Doanh nghiệp Nhà nước: Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp? - Bài 2:

Lỗ dài, lương vẫn hàng tỷ đồng/năm

Lỗ dài, lương vẫn hàng tỷ đồng/năm
TP - Qua 17 năm, kể từ ngày thành lập (từ năm 1991), Jestar Pacific Airlines (JP) chưa năm nào có lãi. Năm 2008, con số lỗ ở mức kỷ lục là 546 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong năm này, các lãnh đạo người Việt trong Cty nhận lương mỗi người hàng tỷ đồng.

>> Lương hay lậu ?

Còn một phó tổng giám đốc người nước ngoài nhận mức lương khủng tới trên 5 tỷ đồng.

Lỗ dài, lương vẫn hàng tỷ đồng/năm ảnh 1
17 năm qua, JP thua lỗ nhưng lãnh đạo Cty hưởng lương kỷ lục. Ảnh: Bảo Khánh

Lỗ triền miên

Cty JP có vốn góp của bốn cổ đông. Cơ cấu vốn góp đến 31-12-2008 là: Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp 490 tỷ đồng (chiếm 76%), Qantas Asia Investment Company (Hàng không Úc) góp 116 tỷ đồng (chiếm 18%), Tổng Cty Du lịch Sài Gòn góp 40 tỷ (chiếm 6%), ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc (nay đã nghỉ) mua lại cổ phiếu của một cổ đông 200 triệu đồng (chiếm 0,04%).

Điều đáng buồn là 17 năm qua, từ khi thành lập đến nay (từ 1991 đến 2008), chưa năm nào doanh nghiệp này có lãi. Năm 2008 con số lỗ ở mức kỷ lục là 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31-12-2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến 31-12-2008 đã âm 121 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ chính của Jestar Pacific Airlines trong năm 2008 là tham gia nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu (hedging). Theo báo cáo của SCIC, năm 2008 HĐQT JP chưa có kinh nghiệm và cũng chưa biết rõ về nghiệp vụ hedging này.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Ban điều hành, đầu năm 2008, HĐQT công ty này đã họp thống nhất chủ trương thực hiện nghiệp vụ này và giao nhiệm vụ cho “phó tổng phụ trách tài chính và phó tổng phụ trách kinh doanh đồng chấp thuận việc hedging đối với ít nhất 15% tổng nhu cầu nhiên liệu kế hoạch sử dụng cho năm 2008”.

Có chủ trương của HĐQT, nhưng trong quá trình thực hiện hai phó tổng giám đốc này đã không tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc thực hiện và báo cáo với HĐQT, Ban điều hành như quy định trong việc đặt giá phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu. Họ đã thực hiện theo hợp đồng với số lượng lớn và thời gian dài từ tháng 7-2008 đến tận tháng 5-2009.

Trong thời điểm giá xăng dầu có nhiều biến động xấu, phức tạp, đến tháng 5-2009 giá xăng dầu đã giảm sâu, nên chỉ vì tham gia nghiệp vụ này mà JP đã thua lỗ khoảng 31,2 triệu USD (trong đó năm 2008 lỗ 8,9 triệu USD, từ tháng 1 đến tháng 5-2009 dự kiến lỗ 22,5 triệu USD).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Ban điều hành Jestar Pacific Airlines đã không tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo, hướng dẫn của HĐQT và chính HĐQT cũng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai nghiệp vụ này dẫn đến tổn thất lớn về tài chính cho công ty.

Lương cao nhất: trên 5 tỷ đồng/năm

Thua lỗ lớn và triền miên như vậy, nhưng nhìn vào bảng lương của Ban lãnh đạo JP, những người làm công ăn lương giật mình. Nếu như năm 2007, lương của Chủ tịch HĐQT Cty chỉ 360 triệu đồng thì năm 2008 tăng vọt lên 986 triệu đồng.

Năm 2007, Tổng Giám đốc Cty nhận mức lương khá khiêm tốn là 444 triệu, thì một năm sau mức lương của ông này đã đại nhảy vọt lên hơn 2,2 tỷ đồng. Lương của hai phó tổng giám đốc người Việt cũng đều gần tỷ đồng/năm. Còn hai phó tổng giám đốc người nước ngoài thì lương và thu nhập ở mức không tưởng, 3- 5 tỷ đồng/năm.

Bảng lương năm 2008 của lãnh đạo JP người nước ngoài

Phó Tổng giám đốc Daniela: 5,1 tỷ đồng (lương và thu nhập khác)

Phó Tổng giám đốc Tristan Freeman: 3,3 tỷ đồng (lương và thu nhập khác của 10 tháng năm 2008)

Không thể lý giải nổi một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên nhưng lương của lãnh đạo Cty lại tăng chóng mặt. Một lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước bình phẩm:

“Đây là điều không thể chấp nhận được. Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ hai năm liền là giám đốc điều hành đã bị mất chức, trong khi ở đây doanh nghiệp lỗ nhưng lãnh đạo vẫn nhận lương cao ngất trời”.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu SCIC kiểm tra làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể của Ban lãnh đạo tại Jestar Pacific Airlines trong việc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008, gây thiệt hại hơn 31 triệu USD (tương đương 525 tỷ đồng). SCIC phải xem xét lại việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên HĐQT, Ban điều hành tại Jestar Pacific Airlines từ năm 2007 đến nay.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Theo quy định, với công ty cổ phần quỹ tiền lương do đại hội cổ đông quyết định, còn việc trả lương cho lãnh đạo doanh nghiệp do HĐQT quyết định. Mà trong HĐQT thì đại diện sở hữu vốn nhà nước cũng chỉ có một phiếu, nên dù Nhà nước chiếm cổ phần chi phối thì Nhà nước cũng khó mà can thiệp hay chi phối được vấn đề trả lương”.

Như vậy, ở đây rất có thể lãnh đạo SCIC cũng như lãnh đạo HĐQT JP đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tự thưởng cho mình mức lương cao ngất, dù doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Hiện SCIC đang có cổ phần ở hơn 800 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp mà vốn Nhà nước chiếm đa số. Nếu doanh nghiệp nào cũng trả lương kiểu như JP thì không mấy chốc, Nhà nước sẽ trắng tay. 

MỚI - NÓNG