Không thể mãi giam mình trong vòng luẩn quẩn

Không thể mãi giam mình trong vòng luẩn quẩn
TP - Sau nghiên cứu “Giáo dục tình dục cho lớp trẻ - Trách nhiệm thuộc về ai?“ của mình tôi nhận được khá nhiều phản hồi cho rằng, giáo dục tình dục cho thế hệ trẻ là cần thiết và tỏ rõ sự bức xúc trước những hệ lụy do sự thiếu kiến thức và kỹ năng của lớp trẻ.

>> Loạt bài về giáo dục tình dục cho lớp trẻ

Không thể mãi giam mình trong vòng luẩn quẩn ảnh 1
TS Khuất Thu Hồng

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, tác giả của nghiên cứu trên trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Chị nói :

Hầu hết đồng tình với những nhận định được rút ra từ kết quả nghiên cứu về vai trò của gia đình, nhà trường và internet trong việc giáo dục tình dục cho thanh thiếu niên.

Một số người nói rằng muốn giáo dục tình dục cho lớp trẻ đến nơi đến chốn, trước hết phải giáo dục về tình dục cho người lớn vì quá nhiều người lớn cũng thiếu hụt kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực này.

Khá nhiều người băn khoăn về việc làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của internet. Một số giải pháp cực đoan được đưa ra như dựng tường lửa, cấm sử dụng máy tính, không cho phép các cửa hàng internet kinh doanh, v.v. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận rằng cách làm đó là không khả thi và phản khoa học.

Không phải những gì người lớn bất lực thì cấm thanh thiếu niên. Nhiều người đi đến đồng ý với tôi rằng nếu chúng ta không cởi mở thảo luận về tình dục và giáo dục tình dục cho lớp trẻ thì chúng ta vẫn cứ mãi giam mình trong cái vòng luẩn quẩn của sự e ngại và những băn khoăn trong khi cuộc sống thì không chờ đợi.

Ai biết công nghệ thông tin còn đi đến đâu? Trong khi đó, nhu cầu về kiến thức và kỹ năng của lớp trẻ, hầu như không ai có thể phủ nhận được nữa. Tất cả chúng ta, cả người lớn và thanh thiếu niên phải rèn luyện bản lĩnh sống và chuẩn bị cho những thay đổi to lớn và nhanh chóng của thời đại. Không thể đem những tư duy cũ kỹ ra để đối đầu với cuộc sống hiện đại.

Bước tiếp theo sau dự án này sẽ là gì?

Tôi dự định mở rộng hơn nữa các hoạt động đào tạo và phổ biến thông tin khoa học về chủ đề tình dục. Chúng tôi đang xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng khác nhau, từ các nhà nghiên cứu, các giáo viên cho đến những người làm công tác tư vấn.

Chúng tôi cũng sẽ tổ chức sản xuất các tài liệu khoa học về tình dục và sức khỏe tình dục để phổ biến rộng rãi đến các nhóm xã hội khác nhau. Tôi nghĩ nhu cầu kiến thức của xã hội về chủ đề này rất lớn. Cần có các chương trình được xây dựng một cách khoa học và nghiêm túc để làm thay đổi nhận thức của xã hội và mang lại những kiến thức cần thiết cho mọi lứa tuổi.

Hiểu về tình dục, có các kỹ năng để có được một đời sống tình dục hạnh phúc sẽ giúp mỗi người làm chủ bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào tiến bộ xã hội.

Thế giới ảo đang chiếm lĩnh cuộc đời thật

Năm năm sau nghiên cứu, chị thấy thực tế có gì khác không?

Nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu triển khai vào năm 2003 và kéo dài cho đến đầu năm nay. Như tôi đã nói, cuộc sống thay đổi rất nhanh. Về công nghệ thông tin, chỉ có thể nói là thần tốc. Thế giới ảo đang chiếm lĩnh cuộc đời thật và trở nên càng khó kiểm soát hơn.

