Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu
TPO - Hôm nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến giữa Lãnh đạo Đoàn, Hội với  thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Kết nối người Việt trẻ”.
Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 1
Ảnh : Hồng Vĩnh
Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 2
Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Đúng 13h30, cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu tại trụ sở TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (62 Bà Triệu, Hà Nội). 

Mở đầu cuộc trực tuyến, anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu:

Thực hiện chủ trương chung của Đoàn, không chỉ tập trung học sinh, sinh viên trong nước mà rất quan tâm du học sinh ở nước ngoài. Chúng tôi đã có nhiều hình thức giao lưu với du học sinh nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

Hôm nay, chúng tôi tổ chức giao lưu với các bạn trẻ ở nước ngoài với mong muốn tìm được hình thức liên kết được người trẻ Việt Nam trên toàn thế giới. Với chủ đề "Kết nối người Việt trẻ", chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của các bạn và đang tiếp tục đặt câu hỏi cho khách mời.

Phía khách mời, ngoài đại diện của TƯ Đoàn, chúng tôi mời đại diện Đảng ủy ngoài nước và các đơn vị liên quan đến du học sinh và một số sinh viên đang học tại Mỹ và Canada... tham dự. Chúng tôi hi vọng, cuộc giao lưu sẽ thành công tốt đẹp.

Bạn Bùi Quốc Hùng tại địa chỉ hung_realmadrid251087@yahoo.com hỏi:

Vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các hoạt động của thanh niên Việt Nam ở nước ngoài? Có cách nào để thanh niên Viêt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong nước?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Đoàn, Hội với chức năng của mình luôn quan tâm tập hợp thanh niên dù ở nơi đâu. Chúng tôi thể hiện mối quan tâm đó bằng những hành động cụ thể trong nghị quyết và những việc làm cụ thể.

Sinh viên ở nước ngoài khó tham gia các hoạt động trong nước nhưng những năm qua Đoàn luôn quan tâm đến các bạn. Đoàn đã mời bảy bạn thanh niên ở nước ngoài tham các tổ chức, hoạt động của Đoàn trong năm qua.

Các Đại hội Tài năng trẻ, Thanh niên tiên tiến của Đoàn; giải thưởng Sao Tháng Giêng đều có sự tham gia của du học sinh.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 3
Ảnh : Hồng Vĩnh

Một số bạn sinh viên Việt Nam đang học và làm việc ở nước ngoài đặt câu hỏi:

Văn bản hướng dẫn, quy định nào cho việc thành lập và tổ chức Đoàn, Hội ở ngoài nước? Xin cho biết điều kiện, thủ tục thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đoàn ngoài nước? Hình thức sinh hoạt chi đoàn thông qua mạng internet có hợp lệ với quy định trong Điều lệ Đoàn, Hội không?. Việc thành lập hình thức Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có phù hợp với các quy định ở trong nước?

Anh Nguyễn Hữu Việt, UVBCH TƯ Đoàn, Phó Ban Tổ chức TƯ Đoàn cho biết:

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 4
Anh Nguyễn Hữu Việt. Ảnh : Hồng Vĩnh

Ban tổ chức T.Ư Đoàn là ban tham mưu cho T.Ư Đoàn về tổ chức hoạt động của các đoàn, hội ở nước ngoài. Năm 2004, T.Ư Đoàn đã ban hành hướng dẫn về thành lập, tổ chức các hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Các bạn có thể nghiên cứu văn bản này để căn cứ vào tình hình thực tiễn của hội, tổ chức của mình ở nước ngoài để tổ chức hoạt động cho phù hợp.

Quy định về tổ chức, hoạt động của các hội sinh viên và đoàn thanh niên ở nước ngoài cũng có trong một số văn bản khác, trong đó Điều lệ của Đoàn TNCS HCM cũng có quy định. Chúng tôi đang nghiên cứu để bổ sung thêm. Vừa qua, lãnh đạo T.Ư Đoàn đã thành lập tổ công tác đi khảo sát tình hình tổ chức đoàn, hội ở các nước như Nga, Ba Lan...

Cũng cần lưu ý, các đồng chí đoàn viên thanh niên nòng cốt được cử đi học tập ở nước ngoài phải liên hệ với ban tổ chức cán sự ngoài nước để thực hiện. Ngoài ra, các bạn có thể tìm thêm thông tin tại địa chỉ www.doanthanhnien.vnwww.thanhgiong.vn để biết thêm thông tin cụ thể về việc này.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 5
Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh . Ảnh : Hồng Vĩnh

Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm:

Hiện chúng ta đã có căn cứ, có văn bản quy định để thực hiện việc tổ chức, thành lập hội sinh viên ở nước ngoài. Hiện chúng ta có 3 Hội sinh viên ở các nước: Pháp, Hà Lan và Hàn quốc. Chúng ta cũng đang xúc tiến thành lập Hội sinh viên ở Anh.

Các bạn ở những nước có phong trào mạnh muốn tổ chức hội sinh viên, tổ chức đoàn có thể liên hệ với T.Ư Đoàn TNCS HCM và T.Ư Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Bạn Phạm Hoàng Yến, lưu HS tại Úc hỏi:

Tôi đang làm master tại Úc, tôi là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, song hiện không có tổ chức Đoàn để tham gia sinh hoạt, vậy làm thế nào để tôi có thể phấn đấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam? Ai là người giới thiệu, giúp đỡ tôi?

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 6
Ông Trương Mạnh Sơn. Ảnh : Hồng Vĩnh

Ông Trương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy ngoài nước: Chúng tôi hoan nghênh Hoàng Yến phấn đấu trở thành đảng viên. Hiện nay, chúng ta có các tổ chức ở nước ngoài. Bạn hãy liên hệ với các cơ quan đại diện, tham gia hoạt động trong các tổ chức, qua đó giúp đỡ bạn trở thành đảng viên.

Anh Nguyễn Đắc Vinh nói thêm: Những năm qua, nhiều du học sinh Việt Nam đã được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bạn Trần Việt Hùng, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản (viethunghgt@gmail.com) hỏi:

- Để kết nối giữa thanh niên, sinh viên ở trong nước và ngoài nước, TƯ Đoàn TN, Hội Sinh Viên, Hội LHTN đã và đang có những biện pháp, chính sách và thể hiện vai trò của mình như thế nào? Đặc biệt là việc kết nối các tổ chức Hội của thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước đang hoạt động rất có hiệu quả ở nhiều nước.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ VN trả lời:

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 7
Anh Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh : Hồng Vĩnh

Hội DN trẻ là hội lớn nhất hiện nay của cả nước, với 8.000 hội viên, bao gồm 95% các bạn thanh niên dưới 45 tuổi có khát vọng làm giàu.

