Uẩn khúc vụ nữ sinh cắt cổ người tình

Uẩn khúc vụ nữ sinh cắt cổ người tình
TPO - Trong buổi chiều cuối cùng của năm 2009, vụ án tạm khép lại với mức án 14 năm tù cho kẻ sát nhân. Tuy vậy, những dư âm, khúc mắc và hàng loạt ý kiến trái chiều xung quanh vụ nữ sinh cắt cổ người tìn vẫn còn nguyên tính thời sự.
Uẩn khúc vụ nữ sinh cắt cổ người tình ảnh 1
Nhiều người cho rằng, Kim Anh chỉ là nạn nhân của trò chơi "Đại gia - chân dài". Ảnh: Bảo Thắng

Trước tiên, xin bàn về những kết luận của cơ quan công tố - đơn vị quyết định truy tố nữ sinh Vũ Thị Kim Anh ra trước tòa.

Tại phiên xử, kiểm sát viên cho rằng, có đủ căn cứ để truy tố Vũ Thị Kim Anh tội danh “Giết người” theo điều 93 Bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ”.

Căn cứ vào những văn bản dưới luật khi hướng dẫn về “Tính chất côn đồ”, được hiểu: Giết người có tính côn đồ là hành vi tước đoạt sinh mạng người khác một cách vô cớ, không thù hận, không mâu thuẫn, hoặc giết người trong hoàn cảnh có sự lựa chọn khác nhưng không làm, vẫn nhất định phải sử dụng hung khí để tước đoạt tính mạng..

Như vậy, theo phân tích của các chuyên gia luật học, hay của chính luật sư tham gia phiên tòa, cơ quan truy tố và xét xử đã tự mâu thuẫn với chính quyết định của mình. Bởi lẽ, cần hiểu cho đúng, hành vi giết người luôn là cố ý tước đoạt tính mạng người khác. Đồng ý Kim Anh phạm tội giết người, nhưng với tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ” thì hoàn toàn không thuyết phục.

Cả cơ quan Viện kiểm sát và Tòa án đều cho rằng, hành vi của Kim Anh là bột phát, tức thời và có một phần lỗi của bị hại. Ngay cả trong bản án, Hội đồng xét xử thừa nhận: Giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẫn, xung đột mà cụ thể là:  “bị hại sàm sỡ, sờ tay xuống ngực bị cáo nhiều lần, làm bị cáo cảm thấy bị xúc phạm”.

Thậm chí, trong lời khai tại tòa của Kim Anh và các chứng cứ trong vụ án, trước khi Kim Anh có hành vi cắt cổ anh Tiến Chính, bị cáo này bị anh Chính thò tay vào sau gáy, túm tóc, dìm đầu Kim Anh lên phía trước (một hành vi ép tình dục, bởi lúc đó anh Chính đã kéo khóa quần - lời khai của Kim Anh), làm tóc Kim Anh rụng khá nhiều ở sàn xe ô tô.

Để ngăn chặn hành vi “sàm sỡ, xúc phạm” trên, Kim Anh, trong lúc chống đỡ, tìm được con dao có sẵn trong xe và vung tay lên phía trước. Như vậy, việc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” có còn thuyết phục?.

“Khi tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ” không có căn cứ thì việc đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 17 - 19 năm tù cũng không hợp lý. Lẽ ra, bị cáo chỉ bị áp dụng khoản 2 của điều 93 với mức án từ 7 đến 15 năm tù” – luật sư Phương Nam – Trưởng văn phòng luật sư số 10 – Đoàn luật sư Hà Nội nói thêm.

Vấn đề có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án, tức là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm cũng thu hút được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Theo phân tích của luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hà Nội), tang vật vụ án thu được là con dao inox nhỏ, dùng để gọt hoa quả, khi cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, vết cắt trên cổ nạn nhân được xác định sâu hơn 4cm.

“Với sức một người con gái trong tư thế với và chỉ là vung dao lên phản vệ, vết cứa đó có thể sâu đến 4 cm được không?” -  luật sư Hải đặt ra câu hỏi.

Thêm nữa, ngay sau khi gây án, bị cáo đã gặp gỡ nhiều người, trong đó có bạn trai. Việc cơ quan công an không thu giữ được bộ quần áo dính máu của bị cáo, không thu thập được thông tin từ những người đã gặp gỡ Kim Anh ngay lúc Kim Anh cắt cổ người tình là chưa thuyết phục.

Xin miễn bàn về hậu quả của hành vi phạm tội, bởi cái mà người ta suy nghĩ nhiều chính là những gì vụ án để lại. Sau phần tuyên án, không ít người tỏ ý tiếc thương cho cô gái trẻ. Họ cho rằng, mức án là quá nặng với một nữ sinh xinh đẹp, trót mang trọng tội. Nhiều người còn tỏ ra thông cảm cho Kim Anh khi cho rằng, cô gái chỉ là nạn nhân của trò chơi “Đại gia - chân dài”.

Có người còn đặt ra những giả sử: Nếu không có cái buổi hẹn hò đó; Giả sử bị hại có một lối sống đàng hoàng hơn, chỉn chu hơn, trách nhiệm hơn với gia đình, vợ con…

Hoặc, nói như vị chủ tọa phiên tòa, vụ án chính là hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống buông thả trong bộ phận giới trẻ khi không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học vấn. Cảnh tỉnh cho một lối sinh hoạt thiếu lành mạnh của một số người có tiền của, địa vị trong xã hội.

MỚI - NÓNG