Công nghệ số giúp người ta không chỉ sử dụng internet thụ động mà còn tham gia sản xuất ra sản phẩm trên thế giới ảo. Giờ đây người ta không chỉ xem các video clip hoặc phim trên mạng mà còn có thể tự tạo video clip và phim để tải lên mạng.

Internet không còn chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là nơi để con người thể hiện mình về tình dục và các khía cạnh khác. Với blog, mọi tâm tư tình cảm của cá nhân đều có thể được chia sẻ cho hàng triệu người. Ranh giới giữa riêng tư và xã hội đã mờ đi. Cuộc sống thú vị vô cùng.

Tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về thế giới ảo và vai trò của nó đối với thế hệ trẻ nói riêng và xã hội nói chung. Đương nhiên tôi cũng nghiên cứu cách mà lớp trẻ và cả người lớn thể hiện mình như thế nào trong thế giới thật.

Trả lời cho chính vấn đề mình đặt ra “Giáo dục tình dục cho lớp trẻ - Trách nhiệm thuộc về ai?”, sau từng đấy năm nghiên cứu, chị sẽ nói thế nào?

Tôi vẫn sẽ trả lời rằng trách nhiệm đó thuộc về gia đình, nhà trường, xã hội và chính lớp trẻ. Cả cha mẹ, thầy cô và người lớn nói chung cần phải học để có kiến thức và kỹ năng, xứng đáng là lớp người đi trước. Chỉ khi đó, họ mới có thể hướng dẫn cho lớp trẻ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, lớp trẻ không thể thụ động chờ đợi người lớn dạy bảo. Họ cũng phải tự học để biết cách sống và hưởng thụ cuộc sống một cách tốt nhất. Không thể để cuộc sống cuốn mình đi mà hãy làm chủ cuộc sống của mình. Những thay đổi của thế giới hôm nay và ngày mai không cho phép chúng ta chần chừ nữa.

Nếu có câu trả lời rõ thế rồi, tại sao chị còn đặt câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai” trên tiêu đề nghiên cứu? Phải chăng nhóm nghiên cứu muốn né tránh, muốn đẩy câu trả lời cho xã hội?

Tôi muốn kêu gọi sự chú ý của tất cả mọi người. Còn ai ở đây phải chịu trách nhiệm về lớp trẻ? Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng nếu cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội từ chối thì internet sẽ giành lấy vai trò đó. Cái được và mất của internet thì tôi đã phân tích rồi.

Người lớn mải mê đóng vai mô phạm và đạo đức mà bỏ mặt cho lớp trẻ tự loay hoay tìm đường ra. Đến khi chúng mắc khuyết điểm thì lại chính người lớn lên giọng mắng mỏ. Thật là không công bằng.

Tôi cũng là một thành viên của xã hội Việt Nam, tôi cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Nếu tôi có né tránh thì đó là một quán tính mà thôi. Tuy nhiên, tôi đang cố gắng cùng với một số đồng nghiệp của mình để thay đổi.

Viết loạt bài trên Báo Tiền Phong là một ví dụ. Nhiều năm qua tôi không ngừng nghiên cứu về chủ đề tình dục, nhất là của thanh thiếu niên và không ngại lên tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng nếu có cơ hội.

Tôi cố gắng kêu gọi sự chú ý của mọi người đến việc giáo dục giới tính và tình dục cho lớp trẻ. Nếu muốn né tránh, tôi đã không làm như vậy. Không phải lúc nào tôi cũng được khen về những việc ấy đâu. Cũng có người hỏi tôi hết đề tài rồi hay sao mà phải làm về cái đề tài bẩn thỉu ấy. Tôi bảo “Bẩn thỉu hay không là ở suy nghĩ của mỗi người”. Tôi thấy nó thanh cao vô cùng.

