Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo?

Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo?
TP - Nhiều ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư trong và ngoài nước tại cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận (viết tắt là Quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận), vừa diễn ra, có nguy cơ tiếp tục bị... xếp vào ngăn kéo!

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, khu vực xung quanh Hồ Gươm chủ yếu mang chức năng công sở, thương mại. Trong khi đó, chức năng quan trọng nhất là văn hóa, lịch sử lại bị xem nhẹ và yếu, chưa tương xứng với vị thế trái tim Thủ đô.

Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo? ảnh 1Đồ án đưa ra nhiều giải pháp nhằm làm sao phải trả lại cho Hồ Gươm những gì đẹp nhất vốn có, bóc gỡ những cây tầm gửi đang gây hại đối với vẻ đẹp của hồ. Viên ngọc Hồ Gươm đang vướng nhiều bụi trần, tạp chấtÝ tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo? ảnh 2 - KTS Hoàng Thúc Hào đại diện cho đơn vị đoạt giải Nhì (1+1>2 Group và Academia Italia) cuộc thi bày tỏ.

Tiết diện đường quanh hồ quá rộng, lưu lượng giao thông tại các điểm giao cắt quá lớn đã biến trung tâm Hồ Gươm thành một đảo giao thông khổng lồ, không có điểm đỗ xe ngầm, ách tắc thường xuyên xảy ra.

Về hiện trạng kiến trúc cảnh quan, đồ án của KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng: Do sự buông lỏng quản lý, sự thiếu quan tâm nhiều năm nên kiến trúc cổ truyền thống bị lai căng, thiếu sự đồng nhất về chất liệu, màu sắc; ngôn ngữ kiến trúc pha tạp.

Kiến trúc trụ sở hiện trạng thô nặng (ví dụ như trụ sở UBND TP, Bưu điện, Cty Điện lực). Nhiều công trình kiến trúc nặng nề, kín cổng cao tường, thiếu khả năng đối thoại với không gian. Bãi đỗ xe phía đường Đinh Tiên Hoàng chắn tầm nhìn ra hồ và gây tắc nghẽn, ô nhiễm. Thiếu tín hiệu thị giác giữa hai bờ đông - tây...

Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo? ảnh 3
Các công trình đang băm nát Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Gỡ bỏ tận gốc các loại tầm gửi

Trên cơ sở hiện trạng và nhiều tư liệu lưu trữ được về Hồ Gươm, nhóm tác giả đồ án đã khẳng định: Tư tưởng bao trùm của đồ án là quan niệm tổng thể khu vực Hồ Gươm như một công viên văn hóa - lịch sử trung tâm.

Xuyên suốt trong đồ án là làm sao thể hiện được tinh thần Tiếp nối lịch sử có ý thức. Ba giải pháp được đồ án đưa ra gồm: Chuyển đổi và tăng cường chức năng văn hóa - lịch sử cho khu vực, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Giải tỏa áp lực giao thông xung quanh bờ hồ và phụ cận, thiết lập mạng đường đi bộ, tổ chức giao thông lễ hội, phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm; Tạo bước đột phá mang lại hình ảnh mới cho Hồ Gươm (vừa cổ xưa - huyền thoại, vừa xanh hơn, thân thiện hơn, mới mẻ hơn), kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn đủ tầm phục vụ những sinh hoạt văn hóa lớn, đa dạng.

Một giải pháp quan trọng trong đồ án này, theo KTS Hoàng Thúc Hào đó là mạnh dạn đề xuất phương án chuyển đổi chức năng một số khu đất và trụ sở ven hồ.

Cụ thể như đề nghị cải tạo Ngân hàng ANZ cùng tượng vua Lê hợp thành Bảo tàng Hồ Gươm. Di dời Cty Điện lực Hà Nội, phát triển nơi đây thành trung tâm văn hóa cộng đồng. Cải tạo khu vực tượng đài vua Lê và nhà Khai Trí Tiến Đức trở thành không gian mở, trong đó hạt nhân là Bảo tàng Hồ Gươm gắn với trục Nhà thờ Lớn. Tại một số khu vực, cây xanh ven hồ dùng những loại cây cao, tán lớn, trồng cỏ bên dưới, không trồng cây thấp che tầm nhìn ra hồ.

Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo? ảnh 4

Phố Đinh Tiên Hoàng: Kiến trúc lai căng, lộn xộn và thường xuyên tắc nghẽn. 
Ảnh: Tuấn Minh

Để tham gia cuộc thi, nhóm KTS Nhật Bản đến từ Cty Nikken Sekkei Civil Engineering đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu, sưu tầm tư liệu. Đồ án được đánh giá cao và đoạt giải Nhì. Nét mới nổi bật trong đồ án này đó là đưa ra phương án sử dụng hiệu quả không gian ngầm. Ga tàu điện ngầm và công trình tái phát triển sẽ được kết nối bởi lối đi ngầm; giảm chiều cao của các toà nhà.

Chi phí cho cuộc thi ước tính trên 3 tỷ đồng bao gồm: tiền hỗ trợ cho 10 đồ án vào vòng trong (gần 180 triệu đồng/1 đồ án), tiền thưởng cho 2 giải Nhì và 1 giải Ba (khoảng 1,4 tỷ đồng), tiền chi phí tổ chức cuộc thi... 

Tuyến đường quanh hồ ưu tiên cho người đi bộ, cải tạo Tràng Tiền trở thành tuyến phố biểu tượng số một của Hà Nội. Việc xây dựng các cửa hàng tại không gian ngầm dưới các con phố giúp bù đắp chi phí xây dựng.

Đồ án của Nhóm KTS Nhật Bản tập trung thể hiện khu quy hoạch ở vùng giao thoa giữa hai khu: khu phố cổ và khu phố xây theo phong cách Pháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. “Chúng tôi tham dự cuộc thi không phải vì mục đích kinh tế mà cao hơn là ý nghĩa rất thú vị về văn hóa, lịch sử của đề tài” - đại diện Cty Nikken Sekkei nói.

Theo KTS Ngô Doãn Đức - Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội KTSVN)- đại diện Ban Tổ chức, công việc tổ chức cuộc thi đã hoàn tất, vấn đề còn lại là tiếp thu các ý tưởng để đưa vào ứng dụng thực tế thuộc về trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.

“Tuy nhiên, có nhiều giải pháp mà chúng tôi đưa ra giàu tính khả thi, ít tốn kém nhưng không có ai nói với chúng tôi lộ trình lựa chọn, ứng dụng các phương án ấy. Có lẽ không bao giờ những phương án ấy được ứng dụng” - đại diện tác giả một đồ án đoạt giải nói.   

MỚI - NÓNG