Để kết nối giữa thanh niên, sinh viên ở trong nước và ngoài nước, Hội DN trẻ đã thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư TW, thực hiện đề án 103 để hỗ trợ các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.

Với đề án này, chúng tôi thực hiện các hoạt động sau:

- Đào tạo để các bạn thanh niên khởi nghiệp: bằng các hình thức như: trực tuyến (thông qua cổng Thánh Gióng).

- Gắn liền tư vấn, hỗ trợ cho các bạn thông qua hộp thư thoại, trực tiếp…cách thức này của chúng tôi khác với các chương trình đào tạo hàn lâm viện.

- Thường xuyên tổ chức đối thoại với thanh niên, sinh viên mới khởi nghiệp từ TW đến địa phương để giải quyết các khúc mắc về thủ tục hành chính, cũng như tạo sự tương tác giữa các DN trẻ với chính phủ.

- Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp mà tiêu biểu là cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ, sau cuộc thi các bạn sẽ được nhận học bổng học thạc sĩ, được các tập đoàn kinh tế tư nhân nhận và nuôi dưỡng để trở thành những người sẽ cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

- Tổ chức những chương trình kết nối thanh niên, sinh viên ở nước ngoài, đối thoại với DN, tạo cầu nối để các bạn có thể trao đổi những kinh nghiệm các bạn có được ở quốc tế, với kinh nghiệm ở VN, từ đó vận dụng thực hiện chương trình thanh niên VN xung kích trong hội nhập quốc tế và xây dựng đất nước.

Câu hỏi của bạn Bùi Lê Minh (Chi hội SVVN tại Học viện KAIST – Hàn Quốc):

Hoạt động tình nguyện của Đoàn viên, Hội viên là một trong những hoạt động nổi bật nhất của Đoàn, Hội. TW Đoàn / Hội tự đánh giá hiệu quả của hoạt động tình nguyện được bao nhiêu điểm và có kế hoạch đổi mới hay tổ chức các hoạt động tình nguyện mới không? Nếu chúng tôi muốn cùng tham gia tình nguyện với thanh niên trong nước, có lời khuyên nào cho chúng tôi?

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 8
Anh Nguyễn Phước Lộc. Ảnh : Hồng Vĩnh

Anh Nguyễn Phước Lộc - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam : Bạn đánh giá phong trào này rất tốt. Thanh niên phải tham gia những việc khó, giúp đỡ cộng đồng. Hoạt động của chúng ta có được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, chấp nhận và tham gia không?

Chúng ta có đợt tình nguyện phong trào cao điểm: tình nguyện trong tháng thanh niên; chương trình tình nguyện mùa hè với sự tham gia của nhiều đối tượng, có thanh niên lực lượng vũ trang, công nhân, thanh niên quốc tế, du học sinh...; chương trình tình nguyện mùa đông.

Tôi có lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên đang học ở nước ngoài, các bạn nên liên lạc với đại sứ quán, hội đồng hương... dạy tiếng Việt cho trẻ em thế hệ thứ ba ở nước đó. Bạn Minh có thể dạy tiếng Hàn cho cô dâu người Việt ở Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhiều du học sinh cũng về nước tham gia hoạt động tình nguyện và đây đã là năm thứ ba thực hiện việc này.

Anh Nguyễn Đắc Vinh bổ sung : Khi chúng tôi sang Singapore, nhiều bạn ở đây rất quan tâm đến vấn đề này. Có những nhóm lập dự án, xin tài trợ rồi phối hợp với Thành Đoàn hay các tổ chức trong nước để giúp đỡ người khó khăn về kinh tế.

Bạn Đoàn Nam Thái (Chi hội SVVN tại ĐH Quốc gia Seoul - Hàn Quốc) hỏi:

Được biết hiện nay Bộ Giáo dục và đào tạo đang soạn thảo quy chế quản lý du học sinh tại nước ngoài. Theo tôi việc quản lý lưu học sinh là không cần thiết? Ý kiến của Bộ giáo dục đào tạo như thế nào về việc này? 

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ GD&ĐT cho biết :

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 9
Ông Nguyễn Xuân Vang. Ảnh : Hồng Vĩnh

Hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo quy chế đào tạo, quản lý lưu học sinh ở nước ngòai và lấy ý kiến của các bộ ngành để làm sao chúng ta quản lý mà không phải quản lý, tạo điều kiện cho các bạn lưu học sinh cùng tham gia. Về việc này, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến tôi trả lời báo Tuổi trẻ và một số báo khác trong thời gian qua.

Bạn Trần Việt Hùng, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản tại địa chỉ viethunghgt@gmail.com hỏi:

“Có chính sách cụ thể nào của các doanh nhân trẻ trong đầu tư đưa đi đào tạo, hỗ trợ và tiếp nhận lưu học sinh sau khi về nước? Nếu muốn tìm kiếm cơ hội thì liên hệ với tổ chức nào?”

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ GD&ĐT: Hiện Bộ GD&ĐT có dự án thu hút Việt kiều ở nơi khác về làm việc. Cũng phải nói, hiện việc tăng cường nhân lực giáo viên giảng dạy trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng.

Có thày giỏi thì mới có sinh viên giỏi. Số giáo viên có trình độ Tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học hiện vẫn rất ít. Vì vậy những bạn có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ muốn về Việt Nam công tác thì liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ giới thiệu với các cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo cơ chế hiện nay, nguồn ngân sách trả lương khá thoáng so với trước đây và việc chi trả lương phụ thuộc theo từng trường.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 10
ông Đào Công Hải. Ảnh : Hồng Vĩnh

Bổ sung thêm thông tin, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Việc đào tạo trong nước là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Trước đây chúng tôi đi học ở nước ngoài rồi về nước công tác cũng gặp khó khăn do mức lương không cao. Đến nay môi trường làm việc trong nước đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt nếu bạn về nước công tác và kéo theo được công nghệ về trong nước thì rất hoan nghênh.

Bạn Lưu Trọng Nghĩa, TN Việt kiều tại Ba Lan hỏi:

Tôi là việt kiều tại Ba Lan, tôi rất muốn tham gia các chương trình trại hè hay các hoạt động dành cho thanh thiếu niên Việt kiều tại quê hương Việt Nam, tôi phải hỏi ai và đăng ký thế nào để tham gia?

Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, trả lời:

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 11
Ông Trần Đức Mậu. Ảnh : Hồng Vĩnh

Bạn có thể nêu yêu cầu lên đại sứ quán VN ở nước sở tại hoặc gửi về cho Ủy ban nhà nước (UBNN) người VN ở nước ngoài những địa chỉ email, số điện thoại…Ở bất cứ đại sứ quán nào cũng có bộ phận chuyên trách về người VN ở nước ngoài xử lí các yêu cầu.

