Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ - Bài cuối:

Nghịch lý EVN xin nâng tổn thất điện năng

Nghịch lý EVN xin nâng tổn thất điện năng
TP - Chính phủ yêu cầu đến 2010, ngành điện phải hạ mức tổn thất điện năng xuống còn tám phần trăm. Nhưng mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại xin nâng mức tổn thất điện năng lên chín phần trăm.

>> Bài 3: Bức bí than cho sản xuất điện
>> Bài 2: Nhiệt điện chạy than - Mùa xuân lỗi hẹn!
>> Bài 1: Thủy điện nhỏ chưa khai sinh đã khai tử?

Nghịch lý EVN xin nâng tổn thất điện năng ảnh 1
Ngày càng nhiều nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào ngành điện (Trong ảnh: Một nhà máy thủy điện nhỏ do Công ty Nam Tiến (Lào Cai) đầu tư) - Ảnh: Quyền Thành

Ngoài lý do thiếu vốn, EVN cho rằng, đang gặp quá nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đầu hàng do hạ tầng lưới điện quá cũ.

Tái diễn điệp khúc thiếu vốn

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề án gửi Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, đề nghị được điều chỉnh tăng mức tổn thất điện năng (TTĐN) thêm một phần trăm so với mức tám phần trăm Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải thực hiện trước đó. Lý do được EVN đưa ra là gặp quá nhiều khó khăn.

Theo đề xuất của EVN, mức TTĐN năm 2009 được đề xuất cụ thể là 9 phần trăm. Năm 2010 sẽ giảm xuống 8,8 phần trăm và đến năm 2012 sẽ đưa tỷ lệ giảm TTĐN xuống còn 8,55 phần trăm. Nếu so với yêu cầu của Thủ tướng trước đây thì thời gian thực hiện giảm TTĐN xuống tám phần trăm sẽ kéo dài thêm ít nhất hơn hai năm.

EVN thừa nhận mức tổn thất này chưa tính đến việc tiếp nhận lưới điện nông thôn. Nếu tiếp nhận toàn bộ lưới điện này thì tổn thất của EVN sẽ tăng thêm 2,23 phần trăm.

Khi đó, mức TTĐN của EVN, nếu tính cả tiếp nhận lưới điện nông thôn sẽ là 10,4 phần trăm năm 2009 và đến 2011 sẽ giảm xuống còn 10,1 phần trăm.

EVN còn nại lý do giá xăng dầu, vật tư nguyên liệu tăng cao kéo dài từ 2006, chưa tăng giá điện như lộ trình cũng như các ngân hàng thiếu tiền cho vay … là những yếu tố ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển nguồn lưới điện cũng như cân bằng tài chính của EVN trong giai đoạn 2004 - 2010.

EVN cũng cho biết, để giảm được mức TTĐN như yêu cầu thì trong hai năm 2009 - 2010 sẽ cần nguồn vốn đầu tư lên 15,5 nghìn tỷ đồng. Giảm TTĐN đạt trong điều kiện thiếu vốn là khó khả thi.

Ngoài những lý do khách quan, EVN cũng thừa nhận công tác quản lý ở một số bộ phận còn yếu kém cả về trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm.

Để làm tăng sức thuyết phục, EVN đưa ra con số chứng minh, nếu dồn toàn bộ số tiền đầu tư trên để tập trung cho việc giảm TTĐN như yêu cầu của Thủ tướng thì hiệu quả không cao.

Với mức tăng trưởng phụ tải là 13 - 14 phần trăm thì lượng điện tổn thất tương ứng giảm được 1,9 tỷ kWh. Nếu quy ra tiền là 1.658,466 tỷ đồng.

Theo EVN, nếu chỉ so sánh phần mang lợi do giảm TTĐN trong trường hợp này thì không kinh tế. Do đó, cần xem xét một kế hoạch đầu tư hợp lý với khả năng vay vốn, khả năng thực hiện qua đó xác định mục tiêu giảm TTĐN phù hợp.

Thiếu, yếu nhưng vẫn… tham

EVN cho biết, đến cuối năm 2008 đã hoàn thành chỉ tiêu giảm TTĐN xuống dưới 10 phần trăm sớm hơn hai năm so với đề án được Bộ Công nghiệp trước đây duyệt.

* Trao đổi với chúng tôi, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, những con số này sẽ rất có ý nghĩa nếu như không so với Thái Lan, nước chỉ có mức tổn thất là 4,66 phần trăm trong năm 2008.

Nhẽ ra, trong những năm qua, EVN phải tính được việc nếu không thể giảm được TTĐN thì phải xin cơ chế để đầu tư thực hiện. EVN để đến khi không thực hiện được mới nêu lý do để xin nâng tỷ lệ TTĐN là không chấp nhận được.

Tuy nhiên, dường như việc xin nâng mức tổn thất điện năng này đã được EVN tính toán khá kỹ từ trước đó chứ không phải đến giờ mới phát hiện ra để đề xuất.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 1/2009, EVN đã nhắc khéo và đưa ra nhiều đánh giá, biện luận khác nhau để bảo vệ quan điểm không nhất trí với đề án thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công Thương đề xuất để giữ rịt lấy quyền lợi của mình trong việc truyền tải điện.

Lãnh đạo EVN cho rằng, đề án tách khâu phát điện – truyền tải do đơn vị này quản lý để chuyển về Bộ chủ quản sẽ dẫn đến nhiều bất cập. EVN nại việc tách các khâu ra khỏi EVN sẽ làm giảm sức mạnh của đơn vị này, không còn EVN đúng nghĩa tập đoàn và việc tách tất cả các khâu bao gồm sản xuất, truyền tải, phân phối điện là không cần thiết và đầy rủi ro.

“Điều này không đúng với chủ trương của Đảng về hình thành tập đoàn kinh tế mạnh” - Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN nêu.

EVN cho rằng, số lượng các nhà đầu tư bỏ vốn vào nguồn điện còn nhỏ so với thị trường điện các nước nên việc vận hành thị trường điện cạnh tranh khâu phát chưa có gì phức tạp nhưng quên mất việc có nhiều nhà đầu tư trong các khâu truyền tải, phân phối sẽ giúp giảm bớt áp lực đầu tư cho chính ngành điện.

Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường, Giá cả Bộ Tài chính, đánh giá: “Khi miếng bánh to và ngon thì càng ít người chia sẻ càng tốt. Chính vì vậy, cũng không lạ gì khi có việc một tập đoàn này, đơn vị kia giữ rịt quyền lợi của mình trong một lĩnh vực nào đó”.

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.