Về chỉ trích dự báo bão sai: Bộ TN&MT phản ứng

Về chỉ trích dự báo bão sai: Bộ TN&MT phản ứng
TP - Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có công văn phản ứng phát biểu của lãnh đạo Tỉnh Quảng Ngãi trên Báo Dân Trí về dự báo cơn bão số 9 và cho rằng “đây là những nhận định rất đáng tiếc”.

>> Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không

Về chỉ trích dự báo bão sai: Bộ TN&MT phản ứng ảnh 1
Dọn dẹp vệ sinh sau bão lũ  Ảnh: PV

Báo Dân Trí điện tử ngày 1/10/2009 (và Báo Lao Động) có bài phản ánh ý kiến không hài lòng của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về chất lượng công tác dự báo bão số 9.

Bài báo có đoạn: “Trong cuộc giao ban nóng sáng sớm 30/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối nổi nóng: “Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi. Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến những hệ lụy ghê gớm”.

Công văn (số 3688/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 2/10/2009) do Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức ký đã phủ nhận nhận xét trên và “cho rằng đây là những nhận định rất đáng tiếc, phủ nhận những cố gắng, công sức của hàng ngàn cán bộ, viên chức, lao động ngành khí tượng thủy văn, trong đó có cả số cán bộ, viên chức đang công tác, bám trụ tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.

Vẫn theo công văn trên, kể từ 03giờ30 ngày 28/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Tỉnh Quảng Ngãi “đã liên tục thông báo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, và Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh những thông tin dự báo về cơn bão số 9 và tình hình mưa lũ cho vùng biển và trên đất liền của tỉnh Quảng Ngãi... tương đối sát với diễn biến bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.

Lý giải vì sao không nói cụ thể đại loại “bão đổ bộ” hay “bão ảnh hưởng trực tiếp” cho dễ hiểu, công văn đã dẫn cho biết, “vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão là vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên, cấp gió mạnh nhất được dự báo cụ thể trong bản tin.

Sở dĩ có quy định vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão là vì bão không phải là một điểm mà là cả một vùng gió xoáy mạnh. Với cơn bão mạnh và rộng như bão số 9, vùng gió mạnh hơn cấp 6 có đường kính 500-600 km, vùng gió mạnh hơn cấp 10 có đường kính 250-300 km và chính trong vùng mắt bão thì lại lặng gió”.

Lý giải vì sao dân địa phương cảm nhận bão đổ bộ vào Quảng Ngãi từ lâu mà cơ quan khí tượng vẫn cho rằng bão vẫn chưa vào, công văn trên cho rằng việc cảm nhận bão đã vào là do “vùng gió mạnh trước bão đã bắt đầu đổ bộ lên các tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, và Quảng Ngãi từ đêm 28 rạng sáng 29/9 như đã được dự báo”.

Còn để vùng tâm bão thực sự “đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức khẳng định, phải đến “13 giờ 30 ngày 29/9”. Lúc đó, xuất hiện “hiện tượng lặng gió trong mắt bão, tạo cảm giác bão đã kết thúc”, và khiến dân địa phương cho là dự báo quá muộn, dự báo khi bão đã đổ bộ vào đất liền, suy yếu từ lâu.

Ông Đức nhấn mạnh, “chỉ đến đêm 29/9, bão số 9 mới thực sự suy yếu, trở thành áp thấp nhiệt đới, trên khu vực Nam Lào”.

Ketsana, cơn bão dị biệt

Trung tâm KTTV nhận định cơn bão số 9 là thêm bằng chứng về sự dị thường của thời tiết. Thông thường, theo ông Trần Văn Sáp, Phó Giám đốc Trung tâm KTTVQG, tháng Mười là khoảng thời gian bão bắt đầu lắng dịu. Nhưng trong khi bão số 9 đang tấn công vào bờ biển Việt Nam, ngoài khơi Thái Bình Dương lại hình thành hai siêu bão và, hôm qua 2/10, một áp thấp nhiệt đới nữa mới hình thành và cũng sẽ mạnh thành bão nay mai.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn, mô tả: Tính từ ngày bắt đầu mạnh lên thành bão từ một áp thấp nhiệt đới, 26/9, chỉ sau ba hôm – chiều tối 28/9, Ketsana đã lớn phổng cấp 13, giật cấp 14 -15. Đây là hiện tượng hiếm có trên Biển Đông, vùng biển nông được nhận định ít có khả năng tiếp thêm năng lượng cho bão.

Chính vì sự phức tạp của bão số 9, kết quả dự báo của Việt Nam và các trung tâm khí tượng quốc tế khác nhau khá xa. Chẳng hạn, ông Tuấn chiếu bản đồ đường đi của trung tâm dự báo Nhật Bản và Hồng Kông thì thấy bão số 9 sẽ đổ bộ vào phía bắc miền Trung nước ta chứ không phải vùng từ Đà nẵng đến Quảng Ngãi.

Các trung tâm trên thậm chí còn dự báo bão đổ bộ vào đất liền nước ta vào ngày 30/9 thay vì ngày 29/9 như thực tế diễn ra và trùng với dự báo của Trung tâm DBKTTVQG.

"Tại Philippines, cụ thể là thủ đô Manila, nơi tôi đang cư trú, mọi thứ vẫn ngổn ngang sau cuồng phong Ketsana, cơn bão mạnh nhất mà người Philippines từng thấy từ 40 năm qua. Lượng mưa trong vòng sáu tiếng  hôm Thứ Bảy tuần trước đạt 410 mm, phá vỡ kỷ lục lượng mưa do bão Katrina gây ra ở nước Mỹ năm 2005 (làm hơn 1.800 người chết, thiệt hại 81 tỷ USD) là 380 mm"- Beverly Natividad, phóng viên nhật báo The Philippine Daily Inquirer, một trong những tờ báo hàng đầu Philippines, thông tin riêng cho Tiền Phong.

MỚI - NÓNG