Thực ra, việc tổ chức một trại hè rất tốn kém, ngay cả UBNN về người VN ở nước ngoài cũng rất mong muốn tổ chức được nhiều trại hè và đông đảo người tham gia nhưng nói thực là ngân sách chỉ có hạn. Ủy ban cũng có quỹ dành cho các hoạt động của người VN ở nước ngoài, tuy nhiên quỹ này cũng chỉ có hạn.

Tính đến nay, chúng tôi đã tổ chức 6 lần trại hè, mỗi lần chỉ có khoảng trên, dưới 100 thanh thiếu niên tham gia. Chúng tôi mong rằng có thể huy động được thêm đóng góp của các tổ chức, đoàn thể để xã hội hóa hoạt động này, nằm tăng thêm số đại biểu thanh niên, sinh viên ở nước ngoài về dự trại hè.

Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực vận động những tổ chức, doanh nghiệp tại các nước sở tại của các bạn, và thân nhân gia đình trong nước cùng phối hợp với UBNN người VN ở nước ngoài tổ chức trại hè. Hy vọng rằng nếu huy động được thêm nhiều sự đóng góp hơn nữa thì chũng ta sẽ tổ chức được nhiều trại hè, để giúp các đại biểu thanh niên trẻ VN ở nước ngoài có thể hiểu hơn nữa về đất nước.

Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp hỏi :

Chính phủ giao cơ quan nào quản lý du học sinh tự túc, học bổng? Có bao nhiêu sinh viên trở về nước? Có cơ quan nào thu thập luận văn, nghiên cứu khoa học, dịch và áp dụng phục vụ sự phát triển của đất nước?

Ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD&ĐT:

Hiện, chưa cơ quan nào thực hiện việc này. Bộ GD&ĐT thống kê được số du học sinh nhận học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý nhưng không thể nắm chính xác du học sinh tự túc.

Chúng tôi có ý tưởng, năm tới, tổ chức hội nghị Lưu học sinh ở các nước để có số liệu cụ thể hơn... Năm tới, chúng tôi dự định có một trang web để du học sinh vào cung cấp thông tin về mình. Những sinh viên giỏi gửi hồ sơ về Bộ GD&ĐT, sẽ được Bộ xem xét cấp học bổng.

Về luận văn, lưu học sinh nhận học bổng phải nộp luận văn cho Bộ GD&ĐT. Dịch ra tiếng Việt đòi hỏi nhiều công sức, đầu tư, tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ ghi nhận ý kiến của các bạn.

Ông Trần Đức Mậu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bổ sung :

Nước nào cũng có quy chế bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài. Một trong những lý do chúng ta không thể thống kê được lưu học sinh tự túc là du học sinh không thông báo với các đoàn, thể của chúng ta.

Các bạn tự túc nên liên hệ với Đại sứ quán, thông báo (gọi điện, gửi email), tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức giúp đỡ bạn trong cuộc sống.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 12
Những vị khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh : Hồng Vĩnh

Bạn Nguyễn Ngọc Hoàn (đại diện cho các bạn sinh viên thuộc Chi hội SVVN tại khu vực Kwangju – Hàn Quốc) hỏi :

Về vấn đề tạo điều kiện cho các sinh viên ở trong nước cũng như lưu học sinh ở nước ngoài có một sân chơi bổ ích mang tính hàn lâm, đó là tổ chức các hoạt động khoa học (như hội thảo, seminar, báo cáo…), vậy liệu các tổ chức đoàn thể của sinh viên và thanh niên có nên có những hỗ trợ cho những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao hoặc có các giải thưởng để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học hay không?

Anh Nguyễn Đắc Vinh:

Mô hình trong nước, chúng tôi đã quan tâm đến vấn đề này. TƯ Đoàn đã tổ chức được nhiều giải thưởng tốt hàng năm. Ở Pháp và Hàn Quốc, các bạn cũng tổ chức được hội nghị khoa học lớn, mời được nhiều chuyên gia nổi tiếng tham dự.

Các bạn có kinh nghiệm hơn chúng tôi trong lĩnh vực này, những bạn chưa có kinh nghiệm nên liên hệ với Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Pháp và Hàn Quốc để có thêm thông tin. TƯ Đoàn sẽ là cầu nối cho các bạn.

Ông Nguyễn Xuân Vang bổ sung :

Các bạn trong và ngoài nước nên liên kết nhau để nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Bộ GD&ĐT xét nhiều giải thưởng, cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc.

Bạn Nguyễn Hằng Nga đang làm việc ở Hàn Quốc hỏi:

Chúng em muốn có một hình thức tổ chức Hội hay câu lạc bộ để tổ chức các sinh hoạt chung, nhưng chủ không cho phép. Xin hỏi cơ quan quản lý lao động ngoài nước có giải pháp gì hỗ trợ chúng em?

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:

Hiện nay có khoảng 55.000 lao động VN đang làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 33.000 cô dâu người Việt. Đại sứ quán tại Hàn Quốc đã rất tích cực trong việc tổ chức những buổi giao lưu văn hóa cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc.

Hàng năm, bộ Lao động thương binh xã hội VN và bộ Lao động Hàn Quốc cùng các tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức những tuần lễ văn hóa VN tại HQ. Với những hoạt động đó, bạn chỉ cần đăng kí là được tham gia, có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng của VN tham dự những sự kiện này để phục vụ cộng đồng người Việt tại HQ.

Ban quản lý lao động VN tại HQ cũng đang có dự định và kiến nghị thành lập hội người lao động VN tại HQ, sẽ được thực hiện trong một tương lai rất gần đây.

Bạn Hồng Ngọc, sinh viên ở Nga hỏi:

Cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay với chủ đề "kết nối người Việt trẻ" nhằm tìm hiểu hoạt động của các bạn trẻ và chỉ dừng lại ở hình thức nắm được kế hoạch của các bạn sinh viên hay còn có các hoạt động khác xa hơn nữa?

Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh:

Ban tổ chức có suy nghĩ rất kỹ khi tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Kết nối người Việt trẻ” này. Cuộc giao lưu nhằm kết nối tất cả các bạn trẻ đang sống và làm việc ở cả trong nước và nước ngoài.

Là tổ chức của thanh niên, T.Ư Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phải làm nhiệm vụ này. Ngoài ra việc kết nối thông qua các buổi giao lưu trực tuyến như thế này, trong thời buổi công nghệ hiện nay cũng có phương thức kết nối giữa cá nhân các bạn sinh viên và giữa các nhóm sinh viên qua các hình thức khác như trao đổi qua diễn đàn (forum), qua chat...

