Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ
TPO - Từ 21h hôm qua, bão số 11 gây mưa to làm ngập nhiều nơi tại tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Đến sáng nay, hàng nghìn người dân không kịp sơ tán, mắc kẹt trên mái nhà, chới với kêu cứu. Nhiều nơi, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận người bị nạn.

>> Bão số 11 ập vào Phú Yên, Khánh Hoà
>> Hôm nay hủy 5 chuyến tàu Thống Nhất do bão lũ
>> Huy động mọi phương tiện ứng cứu người dân sau bão

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 1
Nhiều người dân không kịp sơ tán, mắc kẹt trên mái nhà. Ảnh: Việt Hương

Dùng trực thăng cứu tế

Sau một ngày mệt nhọc chống bão số 11, hàng nghìn hộ dân ở Bình Định lại phải thức trắng đêm lo chạy lũ. Đến chiều nay, 3/11, ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Định, nước vẫn ngập mái nhà dân. Hàng nghìn người lo lắng, không biết ngủ ở đâu đêm nay, khi bốn bề là nước.

Ông Nguyễn Thanh Tấn, 70 tuổi, ở khu vực 2, phường Nhơn Phú (Bình Định) mếu máo: chạy lũ, gia đình tôi vật vờ bên lề đường từ đêm qua. Không biết tối nay có ai cho ngủ nhờ không, ở đây gia đình tôi không quen ai cả.

Ông Trần Vĩnh Phúc, ở khu vực 6, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định) lo lắng: “Nước lũ ập vào nhà giữa đêm tối nên vợ chồng chỉ kịp ôm hai đứa con chạy lên đường sắt tránh lũ. Mọi vật dụng trong nhà đều bị nước lũ cuốn trôi. Chúng tôi đang lo đêm nay các cháu không có chỗ ngủ".

Ông Phúc ngồi trên đường sắt tránh lũ, người ướt sũng, tay run run cầm gói mì tôm ăn tạm.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Bình Định, đến cuối chiều nay, 3/11, bão lũ làm năm người chết, hai người mất tích, 15 người bị thương.

Lũ làm 127 nhà sập hoàn toàn, 4.668 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; một trạm y tế và 116 phòng học bị hư hỏng nặng; 1.397 ha lúa và 1.045 ha hoa màu bị ngập nước, hư hỏng; 669 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng.

Bão lũ cũng làm sạt lở 542 m đê kè, kênh mương bị bồi lấp và cuốn trôi 10.500 m; làm hư hỏng 7 đập tràn; 13,34 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 81 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phóng Chống Lụt bão tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho các ngành, chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương di dời dân ở vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, hàng trăm chiến sĩ bộ đội biên phòng, thanh niên xung kích và nhiều phương tiện cứu hộ chuyên dụng được huy động để đưa người dân đến nơi trú ẩn.

Ngoài lực lượng của ngành chức năng, nhiều thanh niên ở địa phương cũng tham gia cứu hộ. Nhờ vậy, hàng trăm người dân ở những vùng ngập lụt đã được di dời đên nơi an toàn. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do nước lũ còn quá lớn.

Đến 16 giờ chiều nay, 3/11, sau nhiều lần phải hoãn bay vì thời tiết xấu, máy bay trực thăng đã tiếp cận được vùng bị lũ cô lập, thả mì tôm và nước suối cho nhân dân đang bị mắc kẹt. Ngày mai, trực thăng sẽ tiếp tục thả 1.200 suất đồ ăn và thuốc cho dân. 

Khánh Hoà: Chín người chết và mất tích

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ huy Phòng, chống Lụt Bão tỉnh Khánh Hoà, toàn tỉnh có sáu người chết, ba người mất tích, bảy người bị thương do cơn bão số 11, trong đó, huyện Cam Lâm có ba người chết, một người mất tích, huyện Ninh Hoà có hai người chết, hai người mất tích.

Toàn tỉnh có 130 nhà bị sập, trôi, 727 nhà bị tốc mái, hư hại, 31 trường học, trạm y tế bị hư hại và ngập, 69 tàu, thuyền, xà lan bị chìm, lật, hư hỏng; 136 ha lúa và hoa màu bị ngập, 2.111 lồng nuôi thuỷ sản bị chìm vỡ…

Phú Yên: 14 người chết vì bão, lũ

Tại huyện Sông Cầu, lúc 19g30 tối qua, đập Đá Vải ở thị xã Sông Cầu bị vỡ trong lúc triều cường dâng cao, gây ngập. Ngay trung tâm thị xã Sông Cầu, nước dâng cao, các phương tiện không thể đi lại. Nước ngập nặng nhất là xã Xuân Lâm, hiện các phương tiện, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận khu vực này.

