến trúc thiết kế cảnh quang môi trường tốt, nhưng không ai muốn tham gia vào dự án, mặc dầu tôi biết dự án đã kêu gọi họ cùng đóng góp.

Vậy với tình trạng hiện nay của dự án này, anh có đề xuất gì không?

Thành phố phải có trách nhiệm giúp đỡ để tạo lập nên một công trình tốt. Sự giúp đỡ này không phải chỉ là sự cho phép hay cấp tiền cho dự án, mà phải tổ chức qui hoạch, mời các chuyên gia cùng tham gia để xây dựng nó trở thành một bộ mặt của thành phố. Chứ không phải cứ buông lơi khiến cho công trình hiện tại hết sức nghiệp dư.

Theo tôi điều quan trọng nhất bây giờ là dự án này nên dừng lại trước khi nó quá muộn. Còn một khi muốn làm tiếp thì cần có một tổng đạo diễn để nó thực sự có giá trị.

Kiến trúc sư Nguyễn Luận: Con đường gốm sứ làm rối mắt người đi đường

Con đường gốm sứ - Một dự án nghiệp dư ảnh 2

Thưa ông, ông có nhận xét gì về con đường gốm sứ trên những vấn đề về không gian cảnh quan đô thị?

Tôi không nói đây là một ý tưởng tồi, nhưng tôi cho rằng chủ dự án con đường gốm sứ không có sự hiểu biết một cách đầy đủ về không gian và cảnh quan đô thị.

Nếu làm bất cứ một cái gì trong đô thị đều phải coi nó là một vật thể của đô thị. Khi đã là vật thể của đô thị rồi, thì nó sẽ chịu tất cả những mối tương quan khác nhau.

Tương quan với môi trường, tương quan với không gian, và đặc biệt khi con đường gốm sứ này lại hiện diện ở một con đường có tốc độ giao thông cao. Hình như các tác giả của các mảng gốm sứ ở đây, quên mất rằng họ làm ra con đường này để cho ai xem?

Nếu là những người tham gia giao thông với tốc độ trung bình cho phép là 40-50km/h cho xe máy và ô tô thì nó chẳng có  giá trị gì cả. Với tốc độ ấy, thì điểm nhìn của người đi đường cũng như độ lưu ảnh sẽ rất nhanh. Đấy là cái sơ lược nhất của người làm các dự án công cộng phải biết đến.

Rất nhiều các ngã tư ở Hà Nội có những mảng thấp gắn gốm đề tài công nông binh đã phải đập đi hết vì nó không hợp lý cho việc giao thông của người dân. Bây giờ con đường gốm sứ lại ra đời.

Ngay cái đoạn nút giao thông ở cầu Chương Dương, mọi người cũng như chủ dự án cho rằng đây là điểm chủ chốt của con đường để đặt một bức tranh hoành tráng nhất, thì nhầm. Chỗ này là chỗ người ta phải dừng lại để quan sát giao thông, cái mảng gốm to đùng kia có tác dụng hút tầm nhìn không đúng chỗ.

Chưa bàn đến hình thức biểu tượng ở đây, chỉ riêng màu sắc và chất liệu đã có vấn đề. Các màu sắc đỏ, vàng phát quang làm người ta rối loạn định hướng đặc biệt vào những ngày nắng to, nó gây chói cho người đi đường. Trong khi chỗ này, theo nguyên tắc thiết kế cảnh quan, người ta cần phải xử lý giảm thiểu nhất các chi tiết.

Trước đây suốt dọc con đường này có một vệt xanh chạy dài của hàng cây được trồng trên mặt kè đường rất mát mắt. Màu xanh tự nhiên này giúp phân biệt được không gian khi người ta chạy với tốc độ lớn. Bây giờ vì cái dự án gốm sứ, thấy không đủ không gian cho việc diễn tả những hình ảnh, đã xin xây cao lên khoảng vài chục phân thôi, nhưng rõ ràng đã trở thành vấn đề rồi.

Cách xây này cũng không bằng phẳng nữa, khiến cho khoảng cây xanh dịu mắt kia bị mất đi. Đây là một điều tối kỵ của việc thiết kế cảnh quan một đường.

Con đường gốm sứ hiện đang làm rối mắt người tham gia giao thông bởi màu sắc của nó. Trên các trục đường giao thông thì tín hiệu giao thông quan trọng hơn tín hiệu mỹ thuật. Do đó nếu cần một ý nghĩa hay điểm nhấn cho con đường thì các nước họ thường  thiết kế những công trình khác thêm vào. Tất nhiên các công trình nghệ thuật này hoàn toàn phải tính đến điểm dừng của con mắt và vị trí của đô thị.

Là một kiến trúc sư, lại là một chuyên gia về cảnh quan đô thị, vậy theo ông có giải pháp gì cho con đường gốm sứ hiện nay?

Giải pháp thì có nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là phải có người đứng ra design toàn bộ con đường. Theo tôi quan sát thì chủ dự án này hoàn toàn không được quân sư về cảnh quan đô thị, không có người giúp phân tích, cố vấn trong việc thiết kế triển khai các đoạn đường gốm sứ, nên hiện nay các phân đoạn của nó khá tùy tiện.

Sự phân đoạn theo kiểu kể một câu chuyện lịch sử từ Đông Sơn đến Lý Trần Lê, chỉ là nội dung, không phải là thiết kế chủ đạo của con đường. Nếu nhất quyết phải đưa mỹ thuật vào đây, thì phải tính đến những mảng lớn, tính đến sự chuyển động của màu, chuyển động của các điểm nhìn từ các phương tiện.

Có thể rất cần một số đoạn không làm gì cả, một số đoạn thì có những điểm nhấn. Tức phải tính đến yếu tố động trong các tác phẩm được thể hiện. Có như vậy, thì ý tưởng này mới tạo ra hiệu quả thích hợp cho cảnh quan môi trường.

Hà Phương
Thực hiện

MỚI - NÓNG