T.Ư Đoàn và Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng phải mở rộng đi theo hình thức đó. Đây là một trong những khởi đầu trong phương thức kết nối người Việt trẻ với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc người Việt trẻ trong nhận thức có muốn kết nối với nhau hay không. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của bạn để có nhiều biện pháp, cách tổ chức mới, gần gũi hơn nữa.

Anh Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng cho rằng:

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 13
Anh Nguyễn Phước Lộc. Ảnh : Hồng Vĩnh 

Qua các cuộc giao lưu trực tuyến thực hiện thời gian qua, chúng tôi phát hiện nhiều đề xuất của các bạn có ý nghĩa. Trong buổi hôm nay chúng ta có mời nhiều bộ ngành cùng tham gia và lắng nghe ý kiến của các bạn. Những vấn đề nào liên quan đến các bộ ngành thì các bộ ngành đó sẽ nghiên cứu để cải tiến.

Qua các cuộc giao lưu chúng tôi cũng phát hiện và kết nối được với Hội doanh nghiệp trẻ ở Nga. Hội doanh nghiệp trẻ  ở Nga cho biết những bạn sinh viên xuất sắc nào được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam lựa chọn thì sau khi ra trường sẽ được ưu tiên chọn vào làm việc với nhiều ưu đãi tại các doanh nghiệp thuộc Hội.

Ngoài ra những hoạt động thiết thực hướng về đất nước do các bạn sinh viên Việt Nam tổ chức ở nước ngoài thì Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tại Nga sẽ tài trợ.

Hội SVVN tại Pháp hỏi :

Có nên thành lập một trang web riêng hoặc một kênh truyền hình riêng cho các nghiên cứu sinh VN đang học tập ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng cục Đào tạo, Bộ Giáo dục & Đào tạo:

Trong năm nay chúng tôi sẽ cho thiết kế một trang web cho các lưu học sinh nói chung. Còn về phía truyền hình thì chúng tôi không quản lý.

Ông Nguyễn Phước Lộc bổ sung thêm:

Tôi được biết, hiện nay, VTV4 không tổ chức sản xuất chương trình mà chỉ tích hợp những chương trình hay, có tác động tốt tới người VN ở nước ngoài.

Nhưng tôi nghĩ thời gian tới TW Đoàn sẽ làm việc với đài THVN để dành một thời lượng nào đó dành cho các thanh niên, sinh viên VN ở ngoài nói chung, và việc này sẽ cần phải có sự trợ giúp rất lớn của UBNN về người VN ở nước ngoài.

Chia sẻ về ý kiến này, ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nói:

Cá nhân tôi cho rằng một trang web riêng hoặc một kênh truyền hình riêng cho nghiên cứu sinh nếu làm được thì tốt, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay rất khó và tôi băn khoăn có nên hay không vì số lượng nghiên cứu sinh không thể đông bằng du học sinh.

Vì thế, tôi nghĩ nên làm như anh Vang nói, đó là thành lập một trang web riêng cho du học sinh và trong đó có nghiên cứu sinh. Trên thành quả trang web này có được, chúng ta sẽ chắt lọc ra kênh thông tin riêng cho các nghiên cứu sinh.

Còn về việc hợp tác với đài THVN thì đây cũng là một ý kiến rất hay, chúng tôi sẽ cùng trao đổi để thống nhất ý kiến và làm việc với đài TH.

Bạn Phạm Anh Thư, du học sinh tại Anh hỏi:

“Kính thưa anh Vinh, em được biết anh là một trong những Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam, anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh không theo đuổi con đường làm khoa học chuyên nghiệp mà lại chuyển sang làm hoạt động thanh niên?”

Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh:

Bạn Thư đặt cho tôi một câu hỏi rất khó. Tôi xin trả lời vắn tắt như thế này. Ai cũng có niềm đam mê cả. Những bạn trẻ càng có nhiều niềm đam mê. Hóa học cũng là niềm đam mê của tôi. Tất nhiên khi có đam mê thì ai cũng muốn theo đuổi đam mê đó đến cùng.

Trong cuộc sống có những nhiệm vụ được tổ chức phân công. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc được phân công đó và sẽ cố gắng vận dụng những kinh nghiệm trong công tác của mình để đưa vào thực tiễn công tác hiện nay.

Anh Nguyễn Phước Lộc bổ sung và cho biết thêm : anh Vinh hiện là  PGS.TS. Việc giao cho anh Vinh thực hiện công tác thanh niên là một điểm mới trong công tác tập hợp thanh niên, một trong những biểu trưng trong việc đoàn kết tập hợp bạn trẻ. Mong các bạn trí thức trẻ của ta ở nước ngoài cùng chung tay chung sức, đóng góp một phần trong việc xây dựng đất nước.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 14
Quang cảnh buổi giao lưu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh

Anh Nguyễn Quốc Chí, lao động tại Hàn Quốc hỏi:

Tôi là đảng viên trẻ đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc, hiện tôi không có điều kiện sinh hoạt Đảng do đặc điểm địa bàn xa trung tâm, vậy làm cách nào để tôi vẫn được sinh hoạt và không vi phạm điều lệ Đảng?

Đây cũng là sự quan tâm của bạn Đỗ Quốc Đạt đang du học tại Anh

Ông Trương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy ngoài nước:

Hiện nay, chúng ta có nhiều đảng viên học tập, nghiên cứu, lao động xuất khẩu... ở nước ngoài. Với mỗi đối tượng, có một hình thức sinh hoạt đảng cho phù hợp.

Người lao động ở nước ngoài, phối hợp với Bộ LĐTBXH để tổ chức, các bạn nên liên hệ với tổ chức nước sở tại để có hình thức sinh hoạt phù hợp, tránh gián đoạn.

Nếu là lưu học sinh, có nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên, đề nghị liên hệ với Đại sứ quán tại nước đang ở. Các Hội, đoàn thể sẽ hướng dẫn bạn tham gia, phát huy vai trò tiên phong, tích cức của mình. Trên cơ sở đó, các đoàn hội giao nhiệm vụ và giúp đỡ.

Chúc các bạn thành công.

Anh Nguyễn Đắc Vinh bổ sung : Chi bộ Đảng kết nạp Đảng nên các bạn nên giữ liên hệ với Đại sứ quán để qua đó không bị gián đoạn.  

Cũng cùng mối quan tâm về kênh thông tin dành cho những người lao động VN ở nước ngoài, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ:

Hiện nay, chúng tôi đã có trang web www.dolab.gov.vn để cung cấp các thông tin cần thiết cho những người lao động VN ở nước ngoài.

