Tiếc nuối Sông Hậu

Tiếc nuối Sông Hậu
TP - PV Tiền Phong trở lại Nông trường Sông Hậu, nay gọi là Cty Nông nghiệp Sông Hậu. Từ Quốc lộ 91 đi vào, con đường nhựa phẳng phiu, rợp mát bóng bạch đàn,  nhộn nhịp người xe. Cạnh đường, dòng kinh êm đềm ghe thuyền. Bờ kinh bên kia, xoài ra bông trĩu cành. Phong cảnh thanh bình suốt con đường cả chục cây số.

>> Bà Trần Ngọc Sương 'xin hoãn thi hành án'
>> Khởi tố vụ án tham ô tại Nông trường Sông Hậu
>>Can thiệp án, nếu oan sai thì ai chịu trách nhiệm

Tiếc nuối Sông Hậu ảnh 1
Bờ xoài hoa trĩu cành ở Nông trường - Ảnh: Sáu Nghệ

Thất thoát

Anh Đặng Thanh Liêm sinh năm 1965 ở xã Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp), vào Nông trường từ năm 1981, bây giờ có vợ con,nhà cửa khang trang ở khu sản xuất 3. Hồi nào, nhà không có đất sản xuất nên rất nghèo, học xong lớp 12, Liêm bơi xuồng theo cha đi làm mướn.

Anh Liêm kể, trước kia ở Nông trường chỉ trồng lúa và nuôi cá. Sau này, bà Trần Ngọc Sương đưa xoài cát Hòa Lộc về cho trồng. “Bây giờ nếu chỉ trồng lúa thì tiền lời may chăng đủ đi đám tiệc”, anh Liêm nói.

Với 2,5 ha đất nhận khoán, anh Liêm dành 1,5 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, còn lại lên hai liếp trồng 180 cây xoài cát Hòa Lộc, và một liếp trồng mận An Phước.

Anh còn nhận làm dịch vụ 800 cây xoài cho những hộ nông trường viên không giỏi trồng xoài. Đó là chăm sóc xoài và thu hoạch, hàng năm trả số tiền nhất định, tiền bán trái có lời thì anh hưởng.

Tổng cộng, một năm, anh thu lời chừng 150 triệu đồng, trong đó tiền lời từ xoài hơn 100 triệu đồng.

“Tiền lời từ xoài giảm mất nhiều so với dự tính đấy”, anh Liêm tiếc nuối. Khi trồng xoài, Nông trường hỗ trợ xây dựng thương hiệu và, tháng 8 - 2008, sản phẩm của anh cùng bốn người khác được công nhận đạt chuẩn Global GAP, bạn hàng từ Pháp, Canada đến ký hợp đồng ghi nhớ sẽ mua giá 3 USD/kg. Tuy nhiên, xoài phải bao gói, đóng vào thùng.

Nông trường có kế hoạch xây dựng xưởng đóng gói nhưng bị đình trệ từ năm ngoái, khi xảy ra vụ án. Bây giờ, các anh phải chở xoài đi tiêu thụ nội địa, giá 30.000 đồng/kg, có lúc chỉ 10.000 đồng/kg.

“Năm anh em làm GAP chúng tôi, sản lượng xoài mỗi năm 400 – 500 tấn. Sản lượng xoài của nhiều người cao hơn tôi mấy lần nên thiệt hại hơn”, anh Liêm đượm buồn.

Tiếc nuối Sông Hậu ảnh 2
Từ quốc lộ 91, rẽ vào Nông trường 

Nông trường cũng thiệt hại. Khi trồng xoài, Nông trường hỗ trợ mọi mặt, từ giống, vốn, kỹ thuật để xây dựng thương hiệu và có cam kết, khi thu hoạch, một cây một năm cho khoảng 100 kg trái, nông trường viên nộp cho Nông trường 5 kg.

Cây xoài thu hoạch trái 30 năm, Nông trường chỉ lấy 20 năm. Nông trường viên rất hào hứng vì lợi nhuận cao, Nông trường cũng có lợi lớn. Cả Nông trường đã trồng 150.000 cây xoài, với giá 30.000 đồng/kg, số tiền lời của hai bên không hề nhỏ.

Anh Liêm cho biết, lãnh đạo mới của Nông trường không thu, các anh không phải trả theo cam kết nhưng vẫn day dứt.

Bạch đàn Nông trường hỗ trợ nông trường viên trồng ở đầu các khu đất, cũng đang thất thoát lớn. Anh Liêm kể, anh trồng 300 cây, mới đây chặt bán, theo cam kết ban đầu nên anh tự giác mời cán bộ của Nông trường đến để trả hơn 5 triệu đồng.

Hàng nghìn hộ trồng bạch đàn như anh, nhiều người chặt bán không trả tiền cho Nông trường, cán bộ Nông trường cũng không đòi.

Thất thu từ hai khoản thật lớn. Trong làm kinh tế, phí tổn lớn nhất, thiệt hại lớn nhất là số tiền có khả năng làm ra nhưng không được làm ra, chứ không phải ở chi tiêu số tiền đã làm ra.

