Rác vẫn giăng hè phố

Rác vẫn giăng hè phố
TP - LTS. Hai tháng sau khi UBND TP Hà Nội cùng các ban ngành, đoàn thể phát động cuộc vận động Toàn dân không vứt rác ra đường phố và nơi công cộng (ngày 3-11-2009), bộ mặt phố phường và các nơi công cộng ở Hà Nội có những chuyển biến bước đầu.

Tuy nhiên, các chuyển biến ấy chưa rõ nét và vững chắc. Từ giờ cho đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ còn hơn 200 ngày, nếu không có các biện pháp quyết liệt và kiên trì, cuộc chiến chống nạn xả rác không đúng chỗ ở Hà Nội lại có nguy cơ rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi.

Rác vẫn giăng hè phố ảnh 1
Rác trên đường Kim Ngưu. Ảnh: Đỗ Hợp

Thiếu thùng rác

Thùng rác có như không, vứt rác bừa bãi khiến đường phố, các khu công cộng của Hà Nội hầu như chỗ nào cũng thấy rác.

Tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân là nơi buôn bán, lượng gánh hàng rong đông đảo và tập trung đông khách du lịch nhất nhưng tìm mỏi mắt mới thấy một thùng rác.

Ai muốn cho rác vào thùng thì chạy ngược chạy xuôi để tìm thùng mà vứt. Bất đắc dĩ thì đành xả rác xuống đường phố mà không còn cách nào khác.

Phố Lương Yên cũng trong cảnh khan hiếm thùng rác. Lương Yên có 2 trường học là tiểu học và THCS Lương Yên, có chợ họp cả ngày nhưng không có thùng rác nào. Nhiều học sinh ăn sáng xong phi ngay rác xuống đường. Riêng chợ Lương Yên chỉ sau vài tiếng, rác đầy ứ đường.

Đi sâu vào ngõ, những khu nhà ở Lương Yên tìm thấy thùng để bỏ rác là quá khó. Túi đựng rác to, nhỏ sẵn sàng để chất ngất ở một nơi tập trung. Nhiều nhà ném ngay ra đầu nhà mình. Nhiều lu sành được trưng dụng ra làm chỗ  đổ thức ăn thừa, vứt rác. Tất nhiên, những thùng rác tự chế này chẳng hề có nắp đậy.

Nhà hát Lớn, địa điểm thu hút các hoạt động văn hóa, cũng không có thùng rác nào. Muốn để rác chỉ còn cách ra chỗ công viên gần đó mới có thùng rác. Dù có biển Cấm ăn kem, vứt rác bừa bãi nhưng muốn không vứt bừa bãi thì chỉ có con đường duy nhất là cầm hoặc cho vào túi mang về.

Khu chung cư  Đền Lừ - Hoàng Mai đang bị rác sinh hoạt xâm lấn. Tại khu chung cư mới này, rẽ vào bất cứ con đường nào cũng bắt gặp những đống rác lớn nằm chình ình. Rác nhiều vô kể, từ bồn hoa, hành lang và đường đi lại đầy rác.

Cả khu chung cư có vài ba thùng rác tự chế như hộp xốp, thùng nhựa, nằm ngay trước nhà. Không chỉ khu chung cư Đền Lừ, tại khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Bách Khoa, tập thể Kim Liên, thùng rác trở thành của hiếm.

Chợ Hôm, chợ Hoàng Mai, chợ Mai Động, chợ Đồng Xuân bói mãi cũng chẳng ra thùng rác nào. Chỉ có các xe rác lộ thiên gom rác trong ngày không bảo đảm an toàn vệ sinh trơ gan cùng nắng mưa.

Rác có mặt khắp nơi, từ ngoài đường, trong ngõ. Đường phố hở chỗ nào cũng có thể thành một bãi rác.

Có, nhưng bất hợp lí

Đến Hồ Tây, trên vỉa hè hai bên đường Thanh Niên, hay trên hồ Thiền Quang đơn vị quản lý đã lắp đặt nhiều thùng rác công cộng. Tuy nhiên, thùng rác đặt cứ như để làm duyên.

Bên hồ Thiền Quang mặt giáp với cổng của công viên Thống Nhất đặt liền tù tì 4 thùng đựng rác. Ba mặt còn lại của công viên chỉ nhõn một thùng.

Đường Bà Triệu là tuyến đường có số thùng rác tập kết khá nhiều thùng rác nhưng từ số nhà 31 Bà Triệu theo hướng Bà Triệu - Đại Cồ Việt có hơn 30 thùng rác,  riêng đoạn Viện Mắt Trung ương lắp hơn 20 thùng rác.

Trong đó, hướng Bà Triệu - Bờ Hồ có khi đi cả gần cây số tìm mãi chẳng thấy thùng rác. Phố Huế cũng tương tự, cả tuyến phố có 14 thùng rác, đoạn dồn dập nhưng có đoạn lại hoang vắng thùng rác.

Đi hết đường Phạm Ngọc Thạch chỉ có 2 thùng rác, đường Chùa Bộc được lắp tới 26 thùng rác. Tại cổng Rạp chiếu phim Quốc gia, hồ Giảng Võ, không có thùng rác công cộng nào.

Chỉ vì thùng rác được đặt vừa thiếu, vừa bất hợp lí nên nhiều đoạn đường, khu chung cư, khu vui chơi giải trí của Hà Nội trở thành bãi rác.

Ngay giữa đường đi trong khu tập thể Kim Liên, một đống rác lớn chình ình đủ loại, rau thối, hoa quả, xỉ than, túi giấy bóng... Chỉ cách đống rác nói trên vài chục bước chân là hàng chục đống rác tự phát nhỏ nhưng cũng không kém phần hổ lốn.

Bà Trịnh Ngọc Anh sống ở khu nhà B13 của tập thể Kim Liên cho biết: “Tối nào cũng có mấy công nhân vệ sinh dọn rác đi đổ nhưng sáng ra, ngõ xóm lại đầy rác và nước bẩn”.

Bà Anh cũng cho biết thêm, không có thùng rác nên ở đây thường xuyên xuất hiện những đống rác nằm cả ngày. Người thì vứt công khai, nhà thì bỏ giấu diếm, có nhà phi từ trên tầng xuống không tiếc tay.

60% tuyến phố có thùng rác công cộng

Ông Nguyễn Văn Hòa- Giám đốc Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Môi trường Đô thị, thừa nhận việc lắp đặt thùng rác vừa thiếu vừa không hợp lí.

Ông Hòa cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cty đã lắp đặt thùng rác tại hơn nửa địa điểm công cộng trong 4 quận của nội thành Hà Nội của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Năm nay, Cty đã lắp đặt 2.800 thùng. Sắp tới Cty lắp đặt thêm 1.500 thùng rác.

Ông Hòa cho rằng, ngoài hơn 4.000 thùng rác mà Cty lắp đặt năm 2009 và 4.000 thùng rác UBND TP Hà Nội cho phép lắp đặt với 1.000 thùng rác xã hội hóa của các Cty, các tư nhân tham gia để thu gom rác ở những nơi công cộng, Hà Nội sẽ giải quyết được một phần nạn xả rác ra đường.

“Từ nay cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ có rất nhiều thùng rác được lắp đặt. Việc có đủ thùng rác ở nơi công cộng sẽ làm thay đổi cách quản lí, không còn người thu gom gõ kẻng mà thay bằng ô tô đến lấy rác từ các thùng rác, tránh thu gom trong giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông”- Ông Hòa cho biết.

MỚI - NÓNG