Theo thống kê chưa chính thức thì hiện nay có khoảng từ 1,5 đến 2 tỉ USD ngoại hối người lao động VN ở nước ngoài gửi về, là một nguồn lực đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, có 4 phương thức đi làm ở nước ngoài: thông qua các DN xuất khẩu lao động (85%), những DN trúng thầu các công trình xây dựng ở nước ngoài rồi mang lao động đi, các Cty nước ngoài đầu tư ở VN có Cty mẹ, Cty con gửi lao động đi đào tạo rồi quay trở về làm việc và cuối cùng là bản thân người lao động kí kết hợp đồng trực tiếp với chủ nước ngoài.

Hàng năm có khoảng 75-85.000 lao động đi nước ngoài, năm nay có hơi giảm, chỉ có khoảng 75.000 lao động. Chúng ta đa phần là lao động phổ thông, tới đây sẽ gia tăng lao động có tay nghề và chuyên gia.

Hạn chế của lao động Việt Nam đó là: tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp. Chủ nước ngoài có lẽ chỉ quan tâm tới tác phong CN thôi. Qua diễn đàn này, chúng tôi hy vọng mỗi người lao động VN sẽ là một nhà ngoại giao nhân dân, nếu hình ảnh người lao động VN tốt thì hình ảnh của VN cũng sẽ tốt.

Bạn Phan Hoàng Việt Sĩ đặt câu hỏi:

Sự xuất hiện của trò chơi game online thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Có biện pháp gì thu hút tập hợp các bạn trẻ, hạn chế việc các bạn trẻ mất nhiều thời gian cho các trò chơi online?

Anh Nguyễn Phước Lộc:

Liên quan đến kỹ năng có 2 loại thực hành xã hội và kỹ năng sống. Một người thanh niên phải hướng và gắn với phát triển của cộng đồng. Để có kỹ năng thực hành xã hội thì cũng cần phải có kỹ năng sống. Ngành giáo dục đã trang bị cho các bạn kỹ năng thực hành xã hội.

Để giúp các bạn toàn diện hơn thì Đoàn Thanh Niên đã ban hành chương trình hành động, đưa thanh niên tham gia các hoạt động trải nghiệm xã hội, hoạt động tình nguyện.

Chúng tôi cũng đưa vào một số tiêu chí gia tăng giúp thanh niên nỗ lực hơn. Chúng tôi cũng ký thoả thuận hợp tác với Vinagame để trong các chương trình trò chơi có đưa ra các thông điệp định hướng cho các bạn trẻ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có đào tạo các kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho các bạn trẻ qua việc mời 1000 doanh nhân thành đạt trao đổi với các bạn trẻ, mời các bạn tham gia tham quan các doanh nghiệp của những doanh nghiệp tham gia chương trình để hiểu rõ hơn về hoạt động của các doanh nghiệp đó và tiếp cận với những doanh nhân trong thực tế. Điều chúng tôi muốn tham gia nữa là nâng đỡ cho các bạn trẻ thuộc lứa tuổi 16.

Chúng tôi cũng nghiên cứu, kết hợp các chương trình giáo dục, thực hiện tiêu chí trường học thân thiện, học sinh tích cực. Chúng tôi cũng đưa vào chương trình học kỳ quân đội, qua đó đào tạo bản lĩnh cho các bạn trẻ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có mô hình mới là học kỳ trên biển, câu lạc bộ sống khỏe mạnh và an toàn, giúp vừa giáo dục bản lĩnh và giúp các bạn trẻ trải nghiệm kỹ năng sống của mình. Đó là những nội dung chúng tôi đã thể nghiệm và đưa vào cuộc sống.

Về hỗ trợ các bạn sinh viên ở nước ngoài kết nối với các tổ chức hội ở trong nước thì đây là vấn đề mà các anh Vang, anh Hải, anh Mậu và cả tôi đã trả lời ở phần đầu của cuộc giao lưu, mời bạn theo dõi ở phần trên.

Ông Nguyễn Xuân Vang bổ sung:

Đây là câu hỏi rất hay. Tôi có nói với các học sinh của tôi là mỗi một lưu học sinh khi học và công tác ở nước ngoài làm sao đưa hình ảnh của đất nước ra nước ngoài. Còn việc nhiều bạn trẻ ham chơi game hơn học thì ở đây phụ thuộc lựa chọn của các bạn: Chơi game hay học tập.

Chúng ta học ở nước ngoài hay ở trong nước là lựa chọn của mỗi cá nhân. Ở đây thì chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các bạn học tập, lựa chọn ngành nào, ở đâu, học ở nhà hay ở nước ngoài.

Chúng tôi cũng nhận thấy các bạn sinh viên học ở trong nước khi ra học ở nước ngoài cũng cũng ngang ngửa với các bạn nước ngoài. Tôi muốn chia sẻ một vài ý kiến về thái độ của các bạn với việc lựa chọn nghề nghiệp, môi trường làm việc của mình.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 15
Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh : Hồng Vĩnh

Có mặt tại đầu cầu Hà Nội, bạn Đinh Mai Long – Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh cho biết:

Tôi học ngành Tài chính và Phát triển nên không quá chú trọng đến kĩ năng nhưng theo tôi, học nghề nào cũng cần kĩ năng như học nhóm, chứ không đơn thuần tiếp thu kiến thức từ giáo trình, sách... Đó cũng là cách để hòa nhập với văn hóa, lối sống của nước sở tại.

Sinh viên Việt Nam mới sang thường nhút nhát, các bạn mới sang nên mạnh dạn hội nhập với sinh viên quốc tế. Nói chung, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá tốt, chăm chỉ, nghị lực.

Bạn Thảo Huỳnh:  Tôi là 8X, đang làm phát hành báo, tạp chí cho người Việt ở nước ngoài. Với mục đích muốn mang thông tin chính xác cho người Việt, vui lòng cho biết thông tin của Hội SVVN ở các nước, cũng như hướng hợp tác phát triển.

Anh Nguyễn Đắc Vinh:

Qua một năm phấn đấu, Hội SVVN ra mắt trang web: www.hsvn.vn, sắp tới đổi thành www.hoisinhvien.vn. Trong đó, sẽ có hình thức kết nối với bạn trẻ ở nước ngoài. Các bạn có thể khai thác thông tin về chính sách, đất nước, con người Việt Nam... Được sự giúp đỡ của báo Sinh Viên Việt Nam, chúng tôi hi vọng tới đây trang web này sẽ hoàn thiện hơn.

Một bạn du học sinh tại Lào chia sẻ về việc chưa được tham gia nhiều vào các chương trình tình nguyện của VN giúp đỡ nước bạn Lào.

Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết:

Trong quá trình tổ chức cho các đoàn sinh viên tình nguyện giúp nước bạn Lào, một số tỉnh có biên giới chung với Lào thì chúng ta đã làm tốt, nhưng chính băn khoăn của bạn đã gợi ý cho chúng tôi rằng tại sao lại không kết nối với chính các bạn sinh viên đang học tập ở Lào để giúp xây dựng các chương trình tình nguyện tại Lào hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn trong các chiến dịch tình nguyện năm nay.

