Vụ máy bay bị giữ ở Bangkok: Càng điều tra càng rối

Vụ máy bay bị giữ ở Bangkok: Càng điều tra càng rối
TP - Xung quanh vụ máy bay vận tải IL-76 chở 35 tấn vũ khí bị bắt giữ tại Bangkok, cảnh sát Thái Lan thừa nhận càng điều tra càng thấy nhiều bí ẩn về phi vụ nhạy cảm này.

>> Phi hành đoàn máy bay chở vũ khí có thể bị tử hình

Vụ máy bay bị giữ ở Bangkok: Càng điều tra càng rối ảnh 1
Một máy bay vận tải IL-76 - Ảnh: Từ Internet

Không đi Iran

Ngày 23 - 12, một sĩ quan cao cấp của cảnh sát Thái Lan cho biết chiếc IL-76 cùng phi hành đoàn năm người bị bắt giữ tại sân bay Bangkok hôm 12-12 vừa qua không có kế hoạch hạ cánh xuống Iran như đồn thổi.

Ông này nói, kết quả điều tra cho thấy sau khi tiếp dầu tại Bangkok, chiếc IL-76 chở đầy vũ khí sẽ hạ cánh xuống một sân bay ở Colombo, Sri Lanka. Điều này càng làm tăng sự bí ẩn xung quanh chiếc IL - 76.

Cùng ngày, luật sư Thái Lan Somsak Saithong bào chữa cho thành viên phi hành đoàn chiếc IL-76 nói rằng năm người đều khẳng định không hay biết gì về thương gia Victor Bout.

Victor Bout khét tiếng là một trùm buôn lậu vũ khí sống ở Thái Lan, bị bắt cách đây vài tháng, hiện đang bị giam trong nhà tù Thái Lan. Giới tư pháp ở Washington đang đòi dẫn độ Victor Bout sang Hoa Kỳ để phục vụ điều tra về một số vụ buôn bán vũ khí liên quan đến khủng bố.

Luật sư Somsak Saithong cho biết các thân chủ của ông đều nói rằng sau khi hạ cánh xuống sân bay Don Muang để tiếp nhiên liệu, không trình tiếp theo của chiếc IL-76 là hạ cánh xuống Colombo, Sri Lanka.

Trưởng phòng điều tra hình sự, đại tá Supisarn Bhaddinarinath xác nhận cho đến nay không có thông tin nào chứng tỏ chiếc IL-76 sau khi tiếp dầu tại Bangkok sẽ bay tiếp tới Iran.

Đại tá  Supisarn Bhaddinarinath thừa nhận không có bằng chứng nào cho thấy phi vụ chuyên chở vũ khí lậu này có liên quan trùm buôn súng Victor Bout.

Thuê máy bay là một công ty Hong Kong

Các nhà nghiên cứu về buôn lậu vũ khí quốc tế cho rằng chiếc máy bay do Cty Union Top Management Ltd, có trụ sở tại Hong Kong thuê, nói là để chuyên chở phụ tùng, thiết bị khoan dầu khí từ Bình Nhưỡng đi Iran.

Tuy nhiên, theo kế hoạch bay của chiếc IL-76 mà nhóm nghiên cứu xác định được, máy bay ăn hàng rồi cất cánh từ  Bình Nhưỡng, quá cảnh Bangkok (Thái Lan), Colombo (Sri Lanka), Azerbaijan, rồi trở lại Ukraine.

Trong bảng liệt kê hàng hóa trên chuyến bay của chiếc IL-76 nói rằng nơi giao hàng gồm phụ tùng, thiết bị khoan dầu khí là Colombo, Sri Lanka.

Nếu kế hoạch bay của chiếc máy bay này đúng như giải thích của các nhà quan sát buôn lậu vũ khí toàn cầu thì vấn đề càng trở nên khó hiểu. Từ Bình Nhưỡng, chiếc IL-76 bay qua hành lang bay Trung Quốc tới các quốc gia vùng Trung Á sẽ an toàn hơn vì dễ tránh bị theo dõi.

Đại tá Supisarn Bhaddinarinath cho biết, chính phủ Thái Lan sẽ chuyển cho Liên Hợp Quốc toàn bộ kết quả điều tra về vụ vận chuyển lậu vũ khí trên chiếc IL-76.

Bất đồng ngôn ngữ

Cả năm thành viên phi hành đoàn của chiếc IL-76 đều phàn nàn với luật sư bào chữa rằng cảnh sát điều tra Thái Lan luôn bắt họ phải ký vào những văn bản viết bằng tiếng Thái mà người ký chẳng hiểu nội dung nói gì.

Toàn bộ phi hành đoàn đều nhất mực đòi các nhà chức trách Thái Lan cung cấp thông dịch viên hoặc ít ra là một người nào đó có khả năng giải thích được cho phi hành đoàn điều gì đang diễn ra.

Trong khi đó, ông Kakabadze - đại diện hãng máy bay Air West từ thành phố cảng Batumi, Gruzia - phủ nhận mọi trách nhiệm đối với phi vụ chở vũ khí của chiếc IL-76, nói rằng sau khi đã cho thuê chiếc máy bay này, hãng Air West không có trách nhiệm với mọi việc xảy ra sau đó.

Nguyễn Đại Phượng
Theo AP

MỚI - NÓNG