Tháng Văn hóa giao thông:

Nghiêm khắc phạt thanh thiếu niên vi phạm ATGT

Nghiêm khắc phạt thanh thiếu niên vi phạm ATGT
TP - “Tôi đã gợi ý cho Hà Nội và TPHCM nên ghi hẳn tại ngã tư có đèn đỏ là xe máy, ô tô vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu, chứ đừng tuyên truyền chung chung như trước đây nữa. Cán bộ ngành GTVT và công an phải làm gương và sẽ phạt nghiêm khi thanh thiếu niên vi phạm”.

Hôm nay, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGT)  phát động tháng 9 - Tháng Văn hóa Giao thông. Trao đổi với Tiền Phong, Chánh Văn phòng UBATGT Thân Văn Thanh nói như vậy.

Nghiêm khắc phạt thanh thiếu niên vi phạm ATGT ảnh 1
 Ông Thân Văn Thanh

Theo ông, những đối tượng nào cần phải tuyên truyền mạnh về văn hóa giao thông?

Có hai đối tượng cần thay đổi trước hết là người điều khiển mô tô, xe gắn máy và thanh thiếu niên.

Cách đây 30 năm, Nhật Bản hàng năm có 15.000 người chết vì TNGT. Nhật Bản đã tuyên truyền mạnh mẽ trong học sinh, thanh thiếu niên. Nước ta lâu nay ít chú trọng, tuyên truyền đến đối tượng này.

Theo một chuyên gia ngành GTVT, ở một số nước châu Âu, người ta tuyên truyền kiểu ví những người đàn ông vi phạm luật giao thông đường bộ kém cỏi và đáng bị các cô gái xem như kẻ bất lực trên giường.

Nếu trẻ nhỏ, thanh thiếu niên không được nhắc nhở sớm thì khi lớn lên sẽ nhờn luật hơn chúng ta hiện nay rất nhiều. Đương nhiên, để làm được việc này, cần sự vào cuộc mãnh liệt của toàn xã hội. Cuối cùng phải xử phạt nghiêm khi các em vi phạm giao thông.

Theo ông văn hóa giao thông được hiểu như thế nào?

Chúng tôi xác định văn hóa giao thông thể hiện ở ba vấn đề: Người tham gia giao thông có văn hóa là tự giác chấp hành pháp luật, nguyên tắc giao thông; biết tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng; và biết nhường nhịn nhau, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi trong khi tham gia giao thông. Đó là những biểu hiện rất cụ thể.

Theo Nghị quyết 32/2007, cán bộ công chức nhà nước vi phạm Luật Giao thông sẽ bị thông báo về cơ quan công tác hoặc địa bàn dân cư. Việc này triển khai thế nào, thưa ông?

Bộ Công an đã có thông tư hướng dẫn lực lượng CSGT triển khai. Một số nơi như Sơn La đã thông báo tên những cán bộ công chức lên truyền hình tỉnh.

Có ý kiến cho rằng làm như vậy là xúc phạm cán bộ nhà nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến việc này chưa thể triển khai được chủ yếu do trên các giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe không ghi nơi công tác. Thậm chí, có nơi đăng ký hộ khẩu cũng không thể căn cứ được vì nhiều khi đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng lại ở nơi khác.

Hơn nữa, người vi phạm không bao giờ nói cơ quan công tác. Thực tế, cơ quan chức năng đã gửi đến hàng vạn thông báo vi phạm nhưng không có kết quả.

Bộ GTVT cũng quy định, cán bộ trong ngành vi phạm thì bị chậm lên lương một năm. Trong diện nghiên cứu đề bạt thì chậm triển khai một năm.

Thực tế, người vi phạm giao thông đường bộ là cán bộ, công chức nhà nước chiếm không ít?

Hiện, công đoàn ngành GTVT và công an đã đi đầu trong phong trào vận động cán bộ chiến sỹ, công nhân viên chức, người lao động tiên phong xây dựng văn hóa giao thông.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã nói, làm thế nào để tránh tình trạng công an phạt công an. Mà nếu công an vi phạm không bị phạt thì không thể gương mẫu để phạt dân.

Tháng Văn hóa giao thông sẽ tuyên truyền thế nào?

UBATGT hướng dẫn các địa phương không nên tuyên truyền một cách trừu tượng kiểu như “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà”. Thay vào đó, chúng tôi đã gửi công điện cho các địa phương trong cả nước nên tập trung vào các khẩu hiệu, như: “Điều khiển mô tô xe gắn máy đi bên phải”, “Phải đội mũ cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy”, “Người đi bộ, sang đường phải đúng vị trí”…

UBATGT đã in 300.000 tờ rơi, 30.000 áp phích để phát cho các địa phương; xây dựng thông điệp 30 giây nhắc những tình huống cụ thể về văn hóa đi đường để phát liên tục trên truyền hình trung ương và địa phương.

Cám ơn ông.

Đình Thắng
thực hiện

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).