Anh Nguyễn Phước Lộc đề xuất với các bạn sinh viên VN đang học tại Lào:

Hiện nay, theo thống kê chưa chính thức, tại chiến trường Lào, Campuchia có khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được về VN. Chúng ta nên nhanh chóng tìm kiếm các hài cốt này càng sớm càng tốt. Vậy, theo tôi, mùa hè này các bạn thanh niên VN tại Lào hãy cùng với các đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của quân đội nhân dân VN thực hiện việc làm có ý nghĩa nhân văn và vô cùng thiêng liêng này.

Ông Nguyễn Xuân Vang bổ sung:

Hàng năm Bộ GD-ĐT cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên Lào, mỗi năm 600 học bổng. VN và Lào có mối quan hệ đặc biệt và chúng ta giúp Lào nhiều. Theo tôi, các bạn sinh viên tình nguyện của VN tại Lào có thể giúp các bạn sinh viên Lào học tiếng Việt tốt để khi sang học đại học ở VN các bạn đó sẽ hòa nhập và học tập tốt hơn.

Đại diện Hội Thanh niên, sinh viên tại Melbourne, Australia, hỏi:

Hiện Đoàn, Hội Thanh niên có rất nhiều giải thưởng có uy tín và vị thế tốt trong xã hội. Liệu trong tương lai có thể có hình thức giải thưởng nào dành riêng cho thanh niên, sinh viên ở ngoài nước không?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Giải thưởng chính thức cho SV ở nước ngoài là Sao Tháng Giêng. Vừa qua, chúng tôi bàn với báo SV, từ năm học này, sẽ giảm SV trong nước xuống 100 người, dự kiến trao 50 giải cho lưu học sinh. Như vậy, thể hiện sự quan tâm đối với lưu học sinh.

Bạn Hoàng hiện đang lao động tại Libya hỏi: Em bị chủ trừ tiền công vậy nay muốn nhờ can thiệp thì bọn em có thể hỏi ở đâu?

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội :

Nói về Libya thì đây là thị trường tiềm năng. Hiện có gần 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Chúng tôi cũng cấp phép cho 8 công ty được tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường này.

Trước khi đưa người lao động đi sang làm việc, các công ty phải đăng ký chính sách với người lao động ra làm sao để Cục chúng tôi thẩm định.

Nếu bạn đi qua công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam thì bạn có thể yêu cầu công ty đàm phán với chủ xem họ trả lương thế nào. Hình thức trả lương là lương cơ bản cộng lương làm thêm giờ hay trả lương trọn gói. Bao giờ cũng có đại diện của công ty đưa người lao động đi xuất khẩu ở bên đó. Còn nếu không bạn có thể liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở bên đó.

Chúng ta có cơ quan đại diện cho lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Cộng hòa Séc, Libya.... Bạn cũng có thể tham khảo danh sách các công ty, các cơ quan quản lý lao động của Việt Nam ở nước ngoài thông qua website của Cục chúng tôi.

Cũng cần nói thêm, ở các thị trường như Libya có các công việc rất phù hợp với lao động của ta. Lao động có thể có thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Hiện có 1,15 triệu lượt người đã sang làm việc. Về lương thì các lao động làm việc hợp đồng đều được ký.

Trong trường hợp cần sự can thiệp, ban có thể liên lạc với Ban đại diện lao động hoặc liên hệ qua đường dây nóng của chúng tôi ở Hà Nội theo số điện thoại (04) 38249517 xin máy lẻ 511, 512, 513.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 16
Ông Trương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy ngoài nước. Ảnh : Hồng Vĩnh

Một bạn lưu học sinh hỏi :

Em là đối tượng cảm tình đảng của cơ quan trong nước trước khi du học, có cách nào không gián đoạn khi ra nước ngoài?

Ông Trương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy ngoài nước:

Trước khi đi, bạn báo cáo việc đi học với chi bộ cơ sở, đề nghị chứng nhận cho bạn đối tượng đảng viên. Sau khi sang nước định cư, bạn nộp cho đảng bộ hay chi bộ nước đang theo học. Bạn tham gia hoạt động với các tổ chức đoàn, hội ở đó để tiếp tục phấn đấu.

Bạn Phạm Tuấn Anh, lưu học sinh tại ĐH Quốc gia Singapore hỏi:

Qua báo chí tôi được biết vừa qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên Đại hội Tài năng trẻ. Sau Đại hội tài năng trẻ lần I, đã có những chuyển biến gì trong công tác này và dự kiến hoạt động tới là gì? Nhất là việc quan tâm đến lực lượng lưu học sinh đang học tại nước ngoài?

Anh Nguyễn Đắc Vinh :

Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ I là sự kiện quan trọng, là 1 trong 10 hoạt động tiêu biểu nhất của phong trào thanh niên năm 2009. Đại hội là bước khởi đầu triển khai các hoạt động mới của Đoàn thanh niên trong công tác tài năng trẻ nhằm tăng cường tập hợp đội ngũ tài năng trẻ quốc gia, bồi dưỡng, phát huy các tài năng trẻ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện khẩu hiệu của Đại hội là “Tài năng trẻ VN: Kết nối toàn cầu, dựng xây đất nước”, trọng tâm công tác tài năng trẻ trong thời gian tới là tập hợp và kết nối đội ngũ tài năng trẻ ở cả trong và ngoài nước.

Ngay sau Đại hội Trung ương Đoàn đã triển khai các công việc cần thiết như: triển khai hoạt động của Hội đồng Bảo trợ Tài năng trẻ Việt Nam, chuẩn bị dự án Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ Việt Nam, xúc tiến chuẩn bị thành lập Hội đồng Kết nối Tài năng trẻ Việt Nam.

Dự án Xây dựng Hệ thống CSDL Tài năng trẻ Việt Nam sẽ được đầu tư triển khai ngay trong năm 2010, ngoài hệ thống CSDL được hình thành ở 2 cấp là Trung ương và các tỉnh, thành phố sẽ còn thiết lập diễn đàn thông tin và kết nối toàn cầu các tài năng trẻ Việt Nam, tất cả các tài năng trẻ Việt Nam ở mọi nơi trên thể giới đều có thể tham gia và góp phần xây dựng diễn đàn này.