Theo thống kê ban đầu, tỉnh Phú Yên có 14 người chết, 8 người bị thương, hơn 1.200 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. 12 chiếc tàu đánh cá bị chìm, bảy trường học bị tốc mái. Riêng huyện Đông Hòa thiệt hại nặng nhất với ba người bị thương, hơn 620 ngôi nhà bị tốc mái…

Đến sáng nay, 3/11, TP Tuy Hòa vẫn ngổn ngang với hàng trăm cây xanh bị bão quật đổ. Hệ thống điện bị hỏng nặng, toàn tỉnh vẫn mất điện.

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 2
Tàu bị bão lũ nhấn chìm trên sông Ba. Ảnh: Văn Tài

Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phú Yên, hầu hết các đường tỉnh ở Phú Yên đều bị tắc. Lực lượng tuần đường đang tăng cường kiểm tra, cắm biển báo tại những khu vực nguy hiểm.

Từ 10 giờ hôm qua, quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả (huyện Đông Hòa) bị tắc hoàn toàn do đất đá trên đèo đổ xuống với khối lượng lớn. Do bão mạnh kéo dài, việc khắc phục rất khó khăn. Trong khi đó, đường sắt đoạn qua đèo Cả cũng bị ách tắc do một trụ thông tin tín hiệu đường sắt đổ vắt ngang qua đường ray.

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 3
Các phương tiện giao thông mắc kẹt trên đường, xe cứu hộ chưa thể tiếp cận người dân vùng lũ. Ảnh: Việt Hương

Theo ông Lương Tấn Phượng, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, đoạn đường sắt đi qua tỉnh Phú Yên bị tắc từ 19 giờ 00 chiều 2/11, với hàng chục điểm bị sạt lở, đất vùi.

Ông Đặng Trọng Đột, Giám đốc Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa cho biết: Các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Tuy Hòa và ngược lại vào hôm nay phải hủy do thời tiết xấu.

Nhiều xã ở Gia Lai bị lũ cô lập

Ngày 3/11, lũ tràn về các huyện, thị xã vùng đông nam tỉnh Gia Lai. Hạ nguồn sông Ba, sông Ayu, mực nước dâng cao.

Cuối chiều 3/11, Đài Khí tượng - Thủy văn Tây Nguyên cho biết: Nước sông Ba tại thị xã Ayun Pa lên 158,54 m, vượt mức báo động ba 3,54 m (vượt đỉnh lũ năm 1988); nước sông Ayun lên 677,19 m, trên báo động ba 2,19 m, có khả năng, nước ở hạ lưu sông Ba sẽ vượt mức báo động ba đến 4m.

Nước lũ nhấn chìm nhiều buôn làng, khu dân cư, hoa màu, gia súc gia cầm của thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa… Nhiều nơi mất điện, giao thông bị chia cắt.

Quốc lộ 25 nối liền Gia Lai - Phú Yên, nhiều đoạn nước ngập sâu hơn 2m. Nhiều xã bị cô lập hoàn toàn hoặc từng vùng, trong đó có các xã Ia Yeng, Chư A Thai của Phú Thiện, bốn xã của huyện Ia Pa gồm Ia Broái, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm, tám xã ở huyện Krông Pa. Hàng trăm căn nhà dọc bờ sông Ba và sông Ayun nước ngập mái .

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng và Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Phạm Đình Thu sớm có mặt tại những nơi nguy hiểm để chỉ đạo việc di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân trong vùng lũ ngập sâu tại các huyện Ayun Pa, Krông Pa, Phú Thiện.

Binh đoàn Tây Nguyên, Ban chấp hành Quân sự tỉnh cũng tích cực điều hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng năm canô, hai xe lội nước tham gia ứng cứu. Tuy nhiên, tới cuối ngày 3/11, theo báo cáo nhanh từ cơ sở, riêng tại xã Ia Trôk huyện Ia Pa, có tới bốn người chết và nước cuốn mất tích, trong đó có một học sinh lớp 6.

Hàng nghìn ngôi nhà ở Đắk Lắk bị hư hỏng

Theo thông tin từ Ban Phòng chống Bão Lụt tỉnh này chiều nay, bão số 11 với gió mạnh cấp 8, cấp 9, kèm mưa lớn gây thiệt hại đáng kể trên toàn tỉnh.