Dang dở

Anh Nguyễn Duyên Hải, Kế toán trưởng Cty Cổ phần Thủy sản Sông Hậu, xuýt xoa, đến bây giờ chưa được tiếp nhận nhà máy sữa thanh trùng. Cty đang quản lý 123 ha đất ở Nông trường để nuôi 40 ha mặt nước cá tra, gần 1.000 heo, 500 bò (200 bò sữa).

Từ năm 2003 - 2004, một tổ chức quốc tế tài trợ xây dựng nhà máy chế biến sữa thanh trùng để cung cấp cho các trường học. Lúc đó, mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ 1/4 lượng sữa tươi của Cty.

Năm 2006, mở ra việc thanh tra Nông trường, nhà máy hoạt động èo uột và đến giữa năm 2007 thì ngừng. Nay nhà máy bỏ phế. Kế toán Hải xuýt xoa, nếu Cty được giao nhà máy như kế hoạch ban đầu, đỡ công mang sữa đi bán, có thêm lợi nhuận và học sinh các trường học cũng có sữa thanh trùng giá rẻ.

Tiếc nuối Sông Hậu ảnh 3
Bà Trần Thị Bích Thủy trước căn nhà mới xây 275 triệu đồng

Còn bà Trần Thị Bích Thủy, ở số nhà 149, tổ 4, khu sản xuất 3, lại tiếc nuối sự dang dở chưa mời được lãnh đạo Nông trường đến ăn mừng nhà mới. Vợ chồng bà cất được căn nhà 275 triệu đồng vào năm ngoái.

Bà Thủy kể, vợ chồng bà lấy nhau năm 1963, ở Đồng Tháp, có 12 người con (10 trai, 2 gái), không có đất nên rất nghèo. Hai vợ chồng phiêu bạt làm mướn rồi lọt vô Nông trường năm 1979. Thấy người ở Nông trường có đất sản xuất và được Nông trường lo cho mọi thứ, chỉ bỏ công làm là có lời thì thèm lắm.

Khi con cái lớn hết, vợ chồng bà Thủy có của ăn của để, thì ông Năm Hoằng qua đời. Vợ chồng bà lại làm việc dưới sự lãnh đạo của con gái ông Năm Hoằng, bà Trần Ngọc Sương và cuộc sống còn khá hơn vì, ngoài trồng lúa, nuôi cá, còn trồng thêm xoài và bạch đàn, thứ gì cũng cho thu nhập cao.

Một hôm, đang làm trên đồng, họ thấy một ông mặc quần cụt, lội xà bâng xà bâng, rồi dừng lại hỏi: “Tụi bây muốn nhận ruộng làm không?”. Chồng bà trả lời, muốn chớ. Còn bà nghĩ ông này xỉn rượu hay sao lại hỏi chuyện đương nhiên, liền bảo, ông có quyền gì mà nói chuyện ruộng đất.

Mấy ngày sau, vợ chồng bà được gọi đi ký hợp đồng nhận khoán, mới biết ông mặc quần cụt lội ruộng là Giám đốc Nông trường Năm Hoằng (Trần Ngọc Hoằng).

Đó là vị giám đốc nổi tiếng trong việc tổ chức khai khẩn đất hoang, chịu khổ cực như dân nghèo và luôn thương dân nghèo. Vợ chồng bà Thủy đang khao khát gặp, không ngờ đã gặp như thế.

Có đất, cất chòi lá, đưa hết con cái vào Nông trường ở. Đến lúc gả đứa con gái lớn lấy chồng, chỉ dám mời bà con ở gần. Không rõ bằng cách nào, ông Năm Hoằng biết được, cho người chở đến biếu 500 kg gạo và bảo đãi lớn một chút để mừng cuộc sống riêng lẫn chung ở Nông trường.

Hiện nay, 10 người con của ông bà đã có gia đình riêng, ai cũng được nhận khoán đất làm ăn nên khấm khá. Con cái đều được học hành, một con trai được Nông trường lo tiền học từ phổ thông đến thành kỹ sư thủy sản. “Hiện nó làm cá giống giỏi của Nông trường”, bà khoe.

Khi con cái lớn hết, vợ chồng bà có của ăn của để, thì ông Năm Hoằng qua đời. Vợ chồng bà lại làm việc dưới sự lãnh đạo của con gái ông Năm Hoằng, bà Trần Ngọc Sương và cuộc sống còn khá hơn vì, ngoài trồng lúa, nuôi cá, còn trồng thêm xoài và bạch đàn, thứ gì cũng cho thu nhập cao.

Năm 2008, vợ chồng bà cất được căn nhà khang trang, ấp ủ niềm mong ước mời những ân nhân đã giúp gia đình bà vượt qua nghèo khổ, đến chung vui.

Bà sụt sịt khóc: “Xảy ra vụ án ở Nông trường nên chưa thực hiện được mong ước và không biết bao giờ mới thực hiện được”.

 Cần Thơ ngày 15-12-2009

MỚI - NÓNG