Ước chi Việt Nam có bộ máy quan liêu

Ước chi Việt Nam có bộ máy quan liêu
TP - Khẳng định “cốt lõi của cải cách hành chính là xây dựng bộ máy quan liêu”, tiêu đề trên có thể làm cho một số người bực tức. Hơn sáu mươi năm qua chúng ta quen nghe chống quan liêu từ các vị lãnh đạo và đã có bao phong trào như vậy được tổ chức.

Cái quan liêu theo nghĩa xấu vẫn tràn lan và ngày càng phát triển, còn cái tốt của bộ máy quan liêu thì chưa thấy đâu.

Khái niệm bộ máy quan liêu có xuất xứ từ thời xa xưa ở Trung Quốc và cũng chẳng xa lạ ở Việt Nam, một khái niệm thuần phong kiến. Cốt lõi của quan niệm cổ xưa này là chế độ tuyển dụng quan chức trên cơ sở thi và quan chức được cất nhắc trên cơ sở thành tích.

Khái niệm bộ máy quan liêu hiện đại xuất hiện trước cách mạng tư sản Pháp 1789, là một khái niệm thuần tư sản.

Nó thực sự phổ biến từ đầu thế kỷ 20 với các công trình nổi tiếng của Max Weber mà tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1904), đã được Nhà Xuất bản Tri thức in bằng tiếng Việt năm 2007.

Do hiểu hời hợt về khái niệm quan liêu, suốt 60 - 70 năm qua, chúng ta được giáo dục một cách công khai hay ngấm ngầm rằng quan liêu là xấu, vì hễ cái gì gắn với phong kiến, tư sản đều không tốt, phải bị phê phán. Chúng ta quên mất rằng các tư tưởng được phát triển thời phong kiến hay tư sản cũng đều là tài sản chung của nhân loại.

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, suy nghĩ đã khác đi, nhưng tàn dư một thời còn rất sâu và đầy rẫy. Ngay từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) năm 2009 vẫn giải nghĩa “quan liêu” là cách lãnh đạo, chỉ đạo “thiên về dùng mệnh lệnh, giấy tờ, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”, y hệt cách hiểu chính thống suốt hơn nửa thế kỷ qua. 

Theo Weber, một tổ chức quan liêu được cai quản bằng bảy nguyên tắc:

1. Việc quan được tiến hành trên cơ sở liên tục.

2. Việc quan được tiến hành phù hợp một cách nghiêm ngặt với ba quy tắc sau đây:

a) nghĩa vụ của mỗi quan chức để làm công việc thuộc các loại nhất định bị giới hạn dưới dạng các tiêu chuẩn phi nhân cách (khách quan, không phụ thuộc vào cá nhân nào);

b) quan chức được trao quyền hạn cần thiết để thực hiện các chức năng được phân cho mình;

c) các phương tiện ép buộc mà quan chức được dùng bị giới hạn một cách nghiêm ngặt và các điều kiện sử dụng chúng được xác định một cách nghiêm ngặt.

3. Quyền và các nghĩa vụ của mỗi quan chức là phần của một hệ thống thứ bậc dọc, với các quyền giám sát và kháng nghị.

4. Các quan chức không sở hữu các nguồn lực cần thiết để thực hiện các chức năng được giao nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc sử dụng các nguồn lực này.

5. Việc quan và việc tư và thu nhập được tách bạch một cách nghiêm ngặt.

6. Các chức vụ không thể bị những người đương nhiệm chiếm đoạt (thừa kế, bán, v.v.)

7. Việc quan được tiến hành trên cơ sở văn bản thành văn.

Bệnh giấy tờ không chỉ toàn dở

Một quan chức là một người tự do về mặt cá nhân và được bổ nhiệm vào chức vị trên cơ sở hạnh kiểm; thực hiện quyền hạn được trao phù hợp nghiêm ngặt với các quy tắc phi nhân cách; sự bổ nhiệm và xếp việc làm phụ thuộc vào năng lực chuyên môn; được trả lương và có triển vọng thăng tiến.

Tổ chức quan liêu là một cách tổ chức, có thể thấy trong các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp. Từ quan ở đây được hiểu theo nghĩa (của, thuộc về) quan chức, viên chức.

Nếu bộ máy nhà nước thực sự là bộ máy quan liêu theo nghĩa của Weber thì nó hoạt động rất hiệu quả. Và bộ máy quan liêu đó sẽ không thể là bộ máy hành chính hành dân. Tất cả các điểm trên đều dễ hiểu, nhưng hãy xem xét vài điểm trong số đó.

Thứ nhất, quan chức có quyền nhất định và quyền đó được quy định rất rõ ràng để không thể được hiểu lầm; quan chức chỉ được làm các chức năng đã được định rõ. Có sự phân công lao động chi tiết và tỷ mỷ.

Điều đó mang lại hiệu quả hoạt động. Và quan trọng là nhân dân biết rõ họ được làm gì và không được làm gì, quyền của họ đến đâu, nên nhân dân có thể giám sát, thậm chí tố cáo nếu họ làm sai hay lạm dụng.

Thứ hai, bệnh giấy tờ là từ nguyên tắc 7 kể trên. Do sợ trách nhiệm, do thấm nhuần việc chống quan liêu, chống bệnh giấy tờ nên các quan chức của ta nhiều khi rất ngại chỉ đạo bằng văn bản mà thường là bằng lời, bằng điện thoại.

Đối với dân (kể cả các tổ chức) cũng vậy, rất nhiều quan chức nhà nước ít khi đưa ra yêu cầu, chỉ dẫn bằng giấy tờ; họ nói còn thiếu hay cần bổ sung cái này, rồi mai lại nói thiếu cái nọ và “hành dân là chính” để dân phải luỵ và thò cái phong bì ra thì mới được giải quyết.

Đúng là bệnh giấy tờ có vẻ nhiêu khê, nhưng nó ghi lại, để lại bằng chứng về hành vi của quan chức, nó buộc quan chức phải có trách nhiệm giải trình, nó ngăn họ làm bậy, ngăn họ lạm dụng. Căn bệnh giấy tờ cũng lắm cái hay đáo để chứ chẳng cần phải chống.

Nếu hiểu như thế thì bộ máy quan liêu đâu có xấu, và nếu nhà nước ta là bộ máy quan liêu như vậy thì thật phúc cho dân và đất nước.

Đã đến lúc phải trả lại cho các khái niệm đúng cái nghĩa của chúng mà cả thế giới đều dùng, đừng sáng tạo để vẽ ra các khái niệm riêng chẳng giống ai. Với khái niệm bộ máy quan liêu cũng vậy.

Đúng là bệnh giấy tờ có vẻ nhiêu khê, nhưng nó ghi lại, để lại bằng chứng về hành vi của quan chức, nó buộc quan chức phải có trách nhiệm giải trình, nó ngăn họ làm bậy, ngăn họ lạm dụng. Căn bệnh giấy tờ cũng lắm cái hay đáo để chứ chẳng cần phải chống.
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).