Mười người bị thương do bị ngã, cây đè hoặc vật liệu xây dựng rơi trúng, trong đó có bốn người ở thị trấn Buôn Hồ, hai người ở huyện Eakar, một người ở huyện Krông Năng, một người ở huyện MaĐrăk và hai người ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Thống kê chưa đầy đủ cho biết, 53 căn nhà ở bị sập, 1.432 nhà ở, 100 phòng học và 39 công sở bị tốc mái; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và các cây trồng khác khoảng 277 ha.

Lũ lịch sử "tấn công" Bình Định

Trực thăng chưa tiếp cận được vùng bị cô lập vì thời tiết xấu

Trưa nay, 3/11, tại Phú Yên, rất nhiều xã thuộc huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu còn ngập sâu trong nước và nhiều vùng bị chia cắt. Tại huyện Tuy An, ngoài 5 người chết có 7 xã gồm An Nghiệp, An Định, Thị trấn Chí Thạnh, An Dân, An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây bị chia cắt hoàn toàn và có ít nhất 3000 nhà bị ngập sâu trong nước từ 2-3 mét.

Tỉnh đã điều động 8 canô ra để giúp dân nhưng vẫn rất khó tiếp cận. Ở huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh cũng đã điều 2 canô nhưng chưa tiếp cận được và huyện bị chia cắt hoàn toàn do nước ngập qua cầu tràn La Hai….

Bí thư tỉnh ủy Phú Yên ông Đào Tấn Lộc cho biết công trình thủy điện Sông Ba Hạ hiện đang xả lũ với lưu lượng 9.000 mét khối/giây nên tỉnh đang chỉ đạo cần di dời dân vùng hạ lưu sông Ba ra khỏi nơi nguy hiểm.

Ông Lộc cho biết thêm, Trung ương đồng ý đề nghị với tỉnh về việc chi viện trực thăng để ứng cứu nhưng thời tiết quá xấu nên chưa thực hiện.

Hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn ở tại Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo khắc phục cơn bão số 11.

Trước đó, từ 21h hôm qua, 2/11, bão số 11 gây mưa to làm ngập nhiều nơi tại tỉnh Bình Định, Phú Yên. Nước lũ đổ về quá nhanh khiến nhiều người dân Bình Định không kịp trở tay. Hàng nghìn người dân ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, không kịp sơ tán, phải leo lên mái nhà tránh nước. Khi thấy lực lượng cứu hộ từ xa, họ vẫy tay, gào thét kêu cứu.

Anh Nguyễn Thế Hòa, người dân sinh sống tại khu vực 1, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, cho biết: Tôi làm việc ở TP Quy Nhơn, nhận được điện thoại người nhà gọi về chạy lũ nhưng đến 9 giờ sáng nay vẫn bị mắc kẹt ngoài đường. Nước quá lớn, các phương tiện giao thông đều tê liệt.

"Tôi còn mẹ già và con nhỏ ở nhà, không biết tình hình thế nào. Đứng nhìn cảnh nước ngập đến ngang mái nhà mà lòng như lửa đốt" - Anh Hòa lo lắng nói.

Cùng nỗi lo trên, anh Huỳnh Quang Sinh, ở khu vực 2, phường Trần Quang Diệu, chia sẻ: 20 giờ đêm qua, hai vợ chồng đưa em dâu đi viện. Hơn một tiếng sau, chúng tôi hay tin nhà ngập nước. Không thể về nhà, chúng tôi phải gọi điện nhờ hàng xóm cứu giúp con nhỏ.

"Chúng tôi bị mặc kẹt ngoài đường từ đêm qua đến giờ, không thể về nhà, không biết con nhỏ tình hình thế nào" - vợ anh Sinh mếu máo, nói.

"Nước lên đến mái nhà, cuốn trôi tất cả tài sản trong nhà rồi. Tôi đang phải đi tìm đồ ăn cho gia đình đây" - Anh Nguyễn Thanh Quang, một người dân ở thị trấn Diêu Trì, buồn bã, cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, đến 10 giờ sáng nay, 3/11, tại các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, thị trấn Riêu Trì, huyện Tuy Phước, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận người dân mắc kẹt trong lũ. Thậm chí, phương án dùng máy bay trực thăng cứu hộ cũng được tính tới, nhưng không thể thực hiện được.

Cách TP Quy Nhơn khoảng 8 km, các tỉnh lộ đều ngập trắng nước. Các phương tiện cứu hộ hầu như "chết cứng". Phương tiện giao thông tê liệt vì lũ.