Trong công tác tài năng trẻ, các hoạt động phát hiện, tuyên dương và tôn vinh vẫn tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh như: Giải thường Quả Cầu Vàng dành cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực CNTT (đã được trao tháng 12/2009), Giải thưởng Lương Đình Của cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (đã trao tháng 12/2009), Giải thưởng Sao Tháng Giêng dành cho sinh viên tiêu biểu (trao trong tháng 1/2010),…

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 17
Báo chí tác nghiệp tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh : Hồng Vĩnh

Bạn Lê Thành Đông (Ba Lan) đặt câu hỏi:

Do điều kiện cuộc sống và ở xa các bạn trẻ ở nước ngoài hiện không có nhiều thông tin về hoạt động Đoàn. Ban  Bí thư T.Ư Đoàn có biện pháp gì để bồi dưỡng cho các bạn trẻ về công tác đoàn ở nước ngoài?

Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh:

Với các bạn làm công  tác đoàn cần quan tâm đến vấn đề tập huấn cho các bạn ở ngoài nước hay trong nước. Nếu các bạn ở nước ngoài rồi thì đương nhiên việc tập huấn phải thực hiện ở ngoài nước. Ngoài ra, trước khi các bạn đi ra nước ngòai học tập, công tác thì cũng có các chương trình tập huấn công tác xã hội.

Nếu chỉ một mình T.Ư Đoàn thì cũng không thể thực hiện được. Rất mong có sự phối hợp của các bộ ngành. T.Ư Đoàn sẽ đứng ra đào tạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng tổ chức cho các bạn. Về phía T.Ư Đoàn TNCS HCM chúng tôi cam kết sẽ biên soạn sổ tay cán bộ đoàn, cán bộ hội với những vấn đề cơ bản nhất để cung cấp cho các bạn.

Cũng rất mong các bạn truy cập vào website của đoàn thanh niên để tra cứu các văn bản về quy định hoạt động, tổ chức của đoàn, hội. Những vấn đề gì chưa rõ, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với T.Ư Đoàn, T.Ư Hội sinh viên Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của các bạn.

Ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước:

Tôi cũng có một vài nhiệm kỳ ở nước ngoài nên cũng biết về thực tế này. Việc này thời gian qua chưa đươc làm thường xuyên. Cũng cần có sự quan tâm đối với việc các bạn trẻ ở nước ngoài tham gia vào Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ở nước ngoài ra sao. Các bạn có hoạt động gì. Đây là vấn đề chúng tôi đề nghị T.Ư Đoàn quan tâm.

Giờ các bạn ở rất xa nên cần có các quyển sổ tay cung cấp thông tin về hoạt động của tổ chức đoàn, hội cho các bạn, đòi hỏi có sự phối hợp của T.Ư Đoàn và các cơ quan có liên quan.

Hàng năm chúng ta có khoảng 500 – 600 lưu học sinh đi học ở nước ngoài nhưng không phải bạn nào cũng được tập huấn các kỹ năng về tổ chức đoàn, hội, các kỹ năng vẫn rất thiếu. Nên chăng chúng ta tập huấn cho các bạn ở các khu vực châu Âu, châu Á về các kỹ năng tổ chức lửa trại thế nào, kỹ năng tổ chức các hoạt động hội thế nào. Như vậy sẽ tốt hơn.

Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao bổ sung:

Khi chúng ta hình thành, có được các tổ chức thì cần có những người khong chỉ tâm huyết mà có kinh nghiệm trong công tác này. Đây là vấn đề không chỉ đặt ra với  T.Ư Đoàn mà cả các cơ quan khác để chúng ta có được những người có thể đào tạo công tác Đoàn.

Trực tuyến: Kết nối người Việt trẻ toàn cầu ảnh 18
Học sinh, sinh viên Việt Nam tại Lào tham gia giao lưu

Câu hỏi của anh Vũ Ngọc Phan (Chi hội SVVN tại ĐH Korea – Seoul - Hàn Quốc):

Trong tình hình hiện nay, khi du học ở nước ngoài thì thông tin trái chiều rất nhiều, trong khi thông tin chính thống từ quê nhà thì ít nên lưu học sinh có thể có những suy nghĩ khác, cách nhìn khác. Trung ương Đoàn và Trung ương Hội  đã, đang và sẽ làm gì để định hướng tư tưởng cho sinh viên du học nước ngoài vì đây là những người được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chế độ chính trị khác nhau và nhiều nguồn thông tin khác nhau?

Anh Nguyễn Đắc Vinh:

Hiện nay, báo chí điện tử của chúng ta cập nhật thông tin hàng ngày. Ngoài ra, báo giấy cũng có các trang điện tử. Chúng tôi mong lưu học sinh đọc, khai thác thông tin trên báo điện tử và trang web của TƯ Đoàn. Chúng tôi mong các bạn có bản lĩnh để sàng lọc thông tin, giữ vững lập trường. Rất mong các bạn trẻ giữ được chính mình.

TƯ Đoàn bằng các biện pháp khác nhau, sẽ gần gũi, giao lưu, trao đổi thông tin được với các bạn nhiều nhất. TƯ Đoàn có một số báo rất mạnh như Tiền Phong, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam, Tuổi Trẻ. Mong các bạn truy cập vào những báo này để có được thông tin chính xác, chính thống.

Bạn Nguyễn Xuân Nhật tại Trung Quốc bày tỏ băn khoăn về những chủ trương hỗ trợ cho các sinh viên học tập và tiếp tục ở lại làm việc tại nước ngoài và các bạn du học sinh quay về VN để học tập và làm việc.

Ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao : Nguyện vọng ở lại tu nghiệp hay về phục vụ trong nước đều là những nguyện vọng rất chính đáng. Nguyện vọng của đất nước chúng ta là “dân giàu, nước mạnh” thì ai làm giàu được ở nước ngoài cũng là tốt. Nhưng tất nhiên, quốc gia nào chả muốn các bạn trở về phục vụ quê hương. Bạn cũng không nên băn khoăn phải ưu tiên cho cái gì, lúc nào bạn quay về cũng sẽ có cơ hội để phục vụ đất nước.

Việc thu hút trí thức trong cộng đồng người VN ở nước ngoài về VN được Đảng và NN ta rất quan tâm, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải thấy rằng những biện pháp đó cần được điều chỉnh bổ sung, cập nhật liên tục.

Nhưng theo tôi, người VN ở nước ngoài trước tiên cũng phải thành đạt, vững mạnh ở nước ngoài, được người nước ngoài nể trọng, rồi sau đó mới đến việc họ làm cầu nối giữa đất nước đó với VN, rồi tiếp theo, trong khả năng của mình thì họ làm được gì cho đất nước thì làm. Đó mới là thứ tự ưu tiên chứ không phải ngược lại.

Chủ đề của cuộc trực tuyến ngày hôm nay rất hay. Theo tôi, không chỉ kết nối người Việt ở nước ngoài với trong nước mà cần phải kết nối ngay cả người Việt tại nước sở tại, tại châu lục này với châu lục kia…Nếu các bạn có thể củng cố cộng đồng người Việt tại nước bạn ở thì bạn sẽ có cơ hội tiếp tục kết nối với người Việt ở trong nước và các châu lục khác.