Tình dục làm con người gắn bó với nhau hơn

Quả là chúng tôi có nhận được một số ý kiến như vậy, đại loại khuyến khích tình dục, không chỉ ở lớp trẻ mà cả người lớn?

Ồ, nếu mọi người hiểu như thế thì cũng hay. Tình dục làm cho con người gắn bó với nhau hơn, dịu dàng hơn, tốt hơn, khỏe hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu vậy thì khuyến khích tình dục là điều nên làm chứ nhỉ. Nếu mọi người vì bài báo của tôi mà đến với tình dục nhiều hơn thì thật là tuyệt vời. Nhưng tôi e rằng chẳng cần bài báo này đâu.

Thực ra trong bài đăng trên Tiền Phong, tôi chỉ thảo luận về việc lớp trẻ đã học về tình dục như thế nào. Tôi chưa bàn đến chuyện có nên hay không nên. Tuy nhiên, vì anh đã hỏi thì tôi nói luôn quan điểm của mình. Đối với lớp trẻ, tôi khuyến khích họ học hỏi kiến thức và kỹ năng, rèn luyện bản lĩnh để biết khi nào tình dục là thích hợp với họ.

Hay nói cách khác, tôi khuyến khích họ đạt được sự chín muồi về tình dục trước khi bước vào quan hệ tình dục. Để kiểm tra độ chín muồi đó, mỗi bạn trẻ phải trả lời cho chính mình mấy câu hỏi sau đây:

1) Bạn có thực sự muốn quan hệ tình dục hay không? 2) Bạn có kỹ năng để làm điều đó hay chưa? 3) Bạn có thể giải quyết được hậu quả nếu nó xảy ra hay không? 4) Bạn của bạn có trả lời được cả ba câu hỏi trên hay không? Nếu tất cả các câu trả lời là không hoặc phần lớn là không thì tôi khuyên họ phải học tiếp cho đến bao giờ trả lời có cho tất cả. 

Người ta bảo ranh giới giữa khuyến khích hiểu biết và làm chủ tình dục với khuyến khích tự do tình dục rất mong manh. Chị có chịu trách nhiệm về việc ai đó không may ngã sang ngả kia chỉ vì ranh giới mong manh đó?

Tôi không bao giờ khuyến khích tự do tình dục theo nghĩa vô trách nhiệm với bản thân và với người khác. Điều đó phản khoa học và phản đạo đức. Bài của tôi kêu gọi gia đình, nhà trường và xã hội hợp sức để giúp cho lớp trẻ hiểu biết và làm chủ cuộc sống của mình.

Trước khi bài được đăng trên Tiền Phong, cũng chẳng thiếu các bằng chứng về sự buông thả trong tình dục của cả lớp trẻ và người lớn. Tôi thấy bất nhẫn về những chuyện đó nên mới lên tiếng.

Nhân đây tôi muốn mượn lời một nhà sử học rất nổi tiếng về nghiên cứu tình dục. Đại loại ông ấy nói rằng tình dục không phải là cái van nước cần phải được vặn chặt lại, nếu không sẽ hủy hoại chúng ta; cũng chẳng phải là một sức mạnh mà chúng ta cần giải phóng để cứu vãn nền văn minh của mình. Thay vào đó, chúng ta phải học cách nhìn tình dục như một sản phẩm mà xã hội tạo ra bằng những cách thức phức tạp.

Tình dục là kết quả của rất nhiều hành vi xã hội vốn có mục đích làm giàu cuộc sống, là sản phẩm của quá trình tự định hình nhân dạng của các cá nhân và xã hội, đồng thời là sản phẩm của các cuộc đấu tranh giữa những người có quyền định hình và kiểm soát với những người chống lại quyền lực đó. Tình dục không phải là thứ được ban phát sẵn cho con người. Nó là sản phẩm của sự thương lượng, đấu tranh và khả năng tự quyết.

