Phí thu với xăng dầu của VN: Thấp so với thế giới

Phí thu với xăng dầu của VN: Thấp so với thế giới
TPO – Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, mức phí thu trên 40% đối với xăng dầu của Việt Nam hiện nay là trung bình thấp so với các nước trên thế giới. Có nước mức phí thu cao gấp 1,5 lần so với Việt Nam.
Phí thu với xăng dầu của VN: Thấp so với thế giới ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây đã có đề xuất nên có bỏ việc trích 100 – 200 đồng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thay vào đó là thu một khoản cố định trên doanh thu của doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Đó là đề xuất của Petrolimex, nhưng vấn đề còn liên quan đến khía cạnh luật pháp. Trong bối cảnh tổng thể hiện nay khi thuế cũng đánh trên doanh thu, quỹ cũng lấy trên doanh thu thì đồng bộ trên luật pháp có được hay không hoặc là thu như thế có hợp lý hay không.

Thu theo cách này có thể thuận lợi cho doanh nghiệp này nhưng khó khăn cho doanh nghiệp khác. Chúng ta thu một khoản cố định thì nó có tác dụng buộc các doanh nghiệp phải tính chuyện nhập như thế nào, quy ra cơ cấu giá ra làm sao để có lợi bằng phương pháp mua ngay bán ngay, hoặc là gì đó để đảm bảo có lợi. Đây cũng là một sức ép với doanh nghiệp.

Cũng có ý kiến về việc áp dụng quy định giá trần đối với xăng dầu để tiện cho việc quản lý?

Cơ chế áp dụng giá tối đa thì chúng ta đã làm. Nhưng thực tế có thời điểm Nhà nước quy định giá định hướng và sau trở thành giá tối đa. Nhưng giá tối đa sẽ phải thay đổi liên tục trong bối cảnh thị trường biến động. Khi đó quyền chủ động của doanh nghiệp khó thực hiện được. Cũng sẽ có việc tại nhiều thời điểm giá tối đa của Nhà nước nếu không phản ứng kịp thì sẽ lại trở thành giá bao cấp, nếu Nhà nước không quyết định kịp mà giá vốn nhập khẩu của doanh nghiệp vượt lên nhiều rồi thì sẽ bị lỗ. Khi đó ai sẽ là người gánh chịu số lỗ này ? 

Cách chúng ta đang làm hiện nay khi giá có sự biến động trong khoảng 7% thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá cũng là cách xử lý tối đa. Đây có thể coi là trần giới hạn về mặt nguyên tắc.

Có ý kiến cho rằng các khoản phí thu với mặt hàng xăng dầu của Nhà nước hiện nay là quá cao?

Nói khoản phí thu của nhà nước cao thì không hẳn đúng. Mức phí này ở hầu hết các nước đều cao hơn, có nước cao gấp 1,5 lần của Việt Nam. Tất nhiên là giá của các nước còn phụ thuộc vào giá thế giới, chính sách điều tiết của nhà nước đó và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói hiện chính sách điều tiết khoản thu của nhà nước ở mỗi nước khác nhau và rất nhiều nước đang thu cao hơn ta. Việt Nam thu vào loại trung bình thấp, chứ không phải mức cao nhất.

Việc Nghị định 55 ra đời có đảm bảo quyền lợi cho người dân, người tiêu dùng không?

Nghị định 55 có hai cái sửa rất cơ bản là cho phép tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện kinh tế theo quy định thì được kinh doanh xăng dầu. Đây là điểm khác hoàn toàn với trước khi chỉ có doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thứ hai là về giá, Nghị định 55 cũng quy định quyền của doanh nghiệp được điều chỉnh đến  mức nào. Nếu giá vốn cao hơn giá thành 7% thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá. Nếu giá có biến động tăng từ 7-12% thì sẽ sử dụng một phần quỹ bình ổn giá.

Khi giá biến động trên 12% thì lúc ấy coi như biến động bất thường và lúc ấy Nhà nước can thiệp, có thể tạm  ngừng bình ổn giá hoặc cho phép doanh nghiệp bình ổn giá ở mức nào đó. Cơ chế đó bước đầu chúng tôi cho rằng tạo được chủ động cho doanh nghiệp, phần quản lý của Nhà nước cũng đảm bảo và người tiêu dùng cũng kiểm soát được điều hành của Nhà nước và chủ động của doanh nghiệp.

Nguyên tắc thống nhất công khai là khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì Nhà nước chia sẻ bằng cách xử lý linh hoạt thuế. Cái đó có rồi, thuế nhập xăng tối đa cho phép là 40%, còn hiện giờ đang lôi xuống 20%, cũng là cách để chúng ta chia sẻ khó khăn.

Lúc giá giảm thì tính 2 trường hợp: Một là những gì Nhà nước phải thu thì khôi phục, tất nhiên khôi phục ở mức độ nào, ví dụ khôi phục ngân sách. Hai là khoản thuế khôi phục. Còn lại ta giảm giá, kết hợp được cả 2 thì càng tốt.

Có rất nhiều ý kiến về cách tính giá xăng hiện nay. Vậy công thức chuẩn để tính giá xăng như thế nào thưa ông?

Cách tính là lấy giá CIF xăng dầu thành phẩm (ở đây là giá platt Singapore) cộng với thuế nhập khẩu, cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá ngân  hàng nơi doanh nghiệp giao dịch, cộng với các khoản phí thuế doanh nghiệp phải nộp, chi phí kinh doanh 600 đồng, cộng với lãi 300.

Đây là cách tính cơ bản, không có gì giấu diếm hết. Chỉ có những người cố tình không hiểu thì mới tính công thức khác. Ai tính khác thì là người cố tình không hiểu. Người ta bảo tính giá xăng dầu thành phẩm nhưng nếu cứ tính theo giá dầu thô nhập khẩu thì giá sẽ rất khác nhau. Ví dụ 10% thuế nhập khẩu tính trên 70USD/thùng, khác với 15% thuế nhập khẩu, tính trên 70 USD/thùng. Tính giá cuối cùng rất khác nhau.  

Quỹ Bình ổn giá mới có 87 tỉ đồng

Ông Thỏa cho biết từ khi chúng ta ban hành cơ chế quản lý giá xăng dầu thì đến nay đối với mặt hàng xăng chúng ta chưa thu được đồng nào cho vào Quỹ Bình ổn giá. Điều này do cơ chế khi được đưa ra thì giá xăng dầu thế giới liên tục tăng từ đầu quý II/2009 đến nay. Hiện diezel, madút và dầu hỏa thì chúng ta mới thu được của đợt trước tổng cộng 87 tỉ đồng. Lần này cơ quan quản lý mới có quyết định cho thu 100 đồng/lít đối với dầu hỏa và 200 đồng/lít với diezel.

Cơ chế quản lý và sử dụng quỹ khẳng định rất rõ là chỉ sử dụng để bình ổn giá xăng dầu, không sử dụng vào mục đích khác. Với số tiền 87 tỷ mà chúng ta thu được thì chúng ta chưa có hy vọng gì để bình ổn giá xăng dầu bởi mỗi lần giá tăng mà cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ thì số tiền này không đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, vẫn để qũy, doanh nghiệp vẫn bảo tồn số đã thu được để tiếp tục thu khi tình hình thị trường cho phép.

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG