Vua Lê Dụ Tông: Cận ngày về lại đất Thanh Hoa

Vua Lê Dụ Tông: Cận ngày về lại đất Thanh Hoa
TP - Việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông (1679-1731) đáng ra đã thực hiện vào năm 1996 nhưng đã không thành do nhiều nguyên nhân. Mười năm sau, việc lại được khởi động... Có lẽ phải hội đủ thiên thời địa lợi nhân hòa thì việc mới thuận?

Đến thời điểm này, ơn giời ơn cơ chế, đã sắp hoàn tất những công việc cuối cùng để rước Ngài về lại đất Thanh Hoa!

Vua Lê Dụ Tông: Cận ngày về lại đất Thanh Hoa ảnh 1
Quang cảnh khai lộ chiếc quách ngày 19-12-2009

...Rồi cuối cùng, thời điểm chớm thu năm Sửu, theo quy trình, những thứ giấy tờ thủ tục của những cấp những ngành đã đến được nơi cần đến để đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông.

Phiên giải lao ngày khai mạc kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa XII ngày 20-10-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra ngoài tản bộ. Như thường lệ, ngay lập tức vòng trong vòng ngoài cánh báo chí quây quanh người đứng đầu Chính phủ...

Một lúc sau, đợi cho cánh đồng nghiệp vãn những câu hỏi với Thủ tướng, tôi mạnh dạn trình bày với ông việc Thanh Hóa đang chờ đợi quyết định hoàn táng vua Lê Dụ Tông. Hết sức vắn tắt nhưng cũng phải mất chừng mươi phút... Thủ tướng kiên nhẫn lắng nghe.

Thật bất ngờ, Thủ tướng mỉm cười nói, ông đã biết rõ việc này. Qua nghiên cứu tham khảo những điều cần thiết, đêm hôm trước ông đã ký quyết định đồng ý với tường trình của các cơ quan có trách nhiệm  về việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông! Thủ tướng cũng nhắc nhở thêm, đại ý, Thanh Hóa nên chọn địa điểm thích hợp và phải làm tốt những bước chuẩn bị cho việc hoàn táng!

Dường như anh linh của các bậc tiền nhân cũng có chút chi run rủi. Thời điểm cái năm tưởng như  sắp hoàn tất đến nơi việc hoàn táng (1996), tôi đã ngồi hầu chuyện các anh Lê Văn Tu, Mai Xuân Minh khi đó là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa.

Dự kiến việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông sẽ diễn ra trong ngày 30-11 năm Kỷ Sửu (tức 14-1-2010) tại xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chỗ quen biết thân gần, trực tiếp nghe các anh bày tỏ cái nỗi nhẹ cả người khi việc hoàn táng đang rất thuận! Hóa ra hằng bao năm nay, hai vị lãnh đạo đây, len lỏi trong bộn bề những lo lắng cho đời sống trần thế của 4 triệu dân xứ Thanh đã từng canh cánh điều tâm linh rằng làm sao kết thúc mau đi cái việc nghiên cứu khoa học để đưa vị vua Lê về lại đất Thanh.

Chẳng phải các ông bị ám ảnh này khác mà là việc các ông đang thể theo nguyện vọng của các vị lãnh đạo tiền nhiệm trước, thể theo nỗi canh cánh của không ít con dân xứ Thanh và của dòng tộc họ Lê Việt Nam đơn giản là làm được việc ấy cho nó... lành! Để xứ Thanh thêm ổn định để đi lên!

Nhưng đùng cái, việc ấy đã lại không thuận! Sau 13 năm,  thời điểm này chắc cả hai ông ắt cũng ngậm cười nơi chín suối trước QĐ số 7618/ VPCP-KGVX  của Thủ tướng Chính phủ.

Có lẽ cũng phải nhắc lại cái câu trong Bình Ngô đại cáo bị lãng quên trong sách giáo khoa gần 50 năm nay (bây giờ đã được lấy lại) âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy!

Từ Hà Nội, cánh báo chí cũng được biết, thực hiện QĐ của Thủ tướng, ngày Trùng Cửu (9/9 âm lịch) dòng họ Lê và chính quyền sẽ xây lăng mộ và tiết Song thập (ngày 10-10 âm lịch) sẽ đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Thanh Hóa.

Nhưng đợi mãi, qua hai tiết đẹp ấy vẫn chưa thấy sự nào diễn ra!

Trở lại xứ Lam Kinh nơi phát tích cũng như yên nghỉ của mấy chục vị vua Lê, chúng tôi đáo qua xã Xuân Giang, thôn Bái Trạch nơi sự kiện thi hài vua Lê Dụ Tông được phát lộ một cách bất đắc dĩ năm 1958 như mọi người đã biết!