Khuyến khích tình dục và giữ gìn hạnh phúc gia đình hẳn mâu thuẫn với nhau lắm (đến khi có chồng, con gái phải giữ được mình, rồi chế độ một vợ một chồng, rồi kiểm soát gia tăng dân số, v.v)? Phải làm gì để đảm bảo được sự toàn vẹn của cả hai vế? Nếu cả hai vế đó hòa vào làm một thì thế nào?

Tôi thấy chẳng có gì mâu thuẫn với nhau cả. Nếu hai người cùng có kiến thức và kỹ năng về tình dục, biết làm chủ bản thân, có trách nhiệm với mình và với người khác thì cơ hội để có một đời sống vợ chồng hạnh phúc về tình dục là không khó khăn. Nhiều gia đình tan vỡ vì không hòa hợp về tình dục. Có điều chẳng ai muốn nói trắng ra thôi.

Còn chuyện trinh tiết của các cô gái và chế độ một vợ một chồng, câu hỏi này hay đấy. Trừ phi đàn ông tìm đến nhau, nếu không thì chẳng nên trách các cô gái không giữ được trinh tiết và đàn bà không đoan chính.

Kiểm soát dân số nếu hiểu đúng nghĩa thì chính là tình dục có trách nhiệm. Những người không chịu học về tình dục cho đến nơi đến chốn lại thường là những người hay đứng núi này trông núi nọ. Cái mỏ nhà mình chưa kịp khai thác cho hết lại mê mải đi tìm mỏ khác. Bằng cách đó, họ chỉ tạo điều kiện cho người đến sau khai thác được nhiều quặng quý hơn ở cái mỏ nhà mình mà thôi.

Cám ơn chị.

Quốc Dũng
thực hiện

Ý kiến bạn đọc

Tôi rất tâm đắc...

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của TS Khuất Thị Thu Hồng là, phải đả thông về mặt tâm lý tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, các kênh thông tin về sức khỏe tình dục, và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho thanh niên và vị thành niên, đặc biệt là các bạn nữ thanh niên.

Ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, như ở xã Sơn Hùng, Thanh Sơn - Phú Thọ, kinh tế khó khăn, các kiến thức về dịch vụ này cần được quan tâm hơn nữa.

Nữ thanh niên Nguyễn Bích Ngọc, xã Sơn Hùng, Thanh Sơn, Phú Thọ, nói: “Nếu nắm vững được kiến thức có thể phòng chống được rất nhiều bệnh, đặc biệt là trường hợp mang thai ngoài ý muốn, một số căn bệnh lây truyền theo đường tình dục như lậu, giang mai, bệnh HIV”.

Tình dục an toàn giúp nữ thanh niên có lối sống lành mạnh hơn và an toàn hơn. Vấn đề là, tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa bàn khu dân cư, các bạn đều ở lứa tuổi khác nhau, có bạn mới 14 – 15 tuổi, có bạn hơn 30 tuổi, có gia đình, có chồng con đàng hoàng. Vì thế, kiến thức của các bạn về vấn đề này còn chênh lệch, nhận thức thái độ của các bạn ở lứa tuổi khác nhau cũng khác nhau.

Bạn Lê Thị Sen một cán bộ Đoàn ở trường THCS Sơn Hùng chia sẻ: “Đoàn viên có độ tuổi cao một chút có thể cởi mở tâm sự hết. Các bạn trẻ nhiều khi hỏi lại không dám nói”. Ở xã Sơn Hùng phần nhiều cán bộ Đoàn vẫn dựa trên tài liệu cũ, những giáo cụ, trực quan thô sơ để truyền tải những kiến thức được coi là tế nhị đến với thanh niên. Nguyễn Văn Dậu (Đài TT xã Sơn Hùng, Thanh Sơn, Phú Thọ)

Tình dục ở người lớn tuổi

Loạt bài 13 kỳ “Giáo dục tình dục cho lớp trẻ…” đem lại nhiều thông tin thú vị. Tôi nghĩ các trường học, các tổ chức thanh niên và các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các địa phương có thể đem loạt bài này ra thảo luận để cùng đi đến một nhận thức rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách nghĩ, cách hành xử với các hành vi tình dục của giới trẻ hiện nay.

