Miền Trung sau mưa lũ: Lo thiếu giống và thiếu đói

Miền Trung sau mưa lũ: Lo thiếu giống và thiếu đói
TP - Nông dân miền Trung điêu đứng vì mưa lớn kéo dài, lũ chồng lên lũ khiến hàng nghìn hécta lúa bị ngập úng, nảy mầm, giờ đối diện với nỗi lo thiếu giống hoa màu cho mùa vụ tới.

>> Mưa lũ miền Trung khiến giá thực phẩm tăng vọt

Miền Trung sau mưa lũ: Lo thiếu giống và thiếu đói ảnh 1
Nông dân xã Hòa Bắc, Hòa Vang (Đà Nẵng) thu hoạch lúa chạy lũ - Ảnh: Nguyễn Thành

Mất lúa, thiếu đói kỳ giáp hạt

Những cánh đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) dù mưa đã ngớt từ hôm trước nhưng không ít diện tích vẫn ngập úng. Ông Nguyễn Phú Ban - Phó Chủ tịch UBND huyện giải thích, nước ứ đọng vì hệ thống tiêu nước bị cản trở do các tuyến đường sắt, đường bộ trên địa bàn vô tình án ngữ, tạo thành những con đập giữ nước.

Nhìn dòng nước lênh láng còn bao phủ cánh đồng, bà Trần Thị Công (thôn Phú Sơn 3, Hòa Khương) than thở: “Lúa mọc mầm không thể làm gì được, cho lợn ăn còn bị đau bụng mà. Gần bốn sào ruộng của tui coi như mất trắng”.

Theo Phòng NN&PTNT Hòa Vang, lúa bị mọc mầm đem phơi rất đắng, có khả năng nhiễm nấm, nhiễm khuẩn cao nên khi ăn về rất dễ bị ngộ độc

Bà Hồng Thị Trinh - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết, chưa năm nào tình trạng ngập úng lại kéo dài và gây hại như đợt mưa lũ vừa rồi.

Sau hai lần tái ngập, đến nay toàn huyện có gần 1.200 ha trong tổng số hơn 2.800 ha lúa bị ngập úng cục bộ. Trong đó có hơn 325 ha bị mất trắng bao gồm toàn bộ phần diện tích trổ, ngã đổ và một số diện tích lúa chín nhưng bị nảy mầm trên 50 phần trăm. Số còn lại bị thiệt hại đến hơn 50 phần trăm, làm giảm năng suất, chất lượng chỉ còn khoảng trên dưới 60 phần trăm.

Đồng Tháp: Hơn 1.480 hộ trong vùng sạt lở cần di dời

Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh cho biết, hiện còn hơn 1.480 hộ trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời.

Nguyên nhân là không có đất di dời, một số cụm, tuyến dân cư thi công chậm và một số hộ dân sống bằng nghề chài lưới trên sông không muốn di dời.

Sạt lở bờ sông ở Đồng Tháp từ đầu năm đến nay đã làm một người chết, hai người bị thương, thiệt hại trên 12 tỷ đồng.

Hiện có 35 xã, phường, thị trấn có bờ sông bị sạt lở, nhiều nhất là các xã cù lao của ba huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Châu Thành.

Tổng chiều dài sạt lở trên 37km, có nơi ăn sâu vào bờ từ 10 đến 25 m. 

Đồng thời, có 112 ha hoa màu các loại bị ngập, giập nát, tập trung ở vùng rau Túy Loan, An Tân, Thạch Bồ, Hòa Phong... Chỉ tính riêng về sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại lên đến gần 27 tỷ đồng.

Tại các cánh đồng vùng A xã Đại Hưng, Đại Lãnh... trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hàng trăm nông dân đang giành giật lại từng bông lúa với dòng nước ngập.

Tính chung toàn huyện có 750 ha lúa, 295 ha bắp, đậu xanh, 30 ha rau, 100 ha dưa hấu trái vụ ở các khu vực ven sông bị hư hại hoàn toàn, đổ ngã và ngập sâu trong nước.

Tình trạng ngập úng không chỉ làm mất, giảm năng suất vụ lúa hè thu mà nó còn đe dọa trực tiếp đến nguồn lúa giống của các địa phương.

Ông Nguyễn Phú Ban - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: 30 ha chuyên sản xuất lúa giống tập trung trên địa bàn các xã Hòa Liên, Hòa Châu, Hòa Khương để phân bố cho toàn huyện đều bị ngập, úng ảnh hưởng nặng, không đủ quy chuẩn để làm lúa giống, khiến mùa vụ tới, toàn huyện thiếu đến 200 tấn giống lúa, 200.000 giống cá các loại và hai tấn giống hoa màu phục vụ sản xuất.

Thiệt hại tăng lên gần 300 tỷ đồng

Con số thiệt hại của các tỉnh, thành miền Trung do mưa lũ trong những ngày vừa qua ước tính tăng lên đến gần 300 tỷ đồng, ông Lê Minh Nhật - Phó GĐ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết chiều qua (10/9).

Trong đó, nặng nhất là Quảng Trị với gần 5.000 ha lúa bị ngập, hơn 1.500 ha đã thu hoạch không phơi được bị mộng, khoảng 2.000 ha hoa màu bị ngập úng cùng hàng trăm tấn cá, thủy sản bị ảnh hưởng... Tổng thiệt hại ước tính hơn 153 tỷ đồng.

Quảng Ngãi có đến gần 10.000 ha lúa, hoa màu bị ngã đổ, ngập úng ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng.

Trước mắt Quảng Trị kiến nghị hỗ trợ 40 tỷ đồng khắc phục các sự cố sạt lở, nâng cấp các công trình giao thông, thuỷ lợi, đặc biệt cung cấp các giống lúa, hoa màu phục hồi sản xuất vụ đông xuân.

Thừa Thiên - Huế đề nghị trước mắt hỗ trợ 24,5 tỷ gồm: Hỗ trợ 1.000 tấn gạo, hỗ trợ 150 tấn lúa giống để gieo cấy vụ đông xuân, ước khoảng 1,5 tỷ, hỗ trợ hai tấn giống rau các loại, ước kinh phí một tỷ đồng...

Đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo và 50 tỷ đồng cứu đói 

Đó là số tiền và gạo mà tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ, trước thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra suốt tuần qua tại Quảng Nam. Mưa lũ vừa qua làm tỉnh này thiệt hại 100 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là thiệt hại về nông nghiệp (9.000 ha lúa hè thu bị ngâm nứt mộng và 3.150 ha rau màu bị hư thối, 130 ha tôm bị cuốn trôi); có thể có cả ngàn hộ nông dân gặp khó khăn về lương thực.

Tỉnh đã tiến hành các biện pháp khắc phục lũ lụt: Ngày 9/9, BĐBP tỉnh, Trung đoàn 885 BCH quân sự tỉnh đưa 150 quân tới hai xã Tam Đàn, Tam An, huyện Phú Ninh để giúp nhân dân thu hoạch diện tích lúa hè thu bị ngập. Công tác giúp dân gặt lúa vẫn đang được quân đội thực hiện.

Huyện Phú Ninh có kế hoạch dừng một ngày làm việc (11/9) và hai ngày nghỉ cuối tuần (12 và 13/9) để CBCNV đến Tam Đàn và Tam An giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt và thu hoạch lúa.

MỚI - NÓNG