Có ở đất Lam Kinh vào thời điểm gần đây thì mới gẫm hết được sự lo xa của Thủ tướng khi ông lưu ý, nhắc nhở rằng, địa phương Thanh Hóa phải  chọn địa điểm thích hợp và làm tốt những bước chuẩn bị cho việc hoàn táng!

Hình như mọi việc chưa được xuôi chèo mát mái? Ấy là một số người dân xã Xuân Quang thì muốn vua Lê Dụ Tông được an nghỉ ngay bên cạnh cháu nội mình là vua Lê Hiển Tông (Vua Lê Hiển Tông - thân sinh Ngọc Hân công chúa và là bố vợ của hoàng đế Quang Trung).

Còn dân xã Xuân Giang thì đơn giản hơn, cụ đã nằm tại đất làng tôi xã tôi hằng trăm năm nay rồi, cụ ra đi như thế nào thì nay lại về đúng nơi ấy! Thầy Lê Xuân Kỳ (nguyên giáo viên dạy văn sử Trường huyện Thọ Xuân sau là Phó Chủ tịch huyện phụ trách văn xã; từng làm báo Người Cao Tuổi 10 năm, nay là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Thọ Xuân và Thanh Hóa) cho tôi biết thêm đại loại:

Xã Xuân Quang và Xuân Giang trước đây là một mới tách ra từ hồi chế độ mới. Xuân Quang bề thế hơn có phần mộ vua Lê Hiển Tông (nhiều năm trước, tôi đã theo thầy Kỳ về viếng mộ ông vua ở ngôi cao nhất và thọ lâu nhất nhà Hậu Lê này). Thực ra phần mộ chỉ có một nấm đất sè sè lại lẫn trong khuôn viên trường học.

Gần đây Xuân Quang đã làm được một việc lớn là di dời ngôi trường cũ để dành đất cho nghĩa trang. Con sông nông giang được khơi từ thời Pháp thuộc là ranh giới giữa hai xã. Người ta kháo nhau rằng, do con sông nên long mạch làng bị đứt (!?) vậy nên để vua đâu cho hợp lý để vượng được khí?!  V.v và v.v...

Cũng có lắm chuyện vui. Một bữa ủy ban huyện có một đoàn khách tinh những vị mũ cao áo dài ăn vận sang trọng từ mãi huyện khác tới. Trà nước hồi lâu, vị chức sắc huyện sở tại mới nghe thủng đề nghị của đoàn khách rằng nên hoàn táng vua ở xã Xuân Quang! Mới đến đó thì một vị khách ngó cao niên nhất com lê cà vạt bỗng dưng lăn đùng ra mắt trợn ngược.

Chủ nhà hoảng hốt hối người đi kiếm dầu để chữa trúng gió trong khi các thành viên khách vẫn điềm nhiên. Lát sau, vị khách đó cất tiếng ta là Lê Dụ Tông đây... Tất thảy các vị khách đứng dậy nhốn nháo vái lấy vái để ngài thăng! Ngài thăng... Nam mô a di đà... ta muốn về nằm cạnh cháu ta sao các ngươi cứ cấm cản...

Thầy Kỳ cũng đứng dậy nói rất dõng dạc lấy nước tiểu. Đem mau nước giải đây để chữa gió! Nghe vậy vị khách bỗng lồm cồm ngồi phắt dậy. Tội nghiệp! Ăn vận thế kia mà nước giải vấy lên thì khổ? Có lẽ thế nên ngài đâm hết thăng?

Thêm phân vân cái nỗi, địa điểm hoàn táng thì đại diện dòng tộc họ Lê cũng chưa dám quyết! Bề nào thì cũng chưa yên bề nào... Lại không biết từ đâu rộ lên cái tin mộ vua để đâu thì ở đó Nhà nước sẽ đầu tư lớn!?

Thấy tình hình có vẻ căng, tôi bấm máy cho ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch tỉnh. Nghe xong ông Ninh cười vẻ thông cảm... Ông cho biết, cứ phải nghe dân đã. Để dân nói hết nguyện vọng trên cơ sở đó chúng tôi sẽ có phương pháp.

...Chúng tôi dừng lâu hơn bên vuông đất còi cọc nhõn hai cây hồng xiêm của nhà bà Kính. Dưới nền đất phẳng lỳ này là huyệt mộ vua Lê Dụ Tông phát lộ năm 1958.

Như bà Kính cho hay, từng ấy năm, từ năm 1958, mảnh đất hơn chục thước vuông này trồng cấy thứ rau cỏ gì lên cũng còi cọc không lớn được. Trước đó cũng vậy! Câu chuyện của bà đưa tôi về những năm xa khi ông bố chồng bà còn sống.

Lúc bà về làm dâu nhà này một thời gian, vào một dịp Tết ta, ông bố chồng nói cho vợ chồng bà hay rằng khu đất nhà ta đang ở là đất thiêng. Xã (khi đó chuẩn bị hợp tác hóa) phân cho đành ở tạm sau này có điều kiện sẽ di dời! Hỏi thiêng thế nào thì cụ không nói... Bà chỉ biết loáng thoáng đâu như khu đất này trước đây là một cái lăng gì đó.

Bà cũng ngại, theo lời khuyên bố chồng, hồi ấy đang cấm ngặt việc thờ cúng hương khói nhưng rằm mồng một đi chợ về bà cũng có nén hương kín đáo thắp trong nhà ngoài vườn. Rồi cái việc có lẽ gia đình bà không muốn đã đến. Người ta làm lối đi chếch qua vườn nhà bà. Và chiếc quách đã phát lộ...

Bảy, tám năm trời khi lộ ra cái quách nhà bà có khách luôn. Người đến coi xét nhòm ngó hỏi han này khác. Cả nhà lại phải kiêm thêm việc trông nom, ngó chừng.

Mấy bận phải hô hoán làng nước vì có kẻ đương đêm táo tợn mò đến xới đào để tìm... đồ cổ. Năm 1964, khi chiếc quan tài sơn son thếp vàng đã được mang ra Hà Nội, chiếc quách làm bằng vôi vữa mật mía lại lặng lẽ vùi xuống vuông vườn kia.

Ông bố chồng rồi sau này đến ông Kính, các cụ đã về với tiên tổ một cách bình thường nói như bà Kính đều mất lành, chết lành cả. Nhà cửa cũng yên ổn nên bên vuông vườn mái tranh ọp ẹp trước đây giờ đã mọc lên ngôi nhà mái bằng khang trang.

Thầy Kỳ đang loay hoay bên tấm bia vỡ làm ba. Anh Hà con trai bà Kính cho biết một tấm bia khác bị vỡ toác làm nhiều mảnh tấm còn lại một nhà nọ đem bắc cầu ao hay kê chuồng lợn sau đó cũng bị vỡ.

Anh Hà vẻ mặt sợ hãi khi nhắc lại cái nhà sử dụng tấm bia đó đã gặp lắm chuyện chẳng lành. Bên tấm bia vỡ, soi chùi, chắp mãi cũng đọc được hàng chữ Lê Triều Dụ Tông Hoàng đế Lăng.

Minh Mệnh nhị (mất một chữ) nhất niên tứ nguyệt nhị thập ngũ nguyệt sắc kiến (chữ sắc kiến này mờ lắm, chúng tôi phải chụp lại đem về Viện Hán Nôm nhờ GS Nguyễn Tá Nhí coi xét.

Vua Lê Dụ Tông: Cận ngày về lại đất Thanh Hoa ảnh 2
Nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ trước tấm bia lập năm 1840

Ông đã đoán ra một chữ mất và hai chữ mờ). Tiếc cái nỗi là đã vỡ nát bay biến hai tấm bia kia chứ không mảnh đất nhà bà Kính này đang còn nói lên nhiều điều. Tạm hiểu hàng chữ trên tấm bia còn lại thế này Ngày 25 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nhà vua ban sắc cho xây dựng Lăng Hoàng đế Dụ Tông Triều Lê.

Có thể nói nhờ sự giúp sức của nhiều người, lần đầu chúng tôi mạn phép được phép công bố tấm văn bia này ngõ hầu có giúp ích cho các nhà chức việc chút gì chăng?

Lần ngược lại, có thể mai kia các nhà nghiên cứu sẽ góp phần minh định hình dung ra quy mô khu lăng mộ Hoàng đế Lê Dụ Tông cũng như xác định thời điểm nào mà nó trở nên bằng địa? Năm 1840, nào đã phải xa ngái gì?

Ồn ào một thời gian ngắn địa điểm hoàn táng nhưng mọi sự đã lặng đi khi có sự thu xếp chu tất! Có thể nói, tuy có chậm nhưng Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân đến thời điểm này  đã làm khá tốt sự chuẩn bị cho việc hoàn táng. Địa điểm hoàn táng được quyết chính là vuông đất khu vườn bà Kính.

Quyết định ấy không đơn giản bởi lẽ kéo theo việc di dời, ngoài gia đình bà Kính còn mấy hộ dân nữa, giải phóng một mặt bằng trên 1.000 m2. Một con đường cho khu di tích, tạm gọi thế sau sẽ rải nhựa, bây giờ dạng cấp phối kinh phí tỷ hơn tỷ kém với chiều dài 1,3km từ ngã ba vào làng để lấy lối đi cho linh cữu.

Thuở trước trên đường thiên lý mỗi lần hành phương Nam đi kinh lý đi vi hành hoặc bái yết sơn lăng. Không biết ngài đã theo lộ trình nào. Bữa sắp tới đây ngài trở lại Thanh Hoa, con cháu sẽ rước ngài theo lộ trình mới về đất Lam Kinh gần được mấy chục cây số. Từ Viện Bảo tàng Lịch sử (một trong hai ngả, Láng Hòa Lạc hoặc Hà Đông Vân Đình) ra đại lộ Hồ Chí Minh tức đường Trường Sơn. Con đường mà thuở nhà Lê Trung Hưng chưa có!

Khu nhà mái bằng bữa trước chúng tôi ngồi của bà Kính và mấy hộ bên cạnh đã được phá trụi. Không được biết mức đền bù ra sao nhưng việc sẵn lòng để lấy lối cho xe vua đi, để dành chỗ cho vua nằm của dân mình kể cũng đáng nể thật! (Cũng cần nói thêm, cùng lúc với những việc ấy, lặng lẽ bên Xuân Quang, như một cuộc đua thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt, phần mộ người cháu nội vua Lê Dụ Tông tức vua Lê Hiển Tông đã được xây dựng khá khang trang sau nhiều thế kỷ để tạm bợ.  Công sức ấy, tiền của ấy, lại cũng lại một tay dân biện ra cả!).

Đồng thời với những việc đó, cật lực cả một ngày 19-12-2009, trai làng làng Xuân Giang đã phát lộ chiếc quách trọng lượng không biết bao nhiêu nhưng dài 2,54m rộng 1,24m màu trắng ngà rắn đanh chắc khừ bằng vỏ sò nung cùng đất sét ngào với vôi cát, mật mía.

Sau khi rửa kỹ càng bằng nước sạch và nước thơm, các chuyên gia đánh giá sau khi bị phá (năm 1964) nay phần chiếc quách còn lại là hơn 50%. Phần quách bị phá ấy sẽ được tu tạo thêm bằng cách trám thứ vật liệu độc đáo có hẳn chuyên gia của Bộ Xây dựng lo việc này.

Lại có sự bàn thảo phối hợp giữa UBND tỉnh, dòng họ Lê toàn quốc và Bộ Văn hóa trong việc định liệu sắm sanh quan tài, đồ liệm cho vua. Nghe đâu gỗ áo quan phải thửa tận Tây Nguyên. Quần áo may ở cố đô Huế.

Chi tiết bao việc đến dường ấy nhưng nghe thầy Kỳ đang lo từng nằm 45 năm trên một cái gác ở Bảo tàng Lịch sử, không rõ di hài của ngài còn đủ vững để đỡ những phẩm phục đó không?

Thầy Kỳ cũng cho hay, lễ cúng tế sẽ được thực thi nghiêm cẩn ở cả hai nơi Hà Nội và nơi hoàn táng nhưng khoản điếu văn nghe bàn soạn bảo là không nên vì hiếm khi vua quan cho chí dân, chả ai lại điếu những hai lần?

Đến thời điểm này còn vô số việc phải lo. Không thể để việc hoàn táng sang thời điểm tháng chạp âm lịch, càng không thể để kéo sang năm mới Canh Dần.

Một cuộc đua quyết liệt với thời gian vừa chu tất việc trần thế vừa không ẩu tả mà phải đảm bảo được trật tự lớp lang của tâm linh. Nghe đâu từ quan chức đến thứ dân,  các doanh nhân họ Lê và nhiều người khác nữa đang cùng xắn tay lo việc hậu sự này?

Sử Việt mình hiếm một vị vua nào mà lúc sinh thời lẫn khi khuất núi lại lắm sự tất tả như ngài đây? Tiếng phát tích là Thanh Hoa (xin nhớ là tên Thanh Hoa có từ thời Lê, mãi khi vua Minh Mạng thêm cô con dâu  là Hồ Thị Hoa thì toàn bộ xứ Thanh mới phải đổi ra là Thanh Hóa), nhưng Dụ Tông Hoàng đế Lê Duy Phường từ bé đến lớn, ngài đều ở Thăng Long.

24 năm trên ngôi báu, 3 năm đi tu cũng là ngụ ở đất Thăng Long cả. Cho mãi đến năm 52 tuổi về với các bậc tiên đế, ngài mới yên nghỉ tại vùng đất Lam Kinh xứ Thanh những 233  năm! Không biết ngài có quở mắng chi không, nhưng rồi lại chịu khó lặn lội ra Hà Nội, tên mới của Thăng Long ngự suốt 45 năm tại một căn buồng của Viện Bảo tàng Lịch sử.

Bây giờ nhờ ơn đổi mới, ngài mới lại được về với các bậc tiên đế nhà Lê để âm phò linh trợ cho xứ Thanh Hoa nói riêng và toàn cõi Đại Việt.

Sắp tiết đông chí năm Sửu!

MỚI - NÓNG