Nhân dịp này, tôi đề nghị Tiền Phong, với tư cách là tờ báo của giới trẻ, mở hẳn diễn đàn về đề tài tình dục. Không chỉ giới hạn ở lớp trẻ, tôi cho rằng nên thảo luận cả vấn đề đối với lứa tuổi không còn thanh niên.

Nhiều người cho rằng tình dục là vấn đề của người trẻ và tuổi trung niên. Ở tuổi 50 (tuổi mãn kinh của phụ nữ) nhu cầu về tình dục dường như bị quên lãng. Họ cho rằng tình dục gắn liền với sự sinh sản, sự lãng mạn và hấp dẫn về thể xác. Vì thế, bản thân người có tuổi, nhất là phụ nữ cũng không ý thức được quyền duy trì hạnh phúc của mình, nên tự kiềm chế, che lấp nhu cầu tình cảm.

Ngày nay, sự bình đẳng nam nữ, tiến bộ của sinh học cho phép người ta phải nhìn lại vấn đề tình dục ở người có tuổi. Ở phụ nữ, chức năng tình dục có bị ảnh hưởng của tuổi tác song không có nghĩa hết hoàn toàn, kể cả sau khi tắt kinh.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trong thời kỳ mãn kinh và sau đó nhiều tháng, lượng bài tiết hormone sinh dục vẫn không đổi. Có nhiều phụ nữ lo sợ, coi mãn kinh là bước ngoặt của cuộc đời. Người chồng phải giúp vợ vượt qua tâm lý này để có cuộc sống thăng bằng.

Đàn ông có tuổi khác hẳn phụ nữ, hiện tượng chấm dứt khả năng sinh sản không theo tuổi tác, mặc dù cũng có giảm 50 tuổi trở đi nhưng tinh dịch vẫn sinh sản đến tuổi 90 .

Song họ cũng có hiện tượng như hiện tượng mãn kinh của phụ nữ, như thờ ơ, lãnh đạm, sút cân hoặc ăn không ngon. Khả năng sinh dục giảm, đôi khi bất lực, giảm khả năng tập trung tư tưởng, suy nhược cơ thể, dễ mệt, dễ cáu gắt. Có khi cả bệnh trầm uất, thiếu máu mãn tính, ung thư đường tiêu hóa.

Sự suy giảm khả năng tình dục ở đàn ông lớn tuổi biểu hiện đa dạng; lâu cương cứng hơn, sức phóng tinh giảm. Sự quan tâm đến tình dục và khả năng tình dục ở người có tuổi khác nhau. Do thờ ơ có nguồn gốc từ thời trẻ, hay do che giấu khuyết tật hay một rối loạn chức năng nào đó dẫn đến chán tình dục, giảm lòng tin, mặc cảm, thay đổi sức khỏe dẫn đến rối loạn chức năng sinh dục, gây mệt mỏi.

Điều khá quan trọng là do dư luận xã hội bài xích sinh hoạt tình dục ở người có tuổi nên nhiều người không dám biểu lộ.

Việc không quan hệ tình dục ở người lớn tuổi kéo dài dẫn đến ảnh hưởng chức năng tình dục, tác hại đó còn nghiêm trọng hơn so với người trẻ tuổi. Do đó sống trong gia đình có cha mẹ già con cái cần hiểu rõ tâm lý của bố mẹ, tạo điều kiện để cha mẹ gần gũi nhau. Đó cũng là nhu cầu tình cảm của người già.  Hoàng Việt (Đồng Tháp)

Ý kiến đóng góp, trao đổi, kính mời bạn đọc gửi về 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc qua địa chỉ email: chuyenmuc@tienphong.vn

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.