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 4
Chơi vơi giữa dòng lũ. Ảnh: Việt Hương

Đến 13 giờ hôm nay, lực lượng cứu hộ đã huy động máy bay trực thăng của Quân khu 5, hạ cánh xuống sân bay Phú Cát, lấy thức ăn, đồ uống và thuốc men, đưa xuống cho người dân bị kẹt vì lũ.

Đại tá Lê Thanh Nồng, chỉ huy phó tỉnh đội Bình Định cho hay, sáng nay, lực lượng cứu hộ đưa được trên 200 người dân ở vùng nguy hiểm của huyện Tuy Phước đến nơi an toàn. 

Đến thời điểm này, tại huyện Vân Canh (Bình Định), hàng nghìn ngôi nhà bị ngập hoàn toàn, cả huyện bị cô lập từ 20 giờ đêm qua, các phương tiện ứng cứu chưa thể tiếp cận.

Ở một số phường của TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn vẫn đang bị cô lập vì lũ. 

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 5
Nước lũ ngập đến mái nhà, người dân điêu đứng. Ảnh: Việt Hương

Theo thống kê ban đầu của Ban Phòng Chống Lụt Bão tỉnh Bình Định, bốn người chết, hai người mất tích và 15 người bị thương trên địa bàn tỉnh; gần 200 ngôi nhà bị sập; 2.500 nhà bị hư hỏng nặng, hầu hết diện tích hoa màu của các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn bị ngập hoàn toàn.

Nước các sông ở Khánh Hòa, Phú Yên lên nhanh

Tại Khánh Hòa, Phú Yên, từ đêm qua, mưa rất to diễn ra ở nhiều nơi. Lượng mưa lớn nhất ở Khánh Hòa đo được tính đến bảy giờ sáng nay là 309 mm (huyện Vạn Ninh). Một số nơi khác, lượng mưa đo được trên 100 mm đến 200 mm.

Tại Phú Yên, lượng mưa đo được đến bảy giờ sáng nay từ trên 200 mm đến 347 mm. Mực nước các sông ở Phú Yên tiếp tục lên cao, gây ngập nhiều khu dân cư, nhiều tuyến giao thông bị ách tắc. Hiện nay, hồ thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ.

Sáng nay, nước các sông ở Khánh Hòa đang lên nhanh. Lúc 6 giờ sáng, mực nước sông Dinh tại Ninh Hòa vượt báo động hai 4cm và đang tiếp tục lên nhanh. Nước các hồ chứa xấp xỉ mức cao nhất cho phép, một số hồ đang tiến hành xả lũ như hồ Cam Ranh, Suối Dầu.

Ước tính sẽ nhiều người chết và bị thương

* Có mặt tại tâm lũ, thuộc các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình và bốn xã khu Đông của huyện Duy Phước, ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, nhìn cảnh hàng nghìn ngôi nhà ngập mái, hàng trăm người dân kêu la cầu cứu nhưng các phương tiện cứu hộ chưa thể tiếp cận, mà đau lòng.

Hiện tại, chưa thể thống kê thiệt hại về người và tài sản nhưng có lẽ, con số ước tính thiệt hại về người sẽ lớn.

Đây là cơn lũ lịch sử, chưa từng có ở Bình Định. Đến giờ, mọi phương tiện giao thông, truyền thông đều bị tê liệt; chỉ còn cách cầu cứu các cơ quan chức năng cấp cao hơn tìm cách ứng cứu người dân Bình Định.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà cho biết, đã có công điện chỉ đạo UBND các huyện, thành phố dọc sông Ba phải khẩn cấp sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước 14 giờ chiều nay, 3/11.

Trước tình hình nguy cấp của nhiều khu vực thuộc tỉnh Phú Yên, Ban Phòng chống lụt bão trung ương quyết định điều động hai máy bay trực thăng từ TP Hồ Chí Minh và tám ca nô từ Ninh Thuận ra Phú Yên để cứu các hộ dân đang bị lũ chia cắt ở hai huyện Tuy An và Đồng Xuân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà, trong buổi làm việc sáng nay với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phú Yên đề nghị Ban Phòng chống lụt bão trung ương làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điều tiết việc xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn Phú Yên và Gia Lai theo hướng xả lũ so le;

Đồng thời, giãn thời gian xả lũ qua hết đêm nay, nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt ở các khu vực hạ lưu sông Ba

Chùm ảnh người dân "vật lộn" với lũ

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 6
Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 7
Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 8

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 9

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 10

Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 11
Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 12
Hàng nghìn người mắc kẹt giữa biển lũ ảnh 13
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.