Anh Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ:

Người Việt dù ở đâu cũng phải luôn làm tốt công việc của mình. Đất nước ta đang có chủ trương xây dựng một nước công nghiệp hiện đại, vì vậy cần nguồn nhân lực cao. Đất nước, gia đình, xã hội đã đầu tư nhiều cho các bạn đề có thể tiếp cận tri thức cao và mong các bạn về đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực mới.

Bản thân tôi cũng rất mong muốn các bạn nghiên cứu sinh, du học sinh, các nhà khoa học trẻ sẽ quay về để phục vụ cho tổ quốc.

Đại diện Hội Siên viên Việt Nam tại Nhật Bản hỏi: Cơ quan chuyên trách nào tập hợp ý tưởng, sáng kiến của lưu học sinh?..

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi sẽ gửi câu hỏi này để xin ý kiến của các bộ, ngành. Cá nhân tôi cho rằng, việc đưa ý tưởng, sáng kiến của lưu học sinh về nước là vấn đề sẽ suy nghĩ, đề xuất...

Anh Nguyễn Phước Lộc nói thêm: Khi ra nước ngoài, chúng ta có điều kiện nhìn nhận nền kinh tế và so sánh với đất nước mình. Mong muốn đóng góp cho đất nước là rất chính đáng. Ngoài trách nhiệm của bộ, ngành, Đoàn TNCS HCM cũng sẽ phải tham gia vấn đề này. Những ý kiến sáng tạo, các bạn cứ mạnh dạn đề xuất, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các cơ quan cần thiết.

Kết thúc cuộc trực tuyến, anh Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ:

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh cho biết còn rất nhiều việc phải làm để kết nối hiệu quả, tập hợp sức mạnh của người trẻ xây dựng đất nước. Trong đó yếu tố quan trọng là đi từ nhu cầu của chính các bạn.

Anh nói: Chương trình đã đạt được tiêu chí đề ra, các khách mời trao đổi thẳng thắn, đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm. Chúng tôi đã nghe được nhiều ý kiến đóng góp của các bạn, nhận thấy nhu cầu của các bạn du học sinh, nghiên cứu sinh lớn nhưng mình mới đáp ứng được một phần nhỏ nên phải cố gắng hơn nữa.

Tất nhiên chúng tôi muốn chia sẻ nhiều hơn nhưng ngày hôm nay vẫn chưa thể đáp ứng hết mong muốn, nguyện vọng của các bạn. Nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức của mình, những câu hỏi chưa giải đáp hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đăng tải trên website của đoàn TNCS HCM, những câu hỏi có liên quan đến bộ ngành chúng tôi sẽ chuyển cho các bộ ngành trả lời cho các bạn.

Sau cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, thay mặt Ban tổ chức chúng tôi xin gửi đến các bạn trẻ một số thông điệp như sau:

Chúng tôi luôn coi thanh niên VN ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của thanh niên VN. Kết thúc buổi giao lưu ngày hôm nay chúng ta đã nghe được nhiều nguyện vọng, ý tưởng, TW Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu những ý tưởng đó và hỗ trợ cho các bạn sinh viên. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công với sự đóng góp, nỗ lực của các bạn và của chúng tôi.

Chúng tôi mong muốn, mỗi bạn trẻ với lĩnh vực mà mình đang làm, hãy cố gắng phát huy nỗ lực để tạo dựng hình ảnh đẹp nhất trong con mắt bạn bè quốc tế về những người Việt trẻ: vừa cần cù, thông minh, rất trí tuệ nhưng cũng bản lĩnh. Từ kết quả thông qua học tập, lao động, sản xuất của các bạn, chúng tôi mong muốn một ngày nào đó các bạn sẽ trở về trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Để thực hiện được sự kết nối với những người Việt trẻ không thể thiếu được những mong muốn, nỗ lực của chính cá nhân các bạn. Chúng tôi mong muốn mỗi người Việt trẻ sẽ cùng chung tay để có thể kết nối và cùng chia sẻ các vấn đề, nhằm đóng góp hết sức cho quê hương VN.

Buổi giao lưu trực tuyến nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm lần thứ 60 ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam, với mong muốn kết nối người Việt trẻ trong và ngoài nước tạo thành sức mạnh đoàn kết thanh niên Việt Nam toàn cầu hướng về Tổ quốc; tạo ra một diễn đàn để cung cấp thông tin, chia sẻ cùng các bạn trẻ Việt Nam ở ngoài nước về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chủ trương của Đoàn trong việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện trong học tập, cuộc sống, đồng thời tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người Việt trẻ nhằm kết nối trí tuệ Việt toàn cầu tham gia xây dựng đất nước.

Chủ  trì cuộc Giao lưu là PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, đ/c Nguyễn Phước Lộc, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đ/c Phùng Khánh Tài, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, trưởng Ban Quốc tế TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Cùng tham gia trả lời còn có đại diện các lãnh đạo các Ban, Ngành Trung ương gồm: đ/c Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước; đ/c Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đ/c Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các đơn vị thường trực liên quan.

Hiện Ban Tổ chức đã kết nối với các điểm cầu: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nga, Hà Lan, Anh, Mỹ… cùng tham gia trực tuyến. Ban Tổ chức cũng đã nhận được số lượng lớn câu hỏi trên các lĩnh vực khác nhau từ các kênh: email, qua website và các tổ chức Đoàn/ Hội ngoài nước thu thập và chuyển về. Các câu hỏi khá đa dạng về lĩnh vực và nội dung thể hiện sự đa dạng về thành phần tham gia và địa bàn sinh sống của thanh niên ngoài nước.

Chủ trì  cuộc giao lưu:

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Đ/c Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN.

Đ/c Phùng Khánh Tài, UVTV TƯ Đoàn, trưởng Ban Quốc tế TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN.

Các vị đại biểu khách mời:

Đ/c Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Đ/c Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Đ/c Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Các đồng chí lãnh đạo các Ban, đơn vị thành viên Tổ công tác Thanh niên Ngoài nước của Trung ương Đoàn :

- Trần Thanh Lâm, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đoàn

- Nguyễn Hữu Việt, UVBCH Phó Ban Tổ chức TƯ Đoàn

- Đặng Quốc Toàn, UVBCH, Phó Ban TN Công nhân và Đô thị TƯ Đoàn

- Lê  Hoàng Anh, UVBCH, Phó Ban TN Trường học TƯ Đoàn

- Lò  Quang Tú, UVBCH, Phó Ban Đoàn kết tập hợp TN TƯ  Đoàn

- Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ VN

- Phạm Tấn Công, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ  và Tài năng trẻ.

MỚI - NÓNG