"Thảm đỏ" nhưng khó vào

"Thảm đỏ" nhưng khó vào
TP - Qua sáu năm tổ chức, Thành phố Hà Nội đã tuyên dương 600 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện. Tuy nhiên, chỉ hơn mười phần trăm được tuyển thẳng vào làm việc trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp của thành phố.

Đỗ Thị Hà Hạnh, thủ khoa chuyên ngành quản trị kinh doanh, trường Bưu chính Viễn thông được tuyên dương năm 2008. Hạnh đang là nhân viên tập sự của Cty Thông tin và Di động Mobifone.

Hạnh là một trong những thủ khoa sau khi được tuyên dương có nguyện vọng được vào làm việc, cống hiến cho thành phố nhưng không thành vì chuyên ngành quản trị kinh doanh các cơ quan của thành phố không có chỉ tiêu tuyển dụng.

Lê Mai Hạnh, trường ĐH Mỏ - Địa chất, sau khi tuyên dương thủ khoa năm 2006, được tuyển thẳng vào Quỹ Đầu tư và Phát triển Thành phố Hà Nội, hưởng các chế độ ưu đãi đối với thủ khoa như: Được nhập hộ khẩu Hà Nội, được cấp kinh phí học cao học toàn phần chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh tại ĐH Bách khoa liên kết với Mỹ.

Thủ khoa Mai Hạnh, cho biết: Với mức lương nhà nước và không có một khoản trợ cấp đặc biệt nào, Hạnh phải sống một cách chật vật, trong khi bạn bè cùng lứa làm Cty tư nhân, Cty nước ngoài có thể kiếm gấp năm gấp 10 lần so với lương của Hạnh.

Thủ khoa Phan Bích Thảo, sau khi được nhận vào làm việc tại Sở Bưu chính Viễn thông, mức lương nhà nước không đủ trang trải các khoản chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại... Ngày đi làm, tối Bích Thảo đi dạy thêm để trang trải các khoản chi tiêu.

"Thảm đỏ" nhưng khó vào ảnh 1
CLB thủ khoa thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008

Chưa có đóng góp nổi bật

Theo bà Nguyễn Thị Vinh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: Qua đánh giá của các đơn vị, sở ngành thì thủ khoa sau khi được nhận về đều có những cố gắng hoàn thành công việc tốt.

Thủ khoa được phân công công việc phù hợp chuyên môn, tạo điều kiện học tập. Hiện, có 11 thủ khoa được Thành phố cử đi học nước ngoài.

Khi được hỏi về việc thủ khoa đóng góp công trình, phần việc nào nổi bật cho thành phố, bà Vinh nói là “chưa”. Lý do là các thủ khoa cần có thời gian học tập, nghiêu cứu lẫn kinh nghiệm làm việc.

Theo Lê Mai Hạnh, các thủ khoa khi được nhận vào làm việc thường được yêu cầu cao về công việc, đánh giá chất lượng công việc cũng khắt khe hơn.

“Vì thế, dù chưa có công trình nào đóng góp nổi bật nhưng hoàn thành công việc hàng ngày tốt cũng là đóng góp của thủ khoa”, Hạnh nói.

Thái Tiến Thành, thủ khoa ngành du lịch Trường ĐH Mở, được tuyên dương năm 2008. Tiến Thành hiện làm Cty tư nhân, phần vì ngay từ đầu thành phố không có chỉ tiêu tuyển dụng ngành du lịch, phần vì bản thân muốn làm ở Cty tư nhân cho năng động.

Tuy nhiên, hiện Thành vẫn ấp ủ công trình Nghiên cứu giải thích ý nghĩa, biểu tượng tôn giáo (giải thích ý nghĩa văn tự ở các chùa chiền), mà Thành thực hiện từ thời sinh viên.

Theo Lê Quý Hải, thủ khoa được tuyên dương năm 2006, hiện làm việc ở Cty tư nhân, năm 2006 thành phố tuyên dương 93 thủ khoa thì hơn 60 phần trăm tự tìm học bổng hoặc tự túc kinh phí đi du học ngay sau đó.

20 phần trăm không có nhu cầu làm việc trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp của thành phố, bởi, cơ chế chính sách mà thành phố đưa ra chưa thực sự là thảm đỏ để thủ khoa bước vào.

20 phần trăm còn lại có nhu cầu làm việc cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp của Thành phố nhưng chỉ có khoảng 10 phần trăm được nhận vì chuyên ngành tuyển